Hàn Quốc và nguồn sức mạnh công nghiệp

Chủ Nhật, 30/04/2023, 16:57

Trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực tìm cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn, nước này không thể không tính đến sự phụ thuộc của chính mình vào các nền kinh tế nhỏ ở châu Á như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đối với nhiều công nghệ tương tự. Câu hỏi mà Mỹ và các đồng minh phải đặt ra là các nền kinh tế này, trong đó đặc biệt là Hàn Quốc, có phải là những nhà sản xuất đáng tin cậy hay không?

Vươn lên mạnh mẽ

Xem xét những thành tựu công nghiệp của Hàn Quốc có thể sẽ giúp đưa ra câu trả lời. Giờ đây, việc gã khổng lồ Samsung Electronics của Hàn Quốc đã vượt qua Toshiba của Nhật Bản và Intel của Mỹ để trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới (tính theo doanh thu) không còn là tin tức mới. Tuy nhiên, năng lực của ngành công nghiệp Hàn Quốc còn vượt ra ngoài lĩnh vực bán dẫn.

12.jpg -0
Xe tăng K2 và pháo tự hành K9 của Hàn Quốc cập cảng Ba Lan (Nguồn: Bộ Quốc phòng Ba Lan)

Ví dụ, Hyundai Motors gần đây đã trở thành nhà sản xuất ôtô lớn thứ ba thế giới, sau Toyota và Volkswagen, với chất lượng tương xứng. Hyundai và công ty “anh em” của mình là Kia đã giành vị trí hàng đầu trong “Nghiên cứu về độ tin cậy của các phương tiện ôtô năm 2023” của hãng J.D. Power, đánh bại Toyota và General Motors. Và trong cả hai năm 2022 và 2023, “Giải thưởng Xe hơi Thế giới” đã vinh danh chiếc xe điện (EV) IONIQcủa Hyundai là “chiếc xe thế giới của năm”.

Ngành công nghiệp vũ khí của Hàn Quốc cũng đang phát triển nhanh chóng. Tận dụng cơ hội do xung đột quân sự tại Ukraine tạo ra, các công ty của Hàn Quốc đã tăng cường xuất khẩu vũ khí sang phương Tây - chẳng hạn như bán pháo tự hành K9 và xe chiến đấu bộ binh cho Ba Lan. Ngoài ra, tháng 2/2023, nhà sản xuất Korea Aerospace Industries đã xác nhận thỏa thuận bán 18 máy bay chiến đấu cho chính phủ Malaysia. Tập đoàn Hanwha đang dự kiến sẽ mua lại Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering - một trong những nhà sản xuất tàu thủy hàng đầu của Hàn Quốc và cũng là công ty sản xuất tàu chiến và tàu ngầm.

Các công ty Hàn Quốc thậm chí còn có những bước tiến trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Rào cản đối với việc tham gia vào các lĩnh vực có chu kỳ dài như vậy là rất cao, và một số công ty Hàn Quốc đã cố gắng thâm nhập nhưng thất bại trong những năm 1990. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã tạo ra một cơ hội và các công ty Hàn Quốc đã không bỏ lỡ. Kể từ năm 2020, 3 công ty công nghệ sinh học của Hàn Quốc - gồm Samsung Biologics, Celltrion và LG Chemical - đã nằm trong số 10 công ty hàng đầu giao dịch trên thị trường chứng khoán Seoul.

Điều đáng chú ý là danh sách này còn bao gồm cả NAVER - được xem là “Google của Hàn Quốc”. Điều này khiến Hàn Quốc trở thành một trong số ít quốc gia - chẳng hạn như Trung Quốc - nơi có các nền tảng kỹ thuật số nội địa vượt trội hơn so với các nền tảng công nghệ khổng lồ của Mỹ.

Câu chuyện của các “chaebol”

Các công ty Hàn Quốc đã phát triển mạnh bằng cách không bỏ lỡ các cơ hội bên ngoài. Thành công của họ một phần bắt nguồn từ cấu trúc của nền kinh tế Hàn Quốc, đó là nền kinh tế do các tập đoàn đa dạng thuộc sở hữu gia đình, được gọi là “chaebol”, chi phối.

Các “chaebol” từng bị chỉ trích rộng rãi vì góp phần thúc đẩy cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào những năm 1990 do đầu tư quá mức bằng tiền đi vay. Tuy nhiên, trong khi khoảng 1/3 trong số 30 “chaebol” hàng đầu Hàn Quốc đã phá sản trong cuộc khủng hoảng, phần còn lại đã tái sinh thành những tập đoàn hùng mạnh tham gia thị trường toàn cầu và làm ăn có lãi.

Quyền sở hữu gia đình cho phép ra quyết định nhanh hơn và tầm nhìn chiến lược dài hơi hơn so với kiểu thuê quản lý điển hình của phương Tây, vốn có thể khiến họ không dám sẵn sàng theo đuổi sự đổi mới có thể phá vỡ hoạt động kinh doanh hiện tại vì sự thành công lâu dài của công ty. Quyền sở hữu ổn định hỗ trợ tầm nhìn dài hạn, giúp các công ty theo kiểu gia đình của Hàn Quốc sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Sự trỗi dậy của LG với tư cách là nhà sản xuất pin điện hàng đầu sẽ không bao giờ xảy ra nếu không có tầm nhìn của Chủ tịch Koo Bon-moo, cháu trai người sáng lập LG. Ngay cả khi thua lỗ chồng chất, Koo Bon-moo vẫn cam kết phát triển công nghệ pin hàng đầu thế giới trong suốt gần 20 năm. Nhờ sự kiên trì của ông, LG Energy Solution hiện là nhà sản xuất pin hàng đầu trên thị trường toàn cầu, ngoại trừ Trung Quốc.

Chắc chắn, quyền sở hữu gia đình cũng có xu hướng dẫn tới việc quản trị công ty không minh bạch và bảo thủ. Tuy nhiên, sự giám sát của công chúng ngày càng tăng trong những năm gần đây đã dẫn đến những tiến bộ quan trọng về các mặt này. Nhiều “chaebol” hiện nay sử dụng cơ cấu lãnh đạo hai nhánh, trong đó các chủ sở hữu của một gia tộc lãnh đạo cùng với các CEO chuyên nghiệp được tuyển dụng.

Điều này đã được chứng minh là một sự kết hợp thành công. Chính người sáng lập Samsung Lee Byung-chul, người đã bất chấp sự phản đối của đội ngũ quản lý của mình, quyết định rằng công ty sẽ bắt đầu sản xuất chất bán dẫn. Và chính hai CEO Yun Jong-yong và Kwon Oh-hyun, sau 7 năm thua lỗ, đã giúp mảng kinh doanh chip thu về lợi nhuận. Yun Jong-yong và Kwon Oh-hyun đều được trao quyền tự chủ đáng kể và các ưu đãi tài chính, trong khi gia tộc họ Lee và các nhân viên của họ liên tục giám sát và cập nhật tình hình kinh doanh.

Các “chaebol” thường thành công nhờ đi tắt đón đầu. Ví dụ, khi cuộc cách mạng kỹ thuật số diễn ra, các công ty Hàn Quốc đã có thể đi tiên phong trong sản xuất các sản phẩm tiên tiến, trong khi các công ty của Nhật Bản không thể làm được điều đó. Khi Samsung và LG tung ra tivi kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới tại thị trường Mỹ và châu Âu vào những năm 2000 - kết quả của nỗ lực nghiên cứu và phát triển thông qua hợp tác giữa tư nhân và nhà nước kéo dài hàng thập kỷ, các công ty Nhật Bản vẫn đang cố gắng tiếp thị tivi analog độ nét cao. Sony từ lâu đã là nhà sản xuất tivi hàng đầu, nhưng hãng này đã không thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu vốn đã chuyển sang kỹ thuật số.

Khánh An (Theo Project-syndicate)
.
.