Quản lý công nghệ kỹ thuật số như “kiểm soát khối u lành tính”

Thứ Hai, 27/11/2023, 20:01

Các quốc gia lớn trên thế giới đang cạnh tranh gay gắt trong việc phát triển công nghệ kỹ thuật số, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy. Những nền tảng như TikTok và sự ra đời của công cụ AI, như hộp trò chuyện ChatGPT, là những công nghệ thay đổi xã hội, song chúng không nên được coi là "lành tính".

Để vừa tận dụng được những lợi ích, vừa kiểm soát được những nguy cơ, nhiều chính phủ đã có các quy chuẩn nhằm quản lý và tạo cơ sở cho nền công nghệ kỹ thuật số quốc gia.

Hình thức đức tin mới?

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói về AI vào năm 2017: "Ai trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực này sẽ thống trị thế giới". Có lẽ vậy, bởi khi Australia trở thành quốc gia mới nhất cấm nền tảng TikTok do Trung Quốc sở hữu khỏi các thiết bị của chính phủ, cuộc tranh luận về chính sách công đối với hoạt động gián điệp giữa các quốc gia hoặc sự cạnh tranh của các cường quốc truyền thống đã lập tức nóng lên.

Quản lý công nghệ kỹ thuật số như “kiểm soát khối u lành tính” -0
Cảnh báo nguy cơ lạm dụng tình dục trẻ em từ AI.

ChatGPT và mô hình AI GPT-4, được công ty công nghệ OpenAI của Mỹ phát triển, tạo ra cảm giác thân mật và đồng nhất với người dùng, khi công nghệ được cải thiện và cho phép tác động đến suy nghĩ của con người lớn hơn truyền thông xã hội hiện nay. Nhưng theo giới phân tích, cái tên "chatbot" (hộp trò chuyện) gần như không được đánh giá đúng. Một số nhà bình luận công nghệ có liên quan sử dụng cụm từ "synthetic relationships" (mối quan hệ tổng hợp). Trong khi đó, TikTok không chỉ là một ứng dụng. Nền tảng này có ảnh hưởng to lớn trong việc định hình dư luận bằng cách kiểm soát những gì người dùng nhìn thấy và nghe thấy.

Mặc dù chatbot và TikTok khác nhau nhưng lại hội tụ ở một câu hỏi hóc búa: Chính phủ các nước nên tham gia vào việc sử dụng công nghệ như thế nào để công dân được bảo vệ khỏi nguy cơ thao túng thông tin (ảnh hưởng đến niềm tin của họ) ở mức độ chưa từng có? Theo giới phân tích, đã đến lúc các chính phủ nên can thiệp mạnh mẽ hơn để bảo vệ công dân, thể chế và lối sống của người dân. Họ không nên để một số ít "gã khổng lồ" công nghệ "cai trị" không gian mạng mà không bị thách thức, vì AI có tiềm năng không chỉ là nguồn thông tin mà còn có thể trở thành một hình thức đức tin mới.

Cho đến nay, các chính phủ phương Tây chủ yếu nghiêng về cách tiếp cận không can thiệp. Xuất phát một phần từ các cuộc đấu tranh ý thức hệ trong Chiến tranh lạnh, các chính phủ thường lựa chọn đứng ngoài cuộc vì sợ rằng sẽ bóp nghẹt sự đổi mới. Tuy nhiên, triết lý dựa vào thị trường tự do dường như không còn hiệu quả. Bài học về chatbot và TikTok đặt ra thách thức rằng trong tương lai, công nghệ có thể tạo ra cảm giác gần gũi, như một người bạn, người đồng hành, thậm chí người cố vấn, và do đó việc công nghệ định hướng tư tưởng người dùng là xu hướng nhãn tiền.

Chẳng thế mà khoảng 1.300 chuyên gia, thậm chí cả tỷ phú Elon Musk, đã kêu gọi tạm dừng 6 tháng phát triển các hệ thống AI mạnh hơn GPT-4. Và Tổng cục Tình báo Australia mới đây đã nhận ra sự cần thiết phải cân bằng giữa việc áp dụng công nghệ mới với quản trị và ban hành một bộ "nguyên tắc đạo đức" để quản lý việc sử dụng AI.

Chủ quyền kỹ thuật số

 Xu hướng xung đột ngày càng gia tăng trong lĩnh vực kỹ thuật số khiến các quốc gia sẵn sàng tăng cường “các biên giới kỹ thuật số” và bảo vệ chủ quyền của họ. Trung Quốc là nước đi đầu trong lĩnh vực này, trong khi Nga cũng đã theo đuổi chính sách chủ quyền kỹ thuật số từ khá lâu.

Quản lý công nghệ kỹ thuật số như “kiểm soát khối u lành tính” -0
Bài toán kiểm soát công nghệ kỹ thuật số đặt ra với tất cả các nền kinh tế.

Việc theo đuổi chủ quyền kỹ thuật số của cả hai quốc gia này dẫn đến việc họ coi các vấn đề bảo mật là nền tảng chính bất chấp việc có một số khác biệt trong thực tiễn. Nga quan tâm nhiều đến các nỗ lực ngoại giao và các sáng kiến chính sách đối ngoại trong lĩnh vực chủ quyền kỹ thuật số, nhấn mạnh bảo mật thông tin quốc tế (IIS). Những nỗ lực ngoại giao của Nga đã góp phần to lớn vào việc hình thành cơ sở chính trị và pháp lý của chủ quyền quốc gia trong môi trường công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Tuy nhiên, Nga không chỉ nhấn mạnh yếu tố quốc tế và chính trị của chủ quyền trong môi trường ICT mà còn tăng cường các biên giới kỹ thuật số. Các thành phần quan trọng nhất của chủ quyền kỹ thuật số là phát triển các hệ thống tìm kiếm quốc gia và mạng xã hội, củng cố lợi thế kỹ thuật số của phân khúc Internet quốc gia, bao gồm việc tạo ra các kho dữ liệu và các điểm trao đổi lưu lượng. Các bước đã được thực hiện để phát triển phần mềm và phần cứng của Nga nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Hệ thống thanh toán quốc gia cũng trở thành một yếu tố của chủ quyền kỹ thuật số. Đặc biệt, Học thuyết An ninh Thông tin của Nga năm 2016 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấm dứt sự phụ thuộc của ngành công nghiệp trong nước vào công nghệ nước ngoài bằng cách chế tạo, cải tiến và triển khai rộng rãi các dự án phát triển trong nước và sản xuất các sản phẩm nội địa cũng như các dịch vụ được cung cấp trên cơ sở đó.

Chính sách chủ quyền kỹ thuật số đã trở thành luật định và quy định với việc Nga thông qua Đạo luật Internet có chủ quyền hồi tháng 11/2019, tạo cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát Internet trong biên giới quốc gia. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine và mối quan hệ ngày càng xấu đi với các quốc gia phương Tây đã khiến chính sách chủ quyền kỹ thuật số của Nga trở nên cấp bách, phù hợp và cần thiết. Năm 2022, một số nền tảng điện toán của phương Tây đã bị cấm ở Nga, đây là một bước nữa hướng tới chủ quyền kỹ thuật số quốc gia.

Trong khi đó, Trung Quốc coi chủ quyền kỹ thuật số là một yếu tố quan trọng để bảo vệ các tài sản kỹ thuật số trước các mối đe dọa mạng, cũng như tập trung kiểm soát nội dung trên mạng Internet ở cấp độ quốc gia, trong khi ở cấp độ quốc tế, Trung Quốc có xu hướng ủng hộ các sáng kiến của Nga. Theo ước tính của Diễn đàn Thương mại và Phát triển LHQ (UNCTAD), Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ về phát triển kỹ thuật số.

Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với chủ quyền kỹ thuật số dựa trên tiền đề rằng công nghệ kỹ thuật số và Internet là những yếu tố quan trọng cần thiết để đạt được vai trò lãnh đạo địa chính trị; nhấn mạnh sự phát triển của các công nghệ đột phá và hiện thực hóa các lợi ích kinh tế của số hóa. Tương tự Nga, việc đảm bảo an ninh không gian mạng là một phần thiết yếu của chính sách chủ quyền kỹ thuật số mà Trung Quốc theo đuổi. Tuy nhiên, khi năng lực công nghệ của Trung Quốc phát triển, Mỹ bắt đầu ngắt các công ty công nghệ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, thị trường vốn, không cho phép họ tiếp cận thị trường phương Tây. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã trở nên tích cực hơn trong việc xây dựng chương trình nghị sự chính sách đối ngoại. Sáng kiến chính sách đối ngoại “Con đường Tơ lụa kỹ thuật số” đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lợi ích quốc gia của Trung Quốc trong môi trường kỹ thuật số. Nhờ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), cơ sở hạ tầng kỹ thuật số xuyên biên giới của các quốc gia và khu vực dọc theo tuyến đường này ngày càng được kết nối với nhau, khiến nhu cầu hợp tác quốc tế trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Sự tương tác giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực bảo mật thông tin đóng một vai trò đặc biệt, cả trong hệ thống quốc tế nói chung và khu vực Đại Á-Âu nói riêng.

Chuẩn mực mới

Trong một chuyến công du Mỹ mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã công bố 5 nguyên tắc cơ bản về “quyền kỹ thuật số” tại Đại học New York, nhấn mạnh đến nội dung mọi cá nhân có quyền bình đẳng trong truy cập kỹ thuật số. Tuyên ngôn về “quyền kỹ thuật số” của Tổng thống Yoon nhấn mạnh tới các quy định về các chuẩn mực xã hội cơ bản trong việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như AI. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin Hàn Quốc Park Yun-gyu từng thừa nhận: “Quốc gia nào thiết lập các chuẩn mực mới trước tiên sẽ là người chiến thắng trong kỷ nguyên phát triển chiều sâu kỹ thuật số. Hàn Quốc sẽ dẫn dắt cuộc thảo luận toàn cầu”.

 Hàn Quốc là quốc gia mới nhất đã tham gia vào cuộc đua tạo lập cơ sở pháp lý cho việc phát triển công nghệ mới. Trước đó, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) đã công bố “7 nguyên tắc AI”, nhắm vào các đại gia công nghệ toàn cầu như Google, Microsoft và Meta (trước đây là Facebook). Điểm cốt lõi trong bộ nguyên tắc này là phải đảm bảo rằng các công ty phát triển mô hình AI sẽ chịu trách nhiệm về mọi vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển dịch vụ, ngăn chặn độc quyền công nghệ và dữ liệu. Thông tin từ Chính phủ Anh cho biết London có kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh AI vào tháng 11/2023 và mời lãnh đạo các nước lớn, cũng như Giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn công nghệ lớn đến tham dự.

Có thông tin cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cũng đang nghiên cứu để đưa ra các quy định thiết lập tiêu chuẩn chung cho các công nghệ mới nói chung và AI nói riêng.Việc Hàn Quốc, Anh và EU gấp rút thiết lập các tiêu chuẩn mới là chiến lược nhắm mục tiêu đi đầu, trước khi Liên hợp quốc (LHQ) hoặc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) bắt đầu thảo luận nghiêm túc về các quy chuẩn AI toàn cầu.

 LHQ đã công bố thành lập một ủy ban cố vấn, có sự tham gia của nhiều chuyên gia công nghệ, để thảo luận về các chuẩn mực và quy định liên quan đến AI. Dự kiến quy định sẽ được đưa ra vào tháng 9 năm sau. OECD cũng có kế hoạch tổ chức “Hội đồng quyền kỹ thuật số” vào tháng 11/2023 để thảo luận về trật tự kỹ thuật số mới, bao gồm cả AI.

Trung Quốc, quốc gia nhiều tiềm năng phát triển công nghệ số, cũng đang có kế hoạch tương tự. Tuy nhiên, các động thái chính sách của nước này liên quan tới lĩnh vực công nghệ là một biến số. Giáo sư Lee Jae-yeol tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết Mỹ, EU và Trung Quốc đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh lớn để giành quyền bá chủ về chuẩn mực AI. Chính phủ Hàn Quốc đã có kế hoạch đầu tư 22 tỷ won (16,48 triệu USD) trong giai đoạn 2024-2027 để thúc đẩy dự án “Phát triển công nghệ AI thế hệ tiếp theo”.

Ngày 30/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro mà AI có thể gây ra. Sắc lệnh yêu cầu các công ty khi phát triển các hệ thống AI, mà có nguy cơ gây rủi ro cho an ninh và nền kinh tế quốc gia, sức khỏe hoặc an toàn cộng đồng, phải chia sẻ kết quả kiểm tra an toàn với Chính phủ Mỹ trước khi công bố rộng rãi. Các cơ quan chức năng của Chính phủ Mỹ phải thiết lập các tiêu chuẩn, công cụ và thử nghiệm để giúp đảm bảo các hệ thống AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy.

Tổng thống Biden đã kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua luật bảo mật dữ liệu lưỡng đảng để bảo vệ quyền riêng tư của người dân, trong đó có những rủi ro do AI gây ra. Để thúc đẩy sự công bằng và quyền công dân, chính quyền Mỹ kêu gọi cung cấp các hướng dẫn cụ thể nhằm ngăn chặn việc sử dụng thuật toán AI làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt đối xử. Sắc lệnh kêu gọi thúc đẩy việc sử dụng AI có trách nhiệm, đồng thời yêu cầu lập báo cáo về tác động tiềm tàng của AI đối với thị trường lao động. Tổng thống Biden cũng chỉ đạo soạn thảo các nguyên tắc và giải pháp để giảm thiểu tác hại và tối đa hóa lợi ích của AI đối với người lao động. Ngoài ra, sắc lệnh khuyến khích xúc tiến nghiên cứu AI trên toàn nước Mỹ, thúc đẩy hệ sinh thái AI công bằng, cởi mở và cạnh tranh.

Trong bối cảnh các công nghệ mới như AI đang làm rung chuyển hệ thống giá trị hiện có, bao gồm bản quyền và môi trường lao động, việc sớm đưa ra các quy định chuẩn mực như trên sẽ giúp các nước đạt lợi thế trong cuộc cạnh tranh giành quyền bá chủ trong “bảng quy chuẩn”, nhằm tạo lập vị thế quốc gia được phản ánh rõ hơn trong bộ tiêu chuẩn toàn cầu. Rất cần các quy định ở tầm quốc gia, song cũng rất cần các thỏa thuận quốc tế về quy tắc và chuẩn mực. Đó cũng là cách để ngăn chặn môi trường thông tin bị hỗn loạn dưới sự chi phối hoàn toàn của công nghệ kỹ thuật số.

Hồng Ngọc (Tổng hợp)
.
.