Nguy cơ mất an ninh toàn cầu từ cuộc chiến Trung Đông

Thứ Năm, 26/10/2023, 13:33

Cuộc chiến giữa Hamas và Israel đang tăng nhiệt từng ngày với việc Israel gia tăng cường độ ném bom xuống Dải Gaza khiến cho mỗi ngày có thêm hàng trăm dân thường Palestine thiệt mạng, nhiều bệnh viện, thánh đường Hồi giáo bị phá hủy, gây phẫn nộ trong cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới. Từ đó, bắt đầu xuất hiện những mối đe dọa an ninh từ những phần tử cực đoan, khủng bố…

Từ lời cảnh báo về AI…

Theo những người đứng đầu MI.5 và FBI, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể bị khai thác bởi những kẻ khủng bố hoặc những tên tội phạm, nói chung là kẻ xấu trong việc mang bom, tuyên truyền hoặc phá hoại, gây mất an ninh trật tự cho các nhà nước trên khắp thế giới.

1_ken mccallumand christopher wray.jpeg -0
Lãnh đạo tình báo Anh và Mỹ đưa ra lời cảnh báo tại Hội nghị thượng đỉnh tình báo Five Eyes

Hai ông Ken McCallum, Tổng giám đốc MI.5 của Anh và Christopher Wray, Giám đốc FBI của Mỹ cho biết hai cơ quan này đang theo dõi các diễn biến và cần hợp tác với các chuyên gia trong khu vực tư nhân để giải quyết các mối đe dọa mới nổi. Người đứng đầu MI.5 cho biết trong khi các nhà phát triển AI đưa ra các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn mọi người sử dụng phần mềm để học hỏi cách chế tạo bom, thì vẫn có nguy cơ “bẻ khóa” các biện pháp kiểm soát đó.

Ông McCallum nói: “Nếu bạn có kinh nghiệm về bảo mật, bạn sẽ không khôn ngoan khi dựa vào những biện pháp kiểm soát bất khả xâm phạm này. Vì vậy, có rủi ro rõ ràng rằng một số hệ thống này có thể được sử dụng, đưa vào sử dụng theo cách ngoài dự kiến của các nhà sản xuất”.

Ông Wray thì cho biết các nhóm khủng bố đã tìm cách “sử dụng AI để phá vỡ các biện pháp bảo vệ được tích hợp trong một số cơ sở hạ tầng AI” để “thực hiện tìm kiếm cách chế tạo bom… hoặc tìm cách để làm xáo trộn việc tìm kiếm cách chế tạo bom của họ”.

Nguy cơ mất an ninh toàn cầu từ cuộc chiến Trung Đông -0
Cảnh sát Bỉ, Pháp canh gác tại khu vực xảy ra các vụ tấn công khủng bố

Ông Wray nói thêm rằng đây không phải là trường hợp duy nhất mà các tác nhân xấu đã tìm cách sử dụng trí tuệ nhân tạo. Ông nói: “Chúng tôi đã thấy AI được sử dụng để khuếch đại về cơ bản việc phân phối hoặc phổ biến tuyên truyền khủng bố”, đồng thời sử dụng các công cụ dịch thuật để làm cho nó “mạch lạc hơn và đáng tin cậy hơn đối với những người ủng hộ tiềm năng”.

Đó là những lời cảnh báo được hai ông Wray và McCallum đưa ra hôm 17/10 tại Hội nghị thượng đỉnh tình báo Five Eyes với những người đứng đầu cơ quan tình báo nội địa của Australia, Canada, New Zealand tại Đại học Stanford, bang California, Mỹ. Ông McCallum cho rằng một số rủi ro bảo mật liên quan đến trí tuệ nhân tạo sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh AI toàn cầu của Thủ tướng Anh Rishi Sunak vào đầu tháng 11 và ngành này rất nhạy cảm với chủ đề này.

Cả hai người đứng đầu hai cơ quan tình báo nội địa Anh, Mỹ đều cho biết họ đang theo dõi những vấn đề phức tạp do AI tạo ra nhằm can thiệp chính trị bởi các thế lực thù địch trong thời gian chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ và Anh.

Ông Wray nói: “Việc sử dụng AI theo cách mà nếu nó đủ phức tạp để tạo ra những thứ tiềm ẩn “giả như thật” là điều sẽ làm tăng thêm mức độ đe dọa mà chúng tôi chưa từng gặp phải trước đây”. Ông nói thêm rằng đó là một mối đe dọa mà “chúng tôi đang đề phòng”, vì “chiến lược hiện tại của các tổ chức khủng bố có thể trở nên nguy hiểm hơn”.

Những hình ảnh giả về việc ông Donald Trump bị bắt đã được nhà báo Eliot Higgins của trang báo chí điều tra Bellingcat tạo ra trong năm nay, sử dụng phần mềm tạo ảnh AI, minh họa tiềm năng của công nghệ.

Trong tháng này, đoạn âm thanh giả mạo có nội dung là lãnh đạo Công đảng Anh Keir Starmer bắt nạt nhân viên của ông đã được đăng lên mạng khi hội nghị của đảng ở Liverpool bắt đầu. Mặc dù sai nhưng nó đã được lưu hành rộng rãi và các chuyên gia cho biết nó có thể được tạo ra bởi phần mềm AI dựa trên âm thanh bài phát biểu của ông.

Ông McCallum cho biết việc giám sát thông tin sai lệch không phải là công việc chính của MI.5, nhưng nó cảnh giác với các quốc gia thù địch đang cố gắng thao túng quan điểm của Anh và chỉ ra rằng các nhà phân tích đang duy trì một bản báo cáo giám sát tóm tắt. Người đứng đầu MI.5 cho biết: “Vì vậy, tôi không muốn đưa ra một số dự đoán mạnh mẽ nào đó sẽ xuất hiện trong cuộc bầu cử sắp tới, nhưng chúng tôi sẽ không thực hiện đúng công việc của mình nếu không thực sự nghĩ đến khả năng đó”.

Hiện tại ở Mỹ và Anh đang vang lên những lời cảnh báo rằng các mối đe dọa khủng bố, hoặc hành động thù địch chống người Do Thái có thể gia tăng do cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza. Và người ta lo ngại rằng AI có thể trở thành công cụ cực kỳ nguy hiểm trong tay những kẻ cực đoan khi chúng tham gia vào trào lưu chống Do Thái, ủng hộ người Palestine hiện nay.

Theo ước tính, có thể chỉ cần 18 tháng, các cuộc tấn công do AI cung cấp bắt đầu gây ra các sự cố bảo mật lớn, thu hút sự chú ý. Khi điều này xảy ra, các tổ chức không được chuẩn bị trước sẽ phải đối mặt với các cuộc tấn công vượt xa hoặc phá hoại các giải pháp bảo mật truyền thống - ngay cả những giải pháp sử dụng công cụ AI tiên tiến nhất.

Tuy nhiên, rất ít tổ chức chủ động chuẩn bị cho mối đe dọa này. Và cũng dễ hiểu lý do tại sao, giữa việc tung ra rất nhiều giải pháp bảo mật khác nhau, cố gắng bảo vệ khỏi các mối đe dọa như ransomware và quản lý các dự án bảo mật dài hạn, hầu hết các giám đốc công nghệ đều có quá nhiều thách thức trước mắt để nghĩ đến sự phát triển của các mối đe dọa trong tương lai.

Nguy cơ gia tăng khủng bố

Người đứng đầu MI.5 và FBI đã đưa ra cảnh báo chung chưa từng có rằng mối đe dọa tấn công khủng bố nội địa có thể gia tăng do cuộc chiến tranh Hamas-Israel đang diễn biến ngày càng phức tạp ở Trung Đông.

Nguy cơ mất an ninh toàn cầu từ cuộc chiến Trung Đông -0
Công cụ AI đang ngày càng được sử dụng phổ biến

Những người đứng đầu cơ quan chống khủng bố cho biết các cộng đồng và tổ chức Do Thái cũng như các nhóm khác có thể phải đối mặt với mối nguy hiểm ngày càng tăng từ các tác nhân đơn độc, phiến quân Hamas và Hồi giáo cực đoan trên đất Anh hoặc Mỹ. Ông McCallum cho biết có nguy cơ những cá nhân “tự động hành động” có thể đã bị cực đoan hóa trên mạng, có thể phản ứng theo “những cách tự phát hoặc không thể đoán trước” ở Anh sau vụ Hamas tấn công Israel làm bùng phát thành một cuộc chiến kéo dài.

Ông McCallum cho biết cũng có nguy cơ các nhóm khủng bố có thể đẩy mạnh hoạt động bạo lực và các cá nhân hoặc tổ chức Do Thái có thể trở thành mục tiêu của những kẻ theo chủ nghĩa Quốc xã mới và người Hồi giáo. Ông nói: “Rõ ràng có khả năng các sự kiện nghiêm trọng ở Trung Đông sẽ tạo ra nhiều mối đe dọa hơn cho Vương quốc Anh hoặc làm thay đổi bối cảnh chung của nước này về những mục tiêu đang được nhắm đến, về cách mọi người lấy cảm hứng”.

Lời cảnh báo của ông McCallum quả không thừa. Từ sau khi cuộc chiến Hamas-Israel bùng phát, bạo lực mang tính chất khủng bố nội địa ở một số quốc gia phương Tây đã có dấu hiệu gia tăng. Tối ngày 16/10, một tay súng đã bắn chết hai cổ động viên bóng đá Thụy Điển ở Brussels. Văn phòng công tố Bỉ ban đầu cho biết không có bằng chứng nào cho thấy vụ tấn công có liên quan đến xung đột Israel-Gaza nhưng hôm 17/10, một phát ngôn viên cho biết mối liên hệ đó đang được xem xét. Nước Pháp đã được đặt trong tình trạng báo động an ninh ở mức cao nhất hôm 13/10 sau khi một nghi phạm Hồi giáo cực đoan giết chết một giáo viên và làm ba người khác bị thương ở phía bắc đất nước. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên án vụ tấn công là “khủng bố Hồi giáo dã man”. Kẻ tấn công bị nghi ngờ đã tuyên thệ trung thành với IS trong đoạn ghi âm trên điện thoại của hắn ngay trước khi xảy ra vụ giết người. Hiện quân đội Pháp đang triển khai 7.000 quân để hỗ trợ an ninh, chống khủng bố.

Nguy cơ mất an ninh toàn cầu từ cuộc chiến Trung Đông -0
Công cụ AI chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn nếu rơi vào tay kẻ xấu

Các vụ việc xảy ra vào thời điểm mối lo ngại về chống khủng bố tăng cao, do quy mô bạo lực gây ra bởi cuộc chiến giữa Hamas và Israel.

Ông Wray cho biết các mối đe dọa khủng bố đang phát triển nhanh chóng ở Mỹ và “chúng tôi không thể và không loại trừ khả năng Hamas hoặc các tổ chức khủng bố nước ngoài khác có thể lợi dụng cuộc xung đột để kêu gọi những người ủng hộ họ tiến hành các cuộc tấn công trên đất của chúng tôi”. Ông nói rằng trong 1 tuần sau khi cuộc chiến bùng phát đã có sự gia tăng các mối đe dọa được báo cáo chống lại người Mỹ gốc Do Thái hoặc người Mỹ theo đạo Hồi, các tổ chức và nhà thờ ở Mỹ, đồng thời nhắc lại cảnh báo mà ông đưa ra cho các cảnh sát trưởng ở San Diego. Ông McCallum thì ít cụ thể hơn về các mối đe dọa được báo cáo ở Anh, nhưng cho biết MI.5 đã “đặc biệt quan tâm” đến mối đe dọa từ các tác nhân đơn độc và rằng “trong trường hợp cụ thể là các cá nhân hoặc thực thể Do Thái hoặc Israel” có nguy cơ tiềm ẩn từ những kẻ mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan và những người có tư duy cực hữu, chống Do Thái hoặc kiểu tân Quốc xã”.

Và ông Wray không phải đợi lâu. Liền ngay sau đó trên các mạng viễn thông đã xuất hiện những lời kêu gọi từ các tổ chức khủng bố toàn cầu Al-Qaeda và IS, kêu gọi những chiến binh đi theo chúng tấn công các mục tiêu của Israel, Mỹ và Do Thái, làm tăng nguy cơ xảy ra bạo lực khủng bố mới ở Trung Đông hoặc phương Tây. Trong một loạt tuyên bố trong hai tuần qua, các chi nhánh của Al-Qaeda đã chúc mừng Hamas về cuộc tấn công nhằm vào Israel và phát động cuộc chiến cho đến nay đã khiến hơn 1.400 người Israel thiệt mạng, phía Palestine là hơn 4.700 người, hơn 15.000 người bị thương.

Ngay cả trước cuộc chiến ở Gaza, chính quyền châu Âu đã cảnh báo về sự gia tăng chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo trên lục địa này. Hiện tại, nguy cơ xảy ra một hành động tàn bạo lớn là rất thấp. Những cuộc tấn công như vậy phải mất nhiều tháng để lên kế hoạch và không thể tổ chức một cách vội vàng. Nhưng như một quan chức an ninh đã nói, “không mất nhiều thời gian để ai đó trao vài con dao làm bếp vào tay họ”. Đây sẽ là nỗi lo sợ khi cuộc khủng hoảng ở Trung Đông tiếp tục diễn ra và có thể ngày càng gia tăng.

An Châu (Tổng hợp)
.
.