Nipah và mối họa từ động vật hoang dã

Chủ Nhật, 12/11/2023, 11:26

Trong vòng 5 năm qua đã có 4 lần bùng phát dịch bệnh do virus Nipah gây ra ở Ấn Độ. Vậy nhưng ngành y tế Ấn Độ đã có kinh nghiệm đối phó với Nipah cũng phải thừa nhận rằng đợt bùng phát dịch này là lớn nhất họ từng thấy. Đằng sau hàng nghìn người nhiễm bệnh và tử vong, các nhà khoa học còn cảm thấy lo sợ trước khả năng lây lan của virus từ động vật hoang dã sang người.

Nguy hiểm ở khắp nơi

Nipah là một loại virus sống trong các loài dơi nhỏ, dơi ăn quả. Người, lợn và ngựa khi tiếp xúc với phân, nước tiểu, nước bọt của dơi sẽ bị nhiễm virus. Nipah khiến người bệnh bị sốt, ho, nhức đầu, hôn mê, co giật, viêm não phình và thậm chí là tử vong. Cái tên “Nipah” xuất phát từ một ngôi làng ở Malaysia nơi virus được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1999. Thế giới hiện vẫn chưa có vaccine phòng virus Nipah.

Bang Kerala, miền Tây Nam Ấn Độ là “ổ dịch” Nipah lớn nhất nước này. Đợt bùng phát dịch đầu tiên ở Kerala nổ ra vào năm 2018. Kể từ đó đã có 27 người dân Kerala tử vong vì Nipah. Điểm chung của những nạn nhân là họ đều tiếp xúc gần với loài dơi quạ làm tổ ở các vườn cây ăn quả. Một số nhiễm virus trực tiếp từ việc ăn quả, hạt hay thậm chí là uống sáp cây có vết cắn của dơi.

Nipah và mối họa từ động vật hoang dã -0
Dơi và những loài động vật hoang dã khác có thể mang mầm bệnh chết người.

Muhammad Ali sống tại Kerala bằng nghề trồng dừa, chuối và đu đủ. Anh mới chết sau sáu ngày vật lộn với Nipah. Người vợ góa phụ của Muhammad kể lại: “Anh ấy cẩn thận lắm, bao giờ cũng đeo khẩu trang và găng tay khi chăm cây. Tôi không hiểu vì sao anh ấy bị nhiễm. Chồng tôi, con tôi, anh trai tôi đều bị lây... Bác sĩ bảo là phải theo dõi con tôi lâu dài vì sợ tổn thương não bộ vì não phình lên ép vào hộp sọ”.

Điều gì khiến lần bùng phát dịch Nipah tại Kerala này đáng sợ hơn những đợt trước? Theo nhiều chuyên gia, câu trả lời nằm ở việc đốn rừng trồng vườn cây ăn quả. Chuyên gia nghiên cứu dịch bệnh Sreehari Raman tại Đại học Nông nghiệp Kerala giải thích: “Kể từ khi thống đốc Pinarayi Vijayan nhận chức vào năm 2016, chính quyền bang khuyến khích các hộ nông dân xây thêm nhà và mở rộng trang trại. Kể từ đó đến nay đã có hơn 10.000 ngôi nhà mới được xây trên đất lấn rừng. Diện tích trồng cây ăn quả cũng tăng gấp đôi. Loài dơi mất rừng nên chọn làm tổ gần các trang trại trồng chuối, cau,... Động vật hoang dã càng sống gần người thì khả năng lây lan dịch bệnh càng cao”.

Chỉ riêng ở làng Changaroth nơi có 30 người mắc Nipah và 2 người tử vong đã có 5 tổ dơi quạ khác nhau. Theo các chuyên gia, loài dơi khi sống trong môi trường sẵn nguồn thức ăn, nhiều tiếng ồn và vòng tuần hoàn sáng - tối bị thay đổi bởi ánh sáng nhân tạo, rất dễ tạo ra nhiều chất thải hơn, từ đó khiến dịch bệnh bùng phát càng nhanh.

Nipah và mối họa từ động vật hoang dã -0
Chủ các vườn cây ăn quả ở miền tây Ấn Độ đang lo sốt vó vì loài dơi.

Trưởng thôn làng Changaroth là ông Unni Vengeri cho biết: “Ai cũng biết rằng virus Nipah nổ ra vì con người lấn rừng, nhưng họ vẫn không ngừng xây nhà... Chúng tôi đã ra lệnh cấm đốn những cây rừng có tổ dơi quạ, nhưng chỉ cấm được trên đất công. Rừng trên đất tư thì họ vẫn đốn thỏa mái”.

Loay hoay tìm lời giải

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 1,8 tỷ người trên thế giới đang sống trong “vùng nguy hiểm” dễ bị nhiễm virus Nipah. Khu vực nguy cơ cao rộng khoảng 9 triệu km2 và chủ yếu là ở các khu vực giáp rừng tại Nam Á và Đông Nam Á. Ấn Độ được đặt vào nhóm quốc gia có nguy cơ bùng phát dịch Nipah cao nhất. New Dehli hiểu rõ điều này. Bộ trưởng Bộ Môi trường & Lâm nghiệp Subrat Mohapatra phát biểu: “Nhu cầu cấp thiết hiện nay là thiết lập các “vành đai” không cho dịch thoát ra ngoài”. Vị bộ trưởng cũng mới cắt băng khánh thành một trung tâm nghiên cứu phòng trừ virus Nipah ở bang Kerala.

Theo ý kiến chung của giới chuyên gia, biện pháp trước mắt mà chính phủ Ấn Độ có thể làm ngay lúc này là hồi phục rừng, trồng mới các loài cây bản địa để “làm nhà” cho dơi. Làm vậy để “tạo khoảng cách” giữa dơi quạ với người, đồng thời ngăn không cho các đàn dơi di cư đi nơi khác và mở rộng khu vực có dịch. Ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ của không chỉ các nhà khoa học Ấn Độ mà cả WHO và những tổ chức quốc tế khác. Chính WHO đã thúc đẩy New Dehli đưa ra chiến lược y tế cộng đồng “One Health” mới vào năm 2022. One Health kết nối vấn đề sức khỏe con người với việc bảo vệ môi trường và kiểm soát không gian sống của động vật hoang dã nhằm tránh những đại dịch như COVID-19 xảy ra.

Nipah và mối họa từ động vật hoang dã -0
Những con dơi quạ ở Kerala.

 Vấn đề nằm ở chỗ việc tái phủ xanh rừng đang vấp phải sự phản đối dữ dội của các chủ đất và chính quyền cơ sở. Trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ mới chỉ gượng dậy sau đại dịch COVID-19, không ai muốn kìm hãm sự phát triển tại nông thôn cả. Nhà chức trách Kerala đang bị đặt trước câu hỏi: Liệu họ có nên mở rộng lệnh cấm đốn rừng trên đất tư nhân không? Hiện nay lệnh cấm mới chỉ áp dụng với đất rừng công (còn gọi là panchayats) là nơi ở của 10% dân số dơi quạ ở Kerala.

Câu trả lời có thể nằm ở sự hỗ trợ quốc tế. Trong phiên họp vào ngày 6/11 vừa qua, các nước thành viên WHO đã tái khẳng định cam kết của mình đối với những hoạt động phòng chống tích cực dịch bệnh lan truyền từ động vật sang người. Một phần quan trọng của công cuộc này là ngăn chặn việc thu hẹp không gian sống của động vật hoang dã vì đô thị hóa, phá rừng và khai thác tài nguyên.

Ông Nigel Sizer, chuyên gia phòng chống dịch bệnh của WHO, trả lời hãng tin AFP: “Các nước đang phát triển, có nền kinh tế dựa vào nông nghiệp và khai khoáng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các đại dịch. Vậy nhưng áp lực kinh tế khiến họ không sẵn sàng đánh đổi sự phát triển kinh tế lấy môi trường và sức khỏe con người... Nhiều phái đoàn từ Châu Phi và Nam Mỹ đã nói với tôi rằng họ sẽ không thực hiện các chỉ dẫn của WHO nếu như các nước giàu không hỗ trợ tài chính cho họ. Họ có quyền đòi hỏi như thế”.

Nipah và mối họa từ động vật hoang dã -0
Ở Ấn Độ có không ít khu dân cư cắt ngang rừng như thế này.

Chính phủ Mỹ mới đây đã cam kết quyên góp 250 triệu USD cho quỹ phòng chống đại dịch của Ngân hàng Thế giới. Trước đó họ đã đóng góp 450 triệu USD. Liên minh Châu Âu cũng đang trong quá trình thảo luận để đưa ra mức đóng góp cho WHO và các tổ chức y tế quốc tế khác. Giáo sư - bác sĩ Francisco Pérez-Canado phát biểu trước Hội đồng Châu Âu về vấn đề này: “Chừng nào chúng ta còn chưa nhận thức đúng mối quan hệ giữa sức khỏe con người và không gian sống tự nhiên, chúng ta sẽ chẳng thể tự bảo vệ mình trước đại dịch sắp tới... Quyết định của hội đồng sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của hàng triệu con người trong tương lai gần”.

Lê Công Vũ
.
.