Gặp lại người đã khuất bằng trí tuệ nhân tạo

Chủ Nhật, 20/11/2022, 21:20

Cuối năm 2020, bằng kỹ thuật thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà khoa học Hàn quốc kết hợp với một nhóm làm phim đã giúp bà Jang Ji-Sun gặp lại con gái là Na-yeon chết vì ung thư máu năm 2016 lúc lên 7 tuổi. Theo bà Jang Ji-Sun, không những chỉ nhìn thấy Na-yeon mà bà còn trò chuyện và ôm ấp con như thể con chưa bao giờ rời xa bà…

Mẹ con đã gặp nhau

Đoạn phim mẹ con gặp nhau mở đầu bằng cảnh bà Jang Ji-Sun đội chiếc mũ có màn hình thực tế ảo, hai tay đeo bộ găng cảm biến. Giây lát, con gái bà là Na-yeon xuất hiện từ phía sau một đống gỗ trong vườn nhà và vừa chạy về phía bà, nó vừa gọi “Me ơi”. Bật khóc, bà Jang Ji-Sun nói trong nước mắt: “Mẹ đây con, mẹ nhớ con rất nhiều”, rồi đưa tay ôm lấy con gái. Sau đó, hai mẹ con tiếp tục trò chuyện, nhắc lại những kỷ niệm của mấy năm trước. Khoảng 10 phút, Na-yeon từ biệt bà: “Mẹ ơi, con đi nhé. Con sẽ gặp lại mẹ sau”.

al1.jpg -0
Bà Jang Ji-Sun gặp lại con gái bằng ứng dụng AI.

Cuộc gặp gỡ bằng thực tế ảo kết hợp với AI nói trên do đạo diễn Kim Jong-woo thực hiện đã được 19 triệu khán giả theo dõi chỉ trong 1 ngày và đã lấy đi rất nhiều nước mắt. Nó đoạt kỷ lục về lượng người xem đối với thể loại phim khoa học. Bà Jang Ji-Sun nói: “Từ khi con tôi mất, tôi chẳng bao giờ thôi nhớ về nó. Bây giờ khi gặp nó, nó đã lớn nhưng tính cách của nó thì vẫn như vậy, Ngay cả giọng nói của nó cũng chẳng thay đổi. Tôi ao ước còn được gặp lại nó nhiều lần”.

Vẫn theo bà Jang Ji-Sun, thoạt đầu khi đạo diễn Kim Jong-woo nói về ý định sẽ thực hiện một cuộc gặp gỡ bằng thực tế ảo, bà nghĩ rằng có lẽ việc gặp chỉ là nhìn thấy con bà bằng hình ảnh 3 chiều mặc dù Kim Jong-woo đề nghị bà cung cấp cho ông tất cả những gì liên quan đến Na-yeon như hình ảnh, video clip, sách vở khi nó còn đi học, e-mail và thư từ của nó với bạn bè… Bà Jang Ji-Sun nói: “Thế nhưng khoảng 3 tháng sau, lúc đạo diễn Kim Jong-woo mời tôi đến phim trường rồi sau khi coi xong video clip, tôi không thể tin vào những gì tôi đã nhìn, đã nghe thấy. Con gái tôi đã trò chuyện với tôi dù nó chết 4 năm trước rồi…”.

Để thực hiện “Gặp lại người đã khuất”, Kim Jong-woo và nhóm làm phim cùng các nhà khoa học chuyên ngành AI đã bỏ ra suốt 1 tháng để nghiên cứu về Na-yeon, từ cách đi, đứng, chạy nhảy, cười, khóc, cách nói chuyện và những từ ngữ mà cô bé thường dùng lúc còn sống dựa trên những tài liệu do bà Jang Ji-Sun cung cấp. Tiếp theo, các nhà nhân chủng học tính toán sự phát triển chiều cao của Na-yeon sau 4 năm kể từ ngày mất, còn các chuyên gia thời trang chọn lựa y phục của cô bé cho phù hợp với tuổi 11.

Khi tất cả đã hoàn tất, bằng chương trình AI, họ dựng lại nhân vật Na-yeon đồng thời sắp xếp cho cô bé “gặp lại mẹ” với nhiều kịch bản khác nhau. Kim Jong-woo nói: “Chúng tôi phải tính toán là khi gặp nhau, Na-yeon sẽ gọi “mẹ” trước hay bà Jang Ji-Sun gọi “con” trước. Na-yeon sẽ chạy đến ôm mẹ hay bà Jang Ji-Sun dang tay đón con, rồi đến cuộc trò chuyện của họ, chẳng hạn như bất ngờ bà Jang Ji-Sun hỏi “con sống như thế nào? thì Na-yeon sẽ phải trả lời ra sao… Nhưng dù tình huống nào xảy ra chăng nữa, trí tuệ nhân tạo cũng đều xử lý phù hợp”.

Với bà Jang Ji-Sun, trả lời tờ Thời báo Hàn Quốc, bà cho biết lúc gặp Na-yeon, chiếc mũ thực tế ảo cho bà nhìn thấy cảnh thật của khu vườn nhà bà cùng sự xuất hiện của con gái. Đôi găng tay cảm biến cũng cho bà cảm giác thật lúc bà chạm vào mặt con. Bà nói: “Khi ôm nó trong tay, tôi không tin là nó đã xa tôi 4 năm. Lúc ấy tôi cứ ngỡ nó vừa đi chơi về và chỉ một chút nữa thôi, nó sẽ theo tôi vào nhà, cùng tôi dọn bàn cho bữa ăn tối…”.

Sherman Lee, giáo sư tâm lý học tại Đại học Christopher Newport, bang Virginia, Mỹ, cùng tham gia làm phim “Gặp lại người đã khuất” nói: “Ai cũng khao khát được tiếp xúc với người thân yêu của họ sau khi người ấy chết. Những nỗ lực giữ liên lạc với người chết đã tồn tại từ nhiều đời nay, chẳng hạn như hình ảnh, đồ vật và với nhiều dân tộc, xác chết thậm chí vẫn được giữ lại trong nhà nhưng với AI và thực tế ảo cùng những tiến bộ công nghệ khác, sẽ giúp chúng ta một bước dài hơn trong việc đưa người chết trở lại”.

al2.jpg -0
Cha mẹ anh James Stockwell xuất hiện trong vườn hoa oải hương.

Những bước tiến thần kỳ của trí tuệ nhân tạo

Nhưng không chỉ đạo diễn Jong-woo sử dụng Al để tái tạo lại người đã chết, tại Đại học Toronto Metropolitan, Canada, Giáo sư Hossein Rahnama đã liên kết với phòng nghiên cứu Media Lab thuộc Học Viện công nghệ Massachusetts Institute of Technology (MIT), Mỹ, để xây dựng một nền tảng gọi là Augmented Eternity - Tăng cường vĩnh cửu - nhằm thực hiện việc giao tiếp với người đã chết thông qua ảnh chụp, video, thư từ, nhật ký, email, mạng xã hội…. của người ấy.

Với những chất liệu cơ bản nêu trên, Augmented Eternity sẽ dựng lại một con người với tính cách, giọng nói y như thật. Giáo sư Hossein cho biết: “Với thế hệ trẻ, chuyện ấy  xem ra rất dễ dàng, nhưng với những người lớn tuổi, nhất là những người trên 60 vì thời điểm họ sinh ra, lớn lên và trưởng thành, chưa có những tiến bộ như bây giờ, việc tái tạo sẽ gặp khó khăn. Nó giống như trò chơi ráp hình, bạn sẽ gặp phải những mẩu hình không tìm ra được”.

Một trong những thành công của Hossein là tái tạo trung sĩ Richell Jr., người đã tham gia Thế chiến II trong vai trò điện báo viên, qua đời năm 1968. Hossein nói: “Chúng tôi dễ dàng tìm được tiếng nói của Richell qua những đoạn băng ghi âm còn lưu trữ tại Thư viện chiến tranh. Bên cạnh đó, ông ấy cũng có khá nhiều hình ảnh chụp ở chiến trường, đồng thời người thân của ông ấy đã cung cấp cho chúng tôi tư liệu về cuộc đời ông ấy…”. Chả thế mà khi được mời đến để “gặp lại Richell”, bà Connie, vợ ông đã lặng người khi nghe chồng mình nhắc lại kỷ niệm lúc hai người mới quen nhau và lúc ông ngỏ lời cầu hôn bà trước ngày ra mặt trận: “Tôi không thể diễn tả cái cảm giác của tôi nhìn lúc thấy Richell. Ông ấy bước lên thềm nhà, tay cầm một bó hoa. Làm thế nào mà sau hơn 20 năm kể từ khi chồng tôi qua đời,  ông ấy vẫn mặc chiếc áo sơ mi màu xanh dương, quần kaki xám đậm, miệng cười tươi khi chào tôi. Đến lúc chia tay, tôi đã cố lao về phía ông ấy…”.

Cũng cùng cảm giác như bà Connie, anh James Stockwell kể lại việc “gặp” cha mẹ mình như sau: “Trong khu vườn bên hông nhà, nơi những bụi hoa oải hương do chính tay mẹ tôi trồng, ông bà nắm tay nhau rồi cùng bước về phía tôi. Mẹ tôi mở lời bằng câu: “Chào con yêu, trông con cao lớn quá”, khiến tôi vô cùng kinh ngạc bởi lúc họ mất vì tai nạn, tôi cao 1,7m còn lúc gặp lại họ, tôi là 1m74. Tuy nhiên vẫn chưa kinh ngạc bằng khi cha tôi đưa mắt nhìn quanh rồi ông nói: “Có vẻ như con ít chăm sóc khu vườn này”. Giáo sư Hossein cho biết khi ghi hình, ông nhận thấy những bụi oải hương đã tàn tạ nên bằng trí tuệ nhân tạo, ông đặt câu nói ấy vào cha James, nhưng không ngờ, quả thật là James đã bỏ bê khu vườn từ khi cha mẹ mất.

Theo giáo sư Hossein, sau thành công về cuộc gặp gỡ của bà Connie với chồng và của James với cha mẹ, nhóm thực hiện dự án Augmented Eternity đã nhận được hàng nghìn lời đề nghị “gặp người đã khuất”, chưa kể những người còn sống nhưng mắc bệnh nan y cũng muốn cung cấp thông tin, tư liệu cho ông để mai này, khi họ qua đời thì thân nhân họ vẫn có thể gặp lại họ bất cứ lúc nào họ muốn.

Và không chỉ giáo sư Hossein Rahnama, gã khổng lồ trong lĩnh vực điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và thương mại điện tử là Amazon cũng vào cuộc theo đơn đặt hàng của Alexa, nơi đã phát minh ra “người trợ lý ảo”. Thành công ban đầu của Amazon là sau khi cho một bệnh nhân ung thư đọc một bài viết dài khoảng 2.000 từ, các chuyên gia trí tuệ nhân tạo của tập đoàn này đã soạn thành 1.600 câu hỏi, trả lời, liên quan đến cuộc sống, các mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội bằng chính giọng nói của bệnh nhân ấy.

Người đại diện của Amazon nói: “Bằng kỹ thuật của chúng tôi, sau khi bệnh nhân qua đời, các thành viên trong gia đình có thể gặp gỡ, trò chuyện với hình ảnh, giọng nói của người quá cố, giống như họ đang gặp trực tiếp. Nếu thông tin về người quá cố càng nhiều thì khi trò chuyện, đề tài có thể mở rộng theo nhiều hướng khác nhau”.

Cũng trong lĩnh vực “gặp lại người đã khuất”, James Vlahos, người sáng lập Công ty Al Here After và Eugenia Kuyda, đồng sáng lập công ty khởi nghiệp AI Luka&Replika đang nỗ lực hướng tới “con người ảo”. Theo James Vlahos, động lực khiến ông thành lập công ty này là năm 2016, cha ông qua đời vì ung thư phổi. James nói: “Nhiều tháng trước khi cha tôi mất, tôi đã ghi âm hàng trăm cuộc nói chuyện của ông ấy với gia đình. Bằng cách sử dụng phần mềm AI có tên là PullString, tôi đã khiến cả gia đình kinh ngạc khi tôi đề nghị cha tôi (đã chết) hát một bài hát về bóng đá mà ông ưa thích khi chúng tôi đi thăm mộ ông nhìn ra sân vận động Memorial, cạnh khuôn viên Đại học Berkeley, bang California”.

al3.jpg -0
Một người tình nguyện đồng ý ghi lại hình ảnh và giọng nói của mình để sau khi chết, gia đình vẫn “gặp” được.

Tán thành và phản đối

Trước những thành công của “Gặp lại người đã khuất”, Viện nghiên cứu Q&A (Questions and Answers - Hỏi và trả lời) đã tiến hành một cuộc thăm dò kéo dài suốt 18 tháng với 5.000 người. Kết quả thu được cho thấy 64% tán thành việc gặp gỡ, trò chuyện cùng người thân đã khuất, 22% phản đối. Số còn lại không ý kiến.

Với những người tán thành, việc gặp gỡ mang lại cho họ nhiều an ủi, giúp họ có thêm gắn bó với những người còn sống, chưa kể nó còn là liệu pháp góp phần chữa trị chứng trầm cảm nếu người còn sống có quá nhiều thương yêu với người đã chết; nhưng với 22% phản đối, việc gặp gỡ bằng AI sẽ khơi gợi, dày vò và làm trầm trọng thêm nỗi đau nếu người thân của họ chết vì tự tử, hoặc bị kết án tử hình, hoặc chết trong những hoàn cảnh khó hiểu.

Mark Marvin, giáo sư tâm lý học, Đại học Harvard, Mỹ, cho biết: “Đó là chưa kể một hiệu ứng tạo ra bởi thực tế ảo. Nếu thường xuyên tiếp xúc với người đã khuất, người còn sống sẽ dễ rơi vào cuộc sống ảo”. Ông nói: “Thí dụ bạn hỏi hàng đêm tôi vẫn gặp lại người vợ quá cố thì có ích gì không? Câu trả lời là không, bởi lẽ tất cả sự gặp gỡ, trò chuyện chỉ là ảo ảnh nằm trong một chiếc hộp. Bạn mở nó ra rồi đóng nó lại trong khi cuộc sống vẫn không ngừng tiếp diễn. Khi đóng nắp hộp lại, dù muốn hay không bạn vẫn phải đối mặt với thực tế là bạn đã vĩnh viễn mất đi người ấy và điều đó sẽ làm cho sự thương tiếc trở nên nặng nề hơn…”.

Cũng đồng quan điểm với giáo sư Mark Marvin, ông Albert Rizzo, giám đốc Trung tâm Y tế thực tế ảo tại Khoa Tâm thần và khoa học hành vi thuộc Đại học South California, Mỹ nói: “Điều chắc chắn là “Gặp lại người thân” sẽ gây ra sự nhàm chán sau nhiều lần gặp gỡ bởi toàn bộ cuộc gặp chỉ có bấy nhiêu. Nếu muốn có thêm những tình tiết mới thì phải nâng cấp. Chẳng ai muốn loại bỏ những người thân yêu ra khỏi ký ức,  nhưng giữ lại người thân bằng cách cung cấp cho các chuyên gia AI những gì bạn đã biết về người ấy thì có ích gì?...”.

Vũ Cao (Theo Artificial Intelligence)
.
.