Nga dự định xây dựng một trạm vũ trụ mới
Tổng công trình sư Tập đoàn Tên lửa và Vũ trụ (RSC) Energia, ông Vladimir Soloviev cho biết, năm 2027, nước Nga có thể triển khai lắp đặt một trạm vũ trụ quốc gia mới trên quỹ đạo, song song với việc tiếp tục vận hành khoang tàu của Nga trên ISS trong vòng hai năm.
Trạm vũ trụ mới
"Angara đang được chế tạo, tuy nhiên, như các đồng nghiệp của tôi giải thích, nhờ nó chúng tôi có thể khởi động các mô -đun mới vào khoảng năm 2027, chúng tôi hy vọng khi đó cơ sở hạ tầng tại sân bay vũ trụ Vostochny đã sẵn sàng. Có nghĩa là chúng tôi vẫn bay lên ISS cho đến năm 2028-2029, cần ít nhất 2 năm để đóng khớp “mối nối” giữa việc hoàn thành sứ mệnh trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) và bắt đầu hoạt động của trạm vũ trụ mới”, ông Soloviev nói.
Mô-đun đầu tiên sẽ là mô-đun năng lượng - khoa học (SEM) dành cho ISS. SEM được xây dựng từ năm 2012. Ban đầu, người ta cho rằng mô-đun này sẽ được sản xuất vào năm 2015 và đảm bảo tính độc lập về năng lượng cho khoang ISS của Nga hiện đang được cấp điện từ khoang của Mỹ. Ngoài ra, mô-đun này còn dành để thực hiện công tác nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, vào năm 2015 mới chỉ hoàn thành thiết kế phác thảo. Theo các nguồn dữ liệu công khai, phần thân thiết bị bay của mô-đun SEM được lắp ráp từ năm 2017. Vào năm 2018 bắt đầu các cuộc thử nghiệm trên mặt đất. Tuy nhiên việc đưa mô-đun vào vận hành liên tục bị trì hoãn.
Trước đó, có thông tin cho biết mô-đun đầu tiên của trạm vũ trụ mới của Nga sẽ sẵn sàng để phóng lên quỹ đạo vào năm 2025. Có thông tin nói rằng trạm vũ trụ sẽ được thiết kế với kiến trúc mở và tuổi thọ không giới hạn nhờ việc thay thế các mô-đun. Trạm sẽ có kích thước lớn hơn trạm Hòa Bình (Mir), bay trên quỹ đạo ở độ cao 400 km và góc nghiêng 98 độ, điều này cho phép giám sát toàn bộ bề mặt Trái đất, trước hết là Bắc Cực và Tuyến đường biển phía Bắc.
Nga có lịch sử lâu đời trong việc chế tạo vệ tinh của riêng mình, với Sputnik 1 là vệ tinh đầu tiên được phóng lên quỹ đạo thấp của Trái đất vào năm 1957. Năm 1986, Liên Xô phóng một trạm vũ trụ được sản xuất trong nước tên là Mir. Thời điểm đó, Mir là vệ tinh nhân tạo lớn nhất trên quỹ đạo.
Tháng 4-2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành kế hoạch bắt đầu chế tạo vệ tinh quỹ đạo có người điều khiển, mục đích là thay thế Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đang bước vào giai đoạn hư hỏng hoàn toàn.
Trạm ISS sắp “hết đát”
Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS bắt đầu hoạt động từ năm 1998. Và kể từ năm 2020, các phi hành đoàn đến từ 19 quốc gia đã luân phiên đến trạm vũ trụ. Ở độ cao hơn 400 km, ISS hoạt động trong khoảng không được gọi là Quỹ đạo Trái đất Tầm thấp (LEO).
Trạm có phòng thí nghiệm để nghiên cứu vi trọng lực trong thời gian dài. Nghiên cứu này là công cụ của một số phát triển khoa học bao gồm tạo ra hệ thống lọc nước hiệu quả hơn và khám phá các phương pháp mới để điều trị các bệnh như Alzheimer và ung thư.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ISS đã bắt đầu hư hỏng, các phi hành gia thường xuyên phát hiện ra các vết nứt. Tháng 11-2020, ông Vladimir Solovyov, Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Nga, phi công vũ trụ, Phó Tổng giám đốc thứ nhất của Tổng công ty tên lửa và vũ trụ RSC Energia, thông báo với Viện Hàn lâm Khoa học Nga: "Đã có một số bộ phận của ISS bị hư hỏng nghiêm trọng và không còn hoạt động. Nhiều bộ phận không thể thay thế được. Sau năm 2025, chúng tôi dự đoán ISS sẽ sụp đổ".
Mới đây nhất, ngày 30-8, ông Vladimir Solovyov, kỹ sư trưởng của tập đoàn tên lửa và vũ trụ Nga Energia, nói với hãng tin Ria Novosti: "Các vết nứt bề ngoài đã được tìm thấy ở một số nơi trên mô-đun Zarya. Vết nứt tồi tệ cho thấy rằng, chúng sẽ bắt đầu lan rộng theo thời gian".
Mô-đun Zarya, còn được gọi là FCB (viết tắt của "Khối hàng hóa chức năng"), là một phần của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) ở phần của Nga. Đây là mô-đun đầu tiên của ISS, được phóng vào ngày 20-11-1998. Mô-đun Zarya có chiều dài 12.5m, đường kính 4.1m và nặng 19.3 tấn. Ông Solovyov cho biết, một phần đáng kể thiết bị trên ISS đang bị lão hóa, và trước đó đã cảnh báo hàng loạt thiết bị có thể bị hỏng sau năm 2025.
Đây không phải là lần đầu tiên các vết nứt được tìm thấy trên ISS, nơi các phi hành gia luân phiên đã hoạt động liên tục kể từ tháng 11-2000. Chẳng hạn, các vết nứt trong mô-đun Zvezda của Nga gây rò rỉ không khí nhỏ trên ISS được phát hiện vào tháng 9-2019. Các phi hành gia đã vá các vết nứt Zvezda đó vào tháng 10-2020 và tháng 3 năm nay, nhưng vấn đề vẫn tiếp diễn. Tháng trước, Nga báo cáo một sự sụt giảm áp suất khác trong mô-đun được phóng lên quỹ đạo Trái đất vào tháng 7-2000.
Trước đó, các phi hành gia ISS cũng nhận thấy một lỗ rò rỉ không khí vào tháng 8-2018, nhưng họ sớm xác định nguyên nhân là do một lỗ khoan trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga.