Giải pháp nào để hạn chế vấn nạn rác thải gây ô nhiễm môi trường?

Thứ Tư, 30/08/2023, 13:47

Vứt túi nylon, vỏ hộp, chai lọ, xác động vật chết, nhựa cứng bị bể vỡ, kính vỡ… mang đổ ra gốc cây hoặc ống cống thoát nước; đơn vị thu gom, xử lý rác thì mang chôn lấp hoặc đốt ở bãi đất trống…

Thực trạng này đã tồn tại lâu nay từ thành phố lớn đến các vùng nông thôn ở nước ta, không những làm mất vệ sinh chung mà còn ảnh hưởng cho khách du lịch, các nhà đầu tư, gây ô nhiễm cho môi trường, nguồn nước ngầm, tốn quỹ đất và gây nguy hại cho sức khỏe người dân…

Để tìm giải pháp khắc phục vấn nạn trên, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Đoàn Công, Viện Khoa học ứng dụng Lyon - Cộng hòa Pháp.

1. tiến sỹ đoàn công.jpg -0
Tiến sỹ Đoàn Công.

- Xin ông khái quát về thực trạng rác thải và ô nhiễm môi trường tại nước ta?

 + Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra con số thông kê lượng rác thải bình quân thải ra môi trường tại nước ta hiện nay vào khoảng 60.000 tấn/ngày, tương ứng với gần 22 triệu tấn/năm, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%, còn lại là vùng nông thôn. Dự báo với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng trưởng mạnh như thời gian qua (xấp xỉ 30%/năm), lượng rác thải cũng sẽ tăng theo tỷ lệ thuận (khoảng 1,8-2 triệu tấn/năm). Trong tổng lượng rác thải có đến 16% (3,52 triệu tấn) là rác thải nhựa rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên hoặc chôn lấp, chưa kể trong số này còn lẩn khuất một lượng đáng kể mảnh thủy tinh, mảnh gốm sứ…không thể phân hủy. Cũng theo khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện mỗi hộ gia đình Việt Nam đang sử dụng 1kg túi nylon/tháng, tính riêng TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mỗi ngày thải ra 100 tấn (30.000 tấn/năm).

Giải pháp nào để hạn chế vấn nạn rác thải gây ô nhiễm môi trường? -0
Rác vây kín quanh gốc cây.

Có một thực tế hiện nay, bản thân tôi và bất kỳ ai cũng thường thấy đó là mỗi lần đi ra đường, đến những nơi công cộng, những kênh rạch, bờ sông, bãi biển…, nơi đâu chúng ta cũng nhìn thấy rác. Gốc cây, khu đất hoang, góc đường vắng đầy những xà bần, mảnh kính, gốm sứ vỡ, đồ gỗ phế thải, mảnh nhựa. Người dân cứ dồn tất cả rác sinh hoạt, rác vô cơ, chai lọ thủy tinh, sắt thép, đầu tôn nhọn, đinh gỉ sét… vào cùng một túi bỏ vào thùng rác công cộng, chỉ có một số khu dân cư, bà con tự nguyện phân loại rác thải thành từng túi và có ký hiệu cụ thể. Đối với loại rác thải có độ phân hủy mạnh (rác thải hữu cơ) và rác thải khó phân hủy (rác thải vô cơ) đòi hỏi phải có phương pháp phân loại, thu gom, xử lý một cách khoa học, hiện đại mới có thể giải quyết được. Tuy nhiên, trên thực tế tại nước ta, việc thu gom rác lại rất thiếu trách nhiệm đó là bỏ tất cả các loại vào cùng một xe ép trước khi chở đến bãi đổ, còn xử lý thì đang được thực hiện theo cách khá tùy tiện, thủ công, với phương pháp xử lý phổ biến vẫn là đem đốt tại bãi lộ thiên và chôn lấp, phần nhỏ còn lại được tận dụng xử lý tái chế bằng công nghệ thô sơ và mô hình dưới dạng “làng nghề” tự phát.

- Vứt rác bừa bãi, xử lý bằng cách đốt ở bãi lộ thiên và chôn lấp gây ảnh hưởng đến môi trường đô thị, gây nguy hại cho sức khỏe người dân và ô nhiễm môi trường như thế nào?

+ Chính những bất cập nêu trên đã khiến cảnh quan môi trường bị phá hủy, tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất ngày càng tăng cao, quỹ đất ngày càng bị thu hẹp vì phải sử dụng để chôn lấp rác, mà đất này sẽ khó có thể cải thiện để sử dụng vào mục đích khác do chất thải nhựa rất khó phân hủy, mảnh thủy tinh, chai lọ, gốm sứ thì không thể phân hủy… Ô nhiễm từ nguồn rác thải còn gây các bệnh lạ cho người dân về đường hô hấp, đường tiêu hóa, các “làng ung thư”  xuất hiện ngày càng nhiều và trầm trọng hơn. Mặt khác vứt rác bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị, khiến cho khách du lịch không trở lại sau một lần đến, những nhà đầu tư thích môi trường xanh, sạch, không khí trong lành cũng phải ngán ngại, đó là chưa kể đến việc chúng ta đang bị thất thoát lãng phí rất lớn nguồn thu từ việc tái chế rác thải.

- Xin ông cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?

Giải pháp nào để hạn chế vấn nạn rác thải gây ô nhiễm môi trường? -0
Tất cả các loại rác đều được công nhân đổ vào một thùng xe thu gom.

+ Ý thức bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Công tác quản lý, giám sát chưa bắt kịp tốc độ phát triển và xả thải. Quy trình thu gom, xử lý rác thải chưa thực sự khoa học; công nghệ xử lý rác thải, đặc biệt là các loại rác thải khó phân hủy, rác thải độc hại còn thô sơ. Sự tranh cãi chưa hồi kết về lựa chọn công nghệ tối ưu trong xử lý rác thải; chưa có cơ chế chính sách ưu đãi rõ ràng đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; hành lang pháp lý, chế tài xử phạt các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường còn lỏng lẻo và chưa thực sự nghiêm minh. Sự phân cấp, phân quyền trong quản lý, giám sát, phối hợp xử lý vi phạm xả thải gây ô nhiễm môi trường còn nhiều bất cập, chồng chéo và chưa thực sự hiệu quả; tư duy quản lý cấp chiến lược về tổ chức nghiên cứu, thực hiện, thụ hưởng lợi ích từ xử lý, tái chế rác thải còn nhiều bất cập.

- Cần những giải pháp nào để không còn tình trạng xả rác thải bừa bãi và xử lý rác thải không đúng quy trình?

+ Rác thải, ô nhiễm môi trường hiện nay là vấn đề nhức nhối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống của người dân. Do vậy, việc xử lý, khắc phục tình trạng trên đòi hỏi phải có cách tiếp cận khoa học nhất, xây dựng phương án, kịch bản xử lý, ứng phó cụ thể phù hợp điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn.

Về nhận thức:  Tăng cường tuyên truyền trên tất cả các kênh và giáo dục trong học đường để tác động, chuyển hóa, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt với đối tượng người lớn tuổi và giới trẻ về tác hại của rác thải đối với môi trường sống và sự tồn tại của chính họ, để từ đó người dân, doanh nghiệp có ý thức bảo vệ môi trường và cộng đồng một cách thiết thực. Thông qua các hành động cụ thể, như chủ động phân loại rác từ nguồn, sử dụng sản phẩm đóng gói thân thiện môi trường, nói không với túi nylon, tự giác giữ gìn vệ sinh, bỏ rác đúng nơi quy định cả ở nhà và nơi công cộng.  Xem xét áp dụng áp dụng công nghệ giám sát nhận diện hình ảnh để phát hiện, quy trách nhiệm đối với các hành vi xả thải trộm, không đúng nơi quy định để xử lý, răn đe, giáo dục.

Giải pháp nào để hạn chế vấn nạn rác thải gây ô nhiễm môi trường? -0
Thùng phân loại rác không được ghi thêm tiếng Anh khiến khách nước ngoài không biết bỏ rác vào bên nào.

Về hành lang pháp lý: Hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra thị trường.  Quản lý dự án liên quan lĩnh vực môi trường theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực.  Tăng cường chế tài xử phạt nghiêm minh có tính răn đe giáo dục đối với các hành vi xả thải trộm, xả thải không đúng nơi quy định; tăng cường công tác theo dõi, giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quá trình sử dụng, thi hành, áp dụng và tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường, cũng như các văn bản dưới luật liên quan đến bảo vệ môi trường đối với tất các chủ thể, đặc biệt là các cơ sở làng nghề, các doanh nghiệp sản xuất nội địa và các doanh nghiệp FDI. 

Về cơ chế chính sách: Xây dựng mô hình kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý, tái chế rác thải để tái tạo nguyên liệu mới.  Điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nguyên liệu hóa thạch và thủy điện bằng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo từ sinh khối, gió và mặt trời. Siết chặt quản lý, thúc đẩy cải tiến quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nguyên liệu, giảm sử dụng các dạng nguyên liệu độc hại, khó phân hủy và khó tái chế, xây dựng cơ chế: Mua rác, đổi rác theo quy cách lấy quà, tiền; có biện pháp chấm và tính điểm tín dụng xã hội đối với mọi chủ thể để áp dụng hưởng các đặc quyền liên quan đến đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Có chính sách khuyến khích, tài trợ công nghệ giúp các làng nghề xử lý thải và xây dựng cơ chế quản lý theo nhóm (Thu gom, phân tách và tái chế). Đồng thời sử dụng “bàn tay thị trường” để điều chỉnh vấn đề ô nhiễm, đưa các làng nghề không đủ điều kiện về đủ điều kiện.

Về công nghệ xử lý rác thải: Phải xác định đốt, chôn lấp là hạ sách; áp dụng kỹ thuật công nghệ trong xử lý rác thải mới có thể tránh gây ô nhiễm môi trường và hướng tới xử lý rác thải mang lại môi trường sống trong lành, xanh, sạch và thân thiện nhằm kéo dài tuổi thọ con người; các mục tiêu còn lại nhằm tái tạo quay trở lại phục vụ đời sống. Do vậy, các nhà khoa học, các nhà quản lý cần xác định tiêu chí, tôn chỉ mục đích để thống nhất giải pháp công nghệ phù hợp tại thời điểm xem xét, tránh việc trông chờ công nghệ hoàn thiện và tối ưu mới lựa chọn, trong khi đó rác ngày càng ùn ứ, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, sức khỏe người dân, môi trường sống và cảnh quan đô thị ngày càng bị phá hủy trầm trọng.

Về quy chế quản lý điều hành và cách thức tổ chức thực hiện: Phải thẳng thắn nhìn nhận công tác tổ chức giám sát, quản lý điều hành trước vấn nạn rác thải, ô nhiễm môi trường hiện nay chưa bắt kịp tốc độ xả thải. Để công tác này đi vào quy củ, nề nếp, phát huy hiệu lực, hiệu quả, cần:  Xây dựng quy chế làm việc điều hành tập chung, thống nhất từ trên xuống theo hướng phân cấp, phân quyền, quy định thời gian, trách nhiệm cụ thể, tránh chồng chéo và tình trạng “xin - cho”, “quyền anh - quyền tôi”.  Xem xét thành lập Tổ tư vấn - giám sát “Phát triển Xanh” giúp việc cho Thủ tướng, để tổ chức tư vấn cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đồng thời, thực hiện việc giám sát quá trình thực hiện, đặc biệt đối với các làng nghề, khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp FDI;  Kêu gọi thành lập Quỹ “Phát triển Xanh” để xã hội hóa nguồn lực nhằm tài trợ, động viên, khuyến khích việc tuyên truyền, nghiên cứu, thực hiện bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn… Xem xét, chỉ cho phép các doanh nghiệp xử lý rác thải có đủ điều kiện (về công nghệ, thực lực tài chính, đạt các chứng chỉ xanh của quốc tế về xử lý thải) được hoạt động xử lý chuyên sâu, các làng nghề, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ xử lý thô sơ, bán hiện đại chỉ thực hiện việc xử lý ban đầu để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp có đủ tiêu chuẩn.

Đức Cương (thực hiện)
.
.