Lufthansa vươn sang lĩnh vực quốc phòng

Thứ Hai, 24/06/2024, 10:03

Điều được coi là khó có thể tưởng tượng được cách đây một thập kỷ giờ đây đang được phản ánh trên thị trường việc làm bảo trì máy bay quân sự. Lufthansa Technik, công ty con của Tập đoàn Hàng không Đức Lufthansa, đang thiết lập quan hệ làm ăn với ngành công nghiệp quốc phòng và muốn tham gia bảo trì máy bay quân sự.

Nhu cầu về các chuyên gia bảo trì máy bay quân sự ngày càng tăng mạnh, khiến các công ty như Lufthansa Technik (LHT) đang phải rất nỗ lực để đào tạo và đào tạo lại các kỹ sư, công nhân ngoài ngành. Những chuyên gia mới này thường đến từ các nhà cung cấp đang dư thừa nhân công do chuyển sang dòng xe điện.

image0.jpeg -0
Lufthansa Technik mở rộng phân nhánh và hy vọng giành được hợp đồng bảo trì máy bay quân sự.

LHT là công ty chuyên về bảo trì và sửa chữa của Tập đoàn Lufthansa phục vụ hơn 800 khách hàng trên toàn cầu và có hơn 20.000 nhân viên. Cuộc chiến ở Ukraine đã thúc đẩy các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD vào máy bay mới, tạo ra các lĩnh vực kinh doanh mới, hoặc mang lại động lực mới cho các công ty lâu đời, trong đó có Lufthansa Technik. Gần đây, công ty này đã thành lập bộ phận LHT quốc phòng.

Bước ngoặt của Lufthansa

Chuyên gia Grossbongardt cho biết: “Mười năm trước, điều này gần như không thể tưởng tượng được ở LHT, chứ đừng nói đến Tập đoàn Lufthansa, nếu bạn xem xét những thứ như xếp hạng môi trường, xã hội và quản trị, đánh giá của các công ty lớn về tính bền vững. Trên thực tế, quân sự-quốc phòng luôn là điều cấm kỵ”. Có lý do giải thích cho việc này. Trong nhiều thập kỷ sau khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc và sự sụp đổ của Đức Quốc xã, bất cứ điều gì liên quan đến quân sự đều bị phần đông xã hội Đức phản đối. Mặc dù công nghệ vũ khí của Đức nhận được sự quan tâm lớn từ nước ngoài, đây vẫn là một vấn đề gây tranh cãi trong đời sống chính trị và xã hội Đức.

Tuy nhiên, điều này đã thay đổi khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine bắt đầu và Chính phủ Đức thông báo sẽ đầu tư 100 tỷ euro để tăng cường sức mạnh cho quân đội Đức. Bước đi đầu tiên liên quan việc bảo trì 5 máy bay tuần tra hàng hải Boeing P-8 Poseidon mà Hải quân Đức đã đặt hàng vào cuối tháng 6/2021. Đức hiện là khách hàng thứ tám đưa Boeing Poseidon vào hoạt động trong mùa Đông vừa qua, cùng với Mỹ, Australia, Ấn Độ, Anh, Na Uy, Hàn Quốc và New Zealand.

Bí quyết dân sự dành cho phi công quân sự

Chuyên gia Grossbongardt giải thích rằng “những chiếc máy bay này về cơ bản là những chiếc Boeing 737 dân sự, tức là những máy bay thương mại thông thường được lắp đặt các hệ thống quân sự”; đồng thời chỉ ra rằng Lufthansa có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo trì những chiếc Boeing 737 này.

Không ai khác ngoài LHT có thể làm việc này, đặc biệt khi hãng này đã tham gia vào việc bảo trì và trang bị máy bay của Chính phủ Đức”, chuyên gia Grossbongardt nhấn mạnh. Thật hợp lý khi Bundeswehr (Lực lượng vũ trang Đức) và Đức tham gia vào công việc bảo trì, nhưng sẽ tốn kém hơn nhiều nếu Bundeswehr xây dựng năng lực này từ đầu và dự trữ các phụ tùng thay thế cần thiết. “Lufthansa có thể đơn giản phát triển dựa trên những gì họ đã có và điều này cũng có ý nghĩa đối với hãng hàng không vì cuối cùng điều đó sẽ tạo ra việc làm ở Hamburg”. Trên bình diện quốc tế LHT có danh tiếng xuất sắc, ông nói thêm.

Máy bay trực thăng cũng trong tầm ngắm

Vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã thăm công ty quốc phòng Boeing của Mỹ ở Philadelphia. Công ty này ngoài đơn đặt hàng máy bay hải quân Poseidon còn nhận được đơn đặt hàng 60 máy bay trực thăng vận tải hạng nặng CH-47F Chinook từ Đức. Lufthansa cũng muốn tham gia vào hoạt động bảo trì và cung cấp phụ tùng thay thế.

Ngoài ra, LHT muốn tham gia bảo trì 35 máy bay ném bom tàng hình F-35 do Không quân Đức đặt hàng từ nhà sản xuất Lockheed của Mỹ. Và khi NATO thay máy bay radar AWACS của họ bằng loại E-7 mới trong vài năm tới, Giám đốc điều hành LHT Soren Stark tin rằng rất có thể công ty sẽ không chỉ tham gia hoạt động bảo trì cho E-7. Ông nói với nhật báo kinh doanh Handelsblatt: “Hiểu và hỗ trợ các máy bay mới cũng như công nghệ của chúng trong thời gian ngắn nhất có thể đã trở thành một phần DNA của chúng tôi trong nhiều thập kỷ. Chúng tôi cũng có thể chuyển đổi những chiếc Boeing 737 dân dụng thành máy bay E-7 của NATO ở Hamburg với sự phối hợp chặt chẽ cùng Boeing”.

Cơ hội việc làm cho chuyên gia tại Đức

Chương mới của LHT mang đến một loạt cơ hội mới. Lần này, việc làm mới sẽ được tạo ra tại Đức, thay vì tại những nơi có nhà máy của LHT ở Malta, Sofia (Bulgaria) hay Manila (Philippines).

Theo chuyên gia Grossbongardt, đấu thầu bảo trì máy bay radar mới của NATO cũng là một bước đi khôn ngoan. LHT có thể áp dụng kinh nghiệm của mình cho máy bay phản lực dân dụng thông thường của Boeing. Chuyên gia hàng không này cho biết: “Mẫu E-7 Wedgetail, được cải tiến nâng cấp từ máy bay dân dụng Boeing 737. Và một khi tham gia dự án này, bạn sẽ có thêm cơ hội tiềm năng trong các lĩnh vực khác liên quan NATO”.

CEO của LHT có những kế hoạch đầy tham vọng. Doanh thu của hãng dự kiến sẽ tăng từ 6,5 tỷ euro (7 tỷ USD)  hiện nay lên hơn 10 tỷ euro vào năm 2030 và Stark muốn tăng lợi nhuận từ mức xấp xỉ 630 triệu euro lên hơn 1 tỷ euro. Những mục tiêu này đầy tham vọng nhưng không phải là không thực tế.

Chuyên gia Grossbongardt cho rằng LHT khó có thể vượt ra ngoài công việc bảo trì công nghệ và động cơ máy bay quân sự trong tương lai. Ông hy vọng LHT sẽ kêu gọi các đối tác tham gia lĩnh vực này. “Lufthansa Technik sau đó sẽ là nhà thầu chính và chịu trách nhiệm về động cơ và máy bay. Và mọi thứ liên quan thiết bị điện tử của vũ khí, hệ thống vũ khí và hệ thống radar sẽ do một đối tác của LHT xử lý”, chuyên gia hàng không nói.

Chi Anh
.
.