Nhận diện trầm cảm và dấu hiệu tự sát để phòng ngừa
Liên tiếp những vụ tự tử do trầm cảm xảy ra ở cả người lớn và trẻ vị thành niên gần đây đã đến lúc báo động về căn bệnh này. Trầm cảm là căn bệnh phổ biến hiện nay, mức độ nguy hiểm nhất là tự sát, gây ra hậu quả đáng tiếc cho chính người mắc bệnh và gây tổn thương cho người thân, gia đình của họ.
Nhưng thật đáng tiếc, khi người bệnh tìm đến bác sĩ, cũng là lúc họ đã mắc trầm cảm nặng. Làm thế nào để phát hiện sớm, ngăn chặn bệnh không tái phát, đặc biệt ngăn những cái chết đáng tiếc là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Trầm cảm rất dễ tái phát, lần sau nặng hơn lần trước
Tại Khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện E, chúng tôi gặp khá nhiều bệnh nhân bị trầm cảm tới khám. Theo một người nhà bệnh nhân, người thân của họ đến khám khi mắc trầm cảm tái phát lần 2. Lần 1 bệnh nhân mắc là nhiều năm trước, lần này thấy khạc ra máu, đi khám chỉ bị trào ngược thực quản, viêm dạ dày nhưng người bệnh vẫn lo lắng đến mất ngủ.
Người bệnh đã phải dùng thuốc an thần để lấy lại giấc ngủ, nhưng vẫn không cải thiện. Sau nhiều ngày mất ngủ triền miên, mệt mỏi, sụt cân, lo lắng, không tập trung làm việc, chán nản, bi quan về bản thân, người bệnh mới tìm đến bác sĩ tâm lý. Người bệnh được chẩn đoán mắc trầm cảm tái phát lần 2.
Ths.BS Nguyễn Viết Chung, Khoa Sức khỏe tâm thần cho biết, người bệnh tới đây hầu hết đã đi chữa ở các nơi khác, khi đến đây họ đã tái phát lần 2, lần 3…Nhiều trường hợp tới đây đã mất niềm tin vào điều trị khi họ đã đi quá nhiều nơi, gặp nhiều bác sĩ, gặp đủ chẩn đoán, hoặc hết tài chính… vì thế họ thấy nản lòng vào điều trị.
Trầm cảm là rối loạn về sức khỏe tâm thần, cần can thiệp, tư vấn, điều trị và chữa khỏi. Khi bác sĩ xác định 1 người chẩn đoán bị trầm cảm với các mức độ khác nhau và có nguy cơ tự sát thì bệnh nhân này cần phải điều trị. Dấu hiệu để nhận biết người bị trầm cảm gồm: Hay quên sự việc xảy ra trong ngày, lòng tự trọng giảm sút, bi quan về bản thân, thấy tội lỗi với gia đình, không tham gia hoạt động với bạn bè, giảm dần quan tâm thích thú, thấy kém cỏi…
“Những dấu hiệu trên kéo dài trong 14 ngày và dấu hiệu đó hầu như ngày nào cũng xuất hiện và kéo dài cả ngày, ảnh hưởng đến chức năng cuộc sống, sinh hoạt, gia đình, công việc, xã hội… thì cần phải thăm khám và điều trị. Trầm cảm có những giai đoạn khác nhau, thường một đợt điều trị trầm cảm kéo dài 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, nhưng cũng có những trầm cảm sẽ kéo dài hơn, có thể từ 1 đến 2 năm. Cơ thể có cơ chế tự phục hồi, chính cá nhân từng người sẽ tìm cách để phục hồi trở lại. Chính vì vậy, có người cho rằng tôi có dấu hiệu trầm cảm đấy, nhưng tôi tự cải thiện được, tự khỏi được. Điều đó rất tốt. Tuy nhiên, nếu để một người tự khỏi và một người được chăm sóc bởi các chuyên gia, thì người được chăm sóc bởi chuyên gia hậu quả của trầm cảm sẽ nhẹ hơn rất nhiều, đỡ tốn chi phí và thời gian để đối diện với căn bệnh hơn”, BS Chung cho biết.
Trầm cảm rất dễ tái phát, chỉ có chuyên gia mới biết người này bị trầm cảm là vì sao. Sau khi điều trị, chuyên gia biết cách dự phòng trầm cảm lần sau cho người bệnh một cách tối đa. Nếu bị trầm cảm lần đầu tiên mà khỏi, thì nguy cơ bị lần hai khoảng 20%. Nếu bị lần thứ nhất, thứ 2 thì nguy cơ tái phát lần 3 là 50%. Nếu bị lần 3 thì nguy cơ tái phát lần 4 là 80%. Vì vậy, người bệnh trầm cảm không những điều trị khỏi mà họ còn cần tư vấn của chuyên gia để dự phòng lần sau không tái phát. Đó là điều vô cùng quan trọng.
BS Chung đã điều trị cho nhiều bệnh nhân trầm cảm tái phát lần 2, lần 3, thậm chí lần 4. Anh kể, mỗi khi bệnh nhân tái phát thì nguy cơ tái phát tiếp nữa rất cao. Việc điều trị tái phát rất khó khăn, vất vả và dai dẳng. Ví dụ, phải tăng liều thuốc nhưng lại liên quan đến nhiều tác dụng phụ hơn, khiến người bệnh bất an hơn. Do vậy, bác sĩ phải hiểu được nguyên nhân gây bệnh để điều trị.
BS Chung chia sẻ, mỗi một bệnh nhân tới khám, yếu tố quan trọng nhất là anh có thời gian để tìm hiểu bệnh nhân. “Có bệnh nhân tôi khám tới 1 giờ 10 phút, đủ thời gian để hiểu về bệnh tình của họ. Bất kỳ bệnh nhân nào tới đây khám tôi đều yêu cầu gặp người nhà để trao đổi. Nếu người bệnh được sự hỗ trợ từ gia đình và bác sĩ, bệnh vượt qua nhanh hơn và khả năng tái phát ít hơn”, BS Chung cho hay.
Làm thế nào để phòng ngừa người bệnh tự sát?
Theo nghiên cứu trên các nhóm đối tượng sinh viên y dược ở TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ mắc trầm cảm lên tới hơn 15%. Với đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, hay những đối tượng mắc bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, tai biến mạch máu não, có những nghiên cứu lên tới 40%-60 với mức độ trầm trọng khác nhau. Mức độ nguy hiểm nhất của trầm cảm là tự sát, gây ra hậu quả đáng tiếc cho chính người mắc bệnh và gây ra tổn thương cho người thân, gia đình của họ.
GS Cao Tiến Đức, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học, Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 cho biết, thông thường tự sát là kết thúc một quá trình có vấn đề, có ý tưởng và có chuẩn bị (kế hoạch, phương tiện, thời gian, địa điểm…); có trường hợp hành vi tự sát xảy ra đột ngột, tuy nhiên những trường hợp này hiếm gặp. Có những trẻ vị thành niên tự sát đôi khi lại vì những lý do rất tầm thường.
“Tôi đã từng gặp 2 câu chuyện rất đau lòng, một trẻ 10 tuổi, đi qua suối đánh rơi một chiếc dép, khi về bị mẹ mắng cho vài câu, trẻ đã tìm cái chết. Hay như một trường hợp khác đi học mất một cái bút, do sợ bị bố mẹ đánh, mắng nên cũng đã tự tử. Trẻ ở lứa tuổi thanh thiếu niên nhân cách chưa hoàn thiện, dễ phát sinh những ý nghĩ tiêu cực, do vậy rất cần sự thấu hiểu, bao dung của bố mẹ. Sự yêu, thương gần gũi, dành đủ thời gian cho con chính là cách giúp cho cha mẹ phát hiện ra những bất thường và hành vi tự sát của trẻ”, GS Cao Tiến Đức nói.
Còn theo BS Chung, do triệu chứng của trầm cảm gây ra cho người bệnh quá mệt mỏi và nhiều trường hợp dẫn đến hành vi tự sát, có những kế hoạch tự sát (có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự sát), họ chỉ cần có thời điểm hoặc dấu hiệu nào đó là sẽ tự sát. Tự tử phần lớn ngăn chặn được nếu như nhận diện, can thiệp kịp thời.
Vậy làm thế nào để nhận diện, can thiệp kịp thời hành vi tự sát của người mắc trầm cảm? BS Chung cho biết, thường những bệnh nhân này không muốn đến điều trị. Lúc này bác sĩ cần hiểu rõ bệnh nhân của mình để thuyết phục họ. Quan trọng nhất là gia đình.
“Khi điều trị tôi luôn luôn gặp gia đình người bệnh, trao đổi với bệnh nhân bác sĩ muốn gặp thành viên trong gia đình, có khi thời gian tôi gặp người nhà bằng một nửa thời gian gặp người bệnh. Tôi giúp cho gia đình họ hiểu người thân của họ đang mắc cái gì và đang gặp phải vấn đề gì; giải thích chứng trầm cảm là thế nào, kéo dài bao lâu và đặc điểm là gì, để giúp gia đình hiểu và thấu cảm khó khăn mà người thân đang mắc trầm cảm gặp phải như thế nào. Từ đó tư vấn cho gia đình đồng hành với người trầm cảm một thời gian nào đó để vượt qua. Ví dụ, họ có thời gian đi tập thể dục với nhau, giải trí với nhau, giúp đảm bảo đến khám và điều trị thường xuyên, đảm bảo người thân uống thuốc đều đặn hàng ngày, theo dõi tác dụng phụ không mong muốn của thuốc để nói với bác sĩ thay đổi thuốc; hay gia đình giúp phụ nữ sau sinh trông con buổi đêm…”, BS Chung nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ, gia đình vô cùng quan trọng và luôn luôn cần trong suốt quá trình người trầm cảm điều trị. Gia đình sẽ theo dõi những dấu hiệu, triệu chứng nặng của người bệnh trầm cảm như: Lời nói thoáng qua hay kế hoạch của việc tự sát; việc tự làm hại bản thân; từ chối điều trị bằng việc bỏ thuốc, giả vờ uống thuốc... Gia đình là nơi và là người thấy rõ điều đó, để can thiệp kịp thời. Gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc hợp tác với các bác sĩ và chuyên gia để giúp đỡ cho người thân của mình.
BS Chung khuyến cáo, chúng ta cần có nhận thức đúng về bệnh trầm cảm, không nên kỳ thị và không nên mặc cảm khi mắc trầm cảm. Trầm cảm là bệnh phổ biến, ngày hôm trước đồng nghiệp mắc, hôm sau có thể chính mình là người mắc và thời gian sau lại đến người tiếp nữa. Vì vậy, không nên kỳ thị hay mặc cảm, mà hãy thấu hiểu, cố gắng giúp đỡ, động viên nhau vượt qua bệnh tật.
Hiện nay, người dân chỉ khám sức khỏe định kỳ là sức khỏe thể chất, chứ chưa ai đi khám định kỳ sức khỏe tâm thần. Vì vậy, theo khuyến cáo của bác sĩ, nên khám định kỳ sức khỏe tâm thần 6 tháng hoặc 1 năm, nếu được gặp bác sĩ lên chương trình dự phòng đối phó với những người có yếu tố nguy cơ, thì nguy mắc cơ trầm cảm và hậu quả xảy ra thấp nhiều. “Hiện nay người đến khám trầm cảm thường là người đó mắc bệnh quá nặng, hoặc người thân nhận ra khuyên đi khám thì đều đã rất nặng. Trầm cảm để giai đoạn muộn mới điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều và gây ra nhiều hậu quả”, BS Chung nhấn mạnh.
Trầm cảm có thể điều trị khỏi hoàn toàn, chính vì vậy mà người bệnh đừng cố giấu hay đừng cố tự chiến đấu với trầm cảm một mình, bởi bên cạnh họ còn có người thân trong gia đình, còn bạn bè, đồng nghiệp, còn chuyên gia hoàn toàn giúp người bệnh vượt qua. Trầm cảm không phải là căn bệnh uống thuốc hôm trước, hôm sau khỏi; hay là trị liệu tâm lý hôm trước, hôm sau khỏi, mà trầm cảm là căn bệnh phải đối diện theo tháng, theo năm, nhưng hoàn toàn có thể khỏi được vì đây không phải bệnh lý mạn tính và liên tục trong cuộc đời. Do vậy, không được bỏ dở liệu trình điều trị. Hãy cố gắng để hiểu rõ một cách cặn kẽ, sau khi điều trị khỏi có biện pháp dự phòng tái phát lần sau.