Khi nắng nóng bất thường thành… thông thường

Thứ Ba, 23/08/2022, 21:24

Thời gian gần đây, các nước châu Âu và cả nước Mỹ liên tục hứng chịu sự tấn công của sóng nhiệt chưa từng thấy. Bên cạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người, sóng nhiệt còn ảnh hưởng trầm trọng đến nông nghiệp và sản xuất lương thực.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cho biết tháng 7 vừa qua là một trong những tháng 7 nóng nhất, với nền nhiệt toàn cầu trong tháng 7 tăng 0,40C so với mức trung bình ghi nhận từ năm 1991 đến năm 2020.

anh 1 (1).jpeg -0
Nhiều quốc gia đang phải hứng chịu các đợt nắng nóng bất thường

Thời tiết bất thường, hậu quả khôn lường

Tại châu Âu, nhiệt độ ở Bồ Đào Nha có thời điểm lên đến 46 độ C, nhiệt độ ở Anh vượt ngưỡng 40 độ C, ghi nhận kỷ lục mới. Ở Bồ Đào Nha, sóng nhiệt trong hai tuần đầu tháng 7 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người. Nắng nóng cực đoan cũng gây cháy rừng xuyên quốc. Nhiều nơi ở Mỹ đã đưa ra cảnh báo nắng nóng.

Tại châu Á, những đợt nắng nóng kéo dài kể từ tháng 6 với nhiệt độ lên tới 44°C đang đe dọa mùa màng và cuộc sống của người dân ở Trung Quốc, đồng thời đẩy mức sử dụng điện của nước này lên mức cao kỷ lục. Một số quốc gia đã quen với khí hậu ôn hòa như Nhật Bản, Hàn Quốc nay cũng đang phải chịu đợt nắng nóng từ 35 - 40°C. Ở Nhật Bản, hơn 15.000 người đã phải nhập viện do kiệt sức và sốc nhiệt. Còn tại Hàn Quốc đã có người tử vong do nắng nóng.

Đáng lo ngại hơn, WMO cảnh báo các đợt nắng nóng bất thường sẽ xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trong vài thập niên tới, và các tác động tiêu cực ít nhất sẽ kéo dài đến năm 2060. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính số người tử vong liên quan đến nhiệt độ cao ở các nước châu Á có thể tăng thêm hơn 21.000 người trong thập kỷ tới.

Cơ quan giám sát khí quyển Liên minh châu Âu cảnh báo sóng nhiệt càn quét khắp châu Âu đang dẫn đến tình trạng ô nhiễm tầng ozone rất nghiêm trọng, gây nên ảnh hưởng tiềm tàng đối với sức khỏe con người. Sóng nhiệt còn đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Các khu vực dễ bị tổn thương nhất bao gồm phía Tây Bắc Mỹ, Tây Âu, phía Tây của Nga, cũng như Ukraine. Khoảng 1/4 các loại lương thực chủ yếu của toàn cầu như lúa mỳ, ngô, đậu tương được sản xuất ở những khu vực này. Tháng 5-2022, quốc gia sản xuất lúa mỳ lớn thứ hai thế giới là Ấn Độ đã đột ngột cấm xuất khẩu mặt hàng này, nguyên nhân chủ yếu cũng là do nắng nóng khiến sản lượng sụt giảm.

Nắng nóng đẩy nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao. Tại Trung Quốc, mức tiêu thụ điện lên cao kỷ lục ở các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam do việc sử dụng điều hòa nhiệt độ tăng lên. Cuộc khủng hoảng điện sẽ kéo theo ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tác giả Luke Parsons, một nhà nghiên cứu về khí hậu tại Đại học Duke, đã phát hiện ra rằng tổn thất lao động do tình trạng nắng nóng trên toàn cầu đã tăng hơn 9% trong 40 năm qua. Một nghiên cứu khác của nhà khoa học khí hậu Rachel Licker khi xem xét tình trạng những người lao động làm việc ngoài trời ở Mỹ đã chỉ ra rằng người lao động ngoài trời tiếp xúc với nhiệt độ khắc nghiệt sẽ tăng gấp 3 lần trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2050, dẫn đến thiệt hại kinh tế liên quan đến thu nhập khoảng 3,7%.

Thế giới cần nỗ lực tối đa

Theo các nhà khoa học, các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn là chỉ dấu rõ ràng về tình trạng ấm lên trên toàn cầu. Ngày 18-7, tại hội nghị đối thoại khí hậu diễn ra ở Berlin (Đức), Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres một lần nữa cảnh báo một nửa nhân loại trên Trái Đất đang chịu sự đe dọa của lũ lụt, hạn hán, bão và cháy rừng, không một quốc gia nào có thể ngoại lệ.

Đáng tiếc, đến nay các nước trên thế giới vẫn không thể đồng tâm hiệp lực để ứng phó với vấn đề toàn cầu nóng lên hiện nay. Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, ông đã đảo ngược quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của cựu Tổng thống Donald Trump, nhưng cho đến nay vẫn đang chật vật thúc đẩy các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Một bước tiến đáng hy vọng mới đây là ngày 16-8, Tổng thống Biden đã ký ban hành dự luật trị giá 430 tỷ USD, được coi là "gói khí hậu" lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Trong khi đó, các nước châu Âu lại đang “bận rộn” tập trung nguồn lực cho các vấn đề khác, đặc biệt là cuộc xung đột Nga-Ukraine và hiệu ứng tiêu cực xuất phát từ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga. Nguồn cung dầu thô, khí đốt tự nhiên và lương thực thiếu hụt, giá cả leo thang, lạm phát tăng cao cũng như các đợt bùng phát của dịch COVID-19 lặp đi lặp lại, cũng là những vấn đề đau đầu. Các nước như Đức vốn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga, buộc phải tái khởi động nhiệt điện than để giải tỏa nhu cầu cấp bách. Nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu của thế giới hiện đang gặp phải trở ngại ngoài ý muốn.

Các chuyên gia vẫn xác định thực hiện cắt giảm carbon, giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chuyển đổi sang năng lượng mới. Thời tiết cực đoan ngày càng đáng sợ sẽ thôi thúc các nước châu Âu coi trọng hơn vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường đầu tư để đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới như năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân thế hệ mới, năng lượng hydro…

Bích Vân (Tổng hợp)
.
.