Tàu thám hiểm của Ấn Độ sắp đổ bộ xuống Mặt trăng

Sứ mệnh không được phép thất bại

Thứ Tư, 23/08/2023, 08:00

Ấn Độ nhiều khả năng sẽ vượt qua Nga để trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh xe tự hành xuống cực nam chưa được khám phá của Mặt trăng. Đây sẽ là thành tựu củng cố vị thế cường quốc vũ trụ của đất nước Nam Á này trong bối cảnh thế giới đang đua nhau mở lại những cuộc thám hiểm “chị Hằng”.

Hành trình được cả dân tộc dõi theo

Sau khi phóng tàu thám hiểm Chandrayaan-3 từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, bang Andhra Pradesh hồi giữa tháng 7, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đầu tháng này cho biết, họ đã đưa thành công con tàu lên quỹ đạo của Mặt trăng.

Sứ mệnh không được phép thất bại -0
Tàu thám hiểm Chandrayaan-3 của Ấn Độ được phóng lên từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, bang Andhra Pradesh. Ảnh: Times of India.

Chandrayaan-3, có nghĩa là “Tàu Mặt trăng” trong tiếng Hindi, là phần tiếp theo của chương trình hạ cánh lên Mặt trăng mà Ấn Độ theo đuổi. Trước đó, tàu thám hiểm Chandrayaan-2 của nước này đã gặp thất bại và bị phá hủy ở chặng cuối trên hành trình hướng đến Mặt trăng vào năm 2019.

Theo đài phát thanh All India Radio (AIR), sau khi Chandrayaan-3 tiến tới khoảng cách 100 km so với Mặt trăng, tàu đổ bộ mang tên Vikram và xe tự hành sẽ tách ra và đáp xuống bề mặt của “Chị Hằng”. Địa điểm hạ cánh là phía gần cực Nam của Mặt trăng và thời điểm hạ cánh dự kiến diễn ra vào thứ Tư, ngày 23/8, trùng với thời điểm mặt trời mọc tại đây.

Lúc này, gần như cả Ấn Độ đang nín thở dõi theo con tàu. Nếu Chandrayaan-3 hạ cánh an toàn, đó sẽ là một khoảnh khắc của niềm tự hào dân tộc mãnh liệt với quốc gia bên bờ sông Hằng này. Một cuộc đổ bộ lên Mặt trăng thành công sẽ đưa Ấn Độ gia nhập CLB các cường quốc vũ trụ ưu tú nhất. Trước đó, Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ 3 đưa tàu vũ trụ lên ghé thăm “chị Hằng”, sau Mỹ và Nga, khi họ hạ cánh an toàn tàu thăm dò Chang'e-4 ở phía xa của mặt trăng vào năm 2019.

“Chandrayaan-3 viết kịch bản cho một chương mới trong cuộc phiêu lưu không gian của Ấn Độ. Nó bay cao, nâng tầm ước mơ và hoài bão của mọi người Ấn Độ”, Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi viết trên X, nền tảng mạng xã hội trước đây được gọi là Twitter.

Mọi chuyện suôn sẻ, Ấn Độ sẽ tới đích trước một đối thủ cạnh tranh lớn, đó là Nga. Nước này đã phóng tàu đổ bộ Luna-25 vào ngày 11/8, thực hiện sứ mệnh lên Mặt trăng đầu tiên sau gần 50 năm và dự kiến đổ bộ vào thứ Hai, ngày 21/8, trong cùng một khu vực đầy thách thức giống như Ấn Độ.

Sứ mệnh không được phép thất bại -0
Tàu đổ bộ Vikram của Chandrayaan-3 được thiết kế để có thể hạ cánh thành công xuống Mặt trăng ngay cả trong trường hợp động cơ bị hỏng. Ảnh: India TV News.

Đối với Moscow, việc quay trở lại Mặt trăng có thể xem như lời khẳng định cho sức mạnh công nghệ không thể bị chặn đứng của họ trước các lệnh trừng phạt toàn cầu sau cuộc xung đột với Ukraine vào năm ngoái.

Nhưng hôm thứ Bảy vừa qua, Hãng thông tấn nhà nước Nga (TASS) đưa tin rằng Luna-25 đã phải đối mặt với một “tình huống bất thường” trong quá trình điều động để đi vào quỹ đạo Mặt trăng trước khi hạ cánh. Sau đó, đến tối Chủ nhật, Cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga xác nhận, Luna-25 đã đâm xuống bề mặt Mặt trăng và bị phá hủy, chính thức kết thúc chuyến thám hiểm.

“Các biện pháp được thực hiện vào ngày 19-20/8 để tìm kiếm Luna-25 và liên lạc với con tàu không mang lại bất kỳ kết quả nào”, thông báo của Roscosmos cho biết. Theo nhận định sơ bộ của cơ quan này, Luna-25 đã “chuyển sang quỹ đạo ngoài thiết kế” trước khi va chạm với bề mặt của Mặt trăng.

Lời khẳng định của người Ấn Độ

Ông Vishesh Rajaram, nhà quản lý tại Speciale Invest - một tập đoàn đầu tư mạo hiểm đang đầu tư vào các công ty khởi nghiệp không gian tại Ấn Độ, cho biết sứ mệnh Mặt trăng sẽ thể hiện “năng lực kỹ thuật mạnh mẽ của Ấn Độ trong lĩnh vực vũ trụ toàn cầu và bất kể kết quả của nó như thế nào, sẽ củng cố sự hiện diện của Ấn Độ trên bản đồ các cường quốc không gian”.

Các hoạt động vũ trụ của Ấn Độ được tài trợ bởi ngân sách nhà nước chỉ bằng một phần nhỏ so với những gì các cơ quan tương tự của Mỹ hoặc Trung Quốc nhận từ chính phủ. Trong ngân sách mới nhất của mình, Ấn Độ chỉ dành 1,5 tỷ USD cho Bộ Vũ trụ, bao gồm cả tài trợ cho ISRO. Để tiện so sánh, ngân sách năm 2023 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vào khoảng 25 tỷ USD.

Do đó, Chandrayaan-3 nếu thành công sẽ là sự xác tín về con đường mà Ấn Độ theo đuổi, đồng thời tạo động lực cho sự hợp tác về vũ trụ của nước này với các quốc gia khác, bao gồm cả các nền kinh tế mới nổi vốn đang hy vọng phát triển các chương trình không gian của riêng họ.

Nhận định về điều này, Giáo sư Ram Jakhu - chuyên gia về Luật không gian tại Đại học McGill của Canada, cho biết: “Một khi bạn thành công, mọi người đều muốn đến với bạn. Nhiều quốc gia khác sẽ muốn học hỏi từ Ấn Độ cách khởi động các sứ mệnh không gian với chi phí khiêm tốn”.

Sứ mệnh không được phép thất bại -0
Xe tự hành sẽ được triển khai ngay khi tàu đổ bộ Vikram hạ cánh xuống Mặt trăng. Ảnh: ISRO.

Trong những năm gần đây, cơ quan vũ trụ của Ấn Độ đã bắt đầu kiếm được doanh thu từ các vụ phóng mang theo trọng tải cho các quốc gia khác. Dù vậy, những khoản này chỉ chiếm một thị phần nhỏ trong thị trường phóng vệ tinh thương mại, vốn do một công ty tư nhân của Mỹ, SpaceX của Elon Musk, thống trị.

Ấn Độ cũng đang tìm cách thúc đẩy ngành công nghiệp vũ trụ tư nhân non trẻ của mình, sau khi mở cửa các hoạt động không gian cho các công ty tư nhân vào năm 2020. Rajaram, một nhà đầu tư và tư vấn về công nghệ vũ trụ, cho biết thị phần của Ấn Độ trong nền kinh tế vũ trụ toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên khoảng 9% vào năm 2030, từ mức khoảng 2% hiện nay.

Vào tháng 11 năm 2022, công ty khởi nghiệp Skyroot Aerospace của Ấn Độ đã phóng thàn công tên lửa do tư nhân chế tạo đầu tiên của đất nước. Tên lửa có tên Vikram-S, được phóng từ sân bay vũ trụ Sriharikota ngoài khơi bang Andhra Pradesh, miền nam Ấn Độ hồi tháng 11/2022. Các chuyên gia vũ trụ cho biết sự kiện này là một bước tiến quan trọng đối với ngành công nghiệp không gian của Ấn Độ, vốn đã bị chi phối bởi ISRO trong nhiều thập kỷ.

ISRO vốn có truyền thống thận trọng khi làm việc với khu vực tư nhân, một phần bởi chính phủ kiểm soát chặt chẽ ngành và nguồn tài trợ. Nhưng kể từ năm 2020, khi Thủ tướng Narendra Modi đưa ra những cải cách lớn nhằm mở cửa lĩnh vực vũ trụ Ấn Độ cho tư nhân, cơ quan này đã bắt đầu thu hút các đối tác bên ngoài. Và, Skyroot là công ty tư nhân đầu tiên của Ấn Độ ký thỏa thuận với ISRO để sử dụng những cơ sở thử nghiệm và phóng tên lửa.

Cuộc đua mới của thế giới

Trở lại với hành trình của tàu thám hiểm Chandrayaan-3, sứ mệnh mà con tàu này và “đối thủ” Luna-25 bên phía Nga theo đuổi là một phần của hàng loạt các hoạt động khám phá Mặt trăng đang ngày càng diễn ra sôi động, với những bên tham gia chia thành hai phe.

Hiện tại, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác đã ký kết các nguyên tắc thăm dò không gian do Mỹ hậu thuẫn, trong khi Nga đang hướng đến việc hợp tác với Trung Quốc để thực hiện kế hoạch xây dựng một trạm nghiên cứu Mặt trăng.

Luật pháp Mỹ cấm NASA hợp tác với Trung Quốc trong việc thám hiểm không gian và cơ quan này đã lên kế hoạch cho một chuyến bay vũ trụ của con người quanh Mặt trăng vào cuối năm 2024. Trong khi đó, Bắc Kinh đang hướng tới mục tiêu hạ cánh xuống Mặt trăng bằng tàu có người lái trước năm 2030.

Sứ mệnh không được phép thất bại -0
Tàu đổ bộ từ chương trình Luna-25 của Nga (phải) và tàu Vikram của Chandrayaan-3 bên phía Ấn Độ là minh chứng cho cuộc đua mới lên Mặt trăng. Ảnh: Dailyo.

David Alexander, Giáo sư vật lý và thiên văn học của Đại học Rice (Texas, Mỹ) đồng thời là giám đốc Viện Vũ trụ của trường này, cho biết: “Mặt trăng đã trở lại trong chương trình nghị sự của thế giới với tư cách là địa điểm cho sự hiện diện bền vững của con người trong không gian và là nơi thử nghiệm cho các sứ mệnh trong tương lai”.

Cũng theo giáo sư Alexander, cực Nam của Mặt trăng đang được các nhà khoa học vũ trụ đặc biệt quan tâm vì ở khu vực này có sự hiện diện của nước đóng băng trong các miệng núi lửa, thứ có khả năng giúp hỗ trợ sự định cư của con người trong tương lai. Nhưng hạ cánh ở cực Nam, khu vực có ít ánh sáng Mặt trời hơn so với đường xích đạo của Mặt trăng, là lựa chọn đầy mạo hiểm bởi địa hình nơi đây rất phức tạp, với rất nhiều tảng đá và miệng núi lửa rộng lớn. Hồi tháng 6 năm nay, giám đốc Cơ quan vũ trụ Nga cũng chỉ dám dự đoán khả năng tàu Luna-25 hạ cánh thành công xuống cực Nam của Mặt trăng là 70%.

Trước đây, những tàu thám hiểm vũ trụ của Israel, Nhật Bản và chính tàu Chandrayaan-2 của Ấn Độ cũng đã cố gắng và thất bại trong việc hạ cánh xuống cực Nam của Mặt trăng. Chandrayaan-2 đã gặp một sự cố mà phân tích của ISRO sau đó kết luận rằng do lỗi phần mềm điều chỉnh tốc độ của tàu đổ bộ.

Rút kinh nghiệm từ thất bại ấy, Sreedhara Somanath - Chủ tịch ISRO, cho biết tàu Chandrayaan-3 đang sử dụng phần mềm cập nhật để đảm bảo rằng nếu một hệ thống bị lỗi, một hệ thống khác sẽ hoạt động thay thế lập tức. Chandrayaan-3 cũng được trang bị chân hạ cánh chắc chắn hơn, thùng nhiên liệu lớn hơn và nhiều tấm pin năng lượng mặt trời hơn.

Tất cả nhằm để đảm bảo rằng, con tàu sẽ không gặp phải thất bại như “chị em” Chandrayaan-2 của nó. Bởi khi cuộc đua thám hiểm Mặt trăng ngày càng sôi động, Ấn Độ hiểu rằng sứ mệnh lần này của họ chỉ nên có một lựa chọn duy nhất là thành công.

Quang Anh
.
.