Nhân loại có đủ tài nguyên cho tương lai?

Thứ Hai, 12/12/2022, 14:24

Vào ngày 15/11/2022, dân số thế giới đã đạt tới 8 tỷ người theo như công bố của Liên hợp quốc. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và liệu hành tinh này có đủ tài nguyên để duy trì sự phát triển nhanh chóng của nhân loại hay không?

Năm 1972, Câu lạc bộ Rome (gồm một nhóm chuyên gia cố vấn về các vấn đề quốc tế) đã công bố báo cáo “Những giới hạn đối với sự phát triển”, trong đó nói rằng dân số của nền văn minh sẽ tăng lên 10-12 tỷ người và sau đó sẽ giảm xuống còn 1-3 tỷ do nạn đói và chiến tranh. Các thành viên của CLB Rome tin rằng, hệ sinh thái và tài nguyên của hành tinh sẽ không thể hỗ trợ bền vững cho sự tồn tại của loài người.

Nhân loại có đủ tài nguyên cho tương lai? -0
Sản lượng lương thực trên thế giới gia tăng.

Nguồn lương thực

Nhưng thực tế đã đảo ngược các lập luận của họ. Dân số thế giới đã tăng gấp đôi trong 50 năm qua và lên tới 8 tỷ người, còn tỷ lệ số người không đủ lương thực đã giảm từ 15% trong năm 2000 xuống còn khoảng 11% như hiện nay. Tuy nhiên, một số lượng lớn ở mức khó chấp nhận là 820 triệu người vẫn bị thiếu lương thực như trước, nhưng không phải vì không sẵn có lương thực. Vấn đề không phải là làm thế nào để sản xuất ra lương thực, mà là làm thế nào để cung cấp cho những người bị đói. Nguyên nhân sâu xa của nạn đói và sự bần cùng thường bị trầm trọng hơn bởi các cuộc xung đột đã cản trở khả năng tiếp cận với nguồn lương thực.

Thực ra, nhân loại nói chung không có nguy cơ bị nạn đói. Hơn thế nữa, lượng calo đã tăng lên sau mỗi thập kỷ. Nếu vào năm 1961, một người nhận được trung bình 2192 kilocalori mỗi ngày thì vào năm 2018, đã tăng lên 2928 kilocalor. Đáng chú ý là trong khi dân số thế giới tăng lên gấp đôi thì sản lượng lương thực đã tăng hơn gấp ba lần. Có một nghịch lý khác: với sự tăng trưởng nhanh chóng về tài nguyên thực phẩm, việc sử dụng đất nông nghiệp chỉ tăng dưới 15%.        

Vì sao vậy? Lý do bắt nguồn từ các thành tựu khoa học, cuộc cách mạng xanh, việc chọn lọc hạt giống. Mỗi năm hạt giống cho năng suất cao hơn. Các loại phân bón ngày càng được sử dụng với chất lượng tốt hơn, các phương tiện và phương pháp bảo vệ cây trồng cũng luôn được cải thiện. Điều này giúp sản xuất được nhiều sản phẩm hơn vẫn trên một diện tích đất và lượng nước nhất định. Vì vậy mà diện tích đất canh tác tăng rất chậm. Và còn một số lý do khác: do sự chọn lọc nên có thể lai tạo ra nhiều giống lúa mì có chất lượng ngày càng cao hơn và năng suất vẫn không ngừng tăng lên. Các công nghệ mới cũng được áp dụng trong nghề cá và chăn nuôi, giúp tăng sản lượng cá và thịt trên thế giới.

Vì vậy, hiện tại nhân loại nói chung đang có mức dinh dưỡng tốt hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử và không phải đối mặt với vấn đề thiếu tài nguyên trên phạm vi toàn cầu. Thế nhưng, do hậu quả của việc di cư mà cư dân của một số vùng trên Trái đất còn đang ở trong tình trạng rất nghiêm trọng. Những dòng người khổng lồ từ các quốc gia thiếu thức ăn và nước uống vẫn vượt biên giới đổ xô đến những nơi có điều kiện tốt hơn. Trên thực tế, điều này đã xảy ra trong nhiều thập kỷ qua và châu Âu từ lâu đã quen với những dòng người di cư. Song quá trình này có thể diễn ra giống như tuyết lở, vì vậy không có gì ngạc nhiên nếu sau khoảng 10 năm nữa, số lượng người đến châu Âu sẽ vượt quá số dân bản địa.

Nguồn nước

Ngoài thực phẩm, con người cần một nguồn tài nguyên quan trọng không kém là nước uống và nguồn này không được khả quan. Theo LHQ, có hơn 2 tỷ trong số 8 tỷ người trên thế giới hiện nay thiếu hoặc không được tiếp cận với nguồn cung cấp nước sạch. Tổ chức này trước đây đã đặt mục tiêu đến năm 2023 sẽ cung cấp cho toàn nhân loại nước sạch mà mức độ vệ sinh có thể chấp nhận được. Theo một báo cáo từ năm 2018 của LHQ, vào giữa thế kỷ 21, một nửa dân số thế giới sẽ không được sử dụng nước sạch.

Andrey Korotaev - nhà nghiên cứu hàng đầu về nhân khẩu, tiến sĩ khoa học lịch sử người Nga đã giải thích với một ví dụ cụ thể về sự xung đột khu vực xung quanh tài nguyên nước và mối liên quan với sự gia tăng dân số: “Về nguyên tắc, ở châu Phi phía nam sa mạc Sahara không có đủ nước uống. Trong khi sự bùng nổ dân số ở đó vẫn tiếp tục thì ở phần còn lại của thế giới, điều này đã ngừng lại, thậm chí có sự sụt giảm. Chính châu Phi nhiệt đới đã tạo ra sự gia tăng dân số của Trái đất mà hậu quả của nó có thể thấy rõ nhất ở Ethiopia.

Đầu nguồn sông Nile  nằm ở lãnh thổ Ethiopia. Với lượng dân số lên đến vài trăm triệu người và tất cả số người này đều cần nước thì Ai Cập sẽ ra sao? Không có gì ngạc nhiên khi quốc gia này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, chẳng hạn người Ai Cập không hài lòng khi người Ethiopia đang xây dựng một con đập. Và hoàn toàn không rõ phải làm gì trong tình huống này. Có thể hiểu được là chính quyền Ethiopia nghĩ về tương lai của họ. Song cũng hiểu được chính quyền Ai Cập, nếu không đủ nước sông, năng suất cây trồng của họ sẽ giảm và tốc độ sản xuất lương thực sẽ giảm đi. Hiện giờ chưa có vấn đề gì xảy ra với họ, nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ phát sinh vấn đề. Và tình trạng ở đông bắc châu Phi sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn”.

Theo dự đoán của LHQ, người thứ 9 tỷ sẽ được sinh ra vào năm 2037 và người thứ 10 tỷ tiếp theo sẽ là vào cuối những năm 2050. Và đây sẽ là mức tối đa vì con số 11 tỷ không còn được đưa vào dự báo. Các nhà nhân khẩu học tin rằng sau đó dân số Trái đất sẽ bắt đầu giảm. Có điều, lý do không phải là do thiếu tài nguyên, không phải do chiến tranh và dịch bệnh, mà là tỷ lệ sinh đang giảm bởi nhiều người tự nguyện hạn chế sinh con. Tuy vậy, điều này không phải do sự suy giảm mức sống như đã luôn xảy ra ở các thế kỷ trước, mà hoàn toàn ngược lại -bởi mức sống được cải thiện.

Hiện nay, trên thế giới sản lượng lương thực được sản xuất đủ để nuôi sống 15 tỷ người. Và còn đủ hơn cho 10,5 tỷ người - là mức dân số tối đa theo dự đoán của các chuyên gia LHQ. Vấn đề ở đây, như đã đề cập, lại nằm ở chuyện khác: làm cách nào để nguồn lương thực đến được với  những người cần có.

Hải Yến (Tổng hợp)
.
.