Chiến binh bay - mô hình của tương lai?
Sự kiện lực lượng Hamas sử dụng dù lượn có động cơ, tấn công bất ngờ vào Israel đã báo hiệu những thay đổi trong tác chiến đường không thời hiện đại. Những thiết bị bay cá nhân rẻ tiền, nhỏ gọn có thể ngày càng phổ biến trên chiến trường, biến một đội quân thành những “chiến binh bay”.
Ngày 7/10/2023, các chiến binh Hamas dùng dù lượn có động cơ xâm nhập Israel, thực hiện cuộc tấn công tàn khốc nhằm vào một lễ hội âm nhạc được tổ chức gần Dải Gaza. Đây là lần đầu tiên dù lượn có động cơ được sử dụng trong vai trò phương tiện chở quân quy mô lớn như thế. Các nhà quan sát cho rằng có nhiều yếu tố khiến phi đội không quân Falcon của lực lượng Hamas quyết định sử dụng loại khí tài phi truyền thống này. Trong khi đó, quân đội Mỹ cũng đang cân nhắc khả năng binh sĩ của họ tiếp cận chiến trường bằng dù lượn có động cơ hoặc các thiết bị di chuyển trên không cá nhân (personal air mobility hay PAM) khác.
Dù lượn có động cơ là môn thể thao mạo hiểm phổ biến. Thiết bị này thường bay với tốc độ từ 24 đến 80 km/h ở độ cao lên tới 5.500m, thậm chí hơn nếu phi công được cấp phép. Những cỗ dù lượn có động cơ nặng từ 20 kg đến 40 kg. Tốc độ chậm và cánh mềm khiến chúng không phù hợp trong môi trường có gió mạnh, nhiễu động hoặc hoạt động nhiệt mạnh, đặc biệt khi phi công thiếu kinh nghiệm.
Vì sao Hamas chọn dù lượn?
Bay thấp và chậm, dễ vận chuyển, sử dụng ít thiết bị, chi phí bảo trì thấp, ít bộ phận kim loại và tiết diện radar thấp của tàu lượn khiến chúng trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với Hamas. Tiết diện radar (radar cross section hay RCS) thể hiện mức độ mà một vật thể phản xạ trở lại nguồn phát sóng radar. Giá trị này thường được sử dụng để đánh giá khả năng phát hiện các phương tiện như máy bay, tàu thuyền hoặc tên lửa, và đặc biệt là trong thiết kế các phương tiện tàng hình. RCS được đo bằng đơn vị diện tích (thường là m2) và một vật thể có RCS lớn sẽ dễ bị phát hiện bởi radar hơn so với một vật thể có RCS nhỏ.
Đặc điểm này của dù lượn giúp các chiến binh Hamas tránh được các hệ thống radar của Israel và nhanh chóng hạ cánh xuống khu vực mục tiêu. Bay ở độ cao thấp và vượt qua hàng rào biên giới ở Gaza, quân Hamas đã tránh né được hệ thống radar Vòm sắt của Israel khi hàng trăm dù lượn hạ cánh trên đất Israel trong vòng vài phút vào ngày 7/10/2023.
Với khả năng mang theo 15 lít xăng, bay được 100 km, dù lượn biến thành phương tiện chiến đấu rẻ tiền để Hamas thực hiện cuộc tấn công thảm sát sau đó. Toàn bộ hoạt động từ lắp ráp đến cất cánh chỉ diễn ra trong vài phút. Ngoài ra, việc điều khiển dù lượn có động cơ không quá phức tạp và phi công có thể được đào tạo trong vòng vài tuần.
Cuộc tấn công được thực hiện theo nhiều hướng, trên bộ, trên không và trên mặt nước, khiến quân đội Israel bối rối và không thể phản ứng hiệu quả. “Sau sự kiện này, dù lượn có động cơ đã trở thành một nền tảng quân sự đáng lưu tâm”, tướng không quân Ấn Độ Anil Chopra nói với EA Times. Dù lượn có động cơ, theo ông Chopra, là máy bay có động cơ đơn giản nhất hiện nay. Thiết bị do vận động viên nhảy dù người Canada Domina Jalbert sáng chế, ra đời từ năm 1964, bao gồm một dù lượn gắn kèm động cơ xăng hoặc diesel để quay cánh quạt. Ngày nay, có thể các loại dù lượn chạy điện, nghĩa là "động cơ dù" được cung cấp năng lượng bằng pin, mặc dù các phiên bản điện hiện có phạm vi hoạt động ngắn hơn nhiều so với động cơ xăng hay diesel.
Ngoài dù lượn, một số loại phương tiện bay cá nhân cũng đang được một số cường quốc quân sự phát triển nhắm tới nhiều mục đích. Các nhiệm vụ này bao gồm chuyển quân, hỗ trợ chiến đấu trong đô thị, tìm kiếm và cứu hộ chiến đấu, ngăn chặn trên biển, tác chiến đặc nhiệm. Một phương tiện bay cá nhân thông thường cho phép một người lính di chuyển trong phạm vi ít nhất 5 km, được lắp ráp và triển khai trong vòng chưa đầy 10 phút và không cần sự hỗ trợ từ thiết bị bên ngoài. Những phương tiện này có khả năng vận chuyển một binh sĩ nặng từ 80 đến 180 kg tính cả vũ khí trang bị, bay xa hàng trăm km, giảm sự phụ thuộc vào máy bay truyền thống và gia tăng phạm vi tác chiến so với lính dù thông thường.
Quân đội Mỹ là lực lượng rất hứng thú với ý tưởng thiết bị bay cá nhân. Vào những năm 1950, Lục quân, Thủy quân lục chiến và Không quân Mỹ, với nguồn tài chính dồi dào và mong muốn biến người lính thành những “chiến binh bay”, đã thử nghiệm không dưới 4 thiết kế phương tiện bay cá nhân. Thiết bị mang tên Williams X-Jet với động cơ phản lực có thể chuyên chở một người lính bay với tốc độ lên đến 100 km/h và độ cao 3.300m, theo tạp chí Plane Historia.
Thiết kế thứ hai mang tên De Lackner HZ-1 Aerocycle, là một "trực thăng cá nhân" do công ty De Lackner Helicopters phát triển vào giữa những năm 1950. Người Mỹ ban đầu có ý tưởng tạo ra một thiết bị bay đơn giản, ai cũng có thể điều khiển được sau 20 phút hướng dẫn. HZ-1 được kỳ vọng trở thành máy bay trinh sát tiêu chuẩn của Lục quân Mỹ. Mặc dù thử nghiệm ban đầu cho thấy máy bay này có triển vọng cung cấp khả năng cơ động trên chiến trường, nhưng thực tế cho thấy một binh sĩ chưa qua đào tạo có có khả năng điều khiển HZ-1, và sau một số vụ tai nạn, dự án đã bị hủy bỏ.
Hai thiết bị còn lại là Hiller Model 1031-A-1 Flying Platform và Hiller YROE-1 Rotorcycle. Cả bốn thiết kế đều mang nhiều khiếm khuyết, vận hành nguy hiểm, dễ gây tai nạn. Bay chậm nên chúng cũng dễ bị hỏa lực đối phương tiêu diệt. Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn cho thử nghiệm thiết bị bay cá nhân cho đến những năm 1960, không có thiết kế nào được mua với số lượng lớn và đưa vào hoạt động. Nhưng người Mỹ, theo tướng Chopra, vẫn đau đáu với ý tưởng thiết bị bay cá nhân. “Liệu dù lượn có động cơ chính là câu trả lời cho họ không? Lục quân Mỹ chắc chắn đang nghiên cứu khả năng này”, vị phi công chiến đấu kỳ cựu của Không quân Ấn Độ, nay là nhà nghiên cứu hàng không quân sự nói.
Nhiều thiết bị bay nhỏ gọn
Và không chỉ dù lượn có động cơ, ngày nay đã xuất hiện nhiều thiết bị bay gọn nhẹ khác như ba lô phản lực (jet pack) hay bộ đồ bay có cánh gắn động cơ (powered wing-suit). Ba lô phản lực là một thiết bị tương tự như ba lô phi công đeo trên lưng, động cơ phản lực hoặc động cơ đẩy giúp người mang chúng bay lên. Trên bộ đồ bay có gắn động cơ, các động cơ đẩy được bố trí ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, chẳng hạn như cánh tay, chân và lưng. Các mô hình đầu tiên đã được trình diễn từ những năm 1960. Nhưng ngay từ năm 1919, nhà sáng chế Alexander Andreev người Nga đã hình thành ý tưởng về một chiếc ba lô phản lực với thiết kế một động cơ tên lửa đeo trên lưng. Ba lô phản lực được sử dụng trong quân đội Mỹ với nhiều nhiệm vụ, bao gồm trinh sát, hỗ trợ hoạt động của lực lượng đặc nhiệm, tìm kiếm cứu nạn...
Bộ quần áo bay có động cơ hay "bộ đồ người chim", có tay áo bằng vải để tăng diện tích cánh và tạo lực nâng lớn hơn, cho phép kéo dài thời gian bay bằng cách bay lượn thay vì chỉ rơi tự do. Bộ đồ bay hiện đại, lần đầu tiên được phát triển từ cuối những năm 1990, sử dụng một cặp màng vải nối giữa cánh tay và hông hay đùi để mô phỏng cánh máy bay, có cơ chế cho phép “người chim” điều khiển hướng bay. Giống như tất cả các môn nhảy dù khác, chuyến bay được thực hiện với bộ đồ bay luôn kết thúc bằng việc bung dù, vì vậy có thể bay “cất cánh” từ bất kỳ điểm nào có đủ độ cao để bay và bung dù. Đó có thể là từ máy bay, hoặc một mỏm đá trên núi cao…
Bộ đồ bay thường được trang bị bốn động cơ phản lực cỡ nhỏ, có vòi phụt điều hướng lực đẩy do phi công điều khiển. Bốn động cơ đẩy có thể tạo ra tốc độ bay hơn 280 km/h. Vào ngày 22/5/ 2017, phi công người Anh Fraser Corsan đã lập kỷ lục thế giới về tốc độ nhanh nhất đạt được trong bộ đồ bay: 396,86 km/h. Kỷ lục thế giới Guinness về bay xa với bộ đồ bay là 32,094 km. Quân đội nhiều nước đang nghiên cứu cách ứng dụng các thiết bị này.
Chương trình DARPA
Cơ quan quản lý Các dự án nghiên cứu tiên tiến quốc phòng (DARPA) của Mỹ đã lên tiếng kêu gọi các ý tưởng về phương tiện bay cá nhân với ngân khoản tài trợ 1,5 triệu USD cho mỗi đề xuất khả thi. Theo DARPA, các thiết bị bay cá nhân có thể được sử dụng xâm nhập lãnh thổ thù địch hoặc giúp binh lính di chuyển trên địa hình xấu mà không cần sử dụng máy bay trực thăng. Chúng có thể được sử dụng một lần hoặc nhiều lần.
DARPA yêu cầu thiết bị bay cá nhân cần được thiết kế sao cho việc lắp ráp và triển khai có thể diễn ra trong vòng chưa đầy 10 phút chỉ bằng các công cụ đơn giản hoặc không cần công cụ nào cả. Các nền tảng không cần hỗ trợ từ thiết bị bên ngoài hoặc yêu cầu các yếu tố môi trường đặc thù (gió, độ cao) để phóng hoặc thu hồi. Cơ quan quản lý dự án quốc phòng hàng đầu nước Mỹ bày tỏ sự quan tâm đối với các công nghệ ba lô phản lực, dù lượn có động cơ, bộ đồ bay có động và lưu ý các nhà sáng chế tận dụng các công nghệ điện mới, pin nhiên liệu hydro…
Tất nhiên, thiết bị bay cá nhân cũng có những điểm yếu khi ứng dụng vào quân sự. Dù lượn chậm và ồn ào, bay ở độ cao thấp, là mục tiêu dễ dàng cho hệ thống phòng không của đối phương. Hơn nữa, phi công không có biện pháp nào đáng kể để phòng vệ ngoài áo giáp cá nhân. Ngoài ra, dù lượn là phương tiện một người, nghĩa là mỗi người ngồi trên dù lượn là một phi công và cần có máy bay riêng. Một trăm binh lính sẽ cần một trăm dù lượn.
Nhưng loại thiết bị bay rẻ tiền, nhỏ gọn này có một số ưu điểm xét trong bối cảnh chiến tranh hiện đại. Mặc dù chỉ có thể chở một người, nhưng tải trọng180 kg, có nghĩa là một người lính nặng 80 kg và dù lượn nặng 20 kg của anh ta có thể vận chuyển 80 kg thiết bị, vũ khí. Các mối đe dọa trên chiến trường trong tương lai dự kiến buộc các đơn vị chiến đấu nhỏ phải phân tán hoạt động tác chiến trong môi trường phức tạp.
Máy bay vận tải cánh cố định và cánh quạt truyền thống có thể không khả dụng trong việc vận chuyển các nhóm tác chiến nhỏ do phải hỗ trợ các nhiệm vụ khác và khó khăn khi vận hành trong các khu vực thù địch, đối phương có chiến lược chống tiếp cận, chống xâm nhập. Lúc này quân đội cần các giải pháp di chuyển giá rẻ. Thiết bị bay cá nhân mang lại cho chỉ huy chiến trường sự linh hoạt ở những địa điểm xa xôi và khắc nghiệt.
Một chiếc dù lượn quân sự có động cơ có khả năng bay ở độ cao thấp (bay là là mặt đất hoặc bay theo đường đồng mức) để tăng khả năng sống sót, tránh bị kẻ thù phát hiện. Trong những trường hợp khác, khi mối đe dọa từ phòng không đối phương giảm đi, chúng có thể bay ở độ cao lớn hơn (khoảng vài ngàn mét).
Kể từ Thế chiến II, lính dù đã được huấn luyện để tiếp cận chiến trường từ trên không, chiếm giữ các vị trí quan trọng. Tuy nhiên, khi đã ở trên mặt đất, do không có xe tải và xe chiến đấu bộ binh đi kèm, họ buộc phải đi bộ. Điều này có thể sớm thay đổi khi quân đội nhiều nước đang cân nhắc biến dù lượn có động cơ như một phương tiện vận tải trên chiến trường. Chúng được coi là một giải pháp hữu ích trong tương lai, khi lính dù hoạt động theo nhóm nhỏ hơn trên các khu vực rộng lớn hơn.