Phá vụ trọng án nhờ xét nghiệm ADN mèo

Thứ Hai, 14/07/2025, 14:45

Cách đây 30 năm, lần đầu tiên cảnh sát xét nghiệm ADN của một chú mèo để phá một vụ án giết người dã man xảy ra tại Canada.

Vào ngày 7/10/1994, ở đảo Prince Edward thuộc Canada, một phụ nữ thông báo với chính quyền rằng có một chiếc xe bị bỏ hoang trên cánh đồng gần nhà bà. Cảnh sát đến nơi và nhận thấy biển số xe đã bị tháo. Khi nhìn vào bên trong chiếc xe, họ thấy có vết máu văng khắp nơi.

Phá vụ trọng án nhờ xét nghiệm ADN mèo -0
Đảo Prince Edward, nơi xảy ra vụ án.

Người mẹ 5 con mất tích

Khi các điều tra viên tra số nhận dạng phương tiện (VIN) của chiếc xe, họ phát hiện rằng xe thuộc sở hữu của Shirley Duguay, một người mẹ 32 tuổi có 5 đứa con, Khi các điều tra viên thuộc Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia Canada đến nhà của Shirley Duguay, họ phát hiện rằng các thành viên gia đình lần cuối cùng nhìn thấy Shirley là vào ngày 3/10. Họ ngạc nhiên khi thấy không ai báo cô mất tích trong 4 ngày kể từ lần cuối cùng nhìn thấy cô.

Cha của Shirley, ông Melvin, người đã trông nom các con của cô, đứa lớn nhất 15 tuổi và đứa nhỏ nhất là một cặp song sinh 8 tuổi đã đưa ra lời giải thích. Ông nói với các điều tra viên rằng Shirley trước đây từng bỏ đi trong vài ngày mà không nói với ai và rồi lại xuất hiện trở lại.

Cảnh sát Roger Savoie suy đoán rằng máu trong xe là của Shirley. Gần chiếc xe, người ta tìm thấy một chiếc gối đẫm máu, Theo gia đình, Shirley thường ngồi trên chiếc gối đó để cao hơn khi lái xe. Shirley chỉ cao 1m45 và nặng chưa tới 45kg. Khi nhìn vào hình ảnh của Shirley, người ta sẽ có cảm giác cô yếu ớt.

Theo Criminal Discourse Podcast, để củng cố giả thuyết rằng máu trên xe là của Shirley, các điều tra viên đã lấy mẫu máu từ cha cô, ông Melvin, Khi so sánh các mẫu, các kỹ thuật viên xác định được rằng có 50% các chỉ dấu di truyền trong máu tìm thấy trên xe trùng khớp với ông Melvin Duguay. Máu trong xe và trên chiếc gối thấm máu thuộc về Shirley, nhưng cô đang ở đâu?

Phá vụ trọng án nhờ xét nghiệm ADN mèo -0
Chú mèo Snowball.

Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia Canada cùng với các sinh viên của Học viện Cảnh sát Đại Tây Dương bắt đầu một cuộc tìm kiếm trên đảo Prince Edward. Họ đã lùng sục hàng trăm dặm vuông đất và kênh rạch nhưng không có mấy hy vọng, và buộc phải dừng lại khi mùa đông đến. Họ thậm chí còn tham khảo ý kiến của các nhà ngoại cảm. Những nhà ngoại cảm này đã đưa ra chỉ dẫn mơ hồ về nơi có thể tìm thấy Shirley, rằng cô bị chôn gần nguồn nước, trong một ngôi mộ nông dưới tán cây thông. Thông tin này thực sự không giúp cảnh sát xác định được khu vực tìm kiếm.

Điều thực sự giúp ích là việc phát hiện ra một cái xẻng cách chiếc xe bị bỏ lại khoảng nửa dặm, trên đó có hai sợi tóc dài màu đen. Khi các kỹ thuật viên so sánh những sợi tóc này với tóc được thu thập từ lược chải đầu của Shirley, chúng có sự tương đồng dưới kính hiển vi.

Một phát hiện lớn khác là một túi nhựa có chứa một đôi giày thể thao màu trắng và một chiếc áo khoác da màu nâu dính máu. Chiếc túi nhựa này được tìm thấy sau 3 ngày kể từ khi cảnh sát bắt đầu tìm kiếm, ở nơi cách nhà của Shirley khoảng 6 dặm.

Các điều tra viên đã nói chuyện với ông Melvin Duguay để hỏi ông nghĩ ai là người có khả năng đã làm hại con gái mình. Melvin lập tức nhắc đến người chồng đã ly thân của cô, Doug Beamish. Shirley và Beamish có một mối quan hệ lúc tan lúc hợp kéo dài hơn 15 năm, và đôi lúc trở nên bạo lực khi Beamish hành hung Shirley. Cặp đôi này có với nhau 3 đứa con.

Beamish có tiền sử liên quan đến cảnh sát do hành vi bạo lực, được ghi nhận cả ở Toronto lẫn đảo Prince Edward. Năm 1991, Beamish bị buộc phải ký một "peace bond", là một loại khế ước thường được sử dụng trong các trường hợp bạo lực gia đình, trong đó đối tượng phải tuân thủ một số điều kiện nhất định như không được tiếp xúc với nạn nhân, bị cấm mang vũ khí. Điều này tương tự như lệnh cấm tiếp cận do bạo hành được ban hành ở Mỹ. Sau khi peace bond được ban hành, Shirley đã trở lại sống ở đảo Prince Edward.

Các điều tra viên sau đó đã nói chuyện với Doug Beamish, người đang sống tại nhà bố mẹ ruột vào thời điểm Shirley mất tích. Beamish phủ nhận bất kỳ liên quan nào đến những gì đang xảy ra với Shirley. Hắn được hỏi mang giày cỡ bao nhiêu và trả lời là cỡ 9, trùng khớp với cỡ đôi giày thể thao được tìm thấy trong túi nhựa mà cảnh sát tìm thấy trước đó.

Tiến sĩ Keith Bettles, chuyên gia pháp y về bàn chân, được mời đến để xác định xem đôi giày được tìm thấy có phải của Beamish hay không. Các điều tra viên đã ban hành lệnh thu mẫu dấu chân của Beamish. Beamish phải đứng trong khuôn xốp, sau đó thạch cao được đổ vào trong. Khi thạch cao khô lại, các khuôn này sẽ được sử dụng để so sánh với các dấu mòn trong đôi giày. Theo Tiến sĩ Bettles, mỗi người đi giày theo cách khác nhau và lòng bàn chân của chúng ta để lại dấu ấn lên đế giày cũng khác nhau.

Trong trường hợp của Beamish, hắn được xác định là có các ngón chân co gập quá mức, tức là các ngón cong lên ở phần đầu, và bàn chân bị xoay vào trong. Tiến sĩ Bettles tin chắc rằng đôi giày được tìm thấy trong túi nhựa vứt bỏ là của Beamish, Tuy nhiên, Beamish phủ nhận rằng đôi giày và chiếc áo khoác là của mình.

Phá vụ trọng án nhờ xét nghiệm ADN mèo -0
Shirley Duguay.

Snowball - chú mèo cầm “chìa khóa vụ án”

Tiếp theo, các điều tra viên chuyển sự chú ý đến 20 sợi lông trắng được tìm thấy bên trong chiếc áo khoác da. Các kỹ thuật viên xác định rằng những sợi lông này không có vẻ là của người khi so sánh dưới kính hiển vi. Phần lõi, tức là phần chạy dọc chính giữa sợi tóc, có thể giúp xác định đó là tóc người hay lông động vật. Lõi dày cho thấy là lông động vật, lõi mảnh là tóc người. Những sợi lông được tìm thấy trong áo khoác có lõi dày, có nghĩa là chúng đến từ một con vật.

Điều tra viên Savoie nhớ lại rằng khi ông thẩm vấn Beamish tại nhà cha mẹ hắn, ông nhìn thấy một con mèo trắng. Con mèo đó tên là Snowball, thú cưng của gia đình. Liệu những sợi lông trắng là của con mèo đó? Savoie nhìn vào chiếc quần ông mặc ngày hôm đó và nhớ rằng con mèo đã cọ vào chân ông. Những sợi lông trắng được thu thập từ chiếc quần đó, và trông giống hệt với những sợi lông tìm thấy trong áo khoác, nhưng liệu chúng có thực sự giống nhau?

Các điều tra viên gặp trở ngại. Việc so sánh lông mèo như vậy sẽ không có giá trị pháp lý tại tòa. Chưa có tiền lệ về việc sử dụng ADN động vật trong một vụ án giết người. Vì vậy, các điều tra viên bắt đầu tìm kiếm một nhà khoa học có thể giúp họ chứng minh rằng những sợi lông trong chiếc áo khoác là của con mèo Snowball.

Sau một loạt các cuộc gọi, cuối cùng họ cũng kết nối được với Tiến sĩ Stephen O’Brien, nhà di truyền học tại Viện Ung thư Quốc gia ở Frederick, Maryland, Mỹ. Tiến sĩ O’Brien đã nghiên cứu về di truyền học mèo trong hơn 20 năm. Ông đồng ý giúp. Nhưng trước tiên, ông cần mẫu máu của Snowball.

Một lệnh khám xét được ban hành để lấy mẫu máu của con mèo, nhưng khi các điều tra viên tới nhà, Snowball chạy mất. Cuối cùng họ cũng tóm được nó và đưa đến bệnh viện thú y lấy máu. Hai sĩ quan cảnh sát Canada đã đích thân mang mẫu máu và lông đến phòng thí nghiệm của Tiến sĩ O’Brien ở Mỹ.

O’Brien và nhóm của ông đã chiết xuất ADN từ mẫu máu, rồi từ những sợi lông tìm thấy trong áo khoác, họ so sánh các mẫu đó và xác nhận rằng ADN từ lông khớp với ADN máu của Snowball.

Nhưng thế vẫn chưa đủ. Tiến sĩ O’Brien biết rằng để được chấp nhận tại tòa, họ cần phải chứng minh rằng Snowball là con mèo duy nhất có bộ ADN đó, tức là không thể có con mèo ngẫu nhiên nào khác để lại sợi lông giống vậy. Ông và nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu ADN từ 20 con mèo khác sống tại khu vực gần nhà Beamish và so sánh với mẫu của Snowball. Kết luận, ADN của Snowball là duy nhất trong số các mẫu đó. Theo thống kê, khả năng lông trong áo khoác đến từ một con mèo khác là 1 trên 70 triệu.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ADN động vật, trong trường hợp này là của mèo, được sử dụng như một bằng chứng pháp lý trong một vụ án hình sự.

7 tháng sau khi Shirley mất tích, một người đánh cá đi dọc sông ở khu vực North Enmore, cách nơi tìm thấy chiếc xe của Shirley khoảng 16 km, phát hiện một đống cành cây bất thường ven bờ. Khi ông dọn đám cây, một thi thể người hiện ra. Các điều tra viên lập tức được gọi đến và xác định thi thể phân hủy là Shirley Duguay. Shirley đã bị đánh và siết cổ đến chết, tay bị trói sau lưng. Cô bị gãy mũi, xương hàm vỡ 3 chỗ. Một chiếc răng cửa bị gãy và lọt vào trong phổi, cho thấy cô bị đánh đập dã man.

Doug Beamish bị bắt và truy tố về tội giết người cấp độ 1, tức giết người có chủ ý, với nạn nhân là vợ đã ly thân của hắn.

Phá vụ trọng án nhờ xét nghiệm ADN mèo -0
 Doug Beamish.

Vào tháng 4/1997, Beamish ra hầu tòa. Phiên tòa này không giống bất kỳ phiên tòa nào trước đó vì lần đầu tiên ADN động vật được đưa vào làm chứng cứ trong một vụ án giết người. Các nhân chứng khai rằng vào đêm Shirley mất tích, họ nghe thấy hai người cãi nhau. Lịch sử bạo lực của Beamish với phụ nữ cũng được trình bày trước tòa.

Một phụ nữ từng sống chung không hôn thú với Beamish kể lại rằng vào giữa những năm 1980, khi họ ở Toronto, cô thường xuyên bị Beamish đánh đập dã man. Một lần, sau khi uống rượu, Beamish đòi quan hệ tình dục. Khi cô từ chối, hắn đánh vào mặt cô, túm tóc lôi vào phòng ngủ và cưỡng hiếp. Trong lúc cưỡng hiếp, hắn dùng dao kề cổ và dọa giết. Sau đó, hắn bảo cô đừng gọi ai vì hắn đã cắt dây điện thoại. Sau khi thoát ra được, cô thấy đúng là dây điện thoại đã bị cắt.

Nelson Beamish, em trai của Doug, và Linda Beamish, vừa là em dâu vừa là em gái của nạn nhân Shirley, cũng ra làm chứng. Họ khai rằng mùa hè năm 1992, khi Shirley và Doug đang ly thân, Linda đưa cho chị gái một lá thư do Doug viết. Nelson nói Shirley cho anh đọc lá thư, và anh thuật lại trước tòa. Trong thư, Doug viết không hiểu tại sao Shirley rời bỏ mình, và cầu xin cô quay lại. Nếu không thể ở bên nhau, hắn sẽ giết cô, giết 3 đứa con rồi tự sát. Lá thư đó được ký tên bằng mực có màu như máu.

Tiến sĩ O’Brien ra tòa làm chứng, xác nhận rằng các sợi lông trong áo khoác là của mèo Snowball. Một số mẫu máu trong xe của Shirley trùng khớp với máu của Beamish. Một bức ảnh chụp Beamish một ngày trước khi Shirley mất tích cho thấy hắn mặc chiếc áo khoác da nâu, chính là cái áo tìm thấy trong túi nhựa.

Doug Beamish bị kết án giết người cấp độ 2 vào ngày 1/8/1997 và bị phạt 18 năm tù giam.

Năm 2013, Hội đồng ân xá quốc gia Canada từ chối cho Beamish được tại ngoại dù hắn trình bày rằng không hiểu vì sao mình lại hành động bạo lực. Họ đánh giá hắn có động cơ cải tạo trung bình, khả năng tái hòa nhập thấp và trong tù đã vi phạm kỷ luật 17 lần.

Tháng 10/2022, Beamish lại xin được ân xá. Tại buổi điều trần, hắn lần đầu tiên thừa nhận đã giết Shirley, điều mà trước đó hắn luôn chối. Hắn nói rằng sau 3 cơn đau tim và suy thận, hắn đã hối lỗi và muốn được tha tù. Tuy nhiên, tòa chỉ cho hắn được rời trại 12 tiếng có người hộ tống, không được ân xá hoàn toàn.

Nguyễn Xuân Thủy
.
.