“Chữa bệnh” cho bào thai

Thứ Năm, 24/11/2022, 11:01

Trước đây, bào thai trong bụng mẹ nếu có mắc các hội chứng: Truyền máu song thai, dải xơ buồng ối, chậm tăng trưởng trong tử cung, song thai không tim, ứ nước bể thận, tràn dịch màng phổi, cạn ối, đa ối, thiếu máu bào thai…đều dẫn đến nguy cơ thai nhi bị dị tật vĩnh viễn hoặc chết lưu mà không một bác sĩ nào dám “động” vào buồng ối. Nhưng giờ đây, với kỹ thuật can thiệp bào thai, các bác sĩ đã cứu được hàng trăm đứa trẻ tưởng chừng như trước đây sẽ bất lực, không còn hy vọng, mang lại niềm hạnh phúc vô bờ đối với các gia đình sản phụ, nhất là nhiều gia đình hiếm muộn.

Những ca truyền ối cấp cứu

Cuộc gặp của chúng tôi với TS.BS Nguyễn Thị Sim, Phụ trách Đơn vị Can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trước khi chị vào phòng mổ. Cho chúng tôi xem hình ảnh thai nhi trong bụng mẹ vừa được truyền ối, trong ánh mắt của nữ bác sĩ lấp lánh niềm hạnh phúc khi lại có thêm một em bé được cứu sống.

3 lan.jpeg -0
Niềm vui của bác sĩ và gia đình khi em bé chào đời khỏe mạnh.

Sản phụ trẻ quê ở Ứng Hòa, Hà Nội đang chờ đến ngày “khai hoa nở nhuỵ”, đón đứa con đầu lòng, điều mà cách đây vài tháng, chị không dám mơ ước. Mang thai đến tuần 24, sản phụ trẻ được chẩn đoán cạn ối, bệnh viện tuyến dưới lắc đầu vì không có cách nào can thiệp. Thương đứa con chưa kịp chào đời có khả năng phải đình chỉ thai nghén, người mẹ tuyệt vọng, mang tâm trạng bất an đi khám ở nhiều nơi, nơi nào cũng khẳng định 99% thai hỏng.

May mắn thay, trong lúc tưởng chừng vô phương cứu chữa, thai phụ được mách đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, gặp bác sĩ Sim ở Đơn vị can thiệp bào thai. “Lúc tìm đến tôi, thai phụ đã hết sạch ối, em bé bó chặt không cử động được chân tay. Cô ấy rất tuyệt vọng và khủng hoảng khi những bệnh viện từng đến đều chẩn đoán thai nhi suy dinh dưỡng, tim thai to, đập rất yếu… Ở đâu cũng chuẩn bị tinh thần cho cô ấy phải cho thai ra. Sau khi đánh giá, tôi nhận định đây là hậu quả của thiểu ối gây ra và chỉ định truyền ối. Ở lần truyền đầu tiên, khi nước ối vừa vào buồng tử cung, chân tay em bé liền co duỗi, đầu lắc lư, há miệng uống nước chùn chụt. Nhìn hình ảnh thay đổi gần như từ cõi chết trở về của con mình, người mẹ bật khóc. Cô ấy nói chúng em đã hết niềm tin rồi, nay thấy con tiếp tục sống, không có gì hạnh phúc hơn”, BS Sim kể lại.

Đây là một trong hơn 260 ca can thiệp bào thai thành công mà Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện từ năm 2019 đến nay. Những em bé truyền ối đầu tiên giờ đã biết chạy nhảy, được bố mẹ đưa đến thăm các bác sĩ. Kể về hành trình gian nan cách đây gần 3 năm, chị H (Yên Bái) xúc động: “Vợ chồng em may mắn hơn các cặp vợ chồng khác là gặp và biết đến bác sĩ Sim, bác sĩ đã cho con em sự sống lần thứ hai”.

Mang thai ở tuần 21, bị cạn ối, chị được chuyển từ Yên Bái xuống Hà Nội khám cấp cứu tại một bệnh viện lớn, sau đó bác sĩ trả về vì tuổi thai quá nhỏ, hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc. Tình cờ lên mạng biết đến phương pháp truyền ối vào buồng tử cung ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, họ tức tốc bắt xe đến khám. Ca truyền ối thành công. Xem hình ảnh siêu âm, vợ chồng chị H bật khóc vì vui mừng. Hơn 3 tháng sau, chị sinh một bé gái đáng yêu. Khi con được gần 2 tuổi, chị đưa bé về Hà Nội thăm bác sĩ Sim và các y bác sĩ đã cùng đồng hành với mình suốt chặng đường khó khăn đó. 

Hiện nay, có khoảng 5% sản phụ có nguy cơ rơi vào tình trạng thiểu ối. Theo BS Sim, trước đây, các trường hợp bị thiểu ối thường được tư vấn nên uống nước, nghỉ ngơi nhiều hoặc truyền dịch vào tĩnh mạch của mẹ. Nhưng biện pháp này hiệu quả thấp và chỉ kéo dài vài ngày. Vì thế, đa số các bác sĩ khuyên chủ động đình chỉ thai nghén trước khi đứa bé chết lưu trong cơ thể người mẹ. Điều này khiến nhiều gia đình chấp nhận mất con trong tuyệt vọng, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của sản phụ và người thân trong gia đình.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, với các kỹ thuật can thiệp bào thai tiên tiến, thiểu ối đã không còn là căn bệnh "vô phương cứu chữa”. GS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, trung bình những thai phụ có chỉ định truyền ối thường ở tuần thai từ 18-28, tuy nhiên bệnh viện đã can thiệp cho những trường hợp mang thai dưới 18 tuần. Có ca chỉ cần truyền 1 lần ối, nhưng có ca phải truyền tới 2 lần, 3 lần. “Có ca lúc truyền ối lần đầu chúng tôi nghĩ không cứu được. Tuy nhiên sau truyền, chúng tôi giữ thai được 38 tuần và em bé sinh ra nặng 2,8kg”, GS Ánh cho biết.

“Chữa bệnh” cho bào thai -0
Trong một buổi sáng, các bác sĩ ở Đơn vị can thiệp bào thai thực hiện thành công 3 ca truyền ối.

Thai nhi được “chữa bệnh” từ trong bụng mẹ

Mang song thai được 23 tuần, chị Nguyễn Thị H (Nghệ An) được chẩn đoán có 2 bánh rau, 1 buồng ối, mắc hội chứng truyền máu độ 3. Bác sĩ tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An tư vấn cho chị và gia đình phương pháp duy nhất để có thể cứu sống thai nhi là can thiệp bào thai. Dù thai sắp lưu, song họ vẫn mang niềm hy vọng ra Thủ đô, tìm đến Đơn vị can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với mong muốn tìm sự sống cho hai bé.

TS.BS Nguyễn Thị Sim cùng ê-kip đã khám, hội chẩn, thực hiện phẫu thuật nội soi vào bào thai để điều trị hội chứng truyền máu song thai. Ca phẫu thuật đã thành công và giữ được cả 2 thai. Nhưng chưa hết gian nan, trong quá trình điều trị, thai phụ được phát hiện mắc đái tháo đường và phải điều trị bằng Insulin. Để cứu con, vợ chồng chị H đã phải bán chiếc xe máy đang đi lấy tiền trang trải. Có những lần chị không thể ra Hà Nội, bác sĩ đã hỗ trợ, đọc kết quả qua Zalo. Sau 3 tháng đồng hành, điều trị, chị H đã sinh 2 em bé hoàn toàn khỏe mạnh với cân nặng lần lượt là 2,3 kg và 2,7 kg trong niềm vui của cả gia đình và ê-kip thực hiện phẫu thuật vào ngày 23/10 vừa qua.

Theo BS Sim, hội chứng truyền máu song thai xảy ra trong thai kỳ của một người mẹ mang thai cặp song sinh cùng trứng, kết nối chung một bánh rau nhưng lại ở khác túi ối. Điều này khiến cho một thai nhận quá nhiều máu nhưng thai còn lại thì ít hơn bình thường. Nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời, một trong hai thai sẽ không thể phát triển tiếp.

“Chữa bệnh” cho bào thai -0
Giáo sư Nguyễn Duy Ánh và Tiến sĩ Nguyễn Thị Sim đang thực hiện truyền ối vào buồng tử cung, cứu sống thai nhi.

Trước năm 2018, tại Việt Nam không có cơ sở nào có thể xử lý được hội chứng này. Vì thế tới 90% là một hoặc cả hai thai bị tử vong, di chứng để lại nhiều và ảnh hưởng đến sau này vì em bé bị tổn thương não.

Hiện nay Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi vào buồng ối, chữa bệnh trong bào thai nhằm lập lại cân bằng dinh dưỡng giữa hai em bé, để hai thai có thể phát triển tiếp. Tuy nhiên có những trường hợp đến muộn chỉ cứu được một trong hai thai.

Theo GS.TS Nguyễn Duy Ánh, nếu như trước đây, khi bệnh viện chưa thực hiện được kỹ thuật laser quang đông thì những thai nhi có hội chứng truyền máu song thai sẽ có nguy cơ tử vong cao. Bởi các em bé khi đã mắc hội chứng này, sinh ra sẽ bị dị tật rất nặng, thiểu năng trí tuệ, hoặc chết lưu trong tử cung người mẹ. Nhưng giờ nhờ có kỹ thuật này, đã mở ra cánh cửa cứu sống cho những trường hợp mắc hội chứng truyền máu song thai.

Nơi cứu cánh của các sản phụ

Hơn 15 năm trước, kỹ thuật can thiệp bào thai đã được thực hiện thành công trên thế giới ở các nước tiên tiến như Pháp, Anh. Nhưng Việt Nam còn quá xa vời. Khát vọng cứu sống trẻ sơ sinh ngay từ trong bụng mẹ không ngừng thôi thúc GS.TS Nguyễn Duy Ánh, ông cùng các bác sĩ của bệnh viện ấp ủ có thể can thiệp sớm trong bào thai, để có thể cứu hàng nghìn ca vô vọng.

“Chữa bệnh” cho bào thai -0
Niềm hạnh phúc đón trái ngọt của gia đình sản phụ đã 3 lần truyền ối để giữ thai.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiến hành thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai bằng việc đưa dụng cụ vào buồng ối để can thiệp sau đó đóng lại chờ thai tiếp tục phát triển đến đủ tháng. Đề tài Y học bào thai của GS.TS Nguyễn Duy Ánh và các cộng sự đã được duyệt cấp Nhà nước và được triển khai đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Từ năm 2017, Bệnh viện cử các chuyên gia sang Pháp học tập, chuyển giao kinh nghiệm hàng năm trời tại bệnh viện hàng đầu của Pháp. Để tiên phong triển khai kỹ thuật mới, bệnh viện đã xây dựng hệ thống phòng mổ chuyên biệt theo đúng tiêu chuẩn châu Âu về can thiệp bào thai. Ngày 19/12/2019, sản phụ Lộc Thị Hường (SN 1997, ở Nghệ An) đã được ra viện sau 5 ngày sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Đây là trường hợp đầu tiên sinh con trong số 14 ca đã được mổ can thiệp y học bào thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Từ đó đến nay, Bệnh viện đã thực hiện can thiệp cho hơn 260 ca. Can thiệp vào bào thai là kỹ thuật cao và mới, bao gồm bất kỳ kỹ thuật, phẫu thuật nào được sử dụng để điều trị các bất thường bẩm sinh ở những thai nhi khi còn nằm trong bụng mẹ. Tháng 1/2022, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thành lập Đơn vị Can thiệp bào thai, đây là trung tâm hiện đại và lớn nhất cả nước về chữa bệnh cho thai nhi.

GS Ánh khuyến cáo: “Khi phát hiện sản phụ có dấu hiệu bệnh, tuyến dưới nếu không làm được gì thì hãy chuyển ngay sản phụ lên với chúng tôi để các bác sĩ có cơ hội chữa, khám, thực hiện thủ thuật vào “giai đoạn vàng”, tăng cao khả năng cứu sống sản phụ và thai nhi. Nếu bệnh nhân được đưa vào viện trong giai đoạn thiểu ối, dễ cho bác sĩ cứu chữa và cơ hội giữ được tuổi thai cao hơn, tỷ lệ thành công cao. Nếu đưa bệnh nhân vào giai đoạn hết ối thì khó khăn hơn rất nhiều, tỷ lệ thành công chỉ 70%”.

Trần Hằng
.
.