Hy vọng mới cho những người có thân hình “quá khổ”
Béo phì đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, vì thân hình “quá khổ” khiến họ tự ti trong giao tiếp, mặc cảm khi xuất hiện trước đám đông, thậm chí có người còn bị chồng bỏ vì thân hình quá “đồ sộ”. Béo phì khiến người ta tìm mọi cách để giảm cân, uống thuốc giảm béo bán tràn lan trên mạng.
Theo các chuyên gia, càng béo phì, kỳ vọng sống càng thấp bởi hàng loạt bệnh tật nguy hiểm đi kèm. Tử vong do béo phì bằng 3 lần ung thư đại tràng và ung thư vú cộng lại. Mới đây, Bệnh viện Việt Đức đã áp dụng kỹ thuật mới trong việc chữa béo phì bằng phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt đai dạ dày, đem lại hy vọng cho những người mắc căn bệnh này…
Trầm cảm vì bị béo phì
Nữ giảng viên của một trường đại học ở Hà Nội tìm đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Bệnh viện Việt Đức) khi cô đang phải uống thuốc điều trị căn bệnh trầm cảm. Nguyên nhân do cô tăng cân khó kiểm soát, chỉ vài năm mà cô đã nặng tới gần 100kg. Cô đã cố gắng giảm béo bằng nhiều phương pháp nhưng không có hiệu quả. Do thân hình “quá khổ” nên nữ giảng viên càng mặc cảm, tự ti, thấy người khác nhìn mình lại tưởng họ đang “giễu cợt”, không chịu nổi, cô đã nghỉ giảng dạy và lui về làm công việc hành chính. Không tự tin vào bản thân, cô hay suy nghĩ tiêu cực, dẫn tới mắc căn bệnh trầm cảm.
Khi biết thông tin Bệnh viện Việt Đức chữa béo phì bằng phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt đai dạ dày, nữ giảng viên được người nhà đưa đến thăm khám. Bác sĩ tư vấn cho cô phương pháp phẫu thuật. Chỉ vài tháng sau, nữ giảng viên đã giảm gần 30kg. “Lấy lại được vóc dáng, bệnh nhân cũng dần lấy lại được tự tin, tần suất uống thuốc chống trầm cảm đã giảm đi, bệnh cũng đỡ hơn rất nhiều. Giờ đây cô ấy đã rất tự tin, thỉnh thoảng còn lên lớp giảng dạy”, TS.BS Bùi Thanh Phúc, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức cho biết.
Vào tháng 8 vừa qua, Bệnh viện tiếp nhận nữ sinh viên 21 tuổi đang học tại một trường đại học ở Hà Nội với thân hình “quá khổ” đến khám. Nữ sinh viên cho biết, mình rất tự ti khi nặng 118 kg mà chỉ cao 1,58m. Vốn bụ bẫm từ nhỏ, nhưng tới tuổi dậy thì cô mới phát phì, 16 tuổi đã nặng gần 100kg. “Em thích ăn vặt, đồ ăn nhanh và đồ ngọt như chè, socôla…Từ 12 tuổi em đã dậy thì, nhưng kinh nguyệt bị rối loạn, 1 năm mới có 1-2 lần”, cô gái chia sẻ.
Nữ sinh viên 21 tuổi đã thử rất nhiều biện pháp giảm cân như tập thể dục, uống thuốc giảm cân do bạn bè giới thiệu, ăn kiêng… nhưng đều không có tác dụng. “Chỉ một thời gian xuống cân, em lại quay về cân nặng như cũ, dù cố gắng nhưng không duy trì được chế độ ăn kiêng, cơ thể lại hay mệt mỏi”, nữ sinh viên cho biết.
Vì thân hình quá khổ nên cô mặc cảm, sống thu mình, ảnh hưởng rất lớn đến học tập và tinh thần. Khám cho ca bệnh này, TS.BS Bùi Thanh Phúc cho biết: Chỉ số BMI của bệnh nhân là 43 (mắc bệnh béo phì), nên chúng tôi đã tư vấn cho người bệnh giảm béo bằng phương pháp phẫu thuật cắt dạ dày. Sau 3 tuần phẫu thuật, bệnh nhân giảm 15kg và đã có kinh trở lại.
Tương tự, chị N.T.H.L (37 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh) cũng khổ sở vì phát phì sau khi sinh con thứ hai, từ 58kg tăng lên 95kg. Suốt 5 năm qua chị L. luôn tự ti và mặc cảm mỗi lần xuất hiện cùng chồng và trước đám đông. Đi kèm với béo phì là các bệnh tiểu đường, mỡ máu, rối loạn kinh nguyệt ập đến. Đã thử nhiều biện pháp giảm béo nhưng không thành, cuối cùng qua tư vấn, thăm khám, chị quyết định thực hiện giảm béo bằng thu nhỏ dạ dày ở Bệnh viện Việt Đức.
Theo TS.BS Bùi Thanh Phúc, sau 8 tháng phẫu thuật, chị L. đã giảm được 20kg, tình trạng rối loạn kinh nguyệt không còn, đường huyết trở về bình thường. Đến thời điểm này, bệnh nhân đã phẫu thuật được hơn 1 năm và chỉ số cân nặng vẫn giữ ổn định.
Phẫu thuật cứu 90% người béo phì khỏi tử vong
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, thừa cân, béo phì đang trở thành căn bệnh báo động tại Việt Nam. Tỷ lệ bệnh nhân béo phì tới khám và tư vấn phẫu thuật tại Bệnh viện cũng tăng nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nhiều người còn nhầm lẫn giữa thừa cân và béo phì, đây là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau cả về định nghĩa và điều trị.
Người bình thường chỉ số BMI từ 20-25 (chỉ số BMI là lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao, nếu người BMI dưới 20 là gầy, dưới 18,5 là bệnh gầy). Khi thừa cân chỉ số BMI là 25-30, nếu béo phì, chỉ số này trên 30. Người mắc bệnh béo phì là người có chỉ số BMI trên 40 và bệnh béo phì nặng BMI trên 50.
“Người châu Á có chỉ số BMI từ 27,5 trở lên là đã có nguy cơ rất cao; chỉ số trên 30 là mắc bệnh béo phì. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, với trường hợp người châu Á có BMI từ 27,5 trở lên mà có các bệnh phối hợp thì phải can thiệp bằng mổ xẻ", GS Trần Bình Giang nói.
Béo phì gây ra bệnh mạch vành tim, xơ vữa động mạnh, nhiễm mỡ gan, xơ gan, xương khớp, rối loạn kinh nguyệt, thậm chí là vô sinh, trầm cảm… Tử vong do béo phì bằng 3 lần ung thư đại tràng và ung thư vú cộng lại.
Khi béo phì, người ta đã tìm đến các phương pháp giảm cân như tập thể dục, chế độ ăn không tinh bột, nhịn ăn… nhưng hiệu quả chỉ được một thời gian ngắn. Bên cạnh đó, nhiều người đang bị cuốn vào các thuốc giảm cân rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, trên thế giới đã có ca tử vong vì hoại tử gan sau khi uống thuốc giảm cân. Vì vậy, ông đặc biệt khuyến cáo người thừa cân, béo phì không được dùng thuốc giảm cân rao bán tràn lan trên mạng, bởi cực kỳ nguy hiểm; dùng thuốc phải được kê đơn bởi bác sĩ và phải sử dụng thuốc được Bộ Y tế cấp phép. Đến nay, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) mới chỉ công nhận 2 thuốc được phép cho sử dụng trong béo phì, thuốc này đánh vào trung khu thần kinh gây chán ăn, nhưng nhiều nguy hiểm vì có thể gây trầm cảm. Trước đó, FDA đã rút 2 thuốc chữa béo phì ra khỏi thị trường sau khi có quá nhiều nguy hiểm cho người sử dụng.
Chuyên gia cũng cho hay, khi áp dụng tất cả các phương pháp giảm béo mà vẫn không kiểm soát được cân nặng, cách cuối cùng là phẫu thuật thu nhỏ dạ dày. “Việc phẫu thuật chữa bệnh béo phì chúng tôi quan niệm là chữa bệnh chứ không phải là vấn đề điều trị thẩm mỹ. Bởi lẽ, béo phì là một bệnh lý y học cần được điều trị chuyên sâu bởi các chuyên gia y tế và bởi phương tiện chuyên biệt”, GS Giang nói.
Ông cũng cho biết thêm, phẫu thuật thu nhỏ dạ dày là phương pháp chữa bệnh chủ động và bền vững, có tác dụng làm giảm cân nặng và điều trị các bệnh phối hợp có hiệu quả, làm giảm 90% tỷ lệ tử vong ở người béo phì.
Hạnh phúc khi chữa khỏi bệnh
Anh N.V.V là người đàn ông may mắn và hạnh phúc khi đã thoát khỏi căn bệnh béo phì. Anh là ca bệnh nặng cân nhất mà Bệnh viện Việt Đức điều trị và cũng giảm nhiều cân nhất sau phẫu thuật - giảm gần 100kg. Trước khi phẫu thuật, anh V nặng 168kg, vì thân hình quá khổ, nam bệnh nhân khó khăn trong đi lại, nên chỉ ngồi là chủ yếu. Từ thân hình đồ sộ, nam bệnh nhân giờ chỉ còn 70kg, anh đã lấy lại được niềm tin vào cuộc sống. Điều đáng mừng là sau nhiều năm phẫu thuật, cân nặng của anh vẫn ổn định.
Theo GS.TS Trần Bình Giang, Bệnh viện đã phẫu thuật chữa béo phì cho hơn 200 trường hợp, người nhỏ tuổi nhất là 16, cao tuổi nhất là 63. Qua theo dõi các trường hợp phẫu thuật béo phì tại bệnh viện, các kết quả đánh giá cho thấy cân nặng trung bình của mỗi người sau phẫu thuật một năm giảm khoảng 35kg. Có người khi tới viện nặng 103kg, sau 1 năm phẫu thuật giảm còn 69kg; hoặc có người nặng 130kg, giảm xuống còn hơn 50kg sau 2 năm. Sau 17 ca bệnh đầu tiên phẫu thuật giảm béo (nữ, Lạng Sơn) cân nặng vẫn giữ ổn định.
TS.BS Bùi Thanh Phúc cho biết, có bệnh nhân béo phì bị vô sinh, sau khi phẫu thuật giảm cân đã có con. Có chị bị tăng cân mất kiểm soát (nặng 80-90kg) sau khi sinh con thứ nhất, bị vô sinh thứ phát. Đi khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhưng không tìm ra nguyên nhân, chuyển sang Bệnh viện Việt Đức mổ chữa béo phì, về có con ngay. Hoặc có bệnh nhân ở miền Nam nhiều năm lập gia đình không có con, 2 năm sau phẫu thuật báo tin vui đã được làm mẹ.
Theo GS Trần Bình Giang, hiện bệnh viện sử dụng 2 phương pháp phẫu thuật chữa béo phì: đặt vòng thắt dạ dày qua nội soi và phẫu thuật nội soi cắt dạ dày hình ống. Phương pháp vòng thắt dạ dày nhằm thu nhỏ lại một phần dạ dày để chứa thức ăn có ưu điểm là giảm lượng cân thừa tốt. “Phương pháp này không cắt đi phần nào của dạ dày, đến lúc không thích có thể tháo vòng ra. Tuy nhiên, ăn một chút là no, đặc biệt ăn phải nhai kỹ, không được uống rượu bia, nước ngọt có ga…nên đã gây bó hẹp cuộc sống sinh hoạt khiến nhiều người không chịu được”, GS Giang nói.
Theo Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, người bệnh hiện chọn lựa phương pháp cắt đi một phần lớn dạ dày để dạ dày còn lại một cái ống giống như ruột. Đây là phương pháp giảm cân tốt và bền vững, ít biến chứng, thời gian nằm viện ngắn, nhanh phục hồi.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, phẫu thuật không kèm theo chế độ ăn và sinh hoạt phù hợp sẽ dẫn tới thất bại. Đi kèm với phẫu thuật là việc theo dõi lâu dài, có vật lý trị liệu, cũng như cần có chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn chế độ ăn để sau phẫu thuật giảm béo đảm bảo sức khoẻ. "Tại Bệnh viện đã thành lập một ê kíp gồm: Chuyên gia phẫu thuật, chuyên gia gây mê, chuyên gia dụng cụ viên, chuyên gia dinh dưỡng… có như vậy mới có thể mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững cho bệnh nhân phẫu thuật điều trị béo phì" - lãnh đạo Bệnh viện hữu nghị Việt Đức cho biết thêm.