Khái niệm độc tài kỹ thuật số ở Trung Đông

Thứ Hai, 10/10/2022, 13:06

Trong nhiều năm, các video quảng cáo về robot hình người do công ty kỹ thuật Boston Dynamics của Mỹ tạo ra đã làm dấy lên những đồn đoán và cảnh báo về tiềm năng hình thành một đội quân robot trong tương lai.

Máy bay không người lái đã mang lại một yếu tố đáng lo ngại cho nguy cơ chiến tranh, vì quân đội giờ đây có thể triển khai bom chỉ bằng một nút bấm từ bảng điều khiển máy tính cách xa hàng nghìn dặm. Liệu mặt trận tiếp theo có thể bao gồm các cuộc giao tranh trên mặt đất do các đội quân robot thực hiện hay không?

Quân đội điện tử

Được các quốc gia như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) kiểm soát, đội quân bot trên mạng xã hội đang chờ sẵn, sẵn sàng tấn công các quan điểm bất đồng chính kiến và truyền bá chủ nghĩa dân tộc. Cho đến nay, các công ty ở Thung lũng Silicon có quyền truy cập chưa từng có vào dữ liệu của các nước vùng Vịnh vẫn thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công điện tử này.

Khái niệm độc tài kỹ thuật số ở Trung Đông -0
Khái niệm “quân đội điện tử” đang thịnh hành ở Trung Đông.

Theo Marc Owen Jones, tác giả của cuốn “Chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số ở Trung Đông: Lừa dối, Thông tin và Mạng xã hội”, trong thập kỷ qua, “chủ nghĩa lạc quan về công nghệ” của Mùa xuân Arab 2011 đã nhanh chóng nhường chỗ cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa chuyên chế kỹ thuật số, theo đó các quốc gia vùng Vịnh sử dụng mạng xã hội “như một công cụ đàn áp phản cách mạng”. Sự gia tăng của các tài khoản giả (tài khoản bot) trên Twitter đã mở rộng đáng kể phạm vi tiếp cận của thông tin sai lệch, trong khi các mạng lưới troll để đăng các thông điệp gây tranh cãi được triển khai để đe dọa đối thủ và chi phối các cuộc tranh luận chính trị quan trọng.

Cuộc khủng hoảng thông tin ở vùng Vịnh

Theo Marc Owen Jones, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh năm 2017 đánh dấu “bước ngoặt trong thời khắc khủng hoảng thông tin của khu vực, khi các quốc gia tiến hành phong tỏa - Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain - đã phát động một chiến dịch thông tin sai lệch chưa từng có để biện minh cho chiến dịch chống Qatar của họ. Việc sử dụng các công ty quan hệ công chúng, cùng với tài khoản bot và mạng lưới troll, đã tạo ra nhận thức sai lầm về sự thù địch đối với Doha và các đối tác của họ, trong đó bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Tổ chức Anh em Hồi giáo (IS)”.

Trong khi các nhà vận động hành lang Saudi Arabia thành lập một trang web tuyên truyền để quảng bá thông tin chống Qatar, trong đó tô vẽ nền kinh tế của đất nước này dưới góc nhìn tiêu cực, những người lính “điện tử” đã làm việc siêng năng để đảm bảo rằng các từ khóa chỉ trích Qatar trở thành chủ đề thịnh hành.

Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh được cho là một chiến dịch lừa dối toàn diện, ban đầu được khơi nguồn bởi một câu chuyện trên hãng thông tấn nhà nước Qatar (QNA), trong đó Tiểu vương Qatar được trích dẫn ca ngợi Hamas, Hezbollah và Iran. Doha cho rằng trang web đã bị tấn công như một cái cớ để biện minh cho việc phong tỏa sau đó.

Marc Owen Jones đã nhấn mạnh sự chuẩn bị và phối hợp đi vào hoạt động trong chiến dịch tin giả này. Ông chỉ ra rằng vài ngày trước khi có tin tức về những bình luận được cho là của Tiểu vương Qatar, từ khóa “Qatar, ông trùm của khủng bố” đã bắt đầu thịnh hành trên mạng xã hội. Jones khẳng định: “Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh có lẽ là một trong những ví dụ đầu tiên về một cuộc xung đột chính trị được khởi xướng và duy trì bởi hoạt động mạng và thông tin sai lệch nhiều cấp độ”.

Theo ông, các quốc gia vùng Vịnh đã triển khai quân đội trực tuyến như những người bảo vệ chế độ, từ hàng loạt dòng tweet ca ngợi các lực lượng liên kết với Saudi Arabia trong nỗ lực đánh lạc hướng những lời chỉ trích về các vi phạm ở Yemen, đến các tài khoản bot đăng tải liên tục từ khóa “Jamal Khashoggi” một năm sau cái chết của ông “với nội dung không liên quan nói về việc những người lao động nước ngoài thích làm việc ở Saudi Arabia như thế nào”.

Cuộc chiến chống tin giả

Làm thế nào để chống lại cuộc tấn công này vẫn còn là một câu hỏi mở. Trong khi Twitter định kỳ tạm dừng các bot quảng bá tuyên truyền của Saudi Arabia và UAE, thì những “con ruồi điện tử” (tức các tài khoản mạng xã hội) nhanh chóng hoạt động trở lại. Đồng thời, Saudi Arabia là một nhà đầu tư nổi tiếng ở Thung lũng Silicon, điều làm dấy lên lo ngại về cách họ có thể sử dụng ảnh hưởng này.

Vào năm 2020, Tổ chức Phóng viên không biên giới đã chỉ định "lữ đoàn điện tử" của Saudi Arabia, một mạng lưới các bot ủng hộ chế độ tạo ra hơn 2.500 dòng tweet mỗi ngày, là một trong 20 “kẻ săn mồi” kỹ thuật số hàng đầu thế giới. Riyadh thậm chí đã tìm cách xâm nhập vào trụ sở Twitter, cử gián điệp đến làm việc tại công ty và thu thập thông tin nhạy cảm.

Ngày nay, sự phát triển vượt bậc của trí thông minh nhân tạo (AI) phủ bóng lên tương lai của chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số. Marc Owen Jones lưu ý: “Với ít biện pháp bảo vệ đạo đức để ngăn chặn hiện tượng như vậy, chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới đáng báo động khi các chế độ và những người cai trị có thể lừa dối nhiều khán giả".

Vụ án khét tiếng về "nhà báo giả mạo" - trong đó trang mạng “The Daily Beast” của Mỹ đã phát hiện một mạng lưới bí ẩn gồm ít nhất 19 nhà phân tích được cho là không ai trong số đó thực sự tồn tại, đã viết hàng chục bài xã luận về Trung Đông trên khoảng 50 hãng truyền thông - làm nổi bật mức độ tiềm năng và phạm vi tiếp cận các chiến dịch lừa dối, cùng với khó khăn trong việc chống lại chúng trong thời đại nguồn tài nguyên báo chí ngày càng thu hẹp.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.