Nga phóng thành công tên lửa siêu thanh từ tàu ngầm

Thứ Hai, 11/10/2021, 14:26

Nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang kiểu Chiến tranh Lạnh đang cận kề khi mà Nga tuyên bố lần đầu tiên phóng thành công tên lửa siêu thanh từ tàu ngầm hạt nhân. Với Avangard, Kinzhal và giờ là Tsirkon - Nga đang dẫn đầu cuộc đua phát triển hàng loạt vũ khí siêu thanh mới mà Tổng thống Vladimir Putin mệnh danh là “bất khả chiến bại”.

Vượt trội

Theo đánh giá của giới phân tích, trong những năm gần đây, Nga đã phát triển nhanh chóng vũ khí siêu thanh với nhiều loại tên lửa không chỉ có khả năng bay với tốc độ hơn 6.000 km/giờ (Mach5) mà còn được điều khiển từ xa. Đầu tiên phải kể đến tên lửa Avangard được chính thức bổ sung vào kho vũ khí của Nga năm 2019. Tiếp đó là tên lửa Kinzhal có độ chính xác cao, bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa, cộng với tốc độ bay rất nhanh được trang bị cho máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31K. Tên lửa này có thể mang cả đầu đạn hạt nhân với tầm bắn lên tới 2.000 km, đảm bảo có thể vượt qua mọi hệ thống phòng không và lá chắn chống tên lửa hiện có.

Nhưng, vượt trội hơn cả là Tsirkon vốn được Nga nghiên cứu từ đầu thập niên 2010 và trong 5 năm qua đã tiến hành nhiều vụ thử. Vụ thử hôm 4-10 là lần đầu tiên Nga cho phóng thử tên lửa Tsirkon từ tàu ngầm hạt nhân, một giai đoạn quan trọng trong phương diện tác chiến. “Thông thường, các loại vũ khí như vậy được triển khai trên các bệ phóng kín đáo và cơ động nhất có thể. Nga không có được trình độ cao trong các loại oanh tạc cơ tàng hình tầm hoạt động rộng để có thể mang tên lửa siêu thanh, vì thế họ chọn tàu ngầm”, chuyên gia về an ninh và vũ khí của Thụy Sĩ, Alexandre Vautravers giải thích.

Nga phóng thành công tên lửa siêu thanh từ tàu ngầm -0
Hình ảnh từ video vụ thử tên lửa siêu thanh mới của Nga hôm 4-10.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tên lửa Tsirkon được phóng từ tàu ngầm hạt nhân Severodvinsk ở độ sâu 131 feet và bắn trúng mục tiêu thử nghiệm ở biển Barents. Một video do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp cho thấy tên lửa thắp sáng cả bầu trời đêm. Trước đó, vào tháng 7, Tsirkon đã được một tàu khu trục của hải quân phóng thử. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, tên lửa này có thể bay với tốc độ gấp 9 lần tốc độ âm thanh và có tầm bắn gần 1.000km và cùng với một loạt vũ khí “vô song” khác, Nga có thể “vươn tới mọi nơi trên thế giới”. Giới quan sát nhận định, các tên lửa siêu thanh có thể di chuyển với vận tốc ít nhất gấp 5 lần tốc độ âm thanh và cơ động ở giữa chuyến bay, khiến chúng khó bị theo dõi và đánh chặn hơn nhiều so với các loại đạn truyền thống.

Lo ngại của Mỹ và châu Âu

Trên thực tế, Mỹ, Trung Quốc, Pháp và các cường quốc khác cũng đã công bố kế hoạch phát triển vũ khí siêu thanh của mình nhưng có vẻ như chưa đạt sự quan tâm đúng mức như Nga. Gustav Gressel-chuyên gia về các vấn đề quân sự của Nga tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu cho rằng đây là lý do để phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby vội tuyên bố, tên lửa siêu thanh mới của Nga “có khả năng gây mất ổn định và gây ra những rủi ro đáng kể”, trong khi một quan chức NATO cho rằng loại vũ khí này đang tạo ra “nguy cơ leo thang và tính toán sai lầm lớn hơn”.

Theo thống kê từ cơ quan nghiên cứu khoa học của quân đội Mỹ - DARPA, đến nay Washington chưa có được các tên lửa siêu thanh trong kho vũ khí của mình mà chỉ dừng ở mức đang nghiên cứu. Hiện, Lầu Năm Góc đang phát triển một loại tàu lượn siêu thanh ARRW nhưng bị thất bại trong lần thử nghiệm đầu tiên trên thực địa hồi tháng 4. Pháp, Đức, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran và cả Israel cũng đang nghiên cứu phát triển các hệ thống siêu thanh. Riêng Trung Quốc nghiên cứu thử nghiệm một loại tàu lượn siêu thanh tầm hoạt động 2.000 km với tốc độ trên Mach 5, thực hiện được những thao tác cực khó và rất chịu khó học hỏi theo các chương trình của Nga. Một thông tin đáng chú ý nữa là hồi cuối tháng 9, CHDCND Triều Tiên đã loan tin thử thành công tiên lửa siêu thanh. Nếu như thông tin này chính xác thì đó là một tiến bộ công nghệ lớn đối với nước này.

Hans Kristensen, một chuyên gia về vũ khí hạt nhân tại Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ khẳng định: “Đó chắc chắn là giai đoạn mở đầu của một cuộc chạy đua vũ trang... Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chúng ta thấy các nước nhỏ hơn phát triển vũ khí siêu âm thanh. Không ai thực sự biết chuyện này sẽ diễn ra như thế nào. Hiện tại, đó là một cuộc chạy đua nguy hiểm... Nếu và khi họ bổ sung khả năng hạt nhân cho tên lửa, nó sẽ tạo ra những thách thức an ninh thậm chí còn nguy hiểm hơn”.

Nhưng, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng, mặc dù vũ khí siêu thanh rất ấn tượng nhưng chúng chưa chắc là công nghệ thay đổi cuộc chạy đua vũ trang mới. Nhà phân tích quốc phòng độc lập Alexander Golts nói: “Từ quan điểm quân sự, hoàn toàn không có sự khác biệt quá lớn nào giữa tên lửa siêu thanh và một đầu đạn thông thường vốn sẽ đi theo quỹ đạo đạn đạo trong không gian và sau đó tấn công lãnh thổ Mỹ mà không cần bất kỳ thao tác nào. Với kho vũ khí hạt nhân lớn thứ hai trên thế giới và một kho tên lửa đạn đạo khổng lồ, Nga đã có thừa năng lực quân sự để răn đe kẻ thù”.

Đồng quan điểm này, Cameron Tracy - học giả tại Trung tâm Hợp tác và An ninh quốc tế của Đại học Stanford nói: “Không nhất thiết phải sử dụng những vũ khí này cho bất cứ điều gì. Chỉ có điều, bất kỳ loại vũ khí nào mà bạn có trước người khác thì bạn sẽ luôn là người tiên phong. Thực chất, vũ khí siêu thanh như để chơi trên bất kỳ bàn đàm phán nào về vấn đề kiểm soát vũ khí. Đây là một chiến lược phổ biến khi phát triển các hệ thống vũ khí mới. Tức là chưa chắc bạn sẽ thực sự triển khai chúng nhưng bạn sẽ đánh đổi chúng trong các cuộc đàm phán”.

Sông Thương
.
.