Thực hư công dụng của những thiết bị đo vi chất dinh dưỡng bán tràn lan trên thị trường

Thứ Bảy, 04/11/2023, 15:10

Thời gian gần đây, trên thị trường không chỉ xuất hiện một loại “bút thần kỳ” được quảng cáo chỉ cần chạm vào da là biết trẻ thiếu chất gì mà còn nhiều thiết bị tương tự khác cũng được quảng cáo với công dụng thần thánh. Tuy nhiên cơ quan quản lý đã khẳng định, đây chỉ là chiêu trò để bán thực phẩm chức năng, đồng thời cũng đưa ra cảnh báo đối với người dân.

Bán tràn lan các thiết bị đo chỉ số cơ thể

Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “bút đo vi chất”, lập tức hiện ra nhiều kết quả với những nhãn mác và công dụng đa dạng. Cụ thể, một chiếc “bút đo vi chất” có tên Vitastiq, giá khoảng 7,8 triệu đồng/sản phẩm. Sản phẩm này được giới thiệu nhập khẩu từ Croatia với những lời quảng cáo có cánh như: “Bút đo vi chất được thiết kế giống những chiếc bút cảm ứng kích thước lớn.

v1.jpg -0
Chỉ cần vài ba phút dùng ngòi bút di chuyển trên một số bộ phận cơ thể như đầu ngón tay là đã có kết quả hiển thị trên màn hình điện thoại

Chúng có khả năng theo dõi và đánh giá hơn 26 loại vitamin và khoáng chất quan trọng của cơ thể thông qua phần mềm điện thoại, máy tính. Qua đó bác sĩ có thể đánh giá bệnh nhân đang thừa hay thiếu dưỡng chất nào. Ngoài ra, sản phẩm cũng đưa ra gợi ý tư vấn và cách để người bệnh cân bằng vitamin và khoáng chất trong cơ thể. Từ đó theo dõi, so sánh các lần kiểm tra với nhau để đánh giá cải thiện sức khỏe. Bút đo vi chất Vitastiq Biomedical hiện được nhiều phòng khám, bệnh viện sử dụng nhất hiện nay. Sản phẩm sản xuất bởi Công ty cổ phần Vitastiq ở Croatia và có mặt tại hơn 90 quốc gia. Ở Việt Nam, sản phẩm được phân phối bởi Công ty cổ phần Biomedical Việt Nam”. 

Trên trang web biomedical.vn, thiết bị Vitastiq Biomedical được rao bán với lời khẳng định đây không phải là thiết bị y tế nhưng nó hỗ trợ phát hiện và ngăn ngừa tình trạng thiếu dinh dưỡng cho nhiều bệnh nhân. Sản phẩm đạt nhiều chứng chỉ chất lượng nghiêm ngặt của châu Âu như CE, FCC, ROSH,...

Cơ chế hoạt động của bút đo vi chất Vitastiq được quảng cáo dựa trên cơ chế điện châm theo Voll (EVA). Thiết bị này sẽ gửi một xung điện cực nhỏ qua cơ thể. Xung điện này sẽ kích thích các điểm cụ thể, làm thay đổi hoạt động của tế bào thần kinh. Khi đầu bút Vitastiq chạm vào một điểm mềm trên da, nó có khả năng đo điện trở tại vị trí đặt bút. Sau đó máy sẽ tự động so sánh với kết quả chuẩn được thiết lập sẵn để đánh giá mức độ thiếu hụt vi chất tại một vị trí. Từ đó chiếc bút này sẽ phát hiện một số vấn đề dinh dưỡng cơ thể đang gặp phải.

Thiết bị này giống như một hình thức châm cứu bằng dòng điện thay thế cho kim châm truyền thống. Bút đo vi chất Vitastiq được sử dụng để theo dõi tình trạng thay đổi vitamin và khoáng chất trong cơ thể để đưa ra cách cải thiện dinh dưỡng kịp thời. 

Phương pháp điện châm theo Voll được ứng dụng rộng rãi trong Y học hiện nay. Nhiều phòng khám, bệnh viện trên toàn thế giới sử dụng dịch vụ châm cứu điện để hỗ trợ điều trị các bệnh đau mãn tính như viêm khớp dạng thấp, đau đầu, đau thắt lưng,...

Trong vai người có nhu cầu mua loại mặt hàng này, chúng tôi liên hệ với một người bán hàng online. Người này cho biết: “Bút này bán rất chạy, được nhiều người mua phục vụ cho việc bán các sản phẩm dinh dưỡng. Chẳng hạn người bán cốm dinh dưỡng sẽ dùng bút này đo cho trẻ, thuyết phục phụ huynh rằng trẻ thiếu chất dinh dưỡng”.

Anh Lê Quốc Hưng (La Khê, Hà Đông, Hà Nội) một trong những người từng tin vào sản phẩm “bút đo vi chất” chia sẻ: “Trước đây tôi có tham gia một buổi tư vấn, thăm khám sức khỏe dinh dưỡng tại một gian hàng trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Hôm đó có rất nhiều phụ huynh cho con đến thăm khám. Nguyên nhân là mọi người được quảng cáo sẽ được thăm khám miễn phí và có một loại “bút thần kỳ”. Không cần máy móc thiết bị hiện đại, cũng không cần các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng chỉ cần chạm vào da bé là biết em bé đang thiếu những vi chất dinh dưỡng nào”.

Cũng theo anh Hưng kể lại thì chỉ vài ba phút dùng ngòi bút di chuyển trên một số bộ phận cơ thể như đầu ngón tay, ngón chân, nhân viên thông báo đã có kết quả hiển thị trên màn hình điện thoại. Những chấm màu xanh, đỏ, vàng thể hiện tình trạng thiếu nhiều hay ít các vitamin và vi chất dinh dưỡng. Kết quả trên được nhân viên đánh dấu chi tiết trên một tờ phiếu đo vi chất dinh dưỡng. Tờ phiếu được chuyển sang bàn của bác sỹ tư vấn. Nhiều loại thực phẩm chức năng được các bác sỹ kê vào đơn thuốc với yêu cầu cho trẻ uống để bổ sung vi chất, cho dù theo quy định của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng không được phép kê vào đơn thuốc.

Theo như người tiêu dùng phản ánh, cứ sử dụng loại “bút thần kỳ” này, ai cũng phát hiện thiếu một loại vi chất nào đó, các loại vitamin hay vi chất mà trẻ thiếu hụt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, đây thực chất chỉ là chiêu trò hù dọa tinh vi nhằm mục đích bán hàng của các đại lý, thực chất không có bất cứ loại công nghệ nào có thể đo được tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng của trẻ chỉ bằng cách tiếp xúc ngoài da mà không thực hiện các biện pháp xét nghiệm.

Dù loại bút đo vi chất không nằm trong danh mục thiết bị y tế được cấp phép hoạt động tại Việt Nam nhưng thông qua một chương trình được gọi tên là “Trạm dinh dưỡng”, rất nhiều lượt thăm khám bằng loại bút này đã được triển khai trên các địa phương trên cả nước.

Các phụ huynh vẫn tin tưởng cho con đến khám dinh dưỡng mà không hề biết rằng đây chỉ là một chiêu trò bán hàng của các công ty phân phối thực phẩm chức năng. Thậm chí, để đạt được hiệu quả, những đơn vị này còn sẵn sàng mạo danh cả bác sỹ của Bệnh viện Nhi Trung ương để thu hút người dân đưa con đến khám.

v3.jpg -0
Hầu hết những người bán thực phẩm chức năng đều sử dụng loại cân “phân tích chỉ số cơ thể”

Ngoài “bút đo vi chất”, trên thị trường còn rộ lên nhiều thiết bị phân tích chỉ số cơ thể, các thiết bị này được bán khá phổ biến trên mạng xã hội với giá chỉ 400.000 - 800.000 đồng/sản phẩm. Tại một trang website có tên

“thietbidochisocothe”, đăng bán khá nhiều các loại cân, đo chỉ số cơ thể. Đặc biệt loại cân có tên Reiwa, có thể đo được 10 chỉ số cơ thể, tính được độ mỡ trong nội tạng, được quảng cáo là hàng nhập Mỹ. Gọi theo số điện thoại được quảng cáo trên trang website, chúng tôi được một nhân viên cho biết, loại cân Reiwa này là công nghệ Nhật Bản, có xuất xứ từ nhiều nước khác nhau, tuy nhiên phổ biến là từ Trung Quốc. Giá của sản phẩm này là 690.000 đồng. “Ngoài đo cân nặng như sản phẩm cân bình thường thì cân này có thể đo được chỉ số nước, lượng cơ, xương, calo, mỡ trong cơ thể chính xác 100% chỉ sau 10 giây. Nếu nhà mình có người già và trẻ nhỏ thì mua chiếc cân này là hợp lý. Còn nếu chị chuẩn bị cho việc giảm cân thì nên mua để kiểm soát cân nặng, lượng mỡ dư thừa…” - nhân viên tư vấn.

Anh Lê Tùng (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), người từng mua và sử dụng loại cân phân tích chỉ số cơ thể trên mạng chia sẻ: “Thôi thấy các loại cân bán ở các cửa hàng thiết bị y tế rất đắt đỏ, có những cái cả chục triệu, thậm chí cả trăm triệu. Thấy trên mạng họ bán rẻ nên tôi quyết định mua 1 cái về nhà để sử dụng. Lúc đó tôi mua cái cân đo chỉ sổ cơ thể với giá 600.000 đồng. Tuy nhiên khi mang về nhà thì chúng chỉ có chức năng cân đo thông thường. Biết mình bị lừa nhưng cũng không có cách nào đòi lại được tiền”.

Sở Y tế cảnh báo lừa đảo

Trước thực trạng mua bán, sử dụng loại “bút đo vi chất”, mới đây Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản đề nghị Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã kiểm tra, ngăn chặn việc sử dụng “bút đo vi chất” để đo vi chất trên cơ thể người. Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên phương tiện truyền thông phản ánh một số nhân viên của cơ sở, cửa hàng mạo nhận là bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện khám, tư vấn, kê đơn cho trẻ em để cơ sở, cửa hàng bán thực phẩm chức năng bổ sung vi chất dinh dưỡng cho người dân. Đáng chú ý, các “bác sĩ dỏm” này còn sử dụng “bút đo vi chất” để đo vi chất trên cơ thể người.

Qua kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, “bút bi đo vi chất” nói trên không nằm trong danh mục trang thiết bị y tế được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Sử dụng “bút đo vi chất” đo vi chất trên cơ thể người, không được Bộ Y tế cho phép thực hiện để khám bệnh, chữa bệnh, đo vi chất cho con người. Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội không thẩm định, cấp phép cho cá nhân, cơ sở nào được thực hiện khám, chữa bệnh sử dụng “bút đo vi chất” để đo vi chất cho trẻ em, bán thực phẩm chức năng bổ sung vi chất dinh dưỡng cho người dân. Thanh tra Sở Y tế thông báo và đề nghị Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát ngay trên địa bàn vấn đề trên.

v2.jpg -0
Mặc dù được Sở Y tế cảnh báo nhưng loại bút “đo vi chất” này hiện vẫn bán công khai

Chia sẻ với báo chí, bác sĩ Nguyễn Viết Hậu, Bệnh viện Y dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế đã có nhiều người quan tâm quá mức, đặt niềm tin vào các ứng dụng theo dõi sức khỏe trên điện thoại và các dụng cụ đo lường định lượng, định tính như que thử vi chất, bút đo vi chất… Nếu muốn tự tầm soát sức khỏe bằng các công cụ, thiết bị, người sử dụng phải hiểu biết về hiệu quả, giới hạn của các thiết bị này. Quan trọng nhất là không được dựa hoàn toàn vào đó mà kết luận sức khỏe của mình.

Theo các bác sĩ, đo vi chất là một kỹ thuật rất phức tạp, ngay cả ở các cơ sở y tế cũng chỉ đo được nồng độ một số chất thông thường như natri, clo, canxi, magie… Trong khi đó, các chất như chì, đồng, kẽm… không phải bệnh viện nào cũng đo được mà phải gửi mẫu đến các trung tâm có kỹ thuật chuyên sâu mới có thể phân tích chính xác.

v4.png -0
Loại cân có thể phân tích chỉ số cơ thể trong vài giây được bán rất nhiều trên thị trường

“Ngay cả khi lấy mẫu máu để làm xét nghiệm, nhân viên y tế phải làm đúng kỹ thuật. Tiếp theo, phải tuân thủ các quy tắc bảo quản mẫu. Máy xét nghiệm phải được kiểm định, chạy mẫu thử thường xuyên… chứ không thể nào chỉ cần dùng một thiết bị rà trên da, dựa vào sắc ký đơn giản mà có các thông số chính xác. Quan trọng nhất là bệnh nhân phải đến bệnh viện làm xét nghiệm, khám lâm sàng…”, bác sĩ Nguyễn Viết Hậu nhấn mạnh.

Để kiểm tra sức khỏe một người, ngoài chuyên môn về y khoa, các bác sĩ còn phải sử dụng nhiều thiết bị như điện tim, X-quang, siêu âm… mới có thể có kết quả chính xác. Giả sử các bút đo vi chất có thể xác định được nồng độ của natri, canxi, đường… như người bán quảng cáo thì đó cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong các công đoạn cần thiết để có thể khám sức khỏe. Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu nhấn mạnh: “Mục đích của chúng ta là bảo vệ sức khỏe của mình và người thân. Nếu quá tin vào các thiết bị này mà không đến bệnh viện, có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Như vậy, chúng ta đang đi ngược lại với mục đích ban đầu là tầm soát sức khỏe”.

Phong Anh
.
.