Người dân cần nâng cao ý thức để chống dịch sốt xuất huyết

Thứ Năm, 23/06/2022, 15:46

TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam đã bước vào mùa mưa, cao điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH), với số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành trong những tuần gần đây.

Các chuyên gia cảnh báo, năm nay dịch có thể bùng phát lớn theo chu kỳ, số ca mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu các địa phương không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Dịch sốt xuất huyết tăng nhiều nơi

Mới đây, Bệnh viện Quân y 175 đã phải can thiệp ECMO (kỹ thuật hiện đại nhất trong hồi sức cấp cứu) để cứu sống bệnh nhân T.Đ.P (36 tuổi, trú tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) bị SXH. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân này bị sốc nặng, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan - gan, thận, rối loạn đông máu, dấu hiệu nhiễm khuẩn huyết từ đường tiêu hóa...

Các bác sĩ đã phải tiến hành đặt ECMO vừa thay máu, lọc máu liên tục cho người bệnh. Bệnh nhân được lọc máu liên tục 12 lần, thay huyết tương cấp cứu tới 14 lần với tổng thể tích huyết tương thay thế là 56 lít, tương đương 280 đơn vị máu tươi; đồng thời phải mất đến 47 ngày chăm sóc, điều trị tích cực mới vượt qua nguy kịch thập tử nhất sinh do SXH gây ra.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, theo thống kê từ tháng 3-2022 đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 80-100 bệnh mắc SXH, trong số này có 15% trường hợp phải nhập viện điều trị. Tính đến thời điểm hiện tại, bệnh viện này đã tiếp nhận 47 ca SXH trẻ em và 283 ca người lớn…

2.jpg -0
Người dân cần nâng cao ý thức để chống dịch sốt xuất huyết -0
Nhiều bệnh nhi nhập viện ở TP Hồ Chí Minh do sốt xuất huyết, trong đó có nhiều trường hợp nặng.

Hiện nay dù được cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan từ cách phòng bệnh đến tự điều trị chưa đúng khiến bệnh chuyển nặng, nguy kịch. Điển hình là trường hợp bé L.A.S. (12 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) vì người nhà chủ quan, nhầm lẫn với bệnh lý khác, bé L.A.S. trước khi nhập viện có biểu hiện sốt cao liên tục, ói, tiêu chảy. Tuy nhiên, thay vì đưa trẻ đến bệnh viện, người nhà nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên tự mua thuốc uống.

Sau khi thấy trẻ có dấu hiệu khó thở, gia đình mới đưa đến Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ xác định, bệnh nhi sốc SXH nặng ngày thứ 4, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng. Các bác sĩ đã truyền dịch cao phân tử chống sốc, phối hợp nhiều giải pháp điều trị tích cực và hỗ trợ hô hấp bằng phương pháp thở áp lực dương liên tục, điều chỉnh rối loạn đông máu…

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, năm 2022, dịch bệnh SXH có xu hướng gia tăng. Trong đó, TP Hồ Chí Minh có số ca mắc, tử vong cao nhất trong số 20 tỉnh, thành phía Nam. Tính đến ngày 15-6, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 9 ca tử vong, tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 6 ca so với trung bình giai đoạn 2015-2020. Quận, huyện có số ca mắc cao nhất là các quận: Bình Tân, Tân Phú, quận 12 và các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

ThS.BS Lương Chấn Quang, Phó Trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, với 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam thì đã có 11 tỉnh, thành có số ca mắc SXH cao hơn 50 ca/100.000 dân tính từ 5 tháng đầu năm đến nay. Trong khi đó, chỉ tiêu cả năm là dưới 100 - 150 ca/100.000 dân…

Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhận định, thông thường chu kỳ của một đợt dịch bệnh SXH bùng phát mạnh là từ 3-4 năm. Lần gần đây nhất, SXH bùng phát mạnh tại Việt Nam là năm 2019 với khoảng hơn 300.000 ca bệnh; riêng TP Hồ Chí Minh có khoảng 65.000 ca.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh nhận định, bệnh SXH hiện đang gia tăng không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà đang bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Các quốc gia khác trên thế giới cũng đang cảnh báo về bệnh này. Từ nay đến cuối năm có thể xảy ra dịch lớn về SXH nếu không có giải pháp ngăn chặn.

6.jpg -0
Có khả năng năm 2022 sẽ bắt đầu một đợt dịch sốt xuất huyết mới (hình minh họa).

Người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch

Theo ThS.BS Lương Chấn Quang, công tác phòng, chống dịch SXH tại các tỉnh, thành hiện gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, các địa phương không triển khai được công tác kiểm soát véc-tơ truyền bệnh. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu kinh phí, thiếu hóa chất, máy phun không đủ....

Ngày 14-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Dược giải quyết khẩn trương việc mua thuốc, dịch truyền cung cấp cho các tỉnh thành. Bà cũng đồng ý thành lập Ban chuyên môn kỹ thuật phòng chống SXH khu vực phía Nam…

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trong thời gian qua, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch SXH tại các địa phương có số ca mắc cao như: huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn… Tuy nhiên, Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, vẫn còn sự chủ quan của người dân và sự vào cuộc chưa quyết liệt của địa phương trong công tác phòng, chống SXH.

Quá trình kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, vẫn còn nhiều điểm nguy cơ có lăng quăng quăng, trong đó có cả trường học.

4.jpeg -0
Một khu phố có dịch sốt xuất huyết ở Hóc Môn.

BS Lương Chấn Quang cho biết bệnh SXH là bệnh lây truyền qua muỗi hay lăng quăng. Cho nên để kiểm soát được dịch bệnh thì phải kiểm soát được muỗi và lăng quăng. Đợt kiểm tra thực tế vừa rồi tại các ổ dịch kể trên thì các véc-tơ truyền bệnh, tức là muỗi và lăng quăng còn nhiều, mặc dù địa phương đã tổ chức diệt lăng quăng, diệt muỗi.

“Ai cũng nói diệt lăng quăng, chống dịch là của ngành Y tế, nhưng việc này rất đặc thù vì diệt lăng quăng là của cộng đồng, vì chính người dân đang “nuôi” muỗi, lăng quăng quanh nhà. Do đó, khi có chiến dịch diệt lăng quăng, muỗi và xử lý ổ dịch thì người dân cần hợp tác với ngành Y tế để được hướng dẫn và làm theo để diệt muỗi, lăng quăng, trên thế giới đã chứng minh đó là việc làm hiệu quả chứ không phải chỉ dựa vào việc phun hóa chất diệt muỗi vì đó là việc làm trong tình trạng khẩn cấp, nhưng quan trọng là phải diệt được lăng quăng. Chúng ta cần truyền thông nhiều hơn, cần đưa thông điệp ngắn gọn và phù hợp từng vùng miền làm sao để người dân hiểu được chuyện này. Như miền Tây Nam Bộ là những vật chứa nước mưa, miền Đông Nam Bộ là những vựa phế thải - đây chính là nơi “nuôi” muỗi, lăng quăng phải được dẹp bỏ”, BS Lương Chấn Quang nói.

Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế thành phố vẫn đang liên tục chỉ đạo các quận, huyện tăng cường công tác phòng, chống SXH; đồng thời kiến nghị các đơn vị, địa phương nên dùng tâm thế phòng, chống SXH như chống dịch COVID-19.

7.jpg -0
8.jpg -1
Các dấu hiệu nguy hiểm trong bệnh sốt xuất huyết.

Trước đó, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo lãnh đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức quán triệt tinh thần chống dịch quyết liệt, thực chất, tiếp tục tập trung tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh SXH. Trong đó, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh. Phát động chiến dịch toàn dân diệt lăng quăng, diệt muỗi ngay nơi mình làm việc và sinh sống…

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu thành phố phải tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn trước khi dịch SXH vào giai đoạn cao điểm.

“Tuyệt đối không để người dân bệnh dẫn đến tử vong do thiếu thuốc, thiếu dung dịch cao phân tử cần thiết trong quá trình điều trị”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Phú Lữ - Nam Phạm
.
.