Cuộc “chạy nước rút” kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Thứ Ba, 27/06/2023, 09:23

Những tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), chẳng hạn như ChatGPT của OpenAI do Microsoft tài trợ, đang làm phức tạp thêm tình hình quản lý xã hội nói chung. Trước tình hình này, các cơ quan quản lý trên khắp thế giới đang gấp rút soạn thảo ra những quy định để quản lý việc sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Với năng lực tạo ra văn bản và hình ảnh, dòng công nghệ này được cho là đang mang lại nhiều niềm phấn khích, cũng như nỗi lo ngại về khả năng tái định hình nhiều ngành công nghiệp.

Thiết lập “hàng rào bảo vệ”

Các quốc gia Đông Nam Á đang xây dựng bộ quy tắc quản trị và đạo đức mới cho trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm áp đặt “các rào cản” lên dòng công nghệ đang bùng nổ này. Một số quan chức hiểu rõ trực tiếp về vấn đề này đã xác nhận thông tin trên với Reuters. Vào tháng 2/2023, các Bộ trưởng của 10 nước thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhìn nhận tính cấp bách của việc phát triển một "hướng dẫn sử dụng AI" tại ASEAN - một khu vực với hơn 670 triệu dân sinh sống. Dù vậy, vẫn chưa có báo cáo chi tiết nào về nội dung thảo luận giữa những nhà hoạch định chính sách trong khu vực.

Cuộc “Chạy nước rút” kiểm soát trí tuệ nhân tạo -0
Hội nghị cấp cao ASEAN ở Labuan Bajo đã nhìn nhận tính cấp bách của việc phát triển một "hướng dẫn sử dụng AI".

Các quan chức cấp cao của Đông Nam Á cho biết, “Bộ Quy tắc của ASEAN về Quản trị và Đạo đức AI” đang được hình thành, với mục đích cố gắng cân bằng giữa lợi ích kinh tế và rủi ro trong quá trình ứng dụng công nghệ này. “Công việc soạn thảo đang diễn ra và có thể sẽ hoàn thành vào cuối năm nay trước khi được các thành viên ASEAN thông qua”, theo một quan chức nói với Reuters. Một quan chức khác cho biết, dự thảo có thể sẽ được công bố tại Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN (ADGMIN) vào đầu năm tới.

Phát ngôn viên của Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore cho biết, với tư cách là chủ tọa ADGMIN tổ chức vào năm 2024, quốc gia này sẽ hợp tác với những thành viên ASEAN khác "để xây dựng nên Bộ Quy tắc của ASEAN về Quản trị và Đạo đức AI. Đây sẽ là một bước đi thực tế và khả thi để tăng độ tin cậy trong việc triển khai những công nghệ AI mang đầy tính sáng tạo và trách nhiệm trong khu vực ASEAN”.

Những nước thành viên ASEAN khác bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Reuters đã không liên hệ được ngay với chính phủ của những nước trên để yêu cầu bình luận. Các nguồn tin từ chối bình luận thêm về bản chất của bộ quy tắc sử dụng AI, vì thảo luận chỉ mới ở giai đoạn đầu. Đây cũng là một nội dung có tính bảo mật cao. Những nguồn tin này từ chối tiết lộ danh tính vì họ không được phép nói chuyện với giới truyền thông. Trong số những người trao đổi với Reuters, có quan chức của ba quốc gia Đông Nam Á.

Trong vòng vài tuần tới, Liên minh Châu Âu và Mỹ dự kiến sẽ công bố bản dự thảo về bộ quy tắc ứng xử tự nguyện cho AI. Bộ quy tắc này sẽ có hiệu lực trước Đạo luật AI tiên phong của EU, vốn vẫn đang nằm trong giai đoạn thảo luận. Như những đối tác của họ ở châu Âu và Mỹ, giới hoạch định chính sách của ASEAN cũng đã bày tỏ mối quan ngại cụ thể về khả năng AI công nghiệp hóa thông tin sai lệch.

Trong một bài báo nghiên cứu đăng tải vào tháng 6, Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm của Singapore đã cảnh báo: AI tổng quát (regenerative AI) có khả năng tạo ra những nội dung có bản chất “đánh lừa” nhưng mang tính thuyết phục nhất định, gây nguy cơ tạo ra “ảo giác”.  Theo ba nguồn tin, quốc đảo này, với quyết định đi đầu trong công cuộc vạch ra chiến lược đối phó với AI trong khu vực, đang tổ chức  nhiều cuộc đàm phán để xây dựng quy tắc sử dụng AI.

Cuộc “Chạy nước rút” kiểm soát trí tuệ nhân tạo -0
Nhiều quốc gia đang gấp rút hoàn thiện luật kiểm soát AI.

Cấp bách cần kiểm soát AI

Trong khi đó trên thế giới, một số quốc gia đã đạt được những tiến độ mới trong vấn đề này. Úc đang chờ đóng góp ý kiến về những quy định để có phương án cuối cùng. Vào tháng 4/2023, một phát ngôn viên của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghiệp Úc cho biết: Chính phủ đang tham khảo ý kiến của cơ quan tư vấn khoa học chính của Úc và xem xét những bước tiếp theo.

Anh đang chuẩn bị quy hoạch AI. Reuters cho biết, Cơ quan Quản lý Tài chính Anh - một trong số những cơ quan quản lý của nhà nước, đã được giao nhiệm vụ soạn thảo những hướng dẫn mới về sử dụng AI. Hiện cơ quan này đang tham khảo ý kiến của Viện Alan Turing và những tổ chức pháp lý và học thuật khác để nâng cao hiểu biết về công nghệ này. Vào tháng 5, Cơ quan quản lý cạnh tranh của Anh cho biết sẽ bắt đầu kiểm tra tác động của AI lên người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế cũng như tính cần thiết của những biện pháp kiểm soát mới.

Từ tháng 3, Anh đã lên kế hoạch phân chia trách nhiệm quản lý AI cho những cơ quan quản lý nhân quyền, sức khỏe và an toàn cũng như cạnh tranh, thay vì tạo ra một cơ quan mới.

Sau cuộc gặp với giới quan chức Trung Quốc gần đây, tỷ phú Elon Musk tiết lộ vào hôm 5/6 rằng chính phủ Trung Quốc sẽ khởi xướng bộ quy định về AI ở nước họ. Vào tháng 4/2023, Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc đã công bố dự thảo về những biện pháp quản lý dịch vụ AI tổng quát. Cơ quan này cho biết, họ muốn các công ty gửi đánh giá bảo mật cho chính quyền trước khi đưa dịch vụ ra thị trường. Vào tháng 2/2023, văn phòng công nghệ thông tin và kinh tế của Bắc Kinh cho biết, chính phủ sẽ hỗ trợ những doanh nghiệp hàng đầu trong việc xây dựng những mẫu AI có thể cạnh tranh lại ChatGPT.

Cuộc “Chạy nước rút” kiểm soát trí tuệ nhân tạo -0
Mặc dù không thể thay thế con người, nhưng AI được cho là sẽ tối ưu hóa tác động trong một số lĩnh vực.

Vào ngày 31/5, bà Margrethe Vestager - Ủy viên Châu Âu kiêm Phó Chủ tịch điều hành Bộ phận quản lý vấn đề truyền thông và công nghệ thông tin cho Ủy ban Châu Âu (EU) cho biết: Mỹ và EU cần thúc đẩy ngành công nghiệp AI áp dụng bộ quy tắc ứng xử tự nguyện trong vòng vài tháng tới, nhằm cung cấp biện pháp bảo vệ tạm thời trong thời gian xây dựng luật mới. Theo bà, dự thảo về bộ quy tắc sẽ ra mắt trong “vài tuần tới”.

Vào tháng 5, những nhà lập pháp của EU đã đồng ý về việc soạn thảo ra bộ quy tắc đanh thép hơn để kiềm chế ảnh hưởng của AI một cách tổng quát. Đồng thời, họ đề xuất lệnh cấm giám sát khuôn mặt. Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu về dự thảo Đạo luật AI của EU vào tháng 6. Tổ chức Người tiêu dùng Châu Âu (BEUC) đã bày tỏ lo ngại về ChatGPT và những mẫu chatbot AI khác. Họ kêu gọi các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của EU điều tra về công nghệ này và khả năng gây hại cho các cá nhân.

Vào tháng 4/2023, CNIL - Cơ quan giám sát quyền riêng tư của Pháp cho biết đang điều tra một số khiếu nại về ChatGPT trong bối cảnh Ý tạm thời cấm ChatGPT do nghi ngờ xâm phạm quyền riêng tư. Vào tháng 3/2023, Quốc hội Pháp đã thông qua việc sử dụng video giám sát AI trong Thế vận hội Paris 2024, bất chấp những cảnh báo từ những nhóm bảo vệ dân quyền.

G7 đang chờ đóng góp ý kiến về những quy định AI. Trong Hội nghị thượng đỉnh ngày 20/5 tại Hiroshima (Nhật Bản), lãnh đạo của những nước thuộc G7 đã thừa nhận tính cần thiết của việc quản lý AI và những công nghệ nhập vai. Đồng thời, những Bộ trưởng của các nước G7 đã mở thảo luận về công nghệ này, với tên gọi "quy trình AI của Hiroshima". Dự kiến sẽ có báo cáo kết quả vào cuối năm 2023. Theo những Bộ trưởng về kỹ thuật số của G7, những quy tắc quản lý của G7 dự tính sẽ “dựa theo mức độ rủi ro" của AI.

Vào tháng 4/2023, giám đốc bảo vệ dữ liệu của Ireland cho biết: Cần có quy định quản lý AI tổng quát, nhưng các cơ quan quản lý phải tìm ra cách thức thực hiện đúng đắn, trước khi lao vào công tác soạn thảo những lệnh cấm “sẽ không thực sự bền vững”.

Israel đang chờ đóng góp ý kiến về những quy định. Ông Ziv Katzir - Giám đốc kế hoạch AI quốc gia tại Cơ quan Đổi mới Israel, cho biết: Israel đã làm việc với bộ quy tắc về AI "từ 18 tháng nay" để đạt được sự cân bằng hợp lý giữa đổi mới và bảo vệ nhân quyền, cũng như những biện pháp bảo vệ công dân. Vào tháng 10/2022, Israel đã xuất bản một dự thảo chính sách AI dài 115 trang và đang thu thập phản hồi của công chúng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Italy thì đang điều tra những biểu hiện vi phạm trong lĩnh vực AI. Vào tháng 5/2023, một quan chức hàng đầu nước này cho biết: Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Ý có kế hoạch xem xét những nền tảng trí tuệ nhân tạo khác và thuê chuyên gia về AI. Từ tháng 4, ChatGPT đã được cấp phép hoạt động trở lại tại Ý, sau một thời gian bị cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia tạm cấm do lo ngại về xâm phạm quyền riêng tư.

Tương tự, vào ngày 2/6, cơ quan giám sát quyền riêng tư của Nhật Bản cho biết đã cảnh cáo OpenAI về việc không được thu thập dữ liệu nhạy cảm mà không có sự cho phép của người sử dụng, đồng thời phải giảm thiểu tần suất thu thập dữ liệu nhạy cảm. Họ cho biết sẽ có hành động can thiệp nếu xuất hiện thêm nhiều lo ngại.

Cũng theo hướng này, vào tháng 4/2023, cơ quan bảo vệ dữ liệu của Tây Ban Nha cho biết đang tiến hành một cuộc điều tra sơ bộ về những vi phạm dữ liệu tiềm ẩn của ChatGPT. Họ cũng đã yêu cầu cơ quan giám sát quyền riêng tư của EU đánh giá những lo ngại về nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư của ChatGPT.

Cuộc “Chạy nước rút” kiểm soát trí tuệ nhân tạo -0
EU đã đồng ý về việc soạn thảo ra bộ quy tắc đanh thép hơn để kiềm chế ảnh hưởng của AI tổng quát.

Về phần Liên hợp quốc, vào ngày 12/6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã ủng hộ đề xuất của một số giám đốc điều hành AI về việc thành lập một cơ quan giám sát AI như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Tuy nhiên, ông lưu ý: "Chỉ có những quốc gia thành viên được phép thành lập cơ quan, chứ không phải Ban thư ký của Liên Hợp Quốc”. Ông Guterres cũng đã công bố kế hoạch bắt đầu làm việc với một cơ quan tư vấn AI cấp cao từ cuối năm nay, nhằm thường xuyên xem xét những thỏa thuận về quản trị AI và đưa ra khuyến nghị.

Mỹ đang chờ đóng góp ý kiến về những quy định. Vào tháng 5/2023, người đứng đầu Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cho biết, cơ quan này đã cam kết sử dụng những luật hiện hành để kiểm soát một số mối nguy hiểm đến từ AI, chẳng hạn như tăng cường sức mạnh của những công ty đang thống trị thị trường và nguy cơ "đẩy mạnh" gian lận.

Vào tháng 4, Thượng nghị sĩ Michael Bennet đã giới thiệu một dự luật giúp thành lập một lực lượng đặc nhiệm với chức năng xem xét những chính sách của Mỹ về AI và xác định cách tốt nhất nhằm giảm thiểu những mối đe dọa về quyền riêng tư, quyền tự do dân sự và quy trình tố tụng. Cũng trong giai đoạn đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đang lấy ý kiến ​​của công chúng về những biện pháp áp đặt trách nhiệm giải trình đối với hệ thống AI.

Duy Hưng (Tổng hợp)
.
.