LNG - cuộc đua năng lượng mới?

Thứ Ba, 23/08/2022, 21:19

Tình trạng thiếu nhiên liệu đang lan rộng khắp các nền kinh tế trên toàn cầu, đe dọa gây ra suy thoái và một làn sóng lạm phát mới. Nhiều quốc gia bước vào cuộc chạy đua để đảm bảo có được nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang khan hiếm trước khi mùa Đông lạnh giá kéo đến.

Vào buổi sáng đầu tháng 6, một đám cháy bùng phát tại cơ sở hóa lỏng khí đốt tự nhiên Freeport ở Texas. Vụ cháy được dập tắt trong khoảng 40 phút và không làm ai bị thương. Nhưng hơn ba tuần sau, những chấn động về tài chính và chính trị của vụ việc vẫn còn lan tỏa khắp châu Âu, châu Á cũng như trên toàn cầu. Giá khí đốt ở châu Âu và châu Á đã tăng hơn 60% trong những tuần kể từ khi Freeport buộc phải tạm thời đóng cửa.

anh 1.jpeg -0
Nhiều nước đang chạy đua dự trữ khí LNG khi mùa đông sắp đến

Lý do là vì khí đốt tự nhiên đang là mặt hàng nóng nhất trên thế giới và đang “cạnh tranh” với dầu mỏ như một loại nhiên liệu định hình lại bản đồ địa chính trị.

Cuộc khủng hoảng hiện hữu

Khí đốt từng là một mặt hàng không gây quá nhiều chú ý, nhưng vai trò của nhiên liệu này đang gia tăng nhanh chóng. Nhiều quốc gia đã chuyển đổi từ than sang sử dụng khí đốt tự nhiên như một phần của quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn. Các nhà sản xuất LNG lớn như Mỹ và Qatar đang chứng kiến nhu cầu đối với mặt hàng này tăng mạnh. 44 quốc gia đã nhập khẩu LNG vào năm 2021, gần gấp đôi so với một thập kỷ trước.

Tuy nhiên, vận chuyển khí đốt khó hơn nhiều so với dầu mỏ, vì khí đốt phải được hóa lỏng tại những cơ sở như Freeport ở Texas. Và đó là lý do tại sao một vụ nổ nhỏ tại một cơ sở được những người trong ngành coi là không có gì đặc biệt - cơ sở này thậm chí còn không phải là trạm lớn nhất hoặc phức tạp nhất trong số 7 trạm hóa lỏng và xuất khẩu LNG từ Mỹ - lại có tác động lớn đến như thế.

Kevin Book, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu ClearView Energy Partners LLC có trụ sở tại Washington, cho biết: “Thế giới hiện đang nhìn nhận khí đốt giống như cách đã từng nghĩ về dầu mỏ vào những năm 1970. Vai trò thiết yếu của khí đốt trong các nền kinh tế hiện đại và nhu cầu đối với nguồn cung cấp an toàn và đa dạng đã trở nên rất rõ ràng.” Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - cho rằng sự thiếu hụt khí đốt có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế tương tự như vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers.

Trong bối cảnh đó, nguồn cung mặt hàng này lại đang ngày càng khan hiếm. Do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, Nga đã cắt giảm lượng khí đốt xuất sang châu Âu. Xung đột Ukraine và đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt hàng từ lúa mỳ đến nhôm và kẽm, nhưng trên hết là biến động nghiêm trọng của giá khí đốt toàn cầu. Ở châu Á, giá khí đốt hiện đắt gấp khoảng 3 lần so với một năm trước. Ở châu Âu, giá khí đốt đã tăng khoảng 700% kể từ đầu năm 2021, là một trong những lý do chính khiến lạm phát đạt mức kỷ lục mới.

Tại Mỹ, khí đốt tự nhiên vẫn tương đối rẻ. Nhưng với việc các đồng minh chủ chốt của Mỹ, từ Đức đến Ukraine, đều đang rất cần mua mặt hàng này, các nhà sản xuất Mỹ cảnh báo rằng lượng xuất khẩu nhiều hơn sẽ đồng nghĩa với việc giá trong nước cao hơn.

Chạy đua năng lượng

Nhu cầu đối với LNG trên toàn cầu đang thúc đẩy các dự án xây dựng cơ sở hóa lỏng và xuất khẩu khí đốt ở Bắc Mỹ. Tháng trước, công ty LNG Cheniere Energy đã thông báo về việc mở rộng trạm xuất khẩu LNG ở Texas. Vào tháng 4, một dự án LNG của Canada đã được khởi công.

Tại Qatar, “người khổng lồ” năng lượng Exxon Mobil và Shell đang đầu tư vào dự án trị giá 29 tỷ USD nhằm thúc đẩy xuất khẩu LNG. Samantha Dart, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khí đốt tự nhiên tại Goldman Sachs, nhận xét rằng giá khí đốt toàn cầu cao đến mức các công ty bắt đầu ký kết các hợp đồng dài hạn mới.

Trong khi đó, ở châu Âu, các nước đang đẩy mạnh kế hoạch xây dựng khoảng 20 trạm tiếp nhận LNG và tái hóa khí đốt. Đức, quốc gia không có trạm nhập khẩu LNG nào, đã phân bổ khoảng 3 tỷ USD để thuê 4 trạm LNG nổi và kết nối chúng với mạng lưới khí đốt của nước này. Trạm đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào khoảng cuối năm nay.

Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới trong năm 2021, cũng đang tiến hành một trong những đợt xây dựng cơ sở hạ tầng mới lớn nhất mà ngành công nghiệp khí đốt từng chứng kiến. 10 trạm nhập khẩu LNG mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2023 và công suất sẽ tăng gần gấp đôi từ nay đến năm 2025, theo Bloomberg NEF.

Bên cạnh việc xây dựng thêm các trạm nhập khẩu LNG, châu Âu vẫn thiếu cơ sở hạ tầng để vận chuyển khí đốt. Tuy nhiên, những nỗ lực đột phá của châu Âu sẽ không đủ để lấp đầy sự thiếu hụt khí đốt. Theo tính toán của Bloomberg Intelligence, nhập khẩu LNG có thể đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt của khu vực vào năm 2026 - tỷ lệ gấp đôi so với năm 2021, nhưng con số này vẫn còn cách xa khối lượng mà Nga đang cung cấp.

Đối với một số nền kinh tế mới nổi - vốn phải cạnh tranh với các nước giàu có như Đức trong các cuộc đấu thầu để mua LNG, cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày càng trầm trọng hơn. Ở Pakistan, quốc gia đã xây dựng hệ thống năng lượng của mình dựa vào nguồn cung LNG giá rẻ, tình trạng mất điện đang khiến nhiều khu vực ở đất nước này chìm trong bóng tối giữa những ngày hè nóng bức. Thái Lan đang phải hạn chế nhập khẩu LNG do giá tăng cao, khiến nước này có nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu. Myanmar đã ngừng nhập khẩu LNG vào cuối năm ngoái khi giá bắt đầu tăng. Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã bắt đầu giảm nhập khẩu.

Để có thể đáp ứng nhu cầu khí đốt mới đang tăng nhanh này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn vào nguồn cung. Cuộc họp mới nhất của G7 đã cam kết sẽ tăng cường đầu tư công trong các dự án cơ sở hạ tầng khí đốt, nhấn mạnh “sự cần thiết của các dự án này để ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay”.

Hạnh Vân (Tổng hợp)
.
.