Mỹ với nỗ lực kiểm soát công nghệ

Thứ Ba, 14/11/2023, 08:33

Ưu thế công nghệ hiện là khía cạnh quan trọng trong cạnh tranh Mỹ - Trung. Việc làm chủ các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, vi điện tử và hệ thống thông tin lượng tử sẽ quyết định ưu thế quân sự và kinh tế trong tương lai.

Kiểm soát thương mại trong lĩnh vực công nghệ

Thái độ của Mỹ trước sự trỗi dậy và hội nhập kinh tế của Trung Quốc vào hệ thống kinh tế toàn cầu đã thay đổi kể từ khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001. Tháng 4/2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố lệnh cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho gã khổng lồ viễn thông ZTE của Trung Quốc và các công ty liên kết của họ trong vòng 7 năm vì ZTE vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, một tháng sau, quan chức Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về việc đảm bảo an ninh cấp cao và đảo ngược lệnh cấm.

Sau đó, vào năm 2019, Bộ  Thương mại Mỹ đã thêm Công ty Huawei - nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất và là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới - vào danh sách thực thể của mình. Điều này có nghĩa là các công ty Mỹ cần có giấy phép (vốn rất khó xin) để bán hàng cho Huawei. Những điều khoản này cũng được áp dụng đối với nhiều chi nhánh toàn cầu của Huawei.

Mỹ với nỗ lực kiểm soát công nghệ -0
An ninh và sức mạnh kinh tế đang trở nên gắn kết với nhau hơn, công nghệ
là sợi dây kết nối hai khía cạnh này.

Tháng 8/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp yêu cầu chính phủ xây dựng cơ chế sàng lọc bắt buộc đối với tất cả các khoản đầu tư từ Mỹ sang Trung Quốc vào các công nghệ và sản phẩm nhạy cảm liên quan đến chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và nhân tạo được sử dụng trong các lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng quân sự, tình báo, giám sát hoặc hỗ trợ mạng. Biện pháp này áp dụng cơ chế giám sát mới của Chính phủ Mỹ đối với các quyết định đầu tư của các công ty Mỹ tại Trung Quốc, giống như việc Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) có trách nhiệm thẩm định các thương vụ đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Động thái này là tín hiệu mới nhất cho thấy cuộc cạnh tranh về ưu thế công nghệ tiên tiến là yếu tố cốt lõi của cuộc cạnh tranh rộng lớn hơn giữa Trung Quốc và Mỹ. An ninh và sức mạnh kinh tế đang trở nên gắn kết với nhau hơn, công nghệ là sợi dây kết nối hai khía cạnh này. Việc làm chủ trí tuệ nhân tạo, vi điện tử và hệ thống thông tin lượng tử sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định ưu thế quân sự và kinh tế trong những thập kỷ tới. Những công nghệ này sẽ cung cấp năng lượng cho các hệ thống giám sát và vũ khí tinh vi, cũng như các sản phẩm tiêu dùng phổ biến và quy trình sản xuất tiên tiến. Đặc biệt, vai trò nền tảng của chất bán dẫn trong những công nghệ này đã đẩy các chính sách về chất bán dẫn lên vị trí trung tâm.

Đáng chú ý nhất là đầu tháng 10/2022, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành các quy định mới về việc cấm xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến nhất cũng như thiết bị sản xuất chất bán dẫn, các linh kiện liên quan và phần mềm thiết kế chip sang Trung Quốc. Người Mỹ (bao gồm công dân, cư dân hoặc người có thẻ xanh) cũng bị cấm làm việc cho các công ty bán dẫn Trung Quốc. Các biện pháp hạn chế được áp dụng cho cả công ty Mỹ và bất kỳ công ty quốc tế nào sử dụng công nghệ bán dẫn của Mỹ. Hà Lan và Nhật Bản, hai quốc gia quan trọng nhất trong lĩnh vực chế tạo thiết bị sản xuất chất bán dẫn, đã tham gia nỗ lực của Mỹ.

Sự trở lại của chính sách công nghệ

Các biện pháp hạn chế của Mỹ tập trung vào chip được sản xuất ở nút xử lý quy trình 18 nanomet (nm) hoặc nhỏ hơn (chip có quy trình nhỏ hơn là chip mới hơn và có nhiều khả năng tiên tiến hơn). Để tham khảo, các chip có nút quy trình xử lý lớn hơn nằm trong khuôn khổ các biện pháp hạn chế này được gọi là tiên tiến cách đây một thập kỷ. Các chip tiên tiến nhất hiện nay là chip 3nm trở xuống. Các hệ thống trí tuệ nhân tạo tiên tiến thường yêu cầu chip 7nm hoặc 5nm. Các chip kế thừa hoặc trưởng thành ở nút quy trình 28nm vẫn đóng vai trò quan trọng về mặt thương mại trong các lĩnh vực như ô tô và điện tử tiêu dùng, nhưng không quan trọng đối với các lĩnh vực nhạy cảm như trí tuệ nhân tạo hoặc điện toán lượng tử. Có vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, trong bài phát biểu của mình, đã cho rằng người Mỹ phải “xem xét lại tiền đề lâu đời là duy trì lợi thế tương đối so với các đối thủ cạnh tranh” khi đề cập đến chính sách hiện hành vào thời điểm Mỹ đang tìm cách duy trì “phương pháp tiếp cận quy mô trượt”.

Chính quyền Mỹ đã thực hiện các bước quan trọng hướng tới tăng trưởng do nhà nước chỉ đạo bằng cách thông qua 2 đạo luật mới.

Thứ nhất, Đạo luật CHIPS và Khoa học đã trở thành luật, cung cấp 52,7 tỷ USD trợ cấp trực tiếp và gián tiếp cho nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn, cũng như sản xuất và phát triển lực lượng lao động.

Thứ hai, Đạo luật Giảm lạm phát bao gồm các biện pháp trên phạm vi rộng liên quan đến việc thực thi thuế, biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác, đồng thời cung cấp khoản đầu tư 386 tỷ USD để thúc đẩy các mục tiêu năng lượng và khí hậu quốc gia. Một số điều khoản nhằm mục tiêu thách thức ưu thế của Trung Quốc trên thị trường xe điện, mặc dù chúng cũng khiến các nước châu Âu khó chịu vì cho rằng những ưu đãi này sẽ gạt các nhà sản xuất của họ sang một bên và vô hiệu hóa nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế của họ trong quá trình chuyển đổi xanh.

Rõ ràng, tương lai lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi mức độ hợp tác mà Mỹ nhận được từ các quốc gia khác trong việc thực thi các biện pháp hạn chế kiểu này. Tuy nhiên, lợi ích của nó được dự đoán là sẽ thấp và rõ ràng sự đánh đổi cần thiết để ngăn chặn con đường vươn tới ưu thế công nghệ của Trung Quốc sẽ ít hấp dẫn hơn. Hay, nói cách khác, hạn chế người khác để mình đi lên bao giờ cũng sẽ bao gồm cả sự đánh đổi và trả giá.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.