Nhật Bản ứng dụng công nghệ giúp đỡ người cao tuổi sa sút trí tuệ

Chủ Nhật, 20/03/2022, 20:45

Trong bối cảnh dân số Nhật Bản già đi nhanh chóng, nước này đang hình dung ra những thay đổi cơ bản, ngay cả trong cơ sở hạ tầng. Liệu giám sát điện tử có phải là một câu trả lời cho căn bệnh sa sút trí tuệ không?

Các nỗ lực giám sát của Nhật Bản đặt ra những câu hỏi hóc búa mà các quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt khi dân số của họ già đi nhanh chóng: làm thế nào để quản lý chi phí chăm sóc khổng lồ cho những người cao tuổi, cũng như chi phí xã hội cho gia đình và những người thân yêu khác.

Vẫn còn nhiều quan ngại

Ở thành phố Itami, tỉnh Hyogo, ngoại ô Osaka, hơn 1.000 cảm biến được lắp dọc các con phố, mỗi thiết bị được trang trí bằng một hình hoạt hình tươi cười được bao quanh bởi các bộ phát Wi-Fi. Khi người cao tuổi ra ngoài đi bộ, hệ thống đã ghi lại vị trí của họ thông qua một đèn hiệu ẩn trong ví của người cao tuổi và gửi cho gia đình họ một luồng cảnh báo. Khi người cao tuổi đi lạc, gia đình có thể dễ dàng tìm thấy họ.

Itami là một trong số các địa phương đã chuyển sang theo dõi điện tử khi Nhật Bản tìm cách xử lý căn bệnh sa sút trí tuệ mà nhiều người cao tuổi mắc phải. Các chương trình đưa ra lời cam kết bảo vệ những người bị suy giảm nhận thức trong khi giúp họ duy trì một số hoạt động độc lập, nhưng chúng cũng làm dấy lên mối lo sợ về sự tiếp cận quá mức của hệ thống “giám sát thông minh”.

Hệ thống giám sát ở Itami là một trong những ví dụ về sự thích ứng này. Một số người, bao gồm cả những người mắc chứng bệnh này, đã nêu lên những lo ngại nghiêm trọng về tình trạng bị theo dõi; cảnh báo rằng sự tiện lợi và yên tâm do giám sát mang lại có thể đe dọa nhân phẩm và tự do của những người bị theo dõi.

Người Nhật rất bảo vệ quyền riêng tư cá nhân của họ và nhiều thành phố đã áp dụng các hình thức theo dõi điện tử ít xâm phạm hơn. Kumiko Nagata, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Chăm sóc Người mất trí Tokyo, nói với New York Times rằng cho dù sử dụng bất kỳ công cụ nào, giá trị của các hệ thống Nhật Bản cuối cùng sẽ được xác định bởi cách chúng được sử dụng. Theo bà, các ứng dụng thường hứa hẹn mang lại cho người dùng nhiều quyền tự do hơn bằng cách giảm bớt nỗi lo sợ rằng họ sẽ bị lạc. Tuy nhiên, bà lo lắng rằng các hệ thống sẽ “chỉ được sử dụng như công cụ để đối phó với những người có vấn đề”, có nghĩa là những người trở thành gánh nặng cho gia đình hoặc các quan chức quản lý.

Năm 2020, chính phủ Nhật Bản đã ban hành chính sách quốc gia đầu tiên về chứng mất trí nhớ, và kể từ đó, chính phủ đã rất khó khăn để xây dựng một khuôn khổ pháp lý nhằm đáp ứng tốt hơn cho những người mắc chứng bệnh này.

Một kết quả chính là sự tập trung ngày càng tăng vào việc giúp đỡ những người bị sa sút trí tuệ “khi về già” - thay vì gửi họ vào viện dưỡng lão - với hy vọng cải thiện chất lượng cuộc sống của họ và giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở chăm sóc đang quá tải.

Tuy nhiên dịch vụ chăm sóc người bị sa sút trí tuệ tại nhà có thể là nguyên nhân chính gây lo lắng cho những người chăm sóc và những người bị suy giảm nhận thức. Mặc dù nhiều địa phương ở Nhật Bản cung cấp dịch vụ chăm sóc ban ngày cho người lớn, nhưng nó có thể tốn kém và để lại khoảng trống trong giám sát đối với những người hay đi lang thang.

Các chính sách quốc gia và thông điệp về hỗ trợ những người bị sa sút trí tuệ thường mâu thuẫn với kỳ vọng của xã hội và hành vi của chính quyền địa phương. Các gia đình đôi khi giấu giếm những người bị sa sút trí tuệ vì sợ rằng những hành vi thất thường có thể thu hút sự kỳ thị của xã hội hoặc gây bất tiện cho cộng đồng. Đối với những người nhiều lần đi lang thang, cảnh sát có thể gây áp lực buộc gia đình phải giữ họ trong nhà hoặc theo dõi chặt chẽ hành động của họ.

Nhật Bản ứng dụng công nghệ giúp đỡ người cao tuổi sa sút trí tuệ -0
Là quốc gia có dân số già nhất thế giới, Nhật Bản dễ bị tổn thương nhất bởi sự ảnh hưởng của chứng sa sút trí tuệ

Tìm kiếm các giải pháp

Thành phố Takasaki ở miền Trung Nhật Bản đã giới thiệu hệ thống theo dõi GPS của riêng họ vào năm 2015. Giống như ở Itami, những người chăm sóc ở Takasaki có thể đơn phương chia sẻ hình ảnh của các phường của họ và cho phép cảnh sát truy cập vào vị trí dữ liệu.

Thị trưởng của Itami, Yasuyuki Fujiwara, nói rằng khi lần đầu tiên ông đề xuất một chương trình giám sát, ông đã “lo lắng về nhận thức rằng chúng tôi sẽ theo dõi các công dân”. Ông Fujiwara ban đầu bày tỏ ý tưởng đó như một công cụ để ngăn chặn tội phạm và để mắt đến trẻ em khi chúng đi học. Chẳng bao lâu sau, các camera bắt đầu xuất hiện trên toàn thành phố, vị trí của chúng được chọn sau sự tham vấn với người dân. Năm 2015, thành phố đã mở chương trình này cho các gia đình người cao tuổi thường đi lang thang.

Bản thân các camera không theo dõi mọi người. Chúng được trang bị bộ thu liên lạc với các đèn hiệu nhỏ do những người đăng ký tham gia chương trình mang theo. Khi người mang đèn hiệu đi ngang qua, thiết bị sẽ ghi lại vị trí của họ và gửi đến ứng dụng điện thoại thông minh mà người chăm sóc được ủy quyền có thể kiểm tra. Ông Fujiwara cam đoan rằng chỉ gia đình mới có thể xem được dữ liệu. Tuy nhiên, chỉ có 190 người lớn tuổi sử dụng chương trình này vào năm ngoái, trong khi gần một nửa trong tổng số 200.000 học sinh tiểu học của thành phố đã đăng ký.

Là quốc gia có dân số già nhất thế giới, Nhật Bản dễ bị tổn thương nhất bởi sự ảnh hưởng của chứng sa sút trí tuệ. Quốc gia này vẫn đang tiếp tục trên con đường thúc đẩy các giải pháp công nghệ để giúp đỡ những người cao tuổi của mình.

Hồng Vân
.
.