Mạng xã hội và tác hại với người trẻ

Thứ Ba, 11/01/2022, 13:25

Tại nhiều nơi trên thế giới, nhiều thanh thiếu niên đột nhiên bị chẩn đoán mắc các chứng rối loạn tâm lý và hành vi. Các chuyên gia nghi ngờ nguyên nhân là do ảnh hưởng từ mạng xã hội và thói quen dành quá nhiều thời gian cho các nền tảng này của giới trẻ.

Người ở tuổi thiếu niên sử dụng mạng xã hội trên 3 giờ mỗi ngày sẽ dễ bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, giận dữ và có hành vi rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Mạng xã hội có tác dụng giải trí rất lớn nhưng cũng có thể gây hại cho chúng ta theo những cách mà chúng ta thậm chí không nhận ra.

TikTok và chứng rối loạn Tic

Các trung tâm rối loạn vận động dành cho trẻ em tại nhiều nơi ở nước Mỹ đồng loạt thông báo về một lượng lớn các cô gái tuổi teen mắc rối loạn Tic. Rối loạn Tic, còn gọi là Hội chứng Tourette hay tật máy giật, là một bệnh lý hệ thần kinh khiến bệnh nhân bị co giật. Triệu chứng co giật xuất hiện ở một phần hoặc toàn bộ cơ thể, là các cử động nhanh lặp đi lặp lại, đột ngột và không kiểm soát được.

Donald Gilbert, một chuyên gia thần kinh tại Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi đồng Cincinnati, đã khám cho khoảng 10 ca như vậy mỗi tháng kể từ tháng 3-2020. Cũng từ tháng 3-2020, Bệnh viện Nhi đồng Texas đã tiếp nhận khoảng 60 thanh thiếu niên mắc rối loạn Tic, trong khi trước đại dịch con số là 1 hoặc 2 trường hợp mỗi năm. Từ tháng 3 đến 6-2021, Trung tâm Y tế Đại học Rush ở Chicago cho biết đã nhận 20 bệnh nhân. Khoảng 30 thanh thiếu niên được giới thiệu đến đây do có biểu hiện không kiểm soát được hành động, từ giật cánh tay đến chửi thề cho đến co giật đầu và cổ. Một số còn có hành vi tự gây thương tích.

Ban đầu các bác sĩ rất bối rối. Rối loạn Tic hiếm khi xuất hiện ở nữ và số người mắc bệnh đột nhiên tăng cao bất thường. Hơn nữa, bệnh phát triển đột ngột. Sau nhiều tháng nghiên cứu, các chuyên gia tại các bệnh viện hàng đầu ở Mỹ, Canada, Australia và Anh đã phát hiện ra một điểm chung ở hầu hết các cô gái: họ thường xuyên xem video về những người mắc rối loạn này trên TikTok.

Tiến sĩ Caroline Olvera, một chuyên gia về chứng rối loạn vận động, nhận thấy nhiều trường hợp mắc Tic mới xuất hiện có hiện tượng nói từ “đậu”, và bằng giọng Anh. Hiện tượng này xuất hiện ở ngay cả những bệnh nhân không nói được tiếng Anh. Bà Olvera đã tạo một tài khoản TikTok và bắt đầu xem video của những người làm về hội chứng Tourette. Bà phát hiện ra một tài khoản phổ biến hàng đầu là một người Anh thường nói từ “đậu”.

Khi các bác sĩ ở Anh bắt đầu nghiên cứu hiện tượng này vào tháng 1-2021, các video gắn tag #tourette có khoảng 1,25 tỷ lượt xem — con số này hiện đã tăng lên 4,8 tỷ. Phần lớn các video mô tả khó khăn của những người mắc rối loạn này trong hoạt động thường ngày như nấu nướng hoặc nói bảng chữ cái, hướng tới truyền tải cảm giác thú vị cho người xem thay vì hình ảnh bệnh tật nặng nề.

anh 1.png -0
anh 2.jpeg -1
Trên TikTok có rất nhiều video về cuộc sống của thanh thiếu niên mắc rối loạn Tic

Lây bệnh qua mạng xã hội?

Trong một phát hiện đáng chú ý, sau khi nghiên cứu 3.000 video TikTok, Tiến sĩ Olvera phát hiện ra rằng 19 trong số 28 người mắc Tourette được theo dõi nhiều nhất trên TikTok phát triển thêm triệu chứng mới của Tic sau khi xem video của những người khác mắc rối loạn tương tự. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu có phải TikTok đang gây ra tình trạng lây lan hội chứng này hay không?

Trên thực tế, rối loạn Tic xuất hiện theo nhóm đã từng xảy ra trước đây, bao gồm một trường hợp nổi tiếng cách đây khoảng 10 năm, khi một số thanh thiếu niên ở ngoại ô New York đồng loạt hình thành chứng rối loạn này và được chẩn đoán là “bệnh tâm thần hàng loạt”.

Theo một nghiên cứu gần đây của 2 tác giả Mariam Hull và Mered Parnes, các chuyên gia thần kinh tại Bệnh viện Nhi Texas, Mỹ, những trường hợp kiểu này chủ yếu xuất hiện trong một phạm vi địa lý cụ thể, nhưng sự xuất hiện của mạng xã hội đã mở ra khả năng lây lan rộng hơn, thậm chí trên phạm vi toàn cầu.

Cũng có thông tin về hiện tượng tương tự liên quan tới một Youtuber nổi tiếng ở Đức, người đã đăng video về việc mắc hội chứng Tourette. Tuy nhiên, phần lớn sự quan tâm hiện nay đổ dồn vào TikTok, một nền tảng đang phát triển nhanh chóng trong đại dịch.

Đầu tháng này, người dùng hàng tháng của TikTok đã đạt 1 tỷ và đây là ứng dụng không phải trò chơi được tải xuống nhiều nhất trong tháng 8. TikTok đặc biệt phổ biến với các nữ sinh tuổi teen.

Tuy nhiên, một số bác sĩ không vội quy kết lỗi cho mạng xã hội. Tiến sĩ Joseph McGuire – chuyên gia tại Trung tâm Tourette của Đại học John Hopkins cho biết: “Trong số những người mắc Tic có các em xem mạng xã hội và cả những em không xem. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều yếu tố bao gồm lo lắng, trầm cảm và căng thẳng”. Về phần mình, khi được hỏi về vấn đề này, phát ngôn viên của TikTok cho biết: “Sự an toàn và hạnh phúc của cộng đồng là ưu tiên của chúng tôi và chúng tôi đang tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong ngành để hiểu rõ hơn tình hình”.

anh 4.jpeg -0
Thể hiện hình ảnh cá nhân hoàn mỹ trên mạng xã hội trở thành nỗi ám ảnh của nhiều thanh, thiếu niên (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Instagram và rối loạn ăn uống

Năm 14 tuổi, Ashlee Thomas mắc chứng chán ăn. Cô chỉ nặng 38,5kg, phải nhập viện, tim ngừng đập hai lần và các bác sĩ cho rằng Ashlee không thể qua khỏi. Tuy nhiên, Ashlee đã sống sót. Giờ đây, cô gái sống ở bang New South Wales, Australia, này đang giúp đỡ những người khác trải qua tình cảnh tương tự. Lời cảnh báo đầu tiên mà Ashlee gửi tới các bậc phụ huynh và em nhỏ chính là về sự nguy hiểm tiềm ẩn của mạng xã hội Instagram.

Theo lời Ashlee, khi dùng ứng dụng Instagram, cô bắt đầu theo dõi những người nổi tiếng trong lĩnh vực dinh dưỡng và ăn uống lành mạnh. Là một vận động viên, Ashlee muốn có một thân hình cân đối và những người có thân hình mà cô coi là lý tưởng đã xuất hiện trên dòng thời gian của Ashlee mỗi ngày. Mỗi lượt thích và bình luận lôi kéo cô gái bắt chước để có được một cơ thể đáng mơ ước như vậy.

Vấn đề xảy ra khi một người theo dõi bình luận rằng bụng Ashlee quá nhiều mỡ bên dưới một bức ảnh cô đăng tải trên Instagram. Từ đó, cô bắt đầu bỏ ăn. Bố mẹ cho đến nhân viên chăm sóc phúc lợi đã tìm mọi cách để giúp cô nhưng đều vô ích.

Anastasia Vlasova, một người đã vượt qua chứng rối loạn ăn uống và hiện theo học trường Đại học Gallatin ở New York, cho biết cô cũng có trải nghiệm tương tự với Instagram. Giống như Ashlee, Vlasova bị thu hút bởi hình ảnh những phụ nữ có thân hình hoàn hảo. Nhưng càng nhìn ngắm những hình ảnh hoàn mỹ ấy, cô lại càng cảm thấy tồi tệ về bản thân.

Cô cho biết: “Tôi bị nhồi nhét bởi những thông điệp như phải tập thể dục mỗi ngày, thực hiện những bài tập cụ thể hoặc cần ăn kiêng, tránh một số loại thực phẩm nhất định”. Vlasova, năm nay 18 tuổi, gọi đó là “nỗi ám ảnh không lành mạnh”. Nó ảnh hưởng tiêu cực đến cô và nhiều người bạn cùng tuổi.

Theo các cô gái trẻ, Instagram gây nguy hiểm cho cuộc sống, thậm chí tính mạng của họ vì đã tích cực quảng bá các tài khoản ăn kiêng cực đoan và rối loạn ăn uống, thay vì xử lý và nghiêm cấm chúng.

anh 5.jpeg -0
Khoa học cảnh báo lạm dụng mạng xã hội gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Mối nguy từ mạng xã hội

Câu chuyện của Ashlee và Vlasova là những ví dụ điển hình của tác hại tiềm ẩn mà Instagram nói riêng và mạng xã hội nói chung có thể gây ra với nhóm người dùng thanh thiếu niên. Hồi tháng 10 năm ngoái, vấn nạn này cũng một lần nữa nổi lên khi Frances Haugen, cựu giám đốc sản phẩm của Facebook ra điều trần trước Thượng viện Mỹ và tố cáo nhiều thiếu sót của mạng xã hội lớn nhất thế giới này.

Nghiên cứu nội bộ của chính Facebook, được trích dẫn trong hồ sơ bà Haugen gửi lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán cho thấy “13,5% cô gái tuổi teen trên Instagram nói rằng nền tảng này khiến suy nghĩ về “Tự tử và tự gây thương tích” trở nên tồi tệ hơn” và 17% nói rằng nền tảng làm gia tăng các vấn đề ăn uống, chẳng hạn như chứng bỏ ăn.

Nghiên cứu cũng tuyên bố các nền tảng của Facebook, trong đó có Instagram, “làm cho vấn đề hình ảnh cơ thể trở nên tồi tệ hơn đối với 1/3 thiếu nữ”. Bà Haugen cho biết: “Ban lãnh đạo của công ty biết cách làm cho Facebook và Instagram an toàn hơn nhưng sẽ không thực hiện những thay đổi cần thiết vì họ đã đặt lợi nhuận của mình lên trên tất cả”.

Đáp lại, Facebook đã phản bác cách giải thích nghiên cứu của bà Haugen và khẳng định tỷ lệ phần trăm thấp hơn nhiều. Công ty cũng cho biết họ hoan nghênh các quy định bổ sung để khắc phục các vấn đề trên. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ nói rằng sẽ cần thêm rất nhiều nỗ lực và hành động để bảo vệ thanh thiếu niên trước các mối nguy từ mạng xã hội.

Tristan Harris, đồng sáng lập của Trung tâm Công nghệ Nhân đạo, cho biết: “Mô hình kinh doanh của Facebook đang đưa trẻ em vào những vòng tương tác độc hại. Tôi thực sự lo lắng rằng sẽ không có cách nào khắc phục nhanh vấn đề này”.

Cảnh báo từ khoa học

Các chuyên gia lo ngại phạm vi ảnh hưởng rộng rãi của mạng xã hội có thể khiến các nội dung độc hại lan truyền nhanh chóng và đặc biệt nguy hiểm. Ví dụ như trong trường hợp của Instagram có thể khiến các nội dung ăn kiêng cực đoan lan rộng và khuyến khích những người dùng vốn đã có khuynh hướng ăn uống không lành mạnh.

Pamela Keel, giám đốc Phòng khám Nghiên cứu hành vi ăn uống tại Đại học Bang Florida, cho biết việc đăng ảnh lên Instagram làm gia tăng mối lo ngại về cân nặng và hình dáng cũng như sự bận tâm và không hài lòng với ngoại hình của một người. Bà Keel nói: “Đó thực sự là một trong những yếu tố thúc đẩy chứng rối loạn ăn uống”.

Trước đó, đã có những nghiên cứu khoa học về tác hại sức khoẻ của mạng xã hội. Báo cáo đăng trên chuyên san JAMA Psychiatry cho thấy người ở tuổi thiếu niên sử dụng mạng xã hội trên 3 giờ mỗi ngày sẽ dễ bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, giận dữ và có hành vi rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của gần 6.600 người Mỹ trong nhóm từ 12-15 tuổi tự đưa ra thông tin về thời gian sử dụng mạng xã hội của họ cũng như các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Một nghiên cứu khác từ Trường Khoa học Y tế thuộc Đại học Pittsburgh (Mỹ) cũng cho thấy, thanh niên càng sử dụng mạng xã hội nhiều thì càng có nhiều khả năng bị trầm cảm. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y tế Dự phòng lại chỉ ra mối liên hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội và rối loạn giấc ngủ ở thanh niên. Vì ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến tinh thần không thoải mái và chức năng não kém.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.