Hướng đi nào cho ngành công nghiệp an ninh?

Thứ Tư, 17/08/2022, 11:51

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, không chỉ lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC) mà các lĩnh vực khác trong công an đều cần được đầu tư trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ hiện đại. Do đó, việc xác định hướng đi cho công nghiệp an ninh, tăng cường nghiên cứu, phát triển sản xuất các sản phẩm an ninh và PCCC là nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Chuyện từ chiếc xe chữa cháy tự chế

Đó là chiếc xe “ba trong một” do anh em Công an xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam tạo ra trong hoàn cảnh “cái khó ló cái khôn”. Chiếc xe tải phía trước có gắn loa phục vụ những buổi tuyên truyền lưu động, còn thùng phía sau chở bồn nước 1.500 lít cùng vòi phun để phòng khi có cháy thì chữa cháy, còn thường ngày làm nhiệm vụ phun rửa đường đi lối lại để bảo đảm vệ sinh môi trường.

Chiếc xe tải đỗ ngay cạnh phòng làm việc của công an xã, đuôi xe lùi sát bờ ao để lấy nước cấp tốc bất cứ lúc nào. Từ khi có chiếc xe tải, bà con xã Đạo Lý yên tâm hẳn, bởi trước kia, họ cứ nơm nớp lo rằng, nhỡ chẳng may nhà có cháy thì chẳng biết gọi ai.

Hướng đi nào cho ngành công nghiệp an ninh? -0
Theo Thiếu tướng Nguyễn Khắc Cường, Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh, định hướng phát triển công nghiệp an ninh theo hướng hiện đại, trong đó chú trọng sản xuất các sản phẩm lưỡng dụng.

Không chỉ chiếc xe tải đa năng ở Hà Nam mà có rất nhiều mô hình xe cứu hỏa được người dân ở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội,... chế tạo để đối phó với “bà hỏa”. Không thể không thừa nhận đây là những sản phẩm sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ và người dân. Nhưng, đây đều là những phương tiện thô sơ, chưa đảm bảo yêu cầu PCCC và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Rất cần có loại xe cứu hỏa mini chuyên dụng để có thể tiếp cận những đám cháy trong khu phố đông đúc, nhiều ngõ ngách chật hẹp, không chỉ hỗ trợ lính cứu hỏa mà còn dùng rộng rãi ngoài thị trường.

Hiện tại, Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an đang tập trung phối hợp, liên kết với doanh nghiệp ngoài công an để phát triển loại xe chữa cháy mini chuyên dụng. Loại xe này sử dụng cơ động, có thể phân bổ cho những nhà máy, khu đô thị nhỏ, sử dụng công nghệ chữa cháy nano có khả năng phun nước xuyên tường bê tông và tường gạch, phun nước áp lực cao kết hợp bọt chữa cháy làm giảm nhiệt nhanh và dập lửa nhanh hơn vòi phun thông thường.

Hướng đi nào cho ngành công nghiệp an ninh? -0
Đoàn công tác của Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an kiểm tra chất lượng ca nô sản xuất từ vật liệu PPC.

Vẫn trong lĩnh vực PCCC, để nhanh chóng tiếp cận và tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thì lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phải được trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ cá nhân. Tuy nhiên, tại hội thảo khoa học “Nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghiệp an ninh lưỡng dụng” tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Đại tá Phạm Văn Hiệu - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh cho biết, phần lớn quần áo chữa cháy của lực lượng PCCC được nhập khẩu từ nước ngoài nên có nhiều yếu tố về kích thước không phù hợp với lực lượng PCCC tại Việt Nam. Vì thế, Cục Cảnh sát PCCC & Cứu nạn cứu hộ đã phối hợp với các công ty thiết kế, xây dựng bản vẽ, sản xuất thử mẫu quần áo PCCC phù hợp.

Trang phục bảo hộ mang tính lưỡng dụng, sử dụng cho cả người trong và ngoài lực lượng Công an làm nhiệm vụ chữa cháy. Vì theo thông tư hướng dẫn thi hành Luật PCCC mới nhất, lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bao gồm cả lực lượng cảnh sát PCCC và lực lượng PCCC cơ sở. Theo đó, các tổ dân phố, các doanh nghiệp, khu công nghiệp cũng phải thành lập các tổ, đội PCCC và được trang bị bảo hộ PCCC như nhau.

Từ lĩnh vực PCCC, nhìn bao quát hơn, có thể thấy việc nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị, vũ khí hiện đại, tự chủ từ nghiên cứu thiết kế đến sản xuất để phù hợp với yêu cầu công tác, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việc phát triển các sản phẩm công nghiệp an ninh lưỡng dụng là hướng đi hoàn toàn phù hợp với việc thực hiện nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương về việc xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh theo hướng hiện đại; sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong CAND, phát huy vai trò nòng cốt phát triển công nghiệp an ninh, tạo ra những nền tảng cho tiến trình hiện đại hóa lực lượng CAND đến năm 2030.

Hướng đi nào cho ngành công nghiệp an ninh? -0
Đại tá Phạm Văn Hiệu - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh (thứ ba, từ phải sang) cùng đoàn công tác thăm xưởng sản xuất cửa thép chống cháy.

Phát triển ngành công nghiệp an ninh góp phần hiện đại hóa lực lượng CAND

Hiện nay Cục Công nghiệp an ninh đã chủ động nghiên cứu, sản xuất hàng trăm chủng loại sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị, vật tư kỹ thuật nghiệp vụ, tăng cường nghiên cứu, sản xuất nhiều sản phẩm mới, đồng thời huy động mọi nguồn lực, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hợp tác, liên doanh, liên kết tạo nên sức mạnh tổng hợp phát triển CAND với các sản phẩm lưỡng dụng có một số tính năng mới như xe ôtô chữa cháy, xe ôtô chở dây thép gai, xe tuần tra, tàu tuần tra...

Các sản phẩm hợp tác, liên doanh là những sản phẩm công nghiệp an ninh lưỡng dụng không có yếu tố bí mật, được sử dụng cả trong lực lượng vũ trang, lực lượng thực thi pháp luật và rộng rãi ngoài thị trường. Nhiều sản phẩm lưỡng dụng với những tính năng mới được Cục Công nghiệp an ninh phối hợp với một số công ty trong và ngoài lực lượng nghiên cứu sản xuất sẽ được giới thiệu tại Hội chợ triển lãm SECUTECH VIET NAM 2022 tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 18-8.

Dựa vào những nghiên cứu, đánh giá trực tiếp từ đơn vị sử dụng trong thực tế, có thể thấy phần lớn trang thiết bị công nghiệp an ninh có sẵn trên thị trường hiện nay là sản phẩm nhập khẩu có cấu hình, thông số chưa phù hợp khi về Việt Nam hoặc có những yếu tố chưa phù hợp với điều kiện sử dụng trong nước.

Hướng đi nào cho ngành công nghiệp an ninh? -0
Chiếc xe tải “ba trong một” của công an xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam có chức năng chữa cháy.

Hiện nay Bộ Công an triển khai đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã. Với khoảng 10.000 xã, phường trên cả nước, việc có một xe ôtô để phục vụ công tác tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự cho mỗi đơn vị công an xã, phường là rất cần thiết. Tuy nhiên, qua thực tế sử dụng, công an một số xã, phường trên địa bàn Hà Nội đã chỉ ra nhược điểm của xe tải tuần tra được cấp phát. Loại xe tải nhẹ 1 cầu, 2 chỗ ngồi, cabin chật hẹp trong khi lực lượng tuần tra phải có từ 3-5 người, gây khó khăn trong thao tác sử dụng, chưa hoàn toàn phù hợp cho xe công vụ vừa tuần tra, vừa truy bắt tội phạm, phạt vi phạm giao thông. Hơn nữa, động cơ thủy lực của loại xe này có công suất yếu, không đảm bảo khi tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, tạm giữ hàng hóa, phương tiện lấn chiếm vỉa hè.

Để khắc phục những hạn chế kể trên, hiện Cục Công nghiệp an ninh đã phối hợp với một số doanh nghiệp ngoài công an để phát triển dòng xe bán tải thành xe tuần tra của công an xã, phường. Đây là loại xe có chức năng đa dụng vừa truy bắt tội phạm, vừa chứa đồ, chở người với 5 chỗ ngồi, trang bị bên trong như một xe bán tải nhưng có thêm tính năng phục vụ hoạt động của lực lượng Công an.

Cần một hướng đi phù hợp

Để có hướng đi phù hợp và lâu dài cho công nghiệp an ninh, phải chú trọng vào tính thực tiễn của việc tăng cường nghiên cứu, phát triển sản xuất các sản phẩm. Bởi, nếu chỉ dựa trên nghiên cứu đơn thuần thì nhiều sản phẩm đã được nghiệm thu nhưng khó đi vào thực tế. Vì đây là những sản phẩm lưỡng dụng nên cần chú trọng hoàn thiện về cơ sở pháp lý, ý tưởng sáng chế ra các sản phẩm có tính năng mới cũng như đánh giá, định hướng nhu cầu của thị trường trong và ngoài lực lượng Công an đối với các sản phẩm này.

Hướng đi nào cho ngành công nghiệp an ninh? -0
Xe chữa cháy mini được sản xuất tại Việt Nam có ưu điểm nhỏ gọn, cơ động.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Cục Công nghiệp an ninh, hiện nay lực lượng Công an đang gặp nhiều khó khăn về phương tiện thủy phục vụ công tác tuần tra kiểm soát và quản lý an ninh, trật tự trên biển. Đa số tàu tuần tra, ca nô, xuồng chữa cháy, tàu chở quân đều được sản xuất từ hợp kim sắt, hợp kim nhôm, composite bộc lộ nhiều hạn chế và ảnh hưởng đến môi trường. Giải pháp đưa ra là cần sự kết hợp giữa các doanh nghiệp trong và ngoài công an để thiết kế, sản xuất tàu, xuồng, ca nô từ vật liệu PPC. So với những vật liệu truyền thống thì vật liệu PPC nhẹ hơn nước, có khả năng chống chìm, chống lật, không thấm nước, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu. Loại vật liệu này không gỉ, vỏ tàu sẽ không bị thủy sinh vật bám, chịu được va đập mạnh, có độ bền lên tới 30 năm - tuổi thọ gấp đôi vật liệu thông thường, nhất là tàu công vụ. Quá trình nghiên cứu, sản xuất tàu, xuồng chuyên dụng bằng PPC đều có sự tham khảo đánh giá chất lượng từ lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ về tàu cứu hộ và chữa cháy, từ CSGT về phương tiện tuần tra cũng như từ công an một số tỉnh ven biển.

Thiếu tướng Nguyễn Khắc Cường, Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh cho biết, định hướng trong thời gian tới là phát triển công nghiệp an ninh theo hướng hiện đại, trong đó chú trọng sản xuất các sản phẩm trọng điểm chuyên dùng và lưỡng dụng đáp ứng được nhu cầu công tác công an, tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều dòng sản phẩm công nghiệp an ninh lưỡng dụng đã hoàn thiện, sản xuất mẫu, được đánh giá sơ bộ, đủ điều kiện đưa vào thử nghiệm, triển lãm quảng bá giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, để đưa vào sản xuất phục vụ thị trường thì cần có sự kiểm định nghiêm ngặt của các cơ quan chuyên môn.

Để phát triển công nghiệp an ninh hiện đại thì nhiệm vụ đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công nhân viên và người lao động trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trong CAND cần được chú trọng. Đặc biệt là đào tạo đội ngũ công nhân, người lao động có tay nghề cao, sản xuất trên các dây chuyền thiết bị công nghệ cao, tự động hóa...

Huyền Châm
.
.