Bệnh viện Nhi đồng 1 phẫu thuật thành công cho bé 18 tuổi bị u gan:

Chuyện chưa kể về ca phẫu thuật u gan "vô tiền khoáng hậu" cho bé 18 tháng tuổi

Thứ Tư, 16/12/2015, 16:18
Chiều ngày 10-12, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công một ca phẫu thuật nội soi để bóc tách một bướu gan có kích thước 50mm cho bé gái tên Đoàn Minh A., 18 tháng tuổi, cư trú tại tỉnh Tiền Giang.

Đây là một ca phẫu thuật rất hiếm gặp bởi lẽ với những bướu lớn như vậy, bác sĩ thường phải mổ hở để bộc lộ gan rồi mới cắt bướu. Bên cạnh đó, việc phẫu thuật gan trên cơ thể trẻ dưới 2 tuổi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ vì khó cầm máu. Trong y văn Việt Nam cũng như trên thế giới, những ca mổ bướu gan ở trẻ có cân nặng khoảng 8kg rất ít, mổ nội soi thì hầu như chưa ghi nhận trường hợp nào.

Theo gia đình bé A., trước đó ở nhà đã thấy bụng bé hơi lớn và căng. Bé biếng ăn, hay quấy khóc. Lúc được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang, qua siêu âm, bác sĩ phát hiện trong gan bé A. có một bướu khá lớn nên đã chuyển bé lên Bệnh viện Nhi đồng 1.

Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, trưởng kíp phẫu thuật cho bé A., thì kết quả  các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh cho thấy bé có một bướu gan khá lớn nằm ở phần gan phải, kích thước khoảng 50mm. Do bướu khá lớn trong lúc cân nặng của bé A. chỉ là 8,8kg nên sau khi hội chẩn, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã quyết định phẫu thuật nội soi để bảo đảm sự an toàn cho tính mạng của bé.

Khi “nhà máy hóa chất” bị trục trặc

Gan là một bộ phận nằm trong cơ thể, ở vùng dưới sườn phải, được xem là “một nhà máy hóa chất”. Nó có vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa cũng như dự trữ glycogen, tổng hợp protein huyết tương và thải độc. Ngoài ra, nó còn sản xuất dịch mật, là chất không thể thiếu trong quá trình tiêu hóa. Trong quá trình hoạt động, gan có thể xuất hiện bướu (hay còn gọi là u) mà nguyên nhân do rượu, do nhiễm thuốc trừ sâu, hóa chất trong thực phẩm, do xơ gan, viêm gan siêu vi… hoặc đôi khi có thể là chẳng do cái gì hết!

Bé Đoàn Minh A. sau khi được phẫu thuật.

Bướu gan có cấu trúc như một khối mô mới, hình thành do sự tăng sản bất thường của tế bào gan, thường tồn tại lâu dài hoặc vĩnh viễn. Bướu có thể ở dạng lành tính (bướu lành) hoặc ác tính (ung thư). Nhưng dù bướu lành hay ác tính, chúng đều có đặc điểm chung là luôn tiếp tục tăng trưởng trong lúc gan chỉ tăng trưởng đến một mức độ nào đó mà thôi. Sự tăng trưởng này còn tùy thuộc vào nơi  cung cấp máu nuôi cho bướu, vào nội tiết tố và tình trạng miễn dịch của người có bướu.

Bướu lành tính thường phát triển chậm, không xâm nhập và phá hủy những cơ quan khác. Nếu được mổ cắt bỏ thì thường nó không tái phát, không di căn, không ảnh hưởng nhiều đến cơ thể nếu bướu không quá lớn. Còn nếu là bướu ác, nó phát triển nhanh, xâm nhập và phá hủy những cơ quan khác trong người.  Nó ảnh hưởng đến sức khỏe con người như gây đau đớn, bụng trướng, chán ăn, vàng da, cơ thể suy kiệt. Dù có mổ nhưng nó vẫn có khả năng tái phát.

Hiện tại, điều trị bướu gan ác tính ngoài phẫu thuật cắt gan kết hợp với hóa, xạ trị, còn có phương pháp gây tắc những mạch máu nuôi bướu, dẫn đến bướu bị “bỏ đói” rồi chết; hoặc sử dụng tia X để hướng dẫn thuốc tấn công trực tiếp vào bướu trong trường hợp người bệnh vì một lý do nào đó, không thể mổ được.

Các bác sĩ giỏi quá!

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Cường - Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng 1 thì trước đây, với những bướu gan lớn, bác sĩ  thường phải mổ hở để bộc lộ gan ra ngoài rồi mới cắt bướu. Tuy nhiên, nếu mổ hở đối với bệnh nhi bị bướu gan là điều cực kỳ nguy hiểm vì gan được xem như cái “hồ chứa máu”, mỗi ngày có hàng chục lít máu đi qua gan.

Trong quá trình mổ, nếu máu chảy ồ ạt, không cầm được sẽ dẫn đến hiện tượng rối loạn đông máu, trụy tim mạch, nguy cơ tử vong rất cao. Vì thế, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã huy động nhiều phương tiện để có thể kịp thời xử lý tình huống này nếu nó xảy ra, đồng thời Bệnh viện còn tính cả phương án nếu không cầm được máu thì sẽ mổ hở để cầm máu. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Cường cho biết nếu mổ hở gan ở bệnh nhi thì gần như là thay máu toàn bộ. Với bệnh nhi 8kg, nếu mổ hở, số lượng máu cần truyền khoảng hơn một lít, chưa kể các chế phẩm phụ của máu như huyết tương tươi, tiểu cầu nhưng việc truyền máu số lượng lớn dễ dẫn đến những biến chứng sau mổ như rối loạn đông máu, nhiễm trùng. Vì vậy, phẫu thuật nội soi giúp hạn chế được những nguy cơ đó, tăng cơ hội sống nhiều hơn.

Cuối cùng, sau gần 4 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật đã thành công. Bác sĩ Hiếu cho biết kíp mổ đã hết sức thận trọng trong quá trình gây mê cũng như phẫu thuật để giảm thiểu nguy cơ chảy máu, lấy khối bướu ra ngoài an toàn. Bằng kỹ thuật hiện đại, một màng bọc y tế được đưa vào trong ổ bụng bé A. Tiếp theo, khối bướu sau khi cắt xong, sẽ cho vào màng bọc này rồi các bác sĩ mới dùng dụng cụ, cắt bướu thành từng mảnh nhỏ, hút ra ngoài bởi lẽ lỗ mổ nội soi rất nhỏ, không thể lấy nguyên khối bướu ra theo cách thông thường mà không làm vỡ nó, dẫn đến rơi rớt trong ổ bụng gây viêm phúc mạc. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ đây là bướu lành hay bướu ác tính vì còn chờ vào kết quả sinh thiết. Vẫn theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, nếu là bướu ác, bé sẽ được chuyển sang Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh để tiếp tục điều trị.

Hiện tại, sức khỏe của bé A. đã ổn định. Bé ăn được, bụng đã nhỏ lại và mềm, các chỉ số sinh hiệu gần như đã bình thường. Đây cũng là ca phẫu thuật cắt gan bằng phương pháp nội soi đầu tiên cho bệnh nhi mới chỉ 18 tháng tuổi tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Tưởng cũng nên nhắc lại là cách đây hơn 2 tháng, một bệnh nhi 2 tuổi khác cũng mang khối bướu máu khổng lồ ở gan mà nếu mổ, có khả năng sẽ tử vong trên bàn mổ. Khi đó, gia đình đã xin đưa về quê để chờ giây phút cuối cùng. Tuy nhiên, sau khi hội chẩn, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 1 đã đề nghị với gia đình làm phẫu thuật. Kết quả là khối bướu nặng 1,35kg đã được lấy ra khỏi phần gan phải rồi sau gần 1 tuần theo dõi, bệnh nhi nêu trên đã xuất viện về nhà trong trạng thái khỏe mạnh bình thường.

Vũ Cao
.
.