Taxi bay
Chiếc taxi bay 4 chỗ đầu tiên trên thế giới vừa được công bố bởi công ty kỹ thuật của Slovakia - và phương tiện có thể được đưa vào sử dụng chỉ sau 3 năm nữa.
Tiện lợi chống tắc đường
Taxi AM NEXT của AeroMobil, là mẫu thứ hai lai giữa siêu xe và máy bay hạng nhẹ của hãng, được lên kế hoạch ra mắt vào năm 2027. Phương tiện có khả năng chuyển đổi giữa các chế độ trong vòng chưa đầy ba phút. Công ty hy vọng dịch vụ gọi xe trên không sẽ tiết kiệm thời gian “đáng kể” cho hành khách khi di chuyển khoảng cách từ 100 đến 500 dặm (1 dặm =1,6km) giữa các thành phố lớn.
Đơn vị cho biết, hành khách sẽ có thể tận hưởng “sự tiện lợi và thoải mái khi đi chơi ngắn, để làm việc, nghỉ ngơi, giải trí hoặc chỉ ngắm cảnh”. Chưa có thông tin chi tiết về chi phí của taxi bay hoặc giá mà hành khách sẽ phải trả. AM NEXT là phần tiếp theo của chiếc ô tô bay 4.0 của AeroMobil, được ra mắt lần đầu tiên tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Paris, Pháp được tổ chức tại Sân bay Paris - Le Bourget, vào tháng 6/2017.
Phương tiện trên được thiết kế như một phương tiện cá nhân hạng sang 2 chỗ ngồi có thể bay với tốc độ tối đa là 360 km/ h. Tốc độ tối đa khi trên đường là 99mph (160km/ h). Bên cạnh mức giá lớn - từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu euro (1,3 triệu đến 1,6 triệu USD) - chủ sở hữu cũng cần có bằng phi công để sử dụng phương tiện trên không trung. AeroMobil vẫn chưa tiết lộ thông số kỹ thuật của dịch vụ gọi xe AM NEXT.
Patrick Hessel, Giám đốc điều hành của AeroMobil, cho biết: “ Chúng tôi rất vui mừng khi công bố mẫu xe bay thực sự mang tính cách mạng thứ hai của AeroMobil. AM NEXT mang tính đột phá và bán đại trà thị trường trong khu vực. Xe sẽ cung cấp giải pháp tốt hơn, và trong nhiều trường hợp trước đây không có, cho các chuyến đi trong phạm vi 100-500 dặm”. AeroMobil cho biết tổng giá trị thị trường cho dịch vụ gọi xe ước tính trị giá khoảng 70 tỷ đô la (53 tỷ bảng Anh) mỗi năm chỉ tính riêng ở Bắc Mỹ.
Với những chiếc ô tô bay của mình, công ty đặt mục tiêu làm cho phương tiện giao thông cá nhân hiệu quả hơn bằng cách cung cấp sự lựa chọn phương tiện di chuyển trên đường hoặc trên bầu trời - và mãi mãi chấm dứt tình trạng tắc đường. Hessel nói thêm: AeroMobil sẽ tận dụng khái niệm kỹ thuật và quy định của AM4.0, cũng như thương hiệu cao cấp của phương tiện, vào dịch vụ gọi xe trên không dành cho thị trường đại chúng từ AM NEXT.
AeroMobil cho biết công nghệ ô tô bay của họ sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có (hơn 10.000 sân bay hạ cánh ở Mỹ), phù hợp với quy định hàng không và ô tô hiện có, đồng thời có tầm bay lớn hơn đáng kể so với phương tiện eVTOL (cất và hạ cánh thẳng đứng).
Kết quả của hơn 10 năm nghiên cứu và phát triển
Những chiếc xe của hãng là kết quả của hơn 10 năm nghiên cứu và phát triển của đội ngũ kỹ sư và nhà thiết kế từ các hãng xe sang và siêu xe BMW, Aston Martin, McLaren, Mercedes Benz và Ferrari. Họ cũng đến từ các nhà lãnh đạo hàng không vũ trụ bao gồm Lockheed Martin, Rolls Royce, Airbus và Diamond Aircraft… AeroMobil phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ một số công ty khác, những công ty đang chạy đua để trở thành hãng đầu tiên có ô tô bay công khai để sử dụng trên bầu trời: Đó là các hãng dưới đây.
Airbus
Hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus đã sản xuất một chiếc taxi bay không người lái mang tên Vahana với kế hoạch đầu tiên sẽ có một phi công, và sau đó sẽ tự hành. Sau đó, hãng đã hợp nhất thiết kế này với một eVTOL khác và đổi tên chiếc taxi hàng không đô thị thành CityAirbus Nextgen.
Urban Aeronautics
Công ty công nghệ Urban Aeronautics của Israel ban đầu đã thiết kế máy bay không người lái chở người như một “con la trên bầu trời” để sử dụng trong quân sự.
Được mệnh danh là Cormorant, chiếc máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) này có khả năng chở 1.000 pound ( 450 kg) trên 31 dặm, cho phép nó vận chuyển hàng tiếp tế đến các vùng chiến sự và chở những người lính bị thương đến nơi an toàn. Vào năm 2020, Urban Aeronautics đã hợp tác với công ty Ascent có trụ sở tại Singapore để đẩy nhanh quá trình thương mại hóa CityHawk, một loại máy bay VTOL chạy hydro/ điện.
Lilium Aviation
Công ty công nghệ Đức Lilium Aviation đang nghiên cứu chế tạo một chiếc máy bay hai chỗ ngồi có thể cất cánh thẳng đứng sử dụng 36 động cơ quạt điện được bố trí dọc theo các cánh của nó.
Chiếc máy bay hình quả trứng, được gọi là Lilium, đã được Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) nêu bật những lợi ích về môi trường cũng như việc không cần hạ cánh xuống sân bay.
EHang 184
Nhà sản xuất máy bay không người lái của Trung Quốc EHang đã bay thử nghiệm một máy bay không người lái chở người ở Nevada, Mỹ. Phương tiện có một buồng lái với bốn cánh tay được trang bị tổng cộng tám cánh quạt.
Công ty cho biết 184 tự hành, vì vậy tất cả những gì hành khách phải làm là nhập điểm đến của họ trong ứng dụng điện thoại thông minh, ngồi vào và để máy bay không người lái tiếp quản. EHang 184 sắp ra mắt trong những năm tới.
Terrafugia TF-X
Terrafugia, có trụ sở tại Woburn, Massachusetts, Mỹ đang sản xuất một chiếc “ô tô bay” được gọi là TF-X - một chiếc ô tô có cánh tay gấp và cánh quạt để cất và hạ cánh thẳng đứng. TF-X vẫn đang được phát triển và ngày ra mắt vẫn chưa rõ ràng.
Volocopter
Volocopter VC200 bay lên bầu trời bằng cách sử dụng 18 cánh quạt quay nhẹ nhàng và động cơ điện. Nó được điều khiển bằng một tay với một phím điều khiển duy nhất, điều này đã cho thấy làm giảm nguyên nhân chính đằng sau các vụ tai nạn trực thăng chết người: lỗi của con người. Volocopter đã đạt được chứng nhận sản xuất cho eVTOL mới đây.
Hàn Quốc thương mại hóa năm 2028
Loại máy bay nhỏ này có thể cất cánh theo chiều thẳng đứng, đạt tốc độ 193 km/h, bay cao nhất 457m, không gây ồn như máy bay trực thăng và dự kiến sẽ được tung ra thị trường năm 2028.
Được biết đến với tên riêng SA-2, chiếc máy bay chở khách gọn nhẹ, có thể cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng như máy bay trực thăng, chạy bằng điện (eVTOL) sẽ được công ty Supernal của Hyundai Hàn Quốc cho bay thử nghiệm vào cuối năm 2023. Những phương tiện này sử dụng nhiều động cơ điện rải đều trên cánh quạt và khung sườn máy bay để tạo lực đẩy. Chiếc taxi bay của Supernal cũng tương tự như vậy, nó cất cánh nhờ 8 cánh quạt nghiêng được phân bổ trên thân, tạo ra đủ lực đẩy cần thiết cho cả cỗ máy. Bà Simay Akar, chuyên gia cao cấp của Viện Kỹ thuật Điện và Điện tử Hàn Quốc, cho biết mặc dù sẽ phải mất một thời gian để phương tiện bay cá nhân trở nên phổ biến, nhưng chắc chắn nó sẽ có một vai trò quan trọng trong giao thông vận tải đô thị ở tương lai.
Trung Quốc cũng vào cuộc
Máy bay tự động tối đa hai chỗ ngồi đã được Chính phủ Trung Quốc phê duyệt để đi vào hoạt động.
Theo báo Nikkei Asia, Ehang, một công ty khởi nghiệp (start-up) chuyên sản xuất thiết bị bay không người lái UAV của Trung Quốc, cho biết họ vừa nhận được giấy chứng nhận "đầu tiên trên thế giới" cho mẫu máy bay chở khách cất - hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL). Hãng EHang vừa nhận giấy chứng nhận an toàn cho phương tiện bay không người lái EH216-S từ Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC). Sự kiện này mở ra tiềm năng hàng không và tiến gần hơn đến hoạt động chở khách thương mại của phương tiện này.
Theo trang thông tin của Hãng Ehang, EH216-S là loại máy bay điện hoàn toàn tự động, chở được tối đa 2 hành khách, bao gồm 1 khoang chứa gắn với 8 cánh quạt gập và 16 động cơ đẩy. UAV này có thể di chuyển trong phạm vi 30km với tốc độ tối đa đạt 130km/h. Ông Hu Huazhi, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của EHang, cho biết công ty này sẽ "triển khai các hoạt động thương mại của mẫu eVTOL không người lái EH216-S với sự an toàn là ưu tiên hàng đầu". Tuy nhiên, Ehang không tiết lộ cụ thể thời điểm khai thác thương mại của phương tiện này. Từ tháng 1/2021, EHang nộp đơn đăng ký chứng nhận cho EH216-S. CAAC sau đó đã tổ chức hàng loạt đợt thẩm định nhằm kiểm tra độ bền kết cấu, khả năng chống va chạm và những hệ thống khác nhau của mẫu thiết kế này tại nhiều địa điểm ở Trung Quốc.
Quá trình thẩm định kết thúc vào cuối tháng 8/2023. Máy bay EH216-S đã đạt chuẩn sau khi hoàn thành 40.000 chuyến bay thử và vượt qua 500 hạng mục thử nghiệm. EHang được thành lập vào năm 2014 và cho ra mắt máy bay điện đầu tiên của hãng vào năm 2016. Ehang được cho là đang dẫn đầu thị trường phát triển thiết bị bay tại Trung Quốc.
Công ty Joby Aviation thuộc Hãng ô tô Toyota đã được các Cơ quan hàng không Mỹ cho phép thử nghiệm eVTOL vào cuối tháng 6/2023. Ở Nhật Bản, Hãng Honda và Công ty khởi nghiệp SkyDrive cũng đang hợp tác với Hãng Suzuki Motor nhằm chế tạo phần thân cho phương tiện eVTOL.