Mua thuốc nam giả, nhận hậu quả thật
Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” nên nhiều người đã chịu bỏ ra số tiền không nhỏ để mua những loại thuốc nam được gắn mác “gia truyền”. Nhưng họ không biết rằng mình đã lạc vào ma trận thuốc nam giả, không rõ nguồn gốc khiến “tiền mất tật mang”.
Thuốc giả quảng cáo rầm rộ
Mới đây, Công an thành phố Hà Nội vừa thu giữ gần 3 tấn thuốc nam giả thương hiệu Kháu Vài Lèng, Đại tràng HG, có tổng giá trị gần 3 tỉ đồng, cùng số lượng lớn nguyên dược liệu, vỏ bao bì hộp nhựa, tem nhãn giả cùng một máy in màu để in tem nhãn giả. Ngày 10/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng là Chu Văn Diễn (sinh năm 1996, trú tại phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình); Trần Thị Phương Thảo (sinh năm 1996, trú tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) và Nguyễn Đắc Dũng (sinh năm 1981, trú tại xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Theo điều tra, khoảng cuối năm 2023, Chu Văn Diễn đặt mua thuốc nam nhãn hiệu Kháu Vài Lèng, Đại tràng HG giả của Nguyễn Đắc Dũng. Đồng thời, Diễn thuê căn hộ tại chung cư Comatce Tower số 61 Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân để chỉ đạo nhân viên lập Fanpage giả mạo và sử dụng số điện thoại gần giống số điện thoại của Hợp tác xã dược liệu Nam dược Mạc Minh (đơn vị sản xuất, phân phối thuốc nam Kháu Vài Lèng, Đại tràng HG) đăng bán thuốc chữa bệnh giả đánh lừa khách hàng.
Đối tượng Nguyễn Đắc Dũng đặt mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc, có giá rẻ về tập kết tại xưởng, sử dụng máy in màu để in tem, nhãn, giả tem, nhãn của Hợp tác xã dược liệu Nam dược Mạc Minh sau đó đóng gói thành thành phẩm thuốc giả và rao bán trên mạng xã hội facebook. Sau khi sản xuất xong, Dũng chở thuốc đến các địa chỉ cất giấu theo chỉ đạo của Diễn tại Bưu cục Best Express (ngõ 31 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội) và 1 căn hộ tại tòa A, chung cư 282 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.
Tiến hành khám xét địa chỉ liên quan, cơ quan Công an thu giữ gần 3 tấn thuốc nam Kháu Vài Lèng, Đại tràng HG giả, có tổng trị giá hơn 2,9 tỉ đồng, cùng số lượng lớn nguyên dược liệu, vỏ bao bì, hộp nhựa, tem nhãn giả cùng 1 máy in màu dùng để in tem nhãn giả. Các đối tượng khai nhận đã tiêu thụ hàng chục nghìn sản phẩm thuốc nam Kháu Vài Lèng, Đại tràng HG giả, thu lời nhiều tỉ đồng.
Anh Mạc Văn Minh - Giám đốc Hợp tác xã dược liệu Nam dược Mạc Minh - tỉnh Hà Giang cho biết: “Những sản phẩm dược liệu trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc được các đối tượng thả xuống nền xi măng rồi đảo đều lên, đóng gói rồi bán ra thị trường. Đây là hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái”.
Trên thực tế, các đối tượng sản xuất thuốc nam giả nhưng lại quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội để đánh lừa người dùng. Thuốc nam nhưng thực chất lại là các loại rễ cây thảo dược rẻ tiền, thu mua trôi nổi trên thị trường về để chế biến, đóng gói, nhái bao bì hàng thật và bán ra thị trường với giá tương đương. Đây là thủ đoạn tinh vi của các đối tượng nhằm làm giả một sản phẩm thuốc nam đã được công nhận tại Việt Nam.
Mặc dù sản xuất và buôn bán thuốc giả, thế nhưng các đối tượng lại đầu tư và tổ chức hệ thống kinh doanh, chăm sóc khách hàng còn bài bản hơn cả đơn vị sản xuất chính chủ. Điều này lý giải vì sao, chỉ sau một thời gian ngắn, từ cuối năm 2023 đến đầu tháng 7/2024, lợi nhuận từ việc kinh doanh thuốc nam giả đã lên đến hàng tỉ đồng. Đây chỉ là một vụ trong nhiều vụ liên quan đến sản xuất và buôn bán thuốc nam giả.
Hiện nay, các cơ sở sản xuất thuốc nam giả, hàng giả sử dụng công nghệ in ấn, làm giả bao bì và tem chống hàng giả, tạo nhiều kênh cung cấp, người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là thuốc thật, đâu là thuốc giả. Rất nhiều bệnh nhân được giới thiệu chữa trị bằng thuốc nam, với những kênh quảng cáo thu hút, thuyết phục, nhưng khó ai biết được đang dính vào những cái bẫy của bọn làm thuốc giả.
Trung tá Nghiêm Tuấn Anh - Phó đội trưởng Đội 7 - Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hà Nội chia sẻ với báo chí: “Các nguyên liệu để làm thuốc giả chủ yếu là cây thảo dược có tác dụng làm mát gan chứ không có tác dụng chữa bệnh như quảng cáo. Người có bệnh cần dùng đến thuốc để chữa bệnh thì dùng thuốc giả đương nhiên không có tác dụng”.
“Tiền mất, tật mang”
Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, không ít người dân tin vào lời quảng cáo để rồi “tiền mất tật mang”. Những loại thuốc được bán tràn lan trên mạng với danh xưng “thần y chữa dứt điểm bách bệnh”, nhiều người bệnh đã trở thành nạn nhân của những loại thuốc không rõ nguồn gốc này. Không chỉ chi hàng triệu đồng mua thuốc mà còn phải nhập viện vì ngộ độc và những biến chứng khôn lường đến sức khỏe.
Do quá quá tin vào lời quảng cáo trên mạng xã hội, bà N.T.T (Chương Mỹ, Hà Nội) suýt phải gánh hậu quả nặng nề. Bà T nhiều năm nay mắc chứng bệnh đau đầu, rối loạn tiền đình, dù đã uống nhiều loại thuốc nhưng không giảm. Mới đây sau một lần xem trên mạng xã hội thấy một người quảng cáo có thuốc đặc trị bệnh rối loạn tiền đình, uống vài thang thuốc là trị dứt điểm, bà T vội vàng đặt mua.
“Tôi thấy họ quảng cáo hay quá, lại đúng bệnh của mình nên đã gọi điện xin tư vấn. Mặc dù không khám nhưng họ nói rất đúng bệnh của tôi, chính vì thế tôi đã tin lời họ. Tôi đặt mua 5 túi thuốc dạng nước (giá 2 triệu đồng/ 5 thang), họ nói thuốc đã sắc sẵn, về cho vào tủ lạnh rồi uống dần. Sau khi uống khoảng 3 thang, tôi thấy trong người rất khó chịu, có cảm giác buồn nôn và chóng mặt, chán ăn… Tôi sợ bệnh nặng hơn nên đã dừng uống thuốc và đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Các bác sĩ kết luận gan của tôi bị nhiễm độc, có viêm gan cấp. Sau khi xuất viện, tôi liên lạc lại với người bán nhưng họ chặn số không liên lạc được nữa”, bà T chia sẻ.
Mới đây, Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân nam 63 tuổi (ở Thanh Trì, Hà Nội), nhập viện trong tình trạng ngộ độc nặng sau khi sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, nghe quảng cáo từ người quen có thuốc chữa đái tháo đường rất tốt, là thuốc nam dạng viên, ông đã mua 20 gói với giá 10 triệu đồng.
Sau khi mua và sử dụng thuốc được gần 20 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau bụng, nôn mửa, người nhà đưa đến Trung tâm chống độc cấp cứu và được chẩn đoán ngộ độc. Điều đáng nói qua xét nghiệm thuốc bệnh nhân sử dụng, đã tìm thấy thành phần phenformin. Đây là thành phần từng được sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường, nhưng vì độc tính rất cao, gây tử vong cho nhiều người nên thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng từ những năm 1970.
Một trường hợp khác cũng nhập viện do thủng dạ dày sau thời gian dài chữa bệnh bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân là nam, 70 tuổi, tiền sử đau viêm khớp nhiều năm. Ông dùng thuốc nam tại nhà suốt ba tháng, sau đó đau bụng dữ dội nên được chuyển tới Bệnh viện Thanh Nhàn trong tình trạng nhiễm trùng toàn thân, đau bụng, các bác sĩ chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng dạ dày. Ông đã được hồi sức và phẫu thuật khâu lại lỗ thủng, lau rửa sạch ổ bụng và sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng.
Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận một bệnh nhân 16 tuổi được chẩn đoán mắc chứng thận hư, thế nhưng thay vì điều trị theo phác đồ của bác sĩ, gia đình tự chuyển sang dùng thuốc nam, thuốc bắc. Hậu quả cháu nhập viện trong tình trạng nguy kịch, suy thận nặng. Dù đã có rất nhiều cảnh báo, nhiều bệnh nhân vẫn tin vào những lời quảng cáo trên mạng xã hội và mua những loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ để rồi “tiền mất tật mang”.
Một bệnh nhân đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, tiếp xúc kém, sốt cao, loét, chảy máu vùng miệng, trượt da đến 80% diện tích cơ thể. Được biết 2 tuần trước, bệnh nhân sử dụng thuốc nam quảng cáo trên mạng để điều trị đau khớp. Sau khi đánh giá triệu chứng lâm sàng và làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị dị ứng thuốc thể hoại tử thượng bì nhiễm độc, hay còn gọi là hội chứng Lyell, nghi ngờ do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc. May mắn là bệnh nhân được cấp cứu, điều trị qua cơn nguy kịch.
Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Trường hợp thứ nhất là ông N.N.D., 64 tuổi ở Bắc Giang. Ông D. phát hiện viêm gan B cách đây 30 năm, 3 năm gần đây đã điều trị thuốc kháng virus. Tuy nhiên, 5 tháng trở lại đây, ông đã uống thuốc nam điều trị viêm gan B.
Một tháng trước, ông D. có dấu hiệu mệt mỏi, vàng da tăng dần nên đến cơ sở y tế điều trị, sau 1 tuần ông được xuất viện. Khi về nhà, ông D. thấy mệt mỏi hơn, chán ăn, tiểu ít, có màu vàng sẫm, đại tiện phân táo. Gia đình đưa bệnh nhân vào bệnh viện điều trị. Một ngày sau ông D. được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Ông D. nhập viện trong tình trạng da và mắt vàng đậm, được chẩn đoán: Suy gan cấp - xơ gan - viêm gan B mạn. Các bác sĩ đã giải thích cho người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh, tiên lượng rất nặng.
Trường hợp thứ 2 là ông T.N.T., 64 tuổi đến từ Hưng Yên. Bệnh nhân không mắc bệnh mạn tính, không bị viêm gan B, C, không uống rượu bia. Khoảng 3 năm trở lại đây, ông T. có uống thuốc đông y (uống từng đợt mỗi năm khoảng 2 đợt).
Trước khi nhập viện khoảng 3 tuần, bệnh nhân có uống thuốc nam 10 ngày để điều trị sỏi túi mật. Sau khi uống thuốc, thấy xuất hiện mệt mỏi, ăn uống kém. Bệnh nhân đã nhập viện và được điều trị tại viện 2 tuần. Sau khi ra viện, bệnh nhân lại xuất hiện mệt mỏi. Gia đình đã đưa bệnh nhân nhập Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để điều trị. Bệnh nhân được chẩn đoán: Theo dõi viêm gan nhiễm độc, có viêm gan cấp.
Ông Trần Văn Bản, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho hay, hiện nay có rất nhiều quảng cáo mang tính lừa đảo, lợi dụng lòng tin của người dân với thuốc nam, thuốc bắc nhưng thực chất thuốc có chứa tân dược, thậm chí thành phần độc hại. Những sản phẩm này thường không có nhãn hiệu, không ghi rõ thành phần, không có tên nhà sản xuất. Tất cả chỉ dựa vào truyền tai, truyền miệng và thổi phồng công dụng để bán thuốc.
“Hiện nay các bệnh mãn tính như đái tháo đường, một số bệnh về xương khớp không thể chữa khỏi mà phải uống thuốc điều trị thường xuyên. Nếu người bệnh dùng thuốc thấy có chuyển biến, đó là đỡ một thời gian chứ không phải là khỏi bệnh và không nên tự dừng thuốc đã được bác sĩ chỉ định. Thuốc đông y sử dụng cho người bệnh, loại được bào chế thành phẩm phải có đầy đủ công thức, cách bào chế, công dụng, chỉ định và cách sử dụng, rõ cơ sở sản xuất, người chịu trách nhiệm về sản phẩm. Vì vậy khi lựa chọn điều trị bệnh bằng phương pháp nào, người bệnh cũng cần nắm rõ, tìm hiểu các thông tin trên để tránh mua phải những hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Bản khuyến cáo.