Morocco vươn tới hình mẫu về năng lượng tái tạo

Thứ Hai, 15/05/2023, 10:38

Cuộc chiến ở Ukraine đã kéo theo một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, thúc đẩy các chính trị gia châu Âu tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, đồng thời tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng các nguồn năng lượng sạch mới và Morocco đang hy vọng là một phần của giải pháp này.

Quốc gia nằm ngay cửa ngõ vào châu Âu đang đặt ra một kế hoạch đầy tham vọng là tạo ra 52-86% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030, sau đó xuất khẩu nguồn điện năng lớn này sang châu Âu.

Kỳ vọng của Morocco

Hiện tại, quốc gia Bắc Phi 39 triệu dân này phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng 90% nhu cầu năng lượng và phần lớn trong số đó là từ nhiên liệu hóa thạch. Vào năm 2021, khoảng 80,5% sản lượng điện của Morocco đến từ than, khí đốt và dầu mỏ. Ngược lại, chỉ có 12,4% đến từ năng lượng gió và 4,4% đến từ năng lượng mặt trời.

Morocco vươn tới hình mẫu về năng lượng tái tạo -0
Morocco dần trở thành hình mẫu cho các nước đang phát triển muốn tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, quốc gia Bắc Phi này đã đạt được một số tiến bộ rõ rệt để tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo nhờ các dự án như khu liên hợp năng lượng mặt trời Noor-Ouarzazate khổng lồ. Với giai đoạn đầu tiên mở cửa năm 2016, hiện là nhà máy điện mặt trời tập trung lớn nhất thế giới. Những cơ sở như vậy sử dụng gương để phản xạ và tập trung ánh sáng mặt trời vào "máy thu" của tháp trung tâm. Chúng chứa chất lỏng được làm nóng bởi ánh sáng, tạo ra hơi nước làm quay turbine để tạo ra điện.

Moundir Znibe, một doanh nhân nổi tiếng trong ngành năng lượng của Morocco và cảm nhận được cơ hội từ khủng hoảng, bày tỏ hy vọng: “Các nguồn tài nguyên chúng tôi có ở đây có thể là một trong những lời giải đáp lớn, rất lớn cho nhu cầu của châu Âu. Morocco thực sự là một trong những nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió tốt nhất trên thế giới. Chúng tôi không có dầu, chúng tôi không có khí đốt tự nhiên, nhưng chúng tôi có một tiềm năng đáng kinh ngạc”.

Ông Zniber cho biết, các công ty tư nhân Morocco như công ty của ông hiện đang có kế hoạch xuất khẩu điện mặt trời, điện gió và hydro xanh - hydro được tạo ra bởi năng lượng tái tạo - sang châu Âu.

Morocco đang trong quá trình trở thành nhà sản xuất hydro xanh hàng đầu châu Phi nhờ việc xây dựng một nhà máy sản xuất do Ngân hàng Phát triển Đức KfW tài trợ với số tiền 300 triệu euro. Mối quan hệ đối tác chiến lược này giữa Morocco và Đức cùng có lợi, vì Morocco thì có thể tăng sản xuất năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, trong khi Đức có thể thu được một phần sản lượng hydro xanh này để sử dụng trong các ứng dụng khác nhau.

Trong khi đó, công ty khởi nghiệp năng lượng Xlinks của Anh có kế hoạch xây dựng một tuyến cáp điện dưới biển từ Morocco đến Anh. Hy vọng của họ là năng lượng mặt trời và năng lượng gió của Morocco có thể cung cấp 8% nhu cầu điện của Anh vào năm 2030.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), việc tăng quy mô sản xuất năng lượng từ mặt trời và gió của Morocco có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở nước này. Nó đã cung cấp hàng triệu USD tài trợ cho các lĩnh vực. Tuy nhiên, WB ước tính Morocco sẽ tiêu tốn 52 tỷ USD để đạt được mục tiêu năng lượng tái tạo vào năm 2030, trong đó phần lớn phải đến từ khu vực tư nhân. Chính phủ Morocco cũng đồng ý với điều này.

Trong bối cảnh như vậy, một câu hỏi đặt ra là liệu quốc gia Bắc Phi này có nên ưu tiên các loại năng lượng tái tạo như vậy cho thị trường nội địa nhiều hơn, thay vì tập trung xuất khẩu ra bên ngoài?

Những rào cản

 Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững Morocco Leila Benali cho biết sự tăng trưởng chậm về năng lượng tái tạo ở nước này trong những năm gần đây một phần là do các yếu tố toàn cầu gây ra, chẳng hạn như đại dịch lịch sử, sự xáo trộn hoàn toàn chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị phát sinh từ cuộc chiến Ukraine.

Tuy nhiên, bà thừa nhận cũng có những rào cản nội bộ phải vượt qua, bao gồm "tăng tốc và hợp lý hóa bộ máy quan liêu", sự đảm bảo cho các công ty có được những thứ như "tiếp cận giấy phép đất đai tương đối nhanh để các nhà đầu tư có thể nắm bắt được các cơ hội mà họ muốn". Bà Benali cho biết thêm rằng chiến lược năng lượng của chính phủ dựa trên 3 trụ cột là tăng cường năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả và hội nhập nhiều hơn vào thị trường năng lượng quốc tế.

 Khi được hỏi liệu có hợp lý không khi xuất khẩu điện xanh trước khi tất cả các nhu cầu của chính Marocco được đáp ứng thông qua năng lượng tái tạo, bà Benali nói rằng người Morocco được "ưu tiên" tiếp cận với năng lượng xanh "chi phí thấp nhất". Theo bà, cũng cần phải tận dụng "cơ hội lịch sử" để hội nhập với thị trường năng lượng của châu Âu và những cơ hội như vậy có thể là động lực cho đầu tư tư nhân rất cần thiết.

Chuyên gia Moez Cherif phụ trách mảng năng lượng khu vực của WB thì tin rằng Morocco nên vừa tăng cường xuất khẩu năng lượng tái tạo, vừa bổ sung nhiều hơn cho tiêu dùng trong nước. Ông nhấn mạnh: "Lý tưởng nhất là bạn nên làm cả hai”.

Theo nhà hoạt động về biến đổi khí hậu Hajar Khalmichi từ Mạng lưới khí hậu trẻ Địa Trung Hải, tham vọng 52% điện năng đến từ năng lượng tái tạo của Morocco là chưa đủ và chưa có nhiều cuộc thảo luận trong nước về việc phải lấy phần còn lại từ đâu khi Morocco cố gắng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu và các nhà máy điện than.

Chính phủ Morocco cũng lập luận rằng, họ vẫn phải đương đầu với những thách thức tương tự như các quốc gia khác đang phát triển mạnh về năng lượng tái tạo và họ vẫn cần khí đốt để đối phó với thực tế là gió không phải lúc nào cũng thổi và mặt trời không phải lúc nào cũng chiếu sáng. Doanh nhân Moundir Zniber cho biết thêm rằng Morocco cần "sự kết hợp" các nguồn năng lượng, trong đó "năng lượng tái tạo là một phần của giải pháp về khía cạnh điện năng".

Ngọc Bích
.
.