Đang có một cuộc chiến công cụ tìm kiếm

Thứ Hai, 13/02/2023, 20:05

Đối với rất nhiều người, sự xuất hiện của ChatGPT - một siêu trí tuệ nhân tạo (AI) hiển thị nội dung dưới dạng tin nhắn (chatbot) dễ sử dụng, có thể viết một bài luận hoặc mã máy tính theo yêu cầu và chỉ trong vài giây - là "tiếng sét giữa trời quang" của ngành AI.

ChatGPT không chỉ mở ra tương lai giao tiếp giữa người và máy mà nó còn có thể làm thay đổi cách mọi người truy xuất, tìm kiếm thông tin. Sự xuất hiện của ChatGPT đang khơi mào một cuộc chiến về công cụ tìm kiếm khi Google, Microsoft và một số công ty khởi nghiệp đang lên kế hoạch tích hợp AI vào các dịch vụ của họ theo những cách có thể làm thay đổi thị trường.

Nhân tố thay đổi cuộc chơi

Trong công nghệ AI, ChatGPT thuộc "mô hình ngôn ngữ" (LM) lớn trong "AI tạo sinh" (generative AI). Theo thuật ngữ phi kỹ thuật, đây là một hệ thống giao tiếp hoặc trò chuyện, điều này đã giải thích từ "Chat" trong tên gọi. GPT là viết tắt của "Generative Pre-trained Transformer", nghĩa là bộ chuyển đổi tạo sinh đã được huấn luyện.

Đang có một cuộc chiến công cụ tìm kiếm -0
Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella hôm 7/2 đã công bố phiên bản cập nhật của công cụ tìm kiếm Bing và trình duyệt web Edge được hỗ trợ bởi AI. Nguồn: CNN

Thông qua việc hấp thụ một lượng dữ liệu lớn trên Internet và được huấn luyện nhờ tương tác với con người, ứng dụng này có thể tạo ra phản hồi giống như ngôn ngữ của con người và cung cấp câu trả lời cần thiết dựa theo các yêu cầu mà người dùng nhập vào.

Hãng tin AFP trích dẫn phát biểu của Jason Davis, giáo sư nghiên cứu tại Đại học Syracuse, khẳng định cuộc cách mạng thực sự mà ChatGPT mang lại chính là tạo ra cuộc trò chuyện như giữa người với người. Ông nói: "Mô hình đó rất quen thuộc, nó giống như một cuộc trò chuyện và giống như việc đưa ra một yêu cầu tìm kiếm trên Google”.

Điều thần kỳ của ChatGPT không chỉ là ứng dụng này có thể đối đáp trôi chảy với con người, mà còn là một bộ bách khoa toàn thư giải đáp mọi thắc mắc. Riêng điểm này đã mang lại sự đột phá lớn trong Internet và công nghệ thông tin, bởi vì ChatGPT tiên tiến hơn nhiều so với công cụ tìm kiếm trực tuyến Google đang chiếm hơn 90% tỷ lệ sử dụng trên toàn cầu hiện nay, hơn nữa có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tìm kiếm.

Do ChatGPT không còn dừng lại ở việc cung cấp thông tin của các website liên quan, mà còn trực tiếp giải đáp yêu cầu của người dùng, nên nó giúp người dùng tiết kiệm thời gian và công sức đăng nhập vào website để tìm kiếm thông tin cần thiết.

Đang có một cuộc chiến công cụ tìm kiếm -0
Ngày 6/2, Tập đoàn Alphabet - công ty mẹ của Google - tiết lộ rằng họ sẽ ra mắt dịch vụ chatbot và tăng thêm nhiều AI hơn cho công cụ tìm kiếm của mình.

Quan trọng hơn, ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi phức tạp, viết truyện cười, viết mã máy tính, viết bài luận cấp đại học, giải thích các khái niệm khoa học ở nhiều cấp độ. Thậm chí làm thơ hay viết thư tình cũng không làm khó được ứng dụng này. Đối với những người bình thường không quen thuộc với sự phát triển của AI, họ có thể cho rằng đây là đột phá quan trọng trong công nghệ AI. Tuy nhiên, trên thực tế các công nghệ liên quan luôn hiện diện và không ngừng phát triển. Chúng ta đã và đang sử dụng AI trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như dùng Google Maps để chỉ đường, sử dụng Google Dịch hỗ trợ AI.

Sở dĩ sự xuất hiện của ChatGPT gây nên cơn địa chấn chưa từng có đối với nhiều người, không phải xuất phát từ bước đột phá quan trọng bất ngờ của công nghệ AI trong một đêm, mà do ChatGPT giúp nhiều người lần đầu tiên có cơ hội đích thân cảm nhận được sức mạnh của AI. Việc Công ty OpenAI phát hành ChatGPT hồi tháng 11/2022 hoàn toàn có khả năng sẽ được ghi nhớ như một bước ngoặt trong việc giới thiệu một làn sóng trí tuệ nhân tạo mới tới công chúng rộng rãi hơn.

Cách thức tiếp thị độc đáo của Open AI, cho phép các cư dân mạng trên toàn cầu dùng thử miễn phí ChatGPT, giúp nhiều người trước đây không có cơ hội tiếp cận AI đột nhiên được tận mắt chứng kiến năng lực của AI, hơn nữa khi cảm thấy ngạc nhiên đối với chức năng của AI thì họ cũng đồng thời cảm nhận được mối đe dọa mà AI có thể gây ra.

ChatGPT – hứa hẹn và cạm bẫy

Từ luật sư đến người viết diễn văn, từ lập trình viên đến nhà báo, tất cả mọi người đều đang nín thở chờ đợi để cảm nhận những đột phá mà ChatGPT mang lại. OpenAI vừa ra mắt phiên bản trả phí của chatbot này - 20 USD/tháng cho một dịch vụ được cải tiến nhanh hơn. Hiện tại, ứng dụng quan trọng đầu tiên của OpenAI sẽ chính thức dành cho các sản phẩm phần mềm của Microsoft.

Giáo sư Davis, Đại học Syracuse nói: "Hãy nghĩ về Microsoft Word. Tôi không phải viết một bài luận hay một bài báo, tôi chỉ cần nói với Microsoft Word những gì tôi muốn viết bằng một gợi ý”. Ông tin rằng những người có ảnh hưởng trên TikTok và Twitter sẽ là những người áp dụng sớm nhất cái gọi là AI sáng tạo này vì việc tạo ra một sản phẩm được lan truyền rộng rãi đòi hỏi lượng nội dung khổng lồ và ChatGPT có thể giải quyết vấn đề đó ngay lập tức.

Đang có một cuộc chiến công cụ tìm kiếm -0
Ngày 7/2, Tập đoàn Baidu của Trung Quốc thông báo sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ dự án Ernie Bot với khả năng tương tự ChatGPT vào tháng 3 tới.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ChatGPT bắt đầu làm nhiều người lo sợ. Một số chuyên gia cho rằng, với ChatGPT, đây có thể là khởi đầu cho sự kết thúc của các công việc tri thức giới văn phòng và là tiền thân của tình trạng thất nghiệp hàng loạt. Nhiều người dùng khác lại cho rằng ChatGPT có thể được sử dụng cho các mục đích bất chính, chẳng hạn như những kẻ khủng bố hỏi về cách chế tạo vũ khí hoặc cách kết hợp chất nổ tự chế. Hậu quả sẽ khủng khiếp thế nào khi ChatGPT đưa ra chính xác cách làm theo từng bước.

Đồng thời, sự xuất hiện của ChatGPT làm dấy lên “bóng ma” về thông tin sai lệch và thư rác được thực hiện ở quy mô công nghiệp. Hiện tại, giáo sư Davis cho rằng phạm vi tiếp cận của ChatGPT chỉ hạn chế trong khả năng của máy tính, nhưng một khi điều này được tăng cường, các cơ hội và nguy cơ tiềm ẩn sẽ tăng theo cấp số nhân.

Nhận thức được điều này, Liên minh châu Âu (EU) mới đây cho biết họ sẽ áp đặt các quy định mới liên quan đến AI nhằm giải quyết những lo ngại về rủi ro của công cụ chatbot nổi tiếng ChatGPT và đảm bảo người dùng ở châu Âu có thể tin tưởng công nghệ AI.

Khơi mào cuộc đua mới

Sự xuất hiện của các hệ thống AI có khả năng tạo câu trả lời trực tiếp bằng văn bản cho các câu hỏi - đáng chú ý nhất là chatbot ChatGPT - đã mở ra mặt trận mới đầu tiên trong cuộc chiến giành quyền thống trị công cụ tìm kiếm kể từ khi Google vượt qua thách thức từ Bing của Microsoft hơn một thập kỷ trước.

Greg Sterling, một nhà phân tích đã theo dõi thị trường dịch vụ tìm kiếm từ năm 1999, cho biết: “Đối với những người dùng trẻ tuổi nói riêng, các trang kết quả tìm kiếm của Google có vẻ lộn xộn và tràn ngập quảng cáo. Mọi người đã sẵn sàng cho thứ gì đó đơn giản hơn, có vẻ đáng tin cậy hơn và không có quá nhiều quảng cáo trong đó”. Điều đó đã dẫn đến một cuộc chạy đua phát triển sự kết hợp mới giữa AI và công cụ tìm kiếm truyền thống. Được gọi là thế hệ tăng cường truy xuất, kỹ thuật này trước tiên bao gồm việc áp dụng các công cụ tìm kiếm để xác định các trang có tài liệu phù hợp nhất, sau đó sử dụng quá trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên để “đọc” chúng. Các kết quả được đưa vào một mô hình ngôn ngữ lớn và sau đó đưa ra câu trả lời chính xác hơn.

Các đối thủ của Google cho rằng điều này đã dẫn đến một cơ hội hiếm có để tạo ra các dịch vụ tìm kiếm mới và khác biệt, thay vì cố gắng đánh bại “gã khổng lồ” tìm kiếm trong trò chơi của riêng mình.

Truyền thông đưa tin sự phát triển nhanh chóng của ChatGPT đang trở thành mối đe dọa cấp bách đối với Google. Sức ép đối với Google ngày một tăng khi công ty mẹ của Google là Alphabet báo cáo lợi nhuận kém khả quan, không đạt dự báo của các nhà đầu tư. Google tháng trước đã thông báo sẽ cắt giảm 12.000 lao động và muốn đầu tư nhiều hơn vào các dự án AI.

Ngày 6/2, Tập đoàn Alphabet - công ty mẹ của Google - tiết lộ rằng họ sẽ ra mắt dịch vụ chatbot và tăng thêm nhiều AI hơn cho công cụ tìm kiếm của mình. Động thái của Google được xem như đòn đáp trả Microsoft trong cuộc cạnh tranh nhằm giành vị trí dẫn đầu cuộc đua AI.

Trong một bài viết đăng trên blog cá nhân, Giám đốc điều hành Alphabet Sundar Pichai cho biết công ty đang triển khai từng bước một dịch vụ trò chuyện với AI mang tên Bard để kiểm tra phản hồi của người dùng, trước khi chính thức cho công chúng sử dụng trong vài tuần tới. Pichai cũng tiết lộ thêm rằng Google có kế hoạch bổ sung các tính năng AI cho công cụ tìm kiếm Google để tổng hợp tài liệu cho các câu hỏi phức tạp, chẳng hạn như “học guitar hay piano dễ hơn”. Hiện tại, Google chỉ hiển thị các đoạn văn bản đã tồn tại đâu đó trên Internet, để trả lời cho các câu hỏi với đáp án rõ ràng.

Hiện chưa rõ Google sẽ làm gì để tạo ra sự khác biệt giữa Bard và ChatGPT của OpenAI. Theo ông Pichai, Bard sẽ sử dụng thông tin từ toàn bộ mạng Internet. Để so sánh, kho kiến thức của ChatGPT được cập nhật cho tới năm 2021. Ông nói: “Bard sẽ là sự kết hợp giữa bề rộng kiến thức của thế giới với sức mạnh, trí tuệ và sự sáng tạo của hệ thống AI do chúng tôi tạo ra”.

Chỉ một ngày sau khi Google tiết lộ ý định của mình, ngày 7/2, tại trụ sở Redmond, Washington, Microsoft tuyên bố sẽ đưa AI được cải tiến dựa trên ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing và trình duyệt Edge. Thông báo này cho thấy Microsoft đang có tham vọng chiếm lại vị trí dẫn đầu trong thị trường công nghệ tiêu dùng. CEO Microsoft, ông Satya Nadella, tuyên bố: "Hôm nay là một ngày mới của công nghệ tìm kiếm. Cuộc đua bắt đầu từ hôm nay và chúng tôi sẽ đi nhanh và nhanh hơn nữa”.

Microsoft hy vọng rằng việc cải tiến Bing với các tính năng như ChatGPT sẽ giúp công cụ tìm kiếm này có thể phục vụ người dùng tốt hơn, như cung cấp các câu câu trả lời soạn sẵn đã được xây dựng từ nhiều nguồn khác nhau, thay vì cách làm thông thường trước đó là cung cấp cho người dùng một loạt trang web để tự tra cứu.

Cơn sốt AI không chỉ giới hạn trong những gã khổng lồ về công cụ tìm kiếm ở Thung lũng Silicon. Cũng trong ngày 7/2, tập đoàn Baidu của Trung Quốc thông báo họ sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ dự án Ernie Bot với khả năng tương tự ChatGPT vào tháng 3 tới, chính thức tham gia cuộc đua toàn cầu khi mối quan tâm đến AI ngày càng gia tăng.

Trong thông báo, Baidu cho biết Ernie (viết tắt của Enhanced Representation through Knowledge Integration - Đại diện ngôn ngữ nâng cao thông qua tích hợp kiến thức), là một mô hình ngôn ngữ dựa trên nền tảng AI được giới thiệu vào năm 2019. Mô hình này đã dần phát triển để có thể thực hiện các nhiệm vụ bao gồm hiểu ngôn ngữ, tạo ngôn ngữ và chuyển đổi từ văn bản thành hình ảnh.

Một nguồn thạo tin cho hay Baidu muốn cung cấp dịch vụ này dưới dạng một ứng dụng độc lập, rồi dần dần hợp nhất nó vào công cụ tìm kiếm của mình bằng cách kết hợp các kết quả do chatbot tạo ra khi người dùng đưa ra yêu cầu tra cứu.

Cuộc chiến công cụ tìm kiếm đang dần nóng lên. Các công ty công nghệ lớn đã dành nhiều năm để trích xuất lượng dữ liệu không thể tưởng tượng được từ Internet và biến nó thành cái gọi là mô hình ngôn ngữ lớn mà họ sử dụng để huấn luyện các thuật toán. Đây là cách các công cụ nhận dạng giọng nói như Alexa của Amazon, Siri của Apple hay Google Assistant hoạt động.

Meta - chủ sở hữu của Google và Facebook - đã nỗ lực tạo ra các công cụ có thể dịch hàng trăm ngôn ngữ, sàng lọc nội dung có hại hoặc nhắm mục tiêu người dùng bằng quảng cáo được cá nhân hóa. Tuy nhiên, các nguyên tắc cơ bản của tìm kiếm hầu như không thay đổi. Bạn nhập một vài từ vào Google và nó trả về một hỗn hợp các liên kết hữu ích và thường là các quảng cáo ít hữu ích hơn. Nếu cuộc chiến tích hợp AI vào các công cụ tìm kiếm tiếp tục diễn ra và đạt được những bước tiến mới, những trang liên kết màu xanh lam quen thuộc này có thể sớm chỉ trở thành một góc bụi bặm nữa của lịch sử Internet.

Khánh An (Tổng hợp)
.
.