Nhật Bản với cuộc chạy đua không gian

Thứ Ba, 11/04/2023, 15:45

Vào này 7/3 vừa qua, giới khoa học Nhật Bản nhận được tin xấu: chiếc tên lửa H3 do Tập đoàn Mitsubishi và Cơ quan thám hiểm vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã buộc phải phát nổ không lâu sau khi rời bệ phóng ở Trung tâm vũ trụ Tanegashima. JAXA cho biết khoảng 5 phút đầu tiên của hành trình, tên lửa vẫn hoạt động bình thường.

Vấn đề chỉ xuất hiện sau khi tầng thứ nhất của tên lửa tự tách rời, nhưng động cơ đẩy ở tầng thứ hai lại không khởi động được. Để tránh tai nạn xảy ra khi tên lửa rơi xuống đất, JAXA buộc phải cho H3 phát nổ. Cả H3 và vệ tinh Daichi-3 nằm trong tên lửa đều bị phá hủy hoàn toàn.

Đây không phải là lần đầu tiên tên lửa H3 gặp trục trặc. Ban đầu JAXA muốn phóng tên lửa vào ngày 17/2 nhưng buộc phải đình lại do động cơ gặp vấn đề. H3 là “niềm hy vọng” lớn của ngành khoa học vũ trụ Nhật Bản và được quảng bá là sở hữu động cơ tốt hơn hẳn “người tiền nhiệm” H2A của mình. Vụ phóng thất bại khiến công chúng trong và ngoài Nhật Bản nghi ngờ không những về chất lượng của tên lửa H3 mà còn cả khả năng thám hiểm vũ trụ của quốc gia Đông Á này.

thủ tướng nhật bản fumio kishida và tổng thống mỹ joe biden tại tokyo.jpg -0
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Tokyo

Giấc mộng thiên hà

Từ những năm đầu thế kỷ này, Trung Quốc đã đạt những bước tiến đáng kinh ngạc trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ. Mặt khác nhờ vào nguồn lực dồi dào và chính sách bài bản mà Bắc Kinh đã xây dựng thành công mạng lưới cơ sở hạ tầng thông tin và do thám vũ trụ của mình. Trung Quốc là quốc gia thứ tư trên thế giới sở hữu mạng lưới định vị toàn cầu của riêng mình sau Mỹ, Nga và Liên minh Châu Âu (EU). Dự tính đến năm 2025, hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc sẽ thu về khoản lợi nhuận hàng năm lên tới 156,22 tỷ USD.

Không chỉ Mỹ, Nga và EU mà nhiều quốc gia khác cũng cảm nhận được “sức nóng” từ chương trình vũ trụ của Trung Quốc. Nhật Bản không phải là ngoại lệ. Một mặt Nhật, Mỹ và EU tìm cách thiết lập một bộ quy tắc quốc tế về thám hiểm vũ trụ. Cả Bắc Kinh và Moscow phản đối bộ quy tắc này vì cho rằng những nước giàu đang tìm cách cản trở hoạt động thám hiểm và khai thác vũ trụ của các quốc gia mới nổi. Mặt khác, Tokyo bắt đầu dồn các nguồn lực cho việc tái khởi động chương trình vũ trụ của họ.

Nhật Bản với cuộc chạy đua không gian -0
Không lâu sau khi được phóng lên, tên lửa H-3 bị buộc phải cho tự nổ

Ông Yuya Nakamura, giám đốc công ty thiết kế  chế tạo vệ tinh Axelspace ở Nhật Bản, nói với phóng viên tờ Financial Times: “Chỉ cách đây chục năm thôi, chính quyền không hề có bất kỳ sự quan tâm nào đến những công ty tư nhân trong lĩnh vực vũ trụ. Phải đến khi ông Shinzo Abe hứa hẹn sẽ giúp ngành công nghiệp vũ trụ ở Nhật Bản đạt mức tổng giá trị 21 tỷ USD vào năm 2030 thì những doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi mới bắt đầu nhận được trợ giúp về tài chính và chuyên gia từ chính phủ”.

Nhật Bản là một trong số những quốc gia Châu Á có chương trình thám hiểm vũ trụ sớm nhất với thành tích là nước thứ tư phóng vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất. Vậy nhưng từ nhiều năm qua họ đã bị bỏ lại phía sau bởi nhiều quốc gia khác. Trung bình Tokyo chi ra 3 tỷ USD mỗi năm cho các hoạt động thám hiểm vũ trụ. Con số này của Mỹ là 36 tỷ USD, còn của Trung Quốc là 4,9 tỷ USD. Ông Yosuke Asai, giám đốc Văn phòng công nghiệp vũ trụ thuộc Bộ Kinh tế Thương mại Công nghiệp Nhật Bản, trả lời hãng tin Nikkei: “Ngành công nghiệp vũ trụ Nhật Bản phụ thuộc 90% vào chính phủ. Bằng cách tăng nguồn vốn công vào lĩnh vực này, Tokyo muốn thúc đẩy các công ty vũ trụ phát triển khả năng đáp ứng nhu cầu dân sự trong và ngoài nước”.

Ngoài các tập đoàn truyền thống như Canon, Mitsubishi và IHI Aerospace, tại Nhật Bản cũng đã xuất hiện một số dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ. Một ví dụ đáng kể tới là Space One. Space One nhắm đến việc cạnh tranh với Tập đoàn SpaceX ở Mỹ trong việc phóng tên lửa nhỏ đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Space One dự tính phóng quả tên lửa đầu tiên từ Cảng vũ trụ Kii (tỉnh Wakayama) cuối tháng 2 vừa qua, nhưng vì gặp phải trục trặc kỹ thuật mà vụ phóng đã phải lùi lại.

Cũng phải nói về khía cạnh quân sự trong chiến lược vũ trụ của Nhật Bản. Vào năm 1969, Tokyo ban hành sắc lệnh cấm sử dụng hoạt động thám hiểm vũ trụ vào mục đích quân sự. Lệnh cấm này được quốc hội Nhật Bản dỡ bỏ vào năm 2008, nhưng phải chờ đến 10 năm sau Chính phủ và Bộ Quốc phòng nước này mới bắt đầu nghiêm túc vào việc quân sự hóa vũ trụ. Theo Sách trắng quốc phòng năm 2021, Chính phủ Nhật Bản đã trích ra một khoản ngân sách riêng trị giá 84 tỷ Yên cho việc phát triển, phóng, vận hành và bảo dưỡng vệ tinh do thám.

Bước tiếp theo của người Nhật là thành lập đơn vị Tác chiến Vũ trụ trực thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Đơn vị này được thành lập vào năm 2020 và đặt trụ sở ở căn cứ không quân Fuchu (Tokyo). Họ cũng có một đơn vị thứ hai mới được lập ra hồi cuối năm ngoái và đóng quân tại căn cứ không quân Hofu Kita (tỉnh Yamaguchi). Nhiệm vụ chính của đơn vị Tác chiến Vũ trụ là thu thập và tổng hợp các thông tin thu thập từ các vệ tinh quân sự. Mặt khác họ cũng có trách nhiệm bảo vệ hệ thống vệ tinh và radar trước những vụ tấn công bằng sóng điện từ.

Tờ Japan Times cho biết Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang xây dựng một trạm radar vũ trụ tại Sanyo, tỉnh Yamaguchi. Họ cũng nuôi hy vọng về một đài quan sát kính thiên văn quân sự được đi vào sử dụng trước tháng 3/2027. Đây là một phần của chiến lược đưa định vị GPS trở thành thiết bị tiêu chuẩn trong biên chế. Vệ tinh Daichi-3 cũng là một phần trong chiến lược đó. Cùng với hai vệ tinh khác được Nhật phóng trước đó, Daichi-3 sẽ giúp tăng cường khả năng định vị và do thám của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Chương trình Artemis

Sau khi vụ phóng tên lửa H3 thất bại, Tokyo đã nhanh chóng trấn an dư luận và tuyên bố sẽ điều tra tới cùng vụ tai nạn. Chánh Văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno nói với báo chí: “Chính phủ Nhật coi đây là sự cố vô cùng nghiêm trọng. Bộ Khoa học & Công nghệ và JAXA đang hợp tác để sớm tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự cố và cách sửa chữa vấn đề”.

Nhật Bản với cuộc chạy đua không gian -0
Một tên lửa mang vệ tinh do thám của Nhật Bản rời bệ phóng

Theo giáo sư Yasunori Matogawa, cuộc điều tra có thể sẽ kéo dài nhiều năm và gần như chắc chắn ảnh hưởng đến tham vọng chinh phục vũ trụ của Nhật: “Việc đầu tiên là tìm kiếm những mảnh vỡ của tên lửa. Đây không phải là việc dễ dàng và rất có thể phải liên quan đến chính phủ nước ngoài... Nếu sự cố về động cơ là do lỗi kỹ thuật thì chúng ta sẽ cần thêm nhiều năm mới có thể sửa đổi thiết kế và chế tạo tên lửa mới. Khả năng Nhật Bản đóng góp được cho chương trình Artemis vì vậy đã trở nên ít khả thi hơn”.

Chương tình Artemis là một dự án quốc tế về thám hiểm Mặt trăng do Mỹ đề xướng và dẫn đầu. Đến nay đã có 23 quốc gia ký kết tham gia chương trình Artemis, trong đó có Nhật Bản. Ngoài việc đưa vệ tinh lên quỹ đạo, mẫu tên lửa H3 còn được dự tính cho việc đưa robot thám hiểm của nước này lên Mặt trăng và vận chuyển hàng hóa đến Trạm vũ trụ quốc tế ISS.

H3 không phải tên lửa duy nhất của Nhật Bản gặp hỏng hóc trong thời gian gần đây. Vào ngày 11/10/2022, tên lửa Epsilon được phóng từ trung tâm vũ trụ Uchinoura (tỉnh Kagoshima) bị cho phát nổ chưa đầy 10 phút sau khi rời bệ phóng. Cũng như H3, Epsilon gặp vấn đề sau khi tách tầng tên lửa mà không khởi động được động cơ. Tại thời điểm phát nổ, Epsilon mang trong mình năm vệ tinh thông tin liên lạc nhỏ và một vệ tinh thí nghiệm mang tên RAISE 3. Cả sáu vệ tinh đều bị phá hủy trong vụ nổ. Hiện nay JAXA vẫn đang tiếp tục tiến hành điều tra về vụ việc.

Đã xuất hiện một số ý kiến chỉ trích sau sự cố tên lửa H3. Điểm chung của những ý kiến này là sự thiếu cạnh tranh trong ngành vũ trụ. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ngành hàng không Nhật Bản gần như bị giải thể hoàn toàn, phần vì kinh tế khó khăn, phần vì áp lực từ Mỹ. Người Nhật đã gây dựng lại được ngành hàng không trong những năm Chiến tranh Lạnh, nhưng nguồn cung lẫn nhu cầu trên thị trường bị chiếm giữ gần như hoàn toàn bởi các tập đoàn lớn, mà hùng mạnh nhất là Mitsubishi.

Chính sự thiếu cạnh tranh, cộng với việc nhu cầu giảm do chính phủ cắt giảm ngân sách, đã khiến ngành công nghiệp vũ trụ Nhật đánh mất tiềm năng công nghệ của mình.  Mặt khác các doanh nghiệp tư nhân vì muốn bảo vệ lợi thế nên rất ít khi họ chịu hợp tác chia sẻ công nghệ. Hầu hết các chương trình hợp tác về thám hiểm vũ trụ giữa Nhật và những quốc gia khác như Mỹ được đề xướng bởi một số nhỏ cơ quan và đơn vị nghiên cứu của chính phủ Nhật.

Sau khi “bong bóng” kinh tế Nhật vỡ vào đầu thập niên 1990, các tập đoàn nước này đã cắt giảm phần lớn ngân sách chi cho nghiên cứu phát triển công nghệ của họ. Điều này ảnh hưởng không chỉ đến ngành vũ trụ mà còn cả lĩnh vực hàng tiêu dùng, xe hơi, máy tính,... của Nhật Bản. Trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục trì trệ và giá trị đồng Yên ở mức thấp, khả năng tự thân các tập đoàn tăng chi cho nghiên cứu công nghệ nói chung và nghiên cứu công nghệ vũ trụ nói riêng là khó xảy ra.

Mục đích của chính phủ Nhật Bản khi tăng ngân sách hằng năm chi cho lĩnh vực vũ trụ lên 449,8 tỷ Yên là thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Tuy vậy, theo một số chuyên gia, con số này vẫn còn chưa đủ và Nhật Bản còn cần huy động cả những nguồn lực tư nhân nữa.

Ông Masayasu Ishida, CEO của tổ chức xúc tiến thương mại vũ trụ SPACETIDE, nhận xét: “44% số vốn của các công ty vũ trụ mới khởi nghiệp đến từ các tập đoàn lớn, còn 30% đến từ quỹ đầu tư mạo hiểm... Ngành vũ trụ Nhật Bản đang rất cần những “nhà đầu tư hạt giống” sẵn sàng chấp nhận việc đầu tư vào một lĩnh vực mà dòng vốn quay vòng cần rất nhiều thời gian”.

Một vấn đề khác mà ngành vũ trụ Nhật phải đối mặt là thiếu nhân sự. Người Nhật vẫn có thói quen ít đổi việc, mà các tập đoàn Nhật Bản cũng biết cách “giữ chân” người lao động có chuyên môn cao.

Ông Ishida cho biết: “Trong số 40 công ty khởi nghiệp liên kết với SPACETIDE, không công ty nào không gặp vấn đề thiếu nhân sự. Tìm được 20 người làm marketing thì dễ, nhưng tìm được một chuyên gia kỹ thuật hệ thống thì rất, rất khó... Các công ty vũ trụ Nhật không chỉ cạnh tranh tuyển nhân sự với đối thủ cùng ngành mà còn phải cạnh tranh với những doanh nghiệp khác ngành...”.

Lê Công Vũ
.
.