Không chủ quan với bệnh đậu mùa khỉ

Thứ Tư, 27/07/2022, 11:40

Bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan nhanh chóng đến 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực với hơn 16.000 trường hợp mắc, 5 người tử vong, đang là mối lo ngại của toàn cầu. Ngày 23-7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do tốc độ lây truyền nhanh, nguy cơ về sự lan rộng tới các quốc gia khác.

Tại khu vực châu Á, đã có 3 quốc gia láng giềng với Việt Nam ghi nhận ca bệnh, nguy cơ lây bệnh vào trong nước là rất lớn. Trong bối cảnh bệnh không có thuốc đặc hiệu, nước ta không còn dự trữ vaccine đậu mùa, thế giới lại đang khan hiếm vaccine, chưa có bộ kid xét nghiệm, Việt Nam chuẩn bị kịch bản như thế nào khi có ca bệnh trong cộng đồng?

Lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, giọt bắn…

Ngay sau tuyên bố của WHO, Việt Nam đã họp khẩn cấp để bàn giải pháp và chuẩn bị năng lực chẩn đoán, điều trị, xây dựng kịch bản để sẵn sàng chống dịch khi có ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng. Cuộc họp này do Bộ Y tế chủ trì cùng với Văn phòng WHO tại Việt Nam, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế các tỉnh, thành phố…

Không chủ quan với bệnh đậu mùa khỉ -0
Các chuyên gia Việt Nam họp khẩn để tìm giải pháp phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Theo Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Lương Tâm, các nước cạnh Việt Nam như Thái Lan, Singarpore, Trung Quốc đã ghi nhận ca bệnh. Việt Nam được WHO xếp thuộc vào nhóm 1 - nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ.Tuy nhiên, nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta là rất lớn, nên việc ứng phó rất cấp thiết. Đồng quan điểm này, bác sĩ Đỗ Hồng Hiên, chuyên gia dịch tễ, Tổ chức WHO tại Việt Nam thì Việt Nam chưa có báo cáo ca bệnh nhưng chỉ là vấn đề thời gian, cũng có thể đã có sự lây truyền trong cộng đồng.

Theo Bộ Y tế, hiện chưa xác định tình trạng người nhiễm virus đậu mùa khỉ không triệu chứng. Thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày. Thời gian người bệnh có thể lây nhiễm cho người khác là từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi tất cả các lớp vảy trên các vị trí phát ban bong tróc hết. Các biến chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể gồm nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Bệnh có tỷ lệ tử vong dao động từ 0-11%.

Đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Theo WHO, còn nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của virus.

Không chủ quan với bệnh đậu mùa khỉ -0
Bệnh đậu mùa khỉ đang gây lo ngại trên toàn cầu.

Tuy nhiên, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế)  cho biết, đường lây chính đậu mùa khỉ là do tiếp xúc trực tiếp và giọt bắn, nguy cơ lây ở cơ sở y tế khá cao, phải có phương án phòng hộ cho nhân viên y tế. Đồng quan điểm này, bác sĩ Đỗ Hồng Hiên cũng cho rằng, cần có các biện pháp ứng phó sàng lọc, ngăn chặn không gây lây nhiễm và bảo vệ nhân viên y tế, đây là những người có nguy cơ cao.

Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cũng nhận định bệnh đậu mùa khỉ khó lây, lây qua tiếp xúc trực tiếp qua giọt bắn lớn và không lây qua không khí. Bên cạnh đó, hiện nay thế giới chưa có thuốc đặc hiệu và vaccin đặc biệt cho bệnh. Việt Nam cũng không còn dữ trự vaccine đậu mùa. Đây là những khó khăn, thách thức khi bệnh xâm nhập.

Chưa có bộ kit xét nghiệm, vaccine đậu mùa khan hiếm

Khó khăn hiện nay nếu dịch xâm nhập là Việt Nam chưa có quy trình chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ trong phòng thí nghiệm. Đặc biệt, chưa có bộ kit xét nghiệm bệnh. Theo GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện đang đề nghị WHO cập nhật thêm quy trình chẩn đoán và đang đợi bộ mồi và trứng dương của WHO cung cấp. Hiện Nhật Bản đã sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam một số sinh phẩm nhất định, sẽ được chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện dịch tễ Pasteur TP Hồ Chí Minh.Trong trường hợp khẩn cấp, có thể dùng sinh phẩm trong phòng thí nghiệm để chẩn đoán bệnh.

Không chủ quan với bệnh đậu mùa khỉ -0
Triệu chứng thấy rõ trên bàn tay của bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Để thuận tiện trong chẩn đoán, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh -PGS.TS Nguyễn Vũ Trung mong muốn WHO, CDC Hoa Kỳ hỗ trợ một số đơn vị ở Việt Nam các hóa chất, sinh phẩm để dùng phát hiện trường hợp nghi ngờ. Đồng thời mong muốn Bộ Y tế, WHO, CDC Hoa Kỳ có khuyến cáo tạm thời dùng một số hóa chất sinh phẩm dùng trong nghiên cứu, phòng xét nghiệm trong tình huống cần khẩn cấp, tạm thời để sàng lọc ca nhiễm.

Do Việt Nam chưa có bộ kít xét nghiệm đậu mùa khỉ, theo các chuyên gia, trước mắt chẩn đoán bệnh dựa vào triệu chứng lâm sàng để sàng lọc. Sau này có các chẩn đoán cận lâm sàng đặc hiệu sẽ áp dụng. Do khó trong việc chẩn đoán bệnh, ca bệnh lâm sàng không điển hình vì vậy chúng ta cần truyền thông để các ca có triệu chứng chủ động đến cơ sở khám chữa bệnh sớm để bảo vệ mình và cộng đồng.

Bệnh đậu mùa khỉ chưa có vaccine đặc hiệu, trên thế giới hiện chỉ tiêm vaccine đậu mùa. Theo WHO, đến nay, kết quả một số nghiên cứu cho thấy vaccine đậu mùa trước đây có hiệu quả nhất định trong việc phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Hiện một số ít quốc gia đã phê duyệt sử dụng vaccine phòng bệnh đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới (thế hệ 2, 3) để sử dụng phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Tới thời điểm ngày 18-7, WHO không khuyến cáo việc tiêm vaccine phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ rộng rãi do virus đậu mùa khỉ không dễ dàng lây lan. Các dữ liệu nghiên cứu về hiệu quả của vaccine phòng đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.

Theo thông tin từ CDC Hoa Ky, có 2 loại vaccine được FDA cấp phép sử dụng. Đây đều là vaccine có thành phần virus sống, sử dụng 2 liều, mỗi liều cách nhau 4 tuần, cho những người trên 18 tuổi, tuy nhiên vẫn đang thảo luận về cách sử dụng, đó là sử dụng vaccine trước hay sau khi phơi nhiễm. Trong khuyến cáo thì sử dụng cho nhóm nguy cơ rất cao, người phơi nhiễm, mà không sử dụng đại trà.

Xây dựng kịch bản cho tất cả các tình huống

Cùng với COVID-19, đậu mùa khỉ là căn bệnh thứ 2 mà WHO ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu trong hơn 2 năm qua. Việt Nam đã có kinh nghiệm ứng phó với COVID-19, nên với đậu mùa khỉ, công tác triển khai phòng bệnh đã chủ động hơn. Ngay từ tháng 5-2022, Việt Nam đã tăng cường giám sát hành khách đi về từ vùng dịch để sớm phát hiện ca bệnh nghi ngờ.

Không chủ quan với bệnh đậu mùa khỉ -0
Nhiều nước ở châu Âu gia tăng số ca mắc đậu mùa khỉ. Ảnh: Twitter @LachehebFiras.

Tại cuộc họp khẩn cấp ngày 24-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã đề nghị tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh tại tất cả các cửa khẩu và các tỉnh, thành thông qua giám sát bệnh truyền nhiễm. Hiện nay Việt Nam đang ở nhóm 1 chưa có ca bệnh, song vào nhóm 2,3,4 thì phải ứng phó ra sao? Vì vậy, ngay lúc này phải xây dựng kịch bản đối phó cho các tình huống như khi có ca bệnh nhập cảnh, ca bệnh cộng đồng… để tránh cho dịch lây lan mà không biết, hoặc không phản ứng kịp.

Việc cần làm ngay của ngành y tế là nhanh chóng hoàn thiện quy trình xét nghiệm chẩn đoán đậu mùa khỉ vì không có hướng dẫn, không thể chẩn đoán ca mắc. Cần có sự phối hợp của các tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan trong phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Theo TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, ngay trong tuần này, Cục Quản lý khám, chữa bệnh sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát ca bệnh, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế, chăm sóc điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ. “Đa số ca bệnh đều là những trường hợp nhẹ, một số trường hợp có biến chứng như nhiễm khuẩn huyết, biến chứng phổi, não. Chúng tôi phân ra tuyến xã, huyện điều trị ca nhẹ, tuyến tỉnh và tuyến cuối điều trị ca biến chứng", tiến sĩ Khoa nói.

Không chủ quan với bệnh đậu mùa khỉ -0
Bộ Y tế khuyến cáo người dân: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để phòng bệnh.

Bộ Y tế đề xuất WHO, CDC Hoa Kỳ hỗ trợ một lượng     vaccine nhất định để có thể tiêm cho nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là trong trường hợp xuất hiện tại Việt Nam. Việt Nam cũng mong muốn nhận được hỗ trợ thuốc kháng virus.

Theo Cục Y tế dự phòng, cần cân nhắc việc khôi phục khai báo y tế trở lại tại một số quốc gia ghi nhận ca bệnh lớn; giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời, đặc biệt lưu ý các trường hợp có tiền sử về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng. Tăng cường sự tham gia giám sát giữa những cơ sở phòng chống dịch HIV/AIDS để cùng giám sát, dự phòng cho nhóm đối tượng quan hệ tình dục đồng giới, quan hệ lưỡng giới, người làm nghề mại dâm.

Bộ Y tế khuyến cáo, bệnh đậu mùa khỉ thường có các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần; tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch. Vì vậy, người dân không được chủ quan, lơ là phòng bệnh, nhất là người lưỡng giới, hoặc quan hệ đồng giới.

Trần Hằng
.
.