Góc nhìn khác về cuộc cạnh tranh vaccine ngừa COVID-19

Thứ Ba, 24/08/2021, 13:38

Theo một số nhà phân tích, trong cuộc cạnh tranh vaccine hiện nay, thế giới đang chia rẽ chứ không chỉ là hợp tác, với góc độ nơi thì đang thừa, phải hủy bỏ với những nơi người dân không có vaccine để tiêm. Theo một bài phân tích của Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh thì COVID-19 mới chỉ là phép thử đầu tiên và còn nhiều cuộc khủng hoảng khác đang chờ ở phía trước.

 

Cộng đồng y tế đã sớm tập hợp lại và xây dựng một sáng kiến về việc phân phối vaccine, ngay cả khi tiến trình nghiên cứu và điều chế mới đang ở giai đoạn đầu. Mục tiêu của cơ chế Tiếp cận toàn cầu với vaccine phòng COVID-19 (COVAX) là đến cuối năm 2021 sẽ sản xuất và cung cấp 2 tỷ liều vaccine.

"Không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn" đã trở thành khẩu hiệu cho sự hợp tác. Các tổ chức vẫn giữ được tinh thần đoàn kết - Liên minh vaccine toàn cầu Gavi và Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng ứng phó dịch bệnh (CEPI) đã hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm thực hiện chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A).

Góc nhìn khác về cuộc cạnh tranh vaccine ngừa COVID-19 -0

Người dân Mali vui mừng chào đón vaccine theo cơ chế COVAX. 

Tuy nhiên, theo bài phân tích, COVAX được coi là "giải pháp toàn cầu duy nhất" nhưng nó lại là sự pha trộn giữa tham vọng và sự thừa nhận về cam kết hạn chế của các nước lớn trong việc phối hợp tiêm chủng cho người dân trên thế giới. Tuy vậy, một chương trình tiêm chủng ưu tiên cho 1/5 dân số thế giới vẫn tốt hơn là không có gì.

Vài tuần sau khi cuộc khủng hoảng COVID-19 xảy ra, ông Ricardo Lagos, cựu Tổng thống Chile, cũng là thành viên nhóm các nhà lãnh đạo quốc tế cao tuổi, đã viết: "Hy vọng các thể chế quốc tế đủ sức vượt qua thách thức để ứng phó với đại dịch, vì sẽ không thể vượt qua cuộc khủng hoảng này bằng cách chỉ đẩy lùi dịch bệnh ở riêng bất kỳ quốc gia nào, mà phải chấm dứt tai ương này trên toàn thế giới".

Phản ứng đầu tiên của các nước là tự bảo vệ mình, tích trữ, đóng cửa biên giới - hành động thu hút được sự ủng hộ mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa. Mỹ và các đồng minh càng đổ lỗi cho Trung Quốc, cả về việc dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán và điều mà nhiều người coi là hành vi che đậy của chính quyền nước này, còn Trung Quốc càng từ chối cho phép các nước khác tiếp cận hoặc cung cấp thông tin cần thiết, thì phản ứng của thế giới càng trở nên thiếu tin tưởng và rời rạc.

Từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, các nhà nước - dân tộc đã thể hiện bản năng cạnh tranh của mình trong việc cung cấp khẩu trang hoặc thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE). Chính sách "ngoại giao vaccine" và "chủ nghĩa dân tộc vaccine" đã phát triển theo xu hướng này.

Cuộc chiến quan hệ công chúng không chỉ diễn ra giữa các đối thủ mà còn giữa các nước được cho là đồng minh. Chính phủ Anh đã lấy việc họ mua số lượng lớn vaccine đem so sánh với những thất bại ban đầu của EU như một minh chứng cho thấy việc họ rời khỏi khối này là đúng đắn. Về phía minh, định nghĩa của EU về sự đoàn kết xem ra cũng chỉ giới hạn gói gọn trong khối mà thôi.

Khi nhậm chức vào tháng 1-2021, Biden tuyên bố "Nước Mỹ trở lại" trong các vấn đề toàn cầu. Ông đảo ngược quyết định rời khỏi WHO của chính quyền tiền nhiệm và xoay chuyển phản ứng trong nước bằng một chương trình tiêm chủng nhanh chóng đầy ấn tượng. Tuy nhiên, giọng điệu hoa mỹ lại đôi khi không ăn nhập với thực tế. Chính sách y tế của Mỹ được định hướng hướng nội: Sản xuất quy mô công nghiệp dư thừa và tiêm vaccine cho tất cả người dân. Người Mỹ đã chuyển trạng thái gần như hoảng loạn đến việc được chính phủ cung cấp dư thừa vaccine đặc trị, trong khi tỷ lệ tử vong ở các nước nghèo hơn đang đang tăng mạnh do vaccine khan hiếm. Phương Tây đã thất bại nặng nề trong cuộc cạnh tranh chứng tỏ lòng thiện chí chuyển giao công nghệ cách đây ít lâu, để lại khoảng trống cho những nước khác khởi động chương trình ngoại giao vaccine của họ.

Trước Hội nghị Thượng đỉnh G7, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, tiến sĩ John Nkengasong tuyên bố: "Cơn ác mộng tồi tệ nhất của chúng ta đã trở thành hiện thực. Khi đại dịch bắt đầu bùng phát, chúng tôi đã cảnh báo rằng nếu chúng ta không hợp tác và thể hiện sự đoàn kết trên quy mô toàn cầu, thì chúng ta có thể rơi vào một thảm họa đạo đức".

Góc nhìn khác về cuộc cạnh tranh vaccine ngừa COVID-19 -0

Nhiều nước kém hoặc chưa phát triển được nhận vaccine theo cơ chế COVAX. 

Các tổ chức phi chính phủ từng tìm cách thuyết phục các chính phủ đã trở nên tuyệt vọng. Họ bị biến thành công cụ bởi sự tư lợi mang tầm cỡ quốc gia.

"Tỷ suất hoàn vốn" - một thuật ngữ kỳ lạ để chỉ sự cứu người - đã bắt đầu được sử dụng để nói về chiến lược cạnh tranh vaccine. Tháng 2-2021, khi thúc giục các quốc gia giàu có nhất trí với mục tiêu viện trợ 5% lượng vaccine cho những nước nghèo hơn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói: "Tình trạng bất bình đẳng toàn cầu đã gia tăng với tốc độ chưa từng có và nó cũng không bền vững về mặt chính trị vì nó sẽ dọn đường cho một cuộc chiến gây ảnh hưởng về vaccine".

Còn nhớ, ngay cả trong giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Nga vẫn tham gia liên minh toàn cầu để đẩy lùi bệnh đậu mùa. Với COVID-19 bây giờ cũng đang rất cần một sự hợp tác như thế của cả cộng đồng chứ không chỉ của các siêu cường và thậm chí là sâu hơn, rộng hơn. Trong một thế giới hoàn hảo, đa phương và hợp tác sẽ là kim chỉ nam.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.