Cuộc chạy đua vũ khí trí tuệ nhân tạo

Thứ Ba, 19/04/2022, 21:34

Cho đến nay, cuộc đua chế tạo vũ khí sử dụng trí tuệ nhân tạo (Al) mà cụ thể là máy bay không người lái (UAV) ngày càng nóng lên với sự tham gia của một số nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Israel, Ấn Độ, Iran, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và khối NATO. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy đã có hơn 50 quốc gia sở hữu loại vũ khí này và điều ấy dẫn  đến những thay đổi chiến lược về cả tấn công lẫn phòng thủ…

1. Hiện tại, Mỹ vẫn là quốc gia áp dụng trí tuệ nhân tạo (Al) vào máy bay không người lái (UAV) nhiều nhất thế giới. Theo ước tính của các chuyên gia quân sự, quân đội Mỹ hiện sở hữu khoảng 11.000 chiếc UAV dùng trong lĩnh vực chiến tranh và các tập đoàn vũ khí sừng sỏ của nước Mỹ như Northrop Grumman, General Atomics, Boeing… liên tục cho ra đời những loại UAV với những tính năng ngày càng tiên tiến, thậm chí nó gần như hoàn toàn thay thế sự điều khiển của con người bởi lẽ phi công ngồi trong phòng kín, cách xa chiến trường cả nghìn km, chỉ cần đánh dấu mục tiêu rồi bấm nút là xong. Tất cả mọi phần việc còn lại như bay lượn, chọn độ cao, phóng tên lửa đều do Al đảm trách.

Vẫn theo các chuyên gia quân sự, những năm gần đây không quân Mỹ đào tạo chuyên viên điều khiển UAV còn nhiều hơn đào tạo phi công truyền thống. Với những loại UAV chủ lực như RQ-11 Raven, AeroVironment Wasp IIIs, AeroVironment RQ-20 Pumas, RQ-16 T-Hawk, MQ-1 Predators, MQ-1C Grey Eagles, MQ-9, RQ-7,RQ-4 Global Hawk…, mỗi chiếc UAV phải cần đến ít nhất 2 người, chưa kể công cụ hỗ trợ là vệ tinh trinh sát hoặc mạng lưới tình báo mặt đất. 

Xem ra có vẻ tốn kém nhưng ngược lại, UAV có thể bắn nhầm mục tiêu do những thông tin mà Al nhận được là thông tin không chính xác nhưng hầu như nó không bao giờ bắn trượt, cũng như nếu nó bị đối phương tiêu diệt thì chỉ tốn tiền chứ không mất phi công!

Cuộc chạy đua vũ khí trí tuệ nhân tạo -0
UAV MQ-9 Reaper, Mỹ.

Một trong những UAV của Mỹ nổi tiếng nhất hiện nay là chiếc MQ-9 Reaper. Nó được Hãng General Atomics chế tạo và đưa vào sử dụng năm 2007 để thay thế cho chiếc MQ-1 Predators. Với thời gian hoạt động trên trời 14 tiếng, vận tốc tối đa 482km/giờ ở độ cao 7,5km, hệ thống Al trên MQ-1 Predators thông qua cảm biến nhiệt, có thể phân biệt được người dưới đất có mang theo vũ khí hay không, kể cả khi họ ở trong nhà hay ẩn dưới cánh rừng rậm.

Với 7 mấu treo trên thân, MQ-1 Predators vũ trang bằng 4 tên lửa đối đất AGM-114 Hellfire, 4 tên lửa đối không AIM-92 Stinger hoặc 2 tên lửa đối đất Brimstone và 2 quả bom định hướng bằng laser GBU-12 Paveway II. Chính loại tên lửa đối đất Brimstone phóng đi từ một chiếc MQ-9 Reaper đã giết chết thiếu tướng Qasem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Quds của Iran và Abu Mahdi al-Muhandis, chỉ huy Lực lượng dân quân Iraq ngày 3-1-2020 tại sân bay Baghdad.

Và không chỉ những UAV với kích thước to lớn, Không quân Mỹ còn sở hữu những loại máy bay không người lái tí hon, gọi là MAV (Micro Air Vehicles) mà điển hình là chiếc Black Widow - Góa phụ đen. Nó chỉ nặng 500 gam nhưng hoạt động trong phạm vi từ 3 đến 10km với thời gian 30 hoặc 60 phút, vận tốc 10 đến 20m/giây. Tuy nhỏ nhưng Góa phụ đen có thể mang theo thiết bị ghi hình cả ngày lẫn đêm và 1 quả bom 250g chứa chất nổ cực mạnh, đủ để thực hiện những vụ “đánh bom tự sát”.

2. Đứng thứ hai sau Mỹ về UAV là Israel, phần lớn do Tập đoàn Công nghiệp hàng không Israel Aerospace Industries (IAI) chế tạo. Với 17.000 nhân viên, trụ sở nằm ven rìa sân bay quốc tế Tel Aviv, IAI cho ra đời những UAV siêu nhỏ, chẳng hạn như “Mosquito - Con muỗi” nặng chỉ 250 gr, hay như loại “Bird Eyes - Mắt chim” cất cánh bằng cách dùng tay phóng lên trời, hoặc UAV “Panther- Báo đen” lớn đến mức phải chở bằng xe tải, nhưng đáng kể hơn hết vẫn là chiếc Heron với phiên bản mới nhất là Heron-TP nặng 4,5 tấn. Heron bay ở độ cao 10,5km trong suốt 52 tiếng đồng hồ với vận tốc 150km/giờ. Nó mang theo một loạt các cảm biến gồm camera hồng ngoại giám sát ban đêm, camera giám sát ban ngày, thiết bị phân tích tình báo cùng các mạng radar khác nhau.

Về vũ khí, Heron trang bị tên lửa đối không, đối đất, chống hạm và bom với tổng trọng lượng lên đến 250 kg. Trong cuộc chiến ở Afghanistan, Heron đã được dùng để trinh sát, tấn công các vị trí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), al-Qaeda, Taliban. Ở Libya năm 2011, Heron cũng được sử dụng nhằm hỗ trợ lực lượng NATO tham chiến tại quốc gia này. Hiện tại, Heron đã được bán cho các khách hàng Ấn Độ, Sri Lanka, Brazil, Ecuador, Thái Lan, Hàn Quốc…

Cuộc chạy đua vũ khí trí tuệ nhân tạo -0
UAV Heron, Israel.

Với nước Nga, quốc gia này cũng không nằm ngoài cuộc đua UAV và Kronstadt là một trong những tập đoàn hàng đầu ở Nga chuyên về chế tạo những thiết bị bay không người lái. Sản phẩm của Kronstadt được cả thế giới biết đến là UAV Orion.

Bắt đầu phát triển vào năm 2011 trong khuôn khổ chương trình Inokhodets do Bộ Ngoại giao Nga tài trợ, đến năm 2013 nguyên mẫu đầu tiên của chiếc Orin ra đời hồi tháng 5-2016, lần đầu tiên Orion tiến hành bay thử nghiệm. Theo thông số do Tập đoàn Kronstadt cung cấp, Orion có tốc độ tối đa 200km/giờ, phạm vi hoạt động 250km và có thể bay suốt 24 tiếng ở độ cao 8km. Nó mang theo 200kg vũ khí nhưng Kronstadt không cho biết là những loại vũ khí gì.

Năm 2020, Kronstadt  cho ra đời tiếp chiếc Orion 2, định danh là Helios với kích thước và trọng tải lớn hơn Orion 1. Helios nặng 5 tấn, sải cánh dài 30m, thời gian hoạt động trên không là 30 giờ ở độ cao 10.000m. Không dừng lại ở đó, cuối năm 2021, chiếc Orion 3 định danh là Sirius, sử dụng 2 động cơ được tập đoàn Kronstadt  công bố.

Theo các thông số thì Sirius dài 9m, cao 3,3m, sải cánh 30m, tải trọng vũ khí phục vụ chiến đấu 350kg, bay với tốc độ 295km/giờ ở độ cao 12km trong suốt 40 tiếng. Trước đó, một bản mô phỏng kích thước đầy đủ của chiếc Sirius đã được giới thiệu tại Triển lãm Hàng không vũ trụ quốc tế MAKS-2019, tổ chức tại sân bay Zhukovsky gần Moscow, Nga. Chuyến bay đầu tiên dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2022 rồi năm 2023, Sirius chính thức đi vào hoạt động.

Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, một số loại UAV do Nga chế tạo đã được đưa vào sử dụng, gồm UAV Eleron-3SV và Orlan-10... Đây là những UAV mệnh danh “bom đạn lảng vảng”, có khả năng lao vào mục tiêu rồi phát nổ. Các chuyên gia quân sự đã ghi nhận một chiếc Orlan-10 tấn công một vị trí mà lính Ukraine đang phục kích xe tăng Nga, một chiếc khác phá hủy 10 khẩu pháo tại một căn cứ của Ukraine ở ngoại ô Kyiv và một chiếc Orion đã thực hiện thành công vụ bắn tên lửa vào một trung tâm chỉ huy ở Ukraine hồi đầu tháng 3 năm 2022.

Với khối NATO, UAV là sự hợp tác của Hãng Northrop Grumman, Mỹ với Tập đoàn Hàng không-Quốc phòng châu Âu (EADS)  trong đó đáng chú ý nhất là chiếc “Euro Hawk - Diều hâu Euro”, có thể bay liên tục 30 tiếng trên tầng bình lưu (hơn 18,288 m). Được trang bị hệ thống camera nhìn xuyên mây và bão cát, nghe trộm gần như rõ ràng các cuộc điện thoại, kể cả điện thoại vệ tinh, đọc trộm tin nhắn, thu tín hiệu radio…

Nó là kết quả của sự nghiên cứu kéo dài suốt 10 năm, cho thấy Diều hâu Euro là thế hệ UAV do thám đứng nhất nhì thế giới hiện nay. Làm bằng sợi carbon, nặng 15 tấn, Diều hâu Euro dài 14.5m với sải cánh 40m; có thể bay liên tục 25,000 km mà không cần phải tiếp nhiên liệu. Nó bay thử lần đầu ngày 29-5-2010 và chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 9-2021 đến nay.

Cuộc chạy đua vũ khí trí tuệ nhân tạo -0
UAV Chengdu Pterodactyl I, Trung Quốc.

3. Với Trung Quốc, niềm kiêu hãnh của công nghệ UAV là chiếc “WJ-600”, với hệ thống cánh có thể điều chỉnh để thích ứng với mọi điều kiện thời tiết, do Tổng công ty công nghiệp khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc sản xuất và hiện nay, nó đã phát triển thêm 2 biến thể gồm WJ-600AD và WJ-700, có khả năng mang theo tên lửa bức xạ, tên lửa chống hạm hoặc bom.

Theo ông Giang Kiều Lương, Viện nghiên cứu thiết kế máy bay Thành Đô thì Al có trong UAV quân sự Trung Quốc chẳng hề thua Mỹ và hoàn toàn có thể cạnh tranh ngang ngửa với Mỹ về thị phần. Với gần 400 tập đoàn, công ty chuyên về máy bay không người lái, số lượng UAV quân sự, kể cả trực thăng mà quốc gia này sở hữu chỉ đứng sau Mỹ.

Một trong những nhà sản xuất UAV lớn nhất Trung Quốc là ASN Technology Group, sản phẩm của đơn vị này là UAV ASN-229A, có thể bắn tên lửa xa đến 2.000km, hoặc như chiếc UAV Chengdu Pterodactyl I- hay còn gọi là Wing Loong do Tập đoàn công nghiệp máy bay Cheng Du sản xuất. Ngoài khả năng trinh sát trên không, Wing Loong còn có thể mang theo tên lửa đất đối không BA-7, bom dẫn đường bằng laser YZ-212, bom chống người YZ-102A và bom dẫn đường thu nhỏ LS-6 nặng 50 kg.

Trong quá khứ, một số các chủng loại UAV Trung Quốc đã từng xuất hiện tại những cuộc xung đột ở Ai Cập, Ethiopia, Libya và Yemen. Theo các quan sát viên quân sự, Wing Loong có vẻ ngoài “hao hao” như chiếc MQ-1 Predators của Mỹ với các thông số như tốc độ 280km/giờ, phạm vi hoạt động 4.000km ở độ cao 5.000m, thời gian bay liên tục 20 tiếng với 200kg vũ khí, chủ yếu là tên lửa đối đất. Tuy vậy, một bài báo trên tờ Der Siegel xuất bản ở Đức cho biết động cơ của một số loại UAV Trung Quốc vẫn phải nhập từ Đức.

Cuộc chạy đua vũ khí trí tuệ nhân tạo -0
UAV Bayraktar TB2, Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuối cùng là Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, quốc gia này nổi lên như một nhà cung cấp UAV tiềm năng cho thị trường quân sự thế giới với 2 sản phẩm là Bayraktar TB1 và Bayraktar TB2. Tính đến ngày 5-3-2022, đã có ít nhất 19 quốc gia mua 2 loại UAV nêu trên. Nó đã được sử dụng trong cuộc chiến chống lại đảng Nhân dân người Kurd (PKK) ở Syria và Iraq, cũng như xuất hiện trong cuộc chiến Libya.

Năm 2020 ở Nagorno Karabakh, ông Zakir Hasanov, Bộ trưởng Quốc phòng Azerbaijan thông báo Azerbaijan đã quyết định mua máy bay không người lái Bayraktar từ Thổ Nhĩ Kỳ để chống lại lực lượng vũ trang Armenia.

Trong các cuộc giao tranh, Azerbaijan đã sử dụng TB-2 để tiêu diệt pháo binh Armenia, các vị trí bộ binh và các phương tiện quân sự bao gồm xe bọc thép BM-30 SmerchMLRS, xe tăng T-72s, xe chở quân BMP-1 và BMP-2IFV cùng một số giàn phóng tên lửa Osa, Strela-10. Ngay cả hệ thống phòng không S-300 cũng bị Bayraktar TB2 phá hủy.

Còn nếu kể thêm thì Pakiatan có UAV Nescom Burraq, đã tham chiến trong những chiến dịch chống IS ở thung lũng Shawai, hay như Ấn Độ với UAV Tapas-BH-201, cất cánh lần đầu tiên hồi năm 2016. Nó bay được 8 tiếng đồng hồ ở độ cao 9.000km với vũ khí đối đất, đối không, chống hạm…

Hiện tại, cuộc đưa UAV vẫn đang tiếp diễn và trong tương lai, nó sẽ góp một phần quyết định vào việc thắng, thua nhưng dù bên nào thắng hay thua thì thương vong người lính vẫn là điều không thể tránh khỏi…

Vũ Cao (Theo World Defense)
.
.