Thách thức đối với công nghiệp quốc phòng Châu Âu
Sự phát triển vững chắc của ngành công nghiệp quốc phòng với công nghệ tiên tiến là nền tảng thiết yếu để châu Âu đạt được một hình thức tự chủ chiến lược nhất định. Khả năng sản xuất các hệ thống vũ khí tiên tiến không chỉ làm tăng hiệu quả của lực lượng vũ trang mà còn củng cố nền tảng kinh tế và công nghệ của châu Âu trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng hiện nay.
Chiến tranh quay lại châu Âu đã cho thấy ngành công nghiệp quốc phòng hiện thiếu khả năng sản xuất các nguồn lực cần thiết để hỗ trợ một cuộc xung đột quân sự kéo dài với cường độ cao. Để đối phó với thiếu hụt về quân sự và công nghiệp này, các nước châu Âu đều tăng cường hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng.
Ngắn hạn hay dài hạn?
Gần đây, các nước châu Âu đều tăng ngân sách quốc phòng của mình. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), các nước châu Âu dự chi tổng cộng 417,8 tỷ USD. Ngân sách quốc phòng tăng mạnh ở Áo, Phần Lan, Hà Lan, Slovakia, Slovenia, Thụy Điển và Ba Lan.
Sự gia tăng chi tiêu quân sự này buộc các nước châu Âu phải cố gắng tìm kiếm sự cân bằng giữa một bên là thu hẹp khoảng cách quân sự và công nghiệp trong ngắn hạn và bên còn lại là tập trung vào đổi mới công nghệ trong dài hạn. Nhưng, hai điều này lại mâu thuẫn với nhau.
Trên thực tế, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chính phủ các nước châu Âu đã giảm đáng kể ngân sách quốc phòng và yêu cầu ngành công nghiệp tập trung vào sản xuất các hệ thống vũ khí chính xác, phản ứng nhanh và đặc thù dành cho các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát. Những yêu cầu này được đưa ra bởi thực tế mối quan tâm quân sự của các nước châu Âu đã dần chuyển sang chiến tranh “bất đối xứng”, tức là khả năng tham gia vào các chiến dịch quân sự cường độ thấp, thường dưới sự bảo trợ của lực lượng gìn giữ hòa bình và lực lượng vũ trang, chống lại các quốc gia nhỏ hoặc các nhân tố phi nhà nước.
Cuộc chiến ở Ukraine đã dẫn đến sự đảo ngược xu hướng và các nước châu Âu đang cố gắng định hướng lại ngành công nghiệp của họ theo hướng sản xuất vật tư chiến tranh để lấp đầy những khoảng trống về quân sự ngắn hạn, trong trường hợp xảy ra xung đột thông thường với một đối thủ ngang tầm. Việc đổi mới trọng tâm vào đầu tư ngắn hạn không phải là một quá trình chuyển đổi dễ dàng trong lĩnh vực này. Trên thực tế, nhiều dây chuyền sản xuất trong các lĩnh vực then chốt như đạn dược đã phải đóng cửa do thiếu đơn đặt hàng. Nguyên nhân là các nước châu Âu có xu hướng nhập khẩu từ các nhà sản xuất bên ngoài. Do đó, ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đã yêu cầu các chính phủ có kế hoạch dài hạn để đảm bảo đủ đơn đặt hàng để mở lại dây chuyền sản xuất.
Việc tập trung thu hẹp khoảng cách quân sự trong ngắn hạn có thể dẫn đến đánh giá thấp các khoản đầu tư cần thiết trong dài hạn: Năm 2021, chính phủ các nước châu Âu đã chi tổng cộng 52 tỷ euro đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng, trong đó có 43 tỷ euro (82%) được sử dụng để mua thiết bị quân sự và chi 9 tỷ euro (18%) được chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Điều này có thể khiến châu Âu gặp bất lợi so với Mỹ và Trung Quốc, những nước đang tập trung đầu tư vào công nghệ, như trí tuệ nhân tạo (AI), nhất là với sự phối hợp ngày càng tăng giữa công nghiệp quân sự và thương mại. Một số chuyên gia nhấn mạnh rằng, cơ hội sẽ bị bỏ lỡ nếu châu Âu quyết định tập trung tất cả vào đầu tư ngắn hạn và đánh giá thấp những thách thức lớn về công nghệ đang chờ đợi ngành công nghiệp châu Âu trong trung và dài hạn. Điều chủ yếu là những người ra quyết định ở châu Âu phải duy trì được sự cân bằng hợp lý giữa đầu tư ngắn hạn và dài hạn, ví dụ như bằng cách tăng ngân sách của Quỹ Quốc phòng châu Âu và các khoản đầu tư của quỹ này vào các công nghệ mới nổi và mang tính đột phá.
Tự chủ châu lục hay tự chủ quốc gia?
Với doanh thu 119 tỷ euro, 463.000 nhân công và hơn 2.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ, châu Âu là nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới về công nghiệp quốc phòng, sau Mỹ. Từ năm 2018 đến 2022, 5 nước xuất khẩu lớn nhất Tây Âu gồm Pháp, Đức, Italy, Anh và Tây Ban Nha, đã cung cấp 24% tổng lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu. Thị trường quốc phòng châu Âu cũng đã bắt đầu quá trình hội nhập thông qua việc sát nhập các tập đoàn công nghiệp lớn (ví dụ MBDA trong lĩnh vực tên lửa) và thông qua các sáng kiến của châu Âu nhằm thúc đẩy hội nhập thị trường.
Mặc dù quá trình hội nhập thị trường đang diễn ra, các nước châu Âu vẫn tiếp tục mua hàng nhiều hơn từ các nhà cung cấp ngoài EU so với các nhà cung cấp nội khối. Theo đó, lượng mua từ các nước ngoài EU chiếm 70% tổng lượng mua trong giai đoạn 2022-2023, trong đó 63% là từ một nhà cung cấp duy nhất, là Mỹ. Hơn nữa, các nước châu Âu tiếp tục sử dụng ngoại lệ theo Điều 346 của Hiệp ước EU để phớt lờ các quy định của EU và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước trong việc mời thầu (mỗi quốc gia dành 80-90% ngân sách chi cho trang thiết bị mới).
Việc cân nhắc đầy khó khăn giữa đầu tư ngắn hạn hay dài hạn có thể là một trong những lý do khiến các nước châu Âu tiếp tục mua hàng từ các nhà cung cấp ngoài châu Âu, nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Do sự phức tạp về công nghệ và cần có đầu tư lớn để có khả năng trong lĩnh vực này, ngành công nghiệp quốc phòng tập trung vào một số tập đoàn công nghiệp lớn. Điều này khiến các nước châu Âu vừa và nhỏ không có ngành công nghiệp quốc phòng mạnh buộc phải đa dạng hóa nguồn cung cấp, vừa từ các ngành công nghiệp nội khối, vừa từ bên ngoài. Thách thức chính là việc khuyến khích các tập đoàn lớn liên kết chuỗi giá trị với các nhà thầu phụ nội khối để giảm thiểu thiệt hại mà các quốc gia vừa và nhỏ phải gánh chịu bởi sự hội nhập sâu rộng này.