“Món quà sự sống” trong đại dịch

Thứ Bảy, 23/04/2022, 15:20

Tìm tới giải pháp Đông y như một “cứu cánh” cuối cùng là cách lựa chọn của rất nhiều bệnh nhân (BN), nhất là với những BN đang điều trị hậu COVID-19 hiện nay. Số lượt BN tới khám và điều trị tại Khoa Y học cổ truyền (YHCT) Bệnh viện 30-4, Bộ Công an hiện lên tới hàng trăm BN/ngày. Họ tới đây với một sự tin tưởng tuyệt đối vào đội ngũ các y bác sĩ, đó là được chăm sóc toàn diện, ra về, khoẻ mạnh.

Nơi “giải thoát” những đau đớn của căn bệnh hậu COVID-19

Những cơn ho kích ứng do hậu COVID-19 khiến bệnh nhân N.T.N, ngụ tại TP Hồ Chí Minh không thể nói được gì,  chỉ còn cách lấy tay chặn ngực. Sau khi dùng rất nhiều loại thuốc Tây mà bệnh không giảm, chị tìm tới Khoa YHCT, Bệnh viện 30-4 trong tình trạng suy sụp vì cho rằng mình bị “lờn thuốc”, không khỏi được bệnh.

Sau khi được kiểm tra đầy đủ các chức năng, chỉ số của cơ thể, Khoa bố trí riêng một ê-kíp chăm sóc cho chị hàng ngày. Ngoài những thang thuốc đặc trị được trực tiếp sắc và uống, chị còn được thực hiện các thủ thuật khác của Đông y, đồng thời được uống viên nang xuyên tâm liên Xutali, là sản phẩm nghiên cứu của Khoa YHCT - bệnh viện nhằm nâng cao sức miễn dịch cho BN. Chỉ sau 1 tuần, bệnh chị N. đã giảm 40% triệu chứng. Thêm 2 tuần chữa trị, cơn ho dai dẳng suốt 4 tháng của chị hoàn toàn biến mất. Không còn những tháng ngày phải dựa lưng vào thành giường ho khổ sở, chị đã ăn được, ngủ được và thể trạng hoàn toàn thoải mái.

“Món quà sự sống” trong đại dịch -0
Đại tá, TS.BS Vũ Hải Nam - Giám đốc Bệnh viện 30-4 trực tiếp thưởng thức và giới thiệu về sản phẩm trà Xutali.

Một trường hợp khác là ông L.V.Đ (63 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh), mắc chứng hậu COVID-19 khá nặng. Căn bệnh khiến phổi ông trắng xóa do bị tổn thương. Thời gian F0 khiến ông phải nằm gường bệnh suốt gần 1 tháng, thở máy. Khi hết F0 ông vẫn thường xuyên bị ho, khó thở, ngồi dậy đi không vững. Đặc biệt là tình trạng mất khứu giác kéo dài suốt 6 tháng.

Ông vào Bệnh viện 30-4 xin điều trị. Tại đây, hơn 1 tháng ông được luyện tập hơi thở, tập hồi phục xương khớp, được uống viên nang Xutali trị ho. Riêng việc mất khứu giác, BN được châm cứu. Sau 60 ngày điều trị, phổi của BN đã hồi phục, nhưng mừng nhất là khứu giác đã được phục hồi mà trước đó đi nhiều nơi chữa mãi không khỏi, ông đã định buông xuôi.

Ngày 9-4, khi có mặt tại khoa YHCT, chúng tôi chứng kiến một bệnh nhân nữ hậu COVID-19 đang được thực hiện phương pháp giác hơi. Điều dưỡng nam đang chăm sóc cho BN vừa chỉ tay vào vùng gáy BN có một vệt đen bầm nói, BN đau cơ do hàn trúng kinh lạc gây co cơ và đau mỏi. Giác hơi và day ấn huyệt giúp BN “giải độc”, các triệu chứng hàn, thấp đi ra ngoài qua da. Làm thông các mạch máu bị nghẽn giúp BN phục hồi cơ thể mà tây y không giúp được.

Tiếng lành đồn xa, kể từ khi ra mắt khoa điều trị hậu COVID-19 vào tháng 2-2022, hiện Khoa YHCT BV 30-4 đã tiếp nhận tới hàng trăm lượt BN/ngày với mong mỏi, được “giải thoát” khỏi những hội chứng nan giải khó trị của căn bệnh hậu COVID-19.

“Món quà sự sống” trong đại dịch -0
Các bác sĩ và điều dưỡng khoa y học cổ truyền, bệnh viện 30-4 chăm sóc cho bệnh nhân hậu COVID-19.

 “Món quà sự sống” trong cơn đại dịch

Trao đổi với PV, Th.S.BS Trương Thúy Hoàn, Khoa YHCT- BV 30-4 cho biết, nếu trong Tây y, BS chỉ tiếp xúc với BN 5-10 phút thực hiện việc tiêm chích, truyền thuốc cho BN, thì Đông y, BS vừa thực hiện thủ thuật vừa có sự giao tiếp giúp BN giải tỏa tâm lý, giải tỏa đau đớn của thể chất, và hiểu sâu hơn căn nguyên gây nên bệnh. Do đó, BS cũng sẽ nắm được tình trạng mà gia giảm thuốc.

Việc trị liệu mang tính toàn diện nhưng giải pháp Đông y cũng rất tốn nhân lực và sức lực. Khoa có 20 nhân sự nhưng đội ngũ thực sự có mặt khoảng 4 bác sĩ, 9 Điều dưỡng. Một số bác sĩ khác đang đi học thêm và một số phải tăng cường cho các khoa Cấp cứu, Khoa Nhiễm, Hô hấp… Vừa phải lo điều trị BN, còn lo sắc thuốc; việc trị liệu lại mất khá nhiều sức của điều dưỡng. Sau 1 ngày trị liệu cho 20-30 BN với các phương pháp như bấm huyệt, châm cứu, xoa bóp nên hai bàn tay của các điều dưỡng gần như mỏi nhừ nhưng mọi người lại động viên nhau cố gắng vì bệnh nhân.

Được biết, gần đây khoa có thêm phương pháp “chườm ngải cứu” và các BN đáp ứng rất tốt. Đây cũng là một nghiên cứu vừa “ra lò” của khoa. Đó là một túi chườm có các vị thuốc đông y có tác dụng giãn cơ, điều trị phần bị viêm, thẩm thấu vào vùng đau đớn của BN. Túi chườm cũng là sản phẩm tiếp nối sản phẩm Xutali trà và viên nang Xutali đã được khoa nghiên cứu thành công và ứng dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị BN COVID-19 thời gian vừa qua.

Điều mà ít người biết, sản phẩm Xutali đã được nghiên cứu và ra đời trong những tháng ngày “bão táp” nhất của TP Hồ Chí Minh khi dịch COVID-19 lên đến đỉnh điểm.

Th.S.BS Đỗ Thanh Liêm, Trưởng Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện 30-4,  nhớ lại, Xutali đã được tập thể bác sĩ Khoa YHCT nghiên cứu và bào chế thần tốc trong vòng hơn 1 tháng, khi mà TP Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bối cảnh dịch trên toàn thành phố khi ấy không khác thời chiến. Nhận nhiệm vụ bào chế khẩn cấp thuốc Đông y hỗ trợ BN COVID-19 theo chỉ đạo của cấp trên, tất cả nhân lực các khoa phòng trong toàn bệnh viện phải dồn sức.

“Món quà sự sống” trong đại dịch -0
Món quà quý giá dành cho bệnh nhân COVID-19 đã được tập thể Y Bác sĩ bệnh viện 30-4 nghiên cứu, bào chế thần tốc trong hơn 1 tháng .

Ngay khi nhận được công văn của Bộ Công an về việc bào chế khẩn thuốc xuyên tâm liên (Xutali) điều trị bệnh nhân COVID-19 thì cũng xảy ra một việc là nguyên liệu xuyên tâm liên tìm rất khó khăn. Nhiều người tìm cách tích trữ. Nên dù đặt giá cao mà không mua được. Bào chế lại gặp khó nữa vì nhiều nhà máy sản xuất thuốc cũng ngưng hoạt động do giãn cách.

Trong khi thuốc phải cần ngay để điều trị BN. Lúc ấy CBCS Công an phía Nam, cán bộ tại các trại giam, phạm nhân… bị COVID-19 rất nhiều. Vì vậy mọi việc từ tìm nguồn nguyên liệu, tìm nơi bào chế như: bào, xay, sao tẩm... đều vô cùng khó khăn. Toàn bộ qui trình như: sơ chế nguyên liệu, phơi, sấy, xay, trộn, vào túi… để sản phẩm được ra đời khẩn trương đã phải huy động nhân lực trong toàn bệnh viện. Có thời điểm 21-22 giờ khuya, các khoa phòng đều sáng đèn, cùng với khoa YHCT lo sản xuất thuốc Xutali. Nhiều bác sĩ bị F0 vừa đỡ bệnh cũng phải lao vào làm việc.

Nói về sản phẩm Xutali trị COVID-19, Thạc sĩ, BS Đỗ Thanh Liêm phân tích, một bài thuốc Đông y đầy đủ được gọi là “quân thần tá sứ”. Xuyên tâm liên là chủ vị có kháng sinh tự nhiên. Đẳng sâm nâng cao miễn dịch. Do khi ấy BN COVID-19 của ta cần điều này để chống chọi lại căn bệnh do bị hàng loạt triệu chứng biến chủng Delta hoành hành như mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy, đau bụng, hụt hơi, khó thở… Người dân toàn thành phố lại chưa được tiêm vaccine. Bệnh lại gây chán ăn, do đó cần vị thuốc giúp tiêu hóa tốt trong đó có vị Sa nhân, Trần bì.

Ở khâu thử nghiệm lâm sàng thì chính từng bác sĩ phải dùng thử những sản phẩm trà Xutali đầu tiên khi “ra lò”. Tổ nghiên cứu phải điều chỉnh vị nhiều lần mới thành công. Phải đủ liều lượng và không có tác dụng phụ. Lúc đầu chính người uống thử còn bị đau bụng, chưa quen nên phải nhiều lần thử, lắng nghe những BN đầu tiên được uống phản ánh lại. Đã là trà thì phải đảm bảo có vị thơm ngon, uống xong phải ăn ngủ tốt.

Sản phẩm phải thấy tác dụng thực sự trong hỗ trợ nâng cao thể trạng chống chọi với cơn bệnh nguy hiểm của COVID-19 nhưng cũng phải để lại điều đáng nhớ, muốn uống lại ở người dùng. Thời điểm đó cũng không có sản phẩm xuyên tâm liên nhiều trên thị trường như bây giờ, nên trà Xutali ra đời trở thành món quà quý giá vô cùng cho khách tới thăm bệnh viện. Khách cũng trở thành lực lượng thử nghiệm lâm sàng đầu tiên với sản phẩm.

Cuối cùng thì hơn 30 ngày thần tốc, thông qua Hội đồng khoa học chuyên môn của bệnh viện, sản phẩm trà Xutali hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 và sau này là viên nang Xutali đã được thành công, cấp phép của Bộ Y tế, ra đời chữa trị cho BN từ tháng 7-2021. Vào thời điểm tháng 8 và tháng 9-2021, khi có rất nhiều BN nhiễm COVID-19, lượng đặt hàng trà Xutali tăng vọt.

Kể lại những tháng ngày đáng nhớ ấy mà BS Đỗ Thanh Liêm còn rất xúc động: “Toàn bộ qui trình sản xuất sản phẩm Xutali chữa trị COVID-19 diễn ra một cách không khác gì thời chiến. Khi đó chưa có vaccine nên BN sau khi uống trà Xutali đều giảm ho, giảm đờm, giảm sốt do COVID-19 hành hạ, tăng sức miễn dịch chống chọi vượt qua cơn bạo bệnh nên khi đó sản phẩm thực sự là một một món quà sự sống. Với chúng tôi thì sản phẩm ra đời thành công còn là nguồn động viên rất lớn vì mọi nỗ lực của biết bao con người trong toàn bệnh viện đã được đền đáp”.

Huyền Nga
.
.