Lo lắng bệnh đậu mùa khỉ
Khi bệnh viêm gan “bí ẩn” vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lại cảnh báo về bệnh đậu mùa khỉ, căn bệnh vốn chỉ xuất hiện ở Tây Phi, nay lại đang bùng phát tại Châu Âu khiến thế giới lo ngại.
Từ ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Anh ngày 13-5, tính đến 25-5, thế giới đã ghi nhận hơn 158 trường hợp mắc bệnh, 117 trường hợp nghi ngờ tại 19 quốc gia và chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
WHO dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà khoa học không cho rằng bệnh có thể bùng phát thành đại dịch như COVID-19 vì virus này không lây lan nhanh như virus SARS-CoV-2. Việt Nam sẽ ứng phó ra sao nếu có ca bệnh xâm nhập?
Lây lan bất thường
Xuất hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên vào ngày 13-5, chỉ 4 ngày sau, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) thông báo thêm 4 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus tại nước này lên 7 người. Tất cả bệnh nhân đều là đồng tính nam, song tính hoặc quan hệ tình dục đồng giới nam. Giới chức y tế Anh nhận định đây là các trường hợp "hiếm gặp và bất thường" và họ đang điều tra mối liên hệ giữa các ca mắc. Tính đến 25-5, Anh đã ghi nhận 70 ca mắc.
Còn tại Tây Ban Nha cảnh báo đợt bùng dịch của virus gây bệnh đậu mùa khỉ ở Madrid. Trong 23 người đã mắc bệnh ở nước này vào những ngày đầu tiên, có 8 ca nghi nhiễm là người đồng tính nam. Bồ Đào Nha cũng ghi nhận khoảng 20 ca nghi nhiễm virus gây đậu mùa khỉ trong số các thanh niên ở khu vực gần Lisbon.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo WHO, trong đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ gần đây, từ ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Anh ngày 13-5, tính đến 25-5, thế giới đã ghi nhận hơn 158 trường hợp mắc bệnh, 117 trường hợp nghi ngờ tại 19 quốc gia và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Các ca bệnh được phát hiện đều không có tiền sử đi về từ vùng có dịch và các quốc gia ghi nhận ca bệnh chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ trước đây. Các trường hợp mắc bệnh được xác định là bị nhiễm virus đậu mùa khỉ nhánh Tây Phi và có đặc điểm giống virus đậu mùa khỉ lây truyền từ Nigeria sang một số quốc gia năm 2018, 2019. WHO dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), việc xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ ở các quốc gia chưa từng lưu hành dịch bệnh này là điều bất thường. Bởi bệnh đậu mùa khỉ vốn chỉ xuất hiện ở Tây Phi, nhưng những ca mắc tại 19 quốc gia lại chưa từng đi từ Châu Phi về. Bệnh dịch đang lưu hành ở một khu vực, một địa phương, giờ lan ra các châu lục khác là điều phải chú ý.
Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm hơn bệnh đậu mùa?
Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ vào năm 1958, trường hợp mắc bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Bệnh đậu mùa khỉ có liên quan tới bệnh đậu mùa vốn đã được xóa sổ vào năm 1980. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, bệnh đậu mùa khỉ có họ hàng với bệnh đậu mùa, nhưng lây chậm hơn, triệu chứng nhẹ hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn nên từ trước tới nay không bùng thành những đợt dịch lớn. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hết sức đề phòng vì virus có thể biến đổi, biến chủng và cần phải theo dõi chặt chẽ.
Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Bệnh thường kéo dài từ 2-4 tuần và các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể từ 5-21 ngày sau khi nhiễm virus. Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ lúc khởi phát thường là sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Bệnh đậu mùa khỉ có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch bạch huyết sưng to trong khi bệnh đậu mùa thì không.
Các bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ ở Anh đã nhiễm virus tại Tây Phi, được các quan chức y tế cho biết khá nhẹ so với ở ổ dịch Tây Phi và có tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 1%. Mặc dù triệu chứng nhẹ hơn đậu mùa, bệnh đậu mùa khỉ được biết tới đã gây ra tỷ lệ tới 10% tử vong ở bệnh nhân nhiễm ổ dịch tại lòng chảo Congo, so với tỷ lệ 30% tử vong do đậu mùa, theo dữ liệu của WHO. Tỷ lệ tử vong cao hơn ở trẻ em và thiếu niên, và những người có hệ miễn dịch suy giảm có nguy cơ bị bệnh nặng. Theo cảnh báo của WHO, mắc đậu mùa khỉ khi mang thai cũng dẫn tới biến chứng, truyền từ mẹ sang thai nhi, hoặc thai chết lưu...
Con đường lây truyền và ứng phó của Việt Nam
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần gũi, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng, bị nhiễm mầm bệnh. Mặc dù chưa phát hiện bệnh lây qua quan hệ tình dục (mới phát hiện lây qua sinh hoạt tình dục đồng giới) nhưng cũng phải chú ý. “Để phòng bệnh, người dân cần giữ vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, khử khuẩn, không ngủ chung chăn, gối với người nhiễm bệnh, cách ly y tế người nhiễm”, chuyên gia nhấn mạnh.
WHO đã định nghĩa các ca bệnh đậu mùa khỉ như sau: Trường hợp nghi ngờ: Là người ở mọi lứa tuổi, đang sinh sống tại quốc gia không lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân và có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng sau: Đau đầu, sốt (> 38,5oC), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, suy nhược.
Trường hợp có thể: Là trường hợp nghi ngờ và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ: Tiếp xúc trực tiếp với người mắc; tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da, bao gồm cả quan hệ tình dục; hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường hoặc đồ dùng của ca bệnh có thể hoặc xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ trong 21 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng; có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng; có nhiều bạn tình trong 21 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng; có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với virusorthopoxvirus (trong trường hợp chưa tiêm phòng bệnh đậu mùa hoặc chưa tiếp xúc với các chủng virusorthopoxvirus đã biết khác); có các triệu chứng nêu trên đến mức phải nhập viện.
Trường hợp xác định: Là trường hợp nghi ngờ hoặc có thế và có kết quả xét nghiệm Realtime PCR dương tính với virus đậu mùa khỉ. Trường hợp loại trừ: Là trường hợp nghi ngờ hoặc có thế nhưng có kết quả xét nghiệm Realtime PCR âm tính với virus đậu mùa khỉ. Theo khuyến cáo của WHO, các trường hợp bị nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ đều phải được điều tra và nếu được chẩn đoán xác định phải cách ly cho đến khi các tổn thương trên da của người mắc khô, bong vảy và lành hẳn.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Người mắc thường tự khỏi. Theo ông Phu, chưa có vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Tiêm vaccine đậu mùa có thể phòng tránh được đậu mùa khỉ, khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn. Tuy nhiên, bệnh đậu mùa đã được xóa sổ trên toàn thế giới từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước bằng vaccine và trên thế giới không tiêm rộng rãi vaccine này trong nhiều năm. “Vaccine đậu mùa được hình thành 1 tuần sau tiêm. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo không nên tiêm tràn lan mà chỉ tiêm ở vùng có nguy cơ, người tiếp xúc gần”, ông Phu nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, một loại vaccine khác đang được phát triển để phòng đậu mùa và đậu mùa khỉ. Nhà sản xuất Bavarian Nordic đặt tên vaccine là Imvanex, Jynneos và Imvamun, sau khi được giới chức y tế EU, Mỹ, Canada phê duyệt. Ngoài ra, thuốc kháng virus khác cũng đang được phát triển.
Việt Nam hiện chưa phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ, nhưng theo chuyên gia có thể một thời điểm nào đó sẽ có ca bệnh xâm nhập. Do vậy, Việt Nam phải làm tốt biện pháp kiểm soát dịch ở các cửa khẩu biên giới, đặc biệt để ý tới những người đi từ vùng dịch về.
“Nếu bệnh xuất hiện tại nước ta thì chỉ là những ca xâm nhập, do vậy không được để lây lan, có can thiệp sớm, cách ly người mắc kịp thời. Y tế của chúng ta hoàn toàn đáp ứng được nếu có dịch, vì bệnh triệu chứng nhẹ, Châu Âu chưa ghi nhận ca tử vong. Người dân không nên lo lắng quá, nhưng cũng không được chủ quan, lơ là. Tuy đậu mùa đã được thanh toán từ nhiều thập kỷ trước, , chưa phát hiện thấy có bệnh nhân đậu mùa khỉ, song nước ta vẫn lưu hành bệnh thủy đậu, Zona virus, bệnh phát ban có mọng nước… Vì vậy, người dân khi có các triệu chứng trên cần đến cơ sở y tế để thăm khám và loại trừ”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Chuyên gia nhận định, để phòng bệnh đậu mùa khỉ đang gây lo ngại trên thế giới, Việt Nam cần chủ động phối hợp với WHO, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC), và các tổ chức quốc tế khác để cập nhật thông tin về giám sát, điều tra ca bệnh, kỹ thuật chẩn đoán. Các địa phương và người dân cần thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế, kiểm soát chặt chẽ không để dịch xâm nhập, giám sát các ca bệnh nghi ngờ trong cộng đồng để kịp thời có biện pháp phòng chống không để dịch lây lan.
Cục Y tế Dự phòng vừa có công văn đề nghị Sở Y tế các địa phương tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ ãCongo, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Sierra Leone và Nam Sudan). Các cơ sở y tế tăng cường giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ (theo định nghĩa của WHO). Khi phát hiện, báo cáo ngay Sở Y tế để phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo: Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ; không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.