Những vụ tai nạn của oanh tạc cơ đắt giá nhất hành tinh
B-2 Spirit, máy bay ném bom tỷ đô của Mỹ có khả năng san phẳng một thành phố chỉ trong vài phút, luôn gây chú ý mỗi khi gặp phải sự cố hay tai nạn.
Ngày 23/2/2008, vào khoảng 10h30 sáng giờ địa phương trên đảo Guam (tây Thái Bình Dương), một trong những chiếc oanh tạc cơ uy lực nhất thế giới gặp sự cố nghiêm trọng. Chỉ ít phút sau khi cất cánh, máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit với biệt danh Spirit of Kansas khiến hai phi công trong buồng lái bối rối khi nó bắt đầu thất tốc một cách khó hiểu. Phi hành đoàn đã cố gắng kiểm soát chiếc máy bay ném bom, nhưng cánh trái của nó đã quệt xuống đường băng và cả hai phi công đều phải giật ghế phóng dù. Một người bị chấn thương cột sống nhưng may mắn không ai tử vong.
Vụ việc diễn ra chỉ trong vài chục giây nhưng gây ra thiệt hai 2 tỷ USD đối với Không quân Mỹ, là vụ tai nạn máy bay tốn kém nhất trong lịch sử. Một chiếc B-2 có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân san bằng một thành phố đã bị hạ gục chỉ vì sự thay đổi đơn giản của thời tiết. Vụ tai nạn chứng minh rằng, bất chấp mọi sức mạnh của loài người, Mẹ Thiên nhiên vẫn luôn có tiếng nói quyết định.
Chuyến bay về nhà bị gián đoạn
Chiếc B-2 Spirit of Kansas đã ở trên đảo Guam, căn cứ của quân đội Mỹ, 4 tháng. Là một phần trong sứ mệnh hiện diện máy bay ném bom của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, 4 chiếc B-2 đã được triển khai tới Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam. Đối với bốn phi công và những người bảo trì đã theo họ từ Căn cứ Không quân Whiteman ở bang Missouri, 23/2 là ngày họ phải về lại căn cứ nhà, PopMech tường thuật.
Spirit of Kansas dự kiến cất cánh vào sáng hôm đó cùng với một chiếc B-2 khác. Chuyến bay trở về Missouri là một hành trình mệt mỏi, kéo dài hơn 16 giờ và phải tiếp nhiên liệu trên không hai lần. Hai phi công đã chất đồ đạc cá nhân của họ, gồm các tài liệu mật và “thiết bị tiện nghi dành cho phi hành đoàn trong thời gian dài” - tương tự những chiếc ghế ngả lưng trên bãi biển - lên máy bay. Phi hành đoàn khởi động động cơ và bắt đầu tiến hành các khâu kiểm tra trước chuyến bay.
Khi cả phi công và nhân viên mặt đất đều hài lòng, chiếc B-2 lăn bánh đến vị trí cất cánh trên đường băng của căn cứ Andersen. Các phi công và máy tính trung tâm của chiếc B-2 không hề biết rằng độ ẩm cao của Guam đã khiến hệ thống dữ liệu bay của máy bay nhận được thông tin sai lệch. Độ cao của máy bay trên mặt đất được hiển thị là 682 feet - chênh lệch 136 feet so với độ cao thực tế - nhưng phi hành đoàn không nhận ra sự sai lệch này.
Khi máy bay bắt đầu chạy đà trên đường băng, đèn cảnh báo chính trong buồng lái sáng lên cùng đèn cảnh báo của hệ thống điều khiển bay - rồi cả hai đều tắt 6 giây sau đó. Phi công phụ xem xét vấn đề và nhanh chóng kết luận rằng lỗi đã được giải quyết, máy bay vẫn chuẩn bị cất cánh. 21 giây sau, phi công bắt đầu kéo cần lái nâng mũi máy bay lên cao.
Điều mà các phi công không biết là bộ chuyển đổi cổng (các thiết bị điện tử được sử dụng để chuyển đổi tín hiệu từ các cảm biến đo lường thành tín hiệu điện có thể được sử dụng bởi các hệ thống điều khiển và giám sát, viết tắt là PTU) của máy bay, chính là thiết bị cung cấp dự liệu độ cao sai lệch, cũng báo cáo sai tốc độ không khí của máy bay (tốc độ di chuyển của máy bay so với không khí xung quanh nó). PTU báo cáo rằng máy bay đang chạy trên đường băng với tốc độ 163 dặm một giờ, tức là tốc độ cất cánh an toàn, trong khi thực tế máy bay lúc đó chỉ đạt vận tốc 151- 154 dặm một giờ, tốc độ không an toàn để cất cánh.
Khi bánh máy bay mất tiếp xúc với mặt đất, hệ thống điều khiển bay tự động (FCS) của B-2, hoạt động dựa trên dữ liệu sai lệch, tin rằng máy bay thực sự đang lao xuống. Để tránh một vụ tai nạn sắp xảy ra, FCS đã kéo mũi máy bay lên 30 độ. Tốc độ thấp, trọng lượng nặng do chứa nhiều nhiên liệu và động lượng không thể duy trì được độ cao, máy bay bắt đầu rơi. Phi công số 1 đã cố gắng giành lại quyền kiểm soát máy bay nhưng “không thể phục hồi được”. Đầu cánh trái của máy bay va vào đường băng và các phi công ngay lập tức bung dù nhảy ra khỏi máy bay. Chiếc oanh tạc cơ đắt giá rơi xuống và bốc cháy.
Nhân viên căn cứ không quân đã nhanh chóng cứu được hai phi công. Phi công số 1 chỉ bị thương nhẹ, trong khi phi công số 2 bị chấn thương cột sống do quá trình phóng ghế, nhưng sau đó đã bình phục. Đống đổ nát của chiếc Spirit of Kansas đã cháy trong 6 giờ và các mảnh máy bay nằm rải rác trên một cánh đồng rộng hơn 1,6 ha.
Chuyện gì đã xảy ra?
Một cuộc điều tra về vụ tai nạn xác định dữ liệu bị lỗi khiến hệ thống kiểm soát bay đưa ra quyết định sai lầm. Giống như nhiều máy bay hiện đại, B-2 là máy bay “fly-by-wire”, sử dụng máy tính bay và giao diện điện tử thay vì hệ thống điều khiển bay cơ học truyền thống. Hệ thống bay đưa ra quyết định về cách máy bay vận hành dựa trên dữ liệu được lấy từ các cảm biến trên máy bay, bao gồm các hệ thống môi trường như PTU. Giống như bất kỳ quá trình ra quyết định nào, quyết định cuối cùng chỉ có hiệu quả khi các thông tin đầu vào là chính xác.
B-2 được trang bị 24 PTU cho phép hệ thống máy tính tính toán tốc độ bay, góc tấn, góc trượt và độ cao. Độ ẩm cao ở Guam đã khiến hơi ẩm tích tụ trong PTU của máy bay, dẫn đến việc các thiết bị này tạo ra dữ liệu môi trường sai. Dữ liệu đó khiến hệ thống máy tính ra lệnh cất cánh sớm trước khi máy bay đạt đủ vận tốc để tạo ra và duy trì lực nâng, sau đó khiến máy tính kết luận rằng máy bay đang lao xuống trong khi thực tế nó đang lấy độ cao. Một vụ tai nạn là không thể tránh khỏi.
Các nhà điều tra vụ tai nạn đổ lỗi cho độ ẩm và PTU, đồng thời minh oan cho các phi công. Những nhân viên bảo trì được triển khai đến Guam vào năm 2006 đã nhận thấy dữ liệu PTU trên B-2 bị sai lệch. Các kỹ sư khuyến nghị phi công nên kích hoạt bộ sưởi tích hợp của PTU để làm khô chúng trước khi hệ thống kiểm soát bay có thể lấy dữ liệu từ chúng. Khuyến nghị đó chưa bao giờ được chính thức hóa và chưa bao giờ được truyền đạt lại cho các đợt triển khai máy bay B-2 tiếp theo. Sau vụ tai nạn, Không quân Mỹ đã bổ sung thêm quy định kích hoạt bộ sưởi PTU trước khi cất cánh theo quy trình tiêu chuẩn trước chuyến bay.
Chiếc máy bay ném bom đã bị phá hủy hoàn toàn, những gì còn lại của nó đã được cắt nhỏ và gửi đến Căn cứ Không quân Edwards ở California để phân tích. Tính theo thời giá ngày nay, B-2 Spirit có giá khoảng 2 tỷ đô la. Mặc dù Không quân Mỹ đã quen với việc mất những chiếc máy bay trị giá hàng triệu đô la, nhưng đây là vụ tai nạn tỷ đô đầu tiên - và có lẽ không phải là cuối cùng.
Nếu phi đội B-2 vẫn ở căn cứ nhà ở Missouri và chưa bao giờ được triển khai ra nước ngoài thì vụ tai nạn ở Guam năm 2008 đã không xảy ra. Tuy nhiên, quân đội Mỹ là một lực lượng viễn chinh toàn cầu, phải sẵn sàng hoạt động mọi lúc, mọi nơi, trong rừng rậm, sa mạc, vùng lãnh nguyên băng giá... Nếu phi hành đoàn và nhân viên bảo trì không để mắt đến khí tài của họ khi điều kiện thay đổi, các nhiệm vụ thường lệ có thể kết thúc trong thảm họa. Vụ tai nạn là một bài học trị giá 2 tỷ USD về việc ngay cả những thiết bị công nghệ cao nhất cũng có thể bị hạ gục bởi thời tiết địa phương.
Ám ảnh chưa dừng lại
Tuy nhiên, các vụ tai nạn liên quan đến B-2 Spirit chưa dừng lại ở đó. Năm 2021, một sự cố lại xảy ra với chiếc máy bay tỷ đô của Không quân Mỹ. Hình ảnh vệ tinh do Planet Labs, công ty Mỹ chuyên về hình ảnh vệ tinh và dữ liệu Trái đất, thu thập cho thấy một máy bay ném bom B-2 Spirit tại bãi cỏ bên rìa đường băng trong Căn cứ Không quân Whiteman, sau khi hạ cánh khẩn cấp rạng sáng 15/ 9/2021.
“Một máy bay ném bom B-2 Spirit đã bị rơi trên đường băng tại Căn cứ Không quân Whiteman, bang Missouri, sau khi nó gặp trục trặc trong chuyến bay huấn luyện định kỳ vào nửa đêm”, Không quân Mỹ xác nhận, theo Air Force Times.
Chiếc máy bay ném bom tàng hình đã bị hư hại khi hạ cánh khẩn cấp lúc 0h30 ngày 15/9/2021, dù mức độ thiệt hại không được tiết lộ. Người phát ngôn Bộ Tư lệnh tấn công toàn cầu của Không quân Mỹ Jennifer Greene nói không ai bị thương trong vụ tai nạn và không có hỏa hoạn trên máy bay.
Một tổ bay B-2 có thể bao gồm hai người, một phi công và một chỉ huy nhiệm vụ. Bà Greene không nói có bao nhiêu người bên trong chiếc máy bay ném bom khi nó gặp nạn. Bà nói, phi đội gồm 20 máy bay ném bom B-2 Spirit của Không quân Mỹ có thể được trang bị cả vũ khí thông thường và hạt nhân trong chiến đấu, nhưng chiếc máy bay không mang theo vũ khí khi bị rơi. Bà Greene từ chối trả lời các câu hỏi khác về vụ việc, chẳng hạn như trục trặc trên chuyến bay là gì.
War Zone đưa tin rằng chiếc B-2 có thể đã “gặp sự cố thủy lực khi bay và càng đáp bị sập khi hạ cánh, khiến nó văng ra khỏi đường băng với cánh cắm sâu xuống đất”. Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã ra thông báo cấm bay trong phạm vi 6 dặm quanh căn cứ Whiteman trong khoảng thời gian từ 14 đến 17/9/2021 để “cung cấp một môi trường an toàn cho việc điều tra tai nạn”.
Theo Trung tâm An toàn Không quân Mỹ, tai nạn máy bay B-2 rất hiếm xảy ra: Sự cố gần nhất khi đó được ghi nhận là vào năm 2015, trước đó là vụ hỏa hoạn khiến một chiếc B-2 bị hư hại nặng vào năm 2010. Một chiếc B-2 bị phá hủy ở Guam vao năm 2008.
Tuy nhiên, đến tháng 12/2022, sự cố lại xảy đến: một chiếc B-2 Spirit đã bị hư hại khi phi hành đoàn phải hạ cánh khẩn cấp. Lính cứu hỏa tại Căn cứ Không quân Whiteman đã dập tắt đám cháy tại hiện trường. Không ai bị thương.
B-2 là máy bay ném bom hạt nhân mạnh nhất của quân đội Mỹ, đã được đưa vào sử dụng từ năm 1993. Whiteman là căn cứ duy nhất của dòng máy bay này kể từ những năm 1990. Không quân Mỹ có kế hoạch cho phi đội B-2 nghỉ hưu trong 10 năm tới để nhường chỗ cho dòng B-21 Raider tiên tiến hơn hiện đang được chế tạo. B-2 có khả năng tránh radar, có thể bay liên lục địa mà không cần tiếp nhiên liệu, mang theo hơn 18 tấn đạn dược.
Mới đây, ngày 15/4/2024, Không quân Mỹ đã thực hiện cuộc trình diễn B-2 lớn nhất trong lịch sử khi cho 12 chiếc B2 lần lượt cất cánh từ Căn cứ Không quân Whiteman, màn trình diễn máy bay được gọi là “voi đi bộ”. Không quân Mỹ nói họ có 20 chiếc B-2 Spirit nhưng không rõ có bao nhiêu chiếc đang hoạt động. Sự kiện này là một cuộc phô trương sức mạnh hoành tráng khi các oanh tạc cơ tàng hình chiến lược lần lượt cất cánh từ đường băng duy nhất của căn cứ.
Người phát ngôn của Đội ném bom 509, đơn vị vận hành phi đội B-2 chiến đấu của Không quân Mỹ, nói với tạp chí Air & Space Forces: “Những màn trình diễn sức mạnh trực quan có thể đóng vai trò như một lời nhắc nhở cho các đối thủ tiềm năng về sức mạnh không quân áp đảo mà B-2 có thể mang lại cho quân đội Mỹ”.