Ghép đa tạng – hồi sinh sự sống cho người mắc nhiều bệnh lý

Thứ Bảy, 04/03/2023, 10:50

Anh T.T.Q là người đầu tiên ở Việt Nam cùng lúc thực hiện ghép 2 tạng tim và thận. Ghép đa tạng – ghép nhiều tạng cùng lúc, đến nay chỉ thực hiện được ở những nước có nền y học phát triển. Tại Việt Nam đây là ca thứ 4, nhưng là ca đầu tiên ghép tim - thận thành công trên một bệnh nhân. Sau 10 ngày ghép đa tạng, anh T.T.Q (Gia Lai) đã có nhịp thở ổn định, gương mặt hồng hào, ngồi dậy ăn uống, hoạt động chân tay, vui vẻ gọi điện thoại chia sẻ hạnh phúc khi được tái sinh.

Nhận tạng vào ngày lễ tình yêu

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Cách đây 11 năm, bệnh nhân Q xuất hiện bệnh tim sau diễn biến thành bệnh cơ tim giãn và rối loạn nhịp tim nặng. 4 năm sau, người bệnh có dấu hiệu bệnh thận, dần chuyển thành suy thận mạn giai đoạn cuối. 6 năm nay, anh phải chạy thận chu kỳ 3 lần/tuần. 11 năm mang trong mình bệnh tim, 7 năm suy thận nặng, sức lực của người đàn ông đã dần cạn kiệt. Bệnh nhân nhiều lần phải cấp cứu ở các trung tâm tim mạch lớn tại TP Hồ Chí Minh và Huế nhưng không có hiệu quả, anh T được các bác sĩ khuyên ghép 2 tạng, nếu không sẽ tử vong.

Ghép đa tạng – hồi sinh sự sống cho người mắc nhiều bệnh lý -0
Ca ghép đa tạng tim - thận lịch sử được thực hiện bởi các thầy thuốc ở Bệnh viện Việt Đức.

Sau nhiều năm vào TP Hồ Chí Minh kiếm sống, anh Q đã gom góp được một số tiền để ghép tạng. Hơn 1 năm trước, anh ra Bệnh viện Việt Đức đăng ký ghép tạng. Sau khi đánh giá kỹ, hội đồng chuyên môn của bệnh viện đã thống nhất chỉ định thực hiện ghép đồng thời cả tim và thận cho bệnh nhân với nguồn tạng hiến từ người cho chết não. Tuy ghép tim và ghép thận là các kỹ thuật thường qui tại Bệnh viện Việt Đức, song ghép cả 2 tạng cùng lúc vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị rất kỹ càng. Trong hơn 6 tháng tiếp theo, không có trường hợp hiến tạng chết não nào thực sự phù hợp, anh Q lại quay về Gia Lai. Trong quá trình đó, anh 3 lần phải đi cấp cứu tại các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh và Huế.

“Để tìm được 2 tạng phù hợp là rất khó khăn. Đầu tháng 2 vừa qua, may mắn có bệnh nhân bị tai nạn giao thông chết não cho 2 tạng là tim và phổi, các chỉ số rất phù hợp với nam bệnh nhân”, PGS Nguyễn Hữu Ước chia sẻ.

Trường hợp hiến tạng là bệnh nhân nữ, gần 30 tuổi (Hà Nội), bị tai nạn giao thông, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng đa chấn thương rất nặng, sau mổ cắt lách do vỡ lách, đã chuyển sang Bệnh viện Việt Đức. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương sọ não nặng, hôn mê rất sâu, được điều trị tích cực nhưng kết quả chết não. Nữ bệnh nhân có em trai 17 tuổi, mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp, dị tật phổi, đã được mổ tim từ năm 4 tuổi. “Bệnh nhân đã sang Hàn Quốc, Itali mổ tim trong chương trình từ thiện. Về Việt Nam tiếp tục thực hiện 3 ca mổ nữa, trong đó có 1 ca ở Bệnh viện Việt Đức. Nhưng do bệnh quá nặng nên chỉ duy trì sự sống. Hai năm trước, bệnh nhân đã được đưa vào danh sách chờ ghép tim – phổi tại Bệnh viện Việt Đức. Mòn mỏi chờ nhưng không có tạng hiến phù hợp, cách đây 2 tháng bệnh nhân đã mất”, PGS Ước cho biết.

Cảm nhận sâu sắc sự nhân văn của hiến tạng cứu người, sau khi con gái bị chết não, gia đình bệnh nhân có nguyện vọng hiến tạng để cứu người bệnh khác. Do bị đa chấn thương nên nhiều tạng của người hiến bị hỏng, chỉ hiến được tim và 1 quả thận, phù hợp với anh Q. Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức chia sẻ, điều đặc biệt nữa đây là ca nữ hiến tạng cho nam vào đúng ngày 14/2 – ngày lễ tình nhân Valentine.

Ghép đa tạng – hồi sinh sự sống cho người mắc nhiều bệnh lý -0
Vận chuyển trái tim từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội để ghép cho bệnh nhân suy tim.

Những giây phút “thót tim”

Để chuẩn bị cho ca ghép lịch sử, GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chỉ đạo các ê-kíp phối kết hợp nhuần nhuyễn, tính toán mọi khả năng có thể xảy ra trong quá trình ghép, để có các bước chuẩn bị thật kỹ lưỡng. 9h sáng 15/2, ca ghép đa tạng tim – thận đầu tiên tại Việt Nam được tiến hành với sự tham gia của rất nhiều đơn vị chuyên môn, như: Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Trung tâm Ghép tạng, Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, Khoa Thận nhân tạo, Khoa phẫu thuật Tiết niệu, cùng các khoa - phòng – ban liên quan. Ca ghép đã kéo dài 10 giờ với sự tham gia của gần 200 giáo sư, bác sĩ, chuyên gia, nhân viên y tế.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết: “Lo nhất là có ghép được thận hay không, thành hay bại là ở ghép thận. Nếu ghép thận vào người có quả tim bình thường thì tiến triển tốt, nhưng đây là quả tim mới ghép xong, bao giờ cũng suy tim. Liệu có ghép được không và có vận hành được không, đây là bài toán khó”.

Bác sĩ Ước chia sẻ, quan trọng nhất của ca ghép là hồi sức quả tim như thế nào để tim phải đập tốt thì mới ghép được thận. Ghép thận không khó, nhưng ghép xong phải có máu để nuôi, nếu không quả thận sẽ chết. Đây là bài toán lo nhất vì chưa ghép nên chưa dự đoán được quả tim sẽ đập thế nào. Điều này đặt ra cho ê-kíp phẫu thuật nhiều thách thức. Khó khăn nhất là giai đoạn cuối ghép tim, làm sao có huyết động tốt đủ để ghép thận. Phải “ép” quả tim đập tốt (bình thường là chờ tim đập tốt). Tình hình rất căng thẳng, cả kíp gây mê phải đứng chỉnh huyết áp vì huyết áp xuống thấp không thể tiến hành ghép thận. “Sau vài giờ, quả tim đập vẫn yếu, chúng tôi đã phải tính đến phương án, nếu thêm 1 tiếng nữa tim vẫn đập yếu, đành phải nhường quả thận cho bệnh nhân khác”, PGS Ước kể lại.

Nhưng may mắn, chưa đến 1 giờ “cân não”, huyết áp của bệnh nhân tăng lên, tim đập mạnh hơn, bác sĩ ra quyết định ghép thận ngay. Trong vòng 2 tiếng, ca ghép thận đã hoàn tất. Bệnh nhân được đưa về phòng hồi sức để chăm sóc đặc biệt. Huyết áp của bệnh nhân tăng dần và ổn định sau vài giờ, trái tim cũng đập mạnh mẽ trong lồng ngực. Tuy nhiên, 1 ngày sau ghép, thận của bệnh nhân vẫn yếu, xuất hiện tình trạng “nghỉ không hoạt động”. “Đây đều nằm trong dự trù của chúng tôi. Các bác sĩ tiến hành lọc máu, hơn 1 ngày sau bệnh nhân tiến triển tốt, bỏ lọc máu. 3 ngày sau chức năng thận, tim ổn định. Tới ngày thứ 8 sau ghép, các chức năng của tim và thận đã phục hồi gần như bình thường, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy ăn uống và giao tiếp, không cần các phương tiện hỗ trợ đặc biệt về tim mạch và hô hấp”, bác sĩ Ước nói.

Ngoài ghép tim và thận, nam bệnh nhân còn phải sử dụng 1 phần mảnh ghép từ mạch máu của một người cho chết não khác để ở Ngân hàng Mô của Bệnh viện Việt Đức.

Ghép đa tạng – hồi sinh sự sống cho người mắc nhiều bệnh lý -0
Sau 8 ngày ghép tạng, nam bệnh nhân đã hồi sinh.

Tiến tới ghép nhiều tạng cùng lúc

Chưa đầy nửa tháng sau ca ghép đa tạng, Bệnh viện Việt Đức lại tiến hành ca ghép tim từ người cho chết não. Quả tim này được vận chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra ngay trong đêm để tiến hành ghép cho bệnh nhân bị suy tim. Điều đặc biệt trong ngày 26/2, hai bệnh viện hạng đặc biệt của cả nước cùng tiến hành ghép 5 tạng từ người cho chết não 35 tuổi, ở An Giang bị tai nạn giao thông đã hiến trái tim, 2 thận, 2 giác mạc và da để cứu sống 6 người.

Là trung tâm ghép tạng lớn nhất cả nước, Bệnh viện Việt Đức hiện đã làm chủ các kỹ thuật khó như ghép đa tạng. Để có thành công này, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực chia sẻ, Bệnh viện đã thực hiện ghép tim và thận rất thường quy, nên thuận lợi khi ghép cùng lúc tim - thận.

 “Chúng tôi ngồi với nhau 3 buổi, bàn bạc, rút ra kết luận nhanh và xây dựng một quy trình riêng cho ca này, khớp trong tất cả các khâu, từ lấy tạng đến ghép. Sự hợp tác nhuần nhuyễn của chuyên khoa đã làm nên thành công của ca ghép lịch sử”, bác sĩ Ước nói. Cũng theo vị chuyên gia, bệnh nhân chỉ khi suy tim và suy thận giai đoạn cuối mới được chỉ định ghép cả hai tạng. Theo các nghiên cứu, về kết quả lâu dài, ghép cả tim và thận tỷ lệ sống tốt hơn là ghép tim đơn thuần và thận đơn thuần.

Ghép đa tạng – hồi sinh sự sống cho người mắc nhiều bệnh lý -0
Bác sĩ mặc niệm người hiến tạng trước khi tiến hành phẫu thuật.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng - Bệnh viện Việt Đức, hiện nay, danh sách chờ ghép tạng ngày một nhiều thêm, khoảng 10.000 ca suy thận, 5.000 ca xơ gan, ung thư gan mới mỗi năm. Nguồn tạng vô cùng khan hiếm, đặc biệt là tạng từ người cho chết não, rất nhiều người bệnh không thể chờ đợi được đã qua đời. Đặc biệt tìm được tạng để ghép cho trẻ em vô cùng khó khăn vì kích thước khó phù hợp với trẻ nhỏ. Tại Bệnh viện Việt Đức, rất đông các cháu chờ ghép tim nhưng không có tạng phù hợp. Cả nước hiện có 20 trung tâm ghép tạng, nhưng số lượng ghép chưa tương xứng, chỉ được thực hiện ở một số trung tâm. Bệnh viện Việt Đức hiện đứng đầu cả nước về số ca ghép tạng, hiện đã ghép được hơn 1.500 trường hợp. Qua 10 năm triển khai chương trình ghép tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Việt Đức, đến nay Bệnh viện đã lấy tạng cho trên 100 bệnh nhân, đã ghép thận cho 161 trường hợp, ghép gan cho 90 người, ghép tim cho 47 trường hợp và 6 người ghép phổi. Ngoài ra còn bảo quản 60 van tim, 196 đoạn mạch, 222 gân… tại Ngân hàng Mô.

Trong khi tại Mỹ, trung bình 1 năm ghép 100 ca cả tim và thận. GS Trần Bình Giang cho biết, các nước chủ yếu dựa vào nguồn tạng từ người chết não, nhưng nguồn tạng này tại Việt Nam vô cùng hiếm hoi. Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức mong muốn lan tỏa thông điệp “hiến tạng cứu người” để ngày càng có nhiều người hiểu rõ hơn ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng để đem lại sự sống cho nhiều người bệnh khác.

Tháng 6/1992, Việt Nam thực hiện ca ghép thận thành công đầu tiên, đến nay sau 30 năm, cả nước đã thực hiện thành công hơn 6.000 ca ghép tạng. Tuy xuất phát sau thế giới hơn 50 năm, nhưng kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đã phát triển vượt bậc và đuổi kịp các nước có nền y học ghép tạng tiên tiến.

Nhóm ghép đa tạng trên thế giới đầu tiên được thực hiện ở Mỹ vào năm 1978. Tại Pháp đã thực hiện cùng lúc ghép tim -phổi - gan - thận. Việt Nam đã thực hiện được 3 ca ghép đa tạng, nhưng chưa từng có ca ghép tim - thận thành công. Do đó sắp tới, Bệnh viện Việt Đức không chỉ dừng lại ghép 2 tạng mà sẽ ghép nhiều tạng cùng lúc.

Trần Hằng
.
.