Loạn thị trường thuốc, vật tư điều trị COVID-19

Thứ Năm, 24/02/2022, 13:38

Thời gian gần đây, diễn biến đại dịch COVID-19 tại Hà Nội và cả nước vẫn rất phức tạp, khó lường. Với tốc độ gia tăng F0 khá nhanh, nhiều người dân phải tự điều trị bằng các phương pháp truyền miệng, qua "thầy thuốc mạng" và mua các loại thuốc, vật tư y tế trôi nổi. Điều này đã và đang gây những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới tử vong.

Suýt mất mạng vì tin lời bác sĩ rởm trên mạng

Hơn một tuần nay, chị Lê Thu H. (thường trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và các thành viên trong gia đình đã phải trải qua những cung bậc cảm xúc vô cùng đa dạng, có những lúc đã phải đối diện với tử thần.

Đầu tháng 2-2022, anh Q. chồng chị H. nhận được thông báo người đồng nghiệp hôm trước ngồi cùng bàn ăn nhậu với mình đã dương tính với virus SARS-COV-2. Anh Q. vội chạy ra tiệm thuốc gần nhà để mua một hộp kit test nhanh. Sau khi cả nhà có kết quả âm tính, anh tương đối vững dạ và vẫn tiếp tục sinh hoạt, làm việc như bình thường. Sang đến ngày thứ hai, anh Q. bắt đầu có hiện tượng ho, đau đầu, sốt thì anh test lại. Kết quả 4/5 người trong gia đình dương tính, chỉ trừ vợ anh. Điếng người, lúc đó anh mới vội vàng lên mạng Internet tìm hiểu các phương pháp điều trị khi mắc bệnh.

Loạn thị trường thuốc, vật tư điều trị COVID-19 -0
Các loại thuốc đặc trị COVID-19 đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội.

Do cả hai vợ chồng đã tiêm đủ ba mũi vaccine nên có phần chủ quan, trước đó hầu như chưa chuẩn bị được gì. Sau một hồi tìm kiếm trên mạng thì anh được một "bác sĩ online" đưa ra liệu trình điều trị là cần phải dùng khẩn cấp loại thuốc kháng virus có xuất xứ từ một quốc gia châu Âu. "Đảm bảo uống vào là con virus chết đứ đừ, vài ngay sau khỏi bệnh" - bác sĩ này quảng cáo.

Anh Q. vội bỏ ra gần 50 triệu đồng mua một đống thuốc cho 4 người, với liệu trình mỗi người là 40 viên, sử dụng trong 5 ngày. Uống xong, anh Q. có cảm giác đỡ hơn một chút. Song ngày thứ 3 mắc bệnh thì tình trạng bệnh đột ngột có những dấu hiệu tăng nặng, anh cảm thấy ngày một khó thở hơn. Vợ anh khi đó mới gọi điện thoại đến Trạm y tế phường xin ứng cứu. Được lực lượng y tế có mặt kịp thời xử lý, anh Q. và các con đã qua cơn nguy kịch.

"Cán bộ y tế phường cho biết, tình trạng bệnh lý của chồng tôi chưa cần phải sử dụng thuốc kháng virus, chỉ cần sử dụng một số loại thuốc khá thông dụng như thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng... là bệnh tình thuyên giảm, rồi sau chục ngày là khỏi" - chị H. kể lại mà giọng vẫn còn pha chút hốt hoảng.

Trường hợp anh Hoàng H. (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) còn nguy hiểm hơn. Vốn là một người chăm tập thể thao, anh H. rất coi thường con virus SARS-COV-2. Bởi vậy, khi thấy một số nhân viên trong công ty bị nhiễm và xét nghiệm dương tính, anh H. vẫn "bình chân như vại". Bạn bè khuyên nên mua thuốc đề phòng, anh vội lên mạng rồi mua một đống thuốc về uống. Sau đó lại tiếp tục tập gym, chạy bộ như thường.

Chẳng ngờ ngay buổi tối sau khi tập luyện về, anh H. nằm bệt luôn. Cơn sốt kéo đến, kèm theo bỏng rát họng và đặc biệt là tình trạng hụt hơi, gần như không thở nổi. Cảm thấy không thể trụ lại lâu hơn nữa, anh vội gọi đến một trung tâm cấp cứu thì họ cho biết anh phải... tự đi xuống tầng 1 (anh H. đang ở chung cư) chứ họ không lên để khiêng anh xuống được. "Khi ấy cảm thấy cái chết đang đến gần, tôi sợ đến cứng người. May có người bạn tốt bụng đã kịp thời đưa đi cấp cứu mới thoát khỏi lưỡi hái tử thần" - anh H. kể.

Loạn thị trường thuốc, vật tư điều trị COVID-19 -0
Công an Hà Nội phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường triệt phá một đường dây buôn bán, tàng trữ thuốc COVID-19 lậu.

Được biết trong số thuốc anh H. đã uống, các nhân viên y tế phát hiện có một vỉ kháng viêm đã sử dụng gần hết. Theo họ, việc bệnh nhân vừa mới test nhanh thấy "hai vạch" đã vội vàng "táng" luôn các loại thuốc kháng viêm (chứa corticoid) là điều tối kỵ. Giai đoạn này tuyệt đối không được dùng nhóm thuốc kháng viêm, vì đây là thuốc ức chế phản ứng viêm, làm giảm sức mạnh hệ thống miễn dịch, giúp virus phát triển mạnh hơn. Trong 5 ngày đầu, nếu dùng cả corticoid và kháng virus thì thuốc kháng virus sẽ bị mất tác dụng, virus nhân lên nhiều hơn, người bệnh dễ diễn tiến nặng và có biến chứng nguy hiểm.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - một bác sĩ Quân y thuộc Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga thì những loại thuốc kháng viêm như Medrol có chứa corticoid có khả năng giảm ho, giảm sốt, kháng viêm, chống phù nề. Tuy nhiên, khi dùng không đúng thời điểm thì hậu quả khôn lường. Nó sẽ ức chế hệ miễn dịch - không khác gì tiếp tay cho virus nhân lên, dễ bội nhiễm vi khuẩn, làm bùng phát tiểu đường, huyết áp... Corticoid rất tốt trong việc chống bão cytokine, nhưng dùng sớm quá thì chỉ làm bệnh tình tồi tệ hơn. Khi bệnh nhân chưa phải thở oxy, nhất quyết không dùng corticoid.

Loạn thị trường thuốc, vật tư điều trị COVID-19 -0
Công an quận Bắc Từ Liêm tạm giữ hai đối tượng trong đường dây buôn bán thuốc lậu.

Mạo danh bác sĩ, dược sĩ để bán thuốc giá cao

Nếu lên mạng xã hội những ngày này, người dân có thể tìm được rất nhiều kết quả cho ra những "dược sĩ", "bác sĩ” với những toa thuốc hiệu nghiệm chống virus. Điểm chung là họ luôn giới thiệu quảng bá những vỉ thuốc được nhập từ Châu Âu, Mỹ... có tác dụng kháng virus rất tốt.

Thử liên hệ với "dược sĩ” có nickname Bảo Anh, tôi nhận được lời chào mời mua thuốc điều trị COVID-19 của Nga, có tác dụng ức chế virus, tăng cường đề kháng, giảm tối đa lây nhiễm COVID-19. Thuốc có nhiều dạng, dùng cho các lứa tuổi, song giá đều thuộc dạng "cắt cổ". Thuốc Molnupiravir 400mg được chào bán với giá 1,2 triệu đồng/vỉ 10 viên; Molcovir có giá gần 5 triệu đồng cho 1 hộp 100 viên nang; thuốc Areplivir có giá từ 2,1-2,5 triệu đồng/hộp; thuốc Favipiravir và Remdesivir cũng được chào bán với giá từ 3-5 triệu đồng, freeship đến… tận giường. Ngoài ra còn có liệu trình 40 viên có giá 10 triệu, 17 viên giá gần 3 triệu…

Khảo sát tại một số chợ thuốc, nhà thuốc lớn ở Hà Nội như chợ thuốc Hapulico, khu vực phố Phương Mai gần Bệnh viện Việt - Pháp hay hệ thống hiệu thuốc Long Châu, Pharmacity... thời gian gần đây người dân nườm nượp đến mua thuốc, thiết bị y tế. Họ tập trung vào các loại thuốc hạ sốt, vitamin... Song cũng không ít người mua thuốc kháng sinh, kháng viêm với mục đích mua về "phòng bệnh".

Dược sĩ Vũ Thùy L. (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 mới bùng phát, khẩu trang cũng như máy đo nhiệt độ trở nên khan hiếm thì thời điểm này các loại kit test nhanh virus và một số loại thuốc đặc trị cũng cháy hàng. "Một số người dân  tìm mua các loại thuốc có chứa Corticoid với ý định giảm ho,  hạ sốt, tôi đã phải khuyến cáo khi nào nồng độ Spo2 xuống thấp, dưới 95% mới được sử dụng. Tốt nhất là phải có chỉ định của bác sĩ" - chị L. cho biết.

Cũng trên mạng xã hội, thời gian qua đã xuất hiện một số đối tượng lập các tài khoản, fanpage giả mạo bác sĩ, nhóm hỗ trợ điều trị bệnh nhân nhiễm với mục đích bán thuốc và các thiết bị y tế trôi nổi.

Loạn thị trường thuốc, vật tư điều trị COVID-19 -0
Đã xuất hiện các đối tượng lên mạng xã hội mạo danh bác sĩ để lừa đảo bệnh nhân F0 cao tuổi.

TS Hoàng Thanh Tuấn - Phó chủ nhiệm khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng quốc gia - admin của "Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà" đã phải lên tiếng cảnh báo. "Hiện xuất hiện nhóm giả lập giống hoàn toàn nhóm của các bác sĩ quân y nhưng không hỗ trợ chuyên môn mà chủ yếu chào bán các loại thuốc. Mọi người lưu ý không tham gia nhóm này".

Ngoài việc thành lập nhóm giả mạo, một số người bệnh trong group cũng phản ánh tình trạng có một số người xấu mạo danh là bác sĩ và nhắn tin chèo kéo chữa bệnh.

Theo bác sĩ Tuấn, người mạo danh bác sĩ thường bình luận vào các bài viết của F0, tự xưng là bác sĩ, có chuyên môn ở bệnh viện lớn, sau đó nhắn tin riêng cho người bệnh để tư vấn bán thuốc điều trị. Họ sẽ thông tin những hậu quả lâu dài mà người bệnh mắc phải, gây tâm lý hoang mang, lo sợ. Sau đó, họ tự xưng là bác sĩ chuyên môn đã điều trị khỏi bệnh cho nhiều người để tạo uy tín. Ngoài ra, những người này còn dùng "chiêu thức" đăng bài lên các hội nhóm chia sẻ các loại thuốc rồi cho người bình luận để đánh lừa người có nhu cầu sử dụng.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Molnupiravir

Mới đây, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có quyết định cấp số đăng ký lưu hành cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước là: Molravir 400 của Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam, Movinavir của Công ty CP hóa-dược phẩm Mekorpha và Molnupiravir Stella 400mg của Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm.

Trước khi cấp phép cho Molnupiravir tại Việt Nam, các thành viên Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc (Bộ Y tế) đã thống nhất về cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc. Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc. Không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.     

Yên Chi
.
.