Tranh cãi về chương trình vũ khí Iran
Trong khi Tehran cho rằng chương trình phát triển các tác nhân hóa học gốc dược phẩm (PBAs) của họ dùng như một công cụ để thi hành pháp luật thì Iran (cùng với Nga và Syria) đã bị Tổ chức chống vũ khí hóa học (OPCW) chỉ trích vì đã phát triển nên những tác nhân hóa học lưỡng dụng này. Bộ tài chính Mỹ, cùng bộ quốc phòng, Giám đốc tình báo quốc gia (ODN) và G7 đã bắt đầu hành động nhằm chống lại những thực thể Iran có liên quan đến hoạt động này.
Ở trong nước, các nhà báo Iran đã điều tra vụ hàng ngàn nữ sinh có những triệu chứng bị hoài nghi sự hiện diện của PBAs (một số người cho rằng đó là sự phản ứng của chính phủ Iran đối với phong trào biểu tình, trong khi chính phủ Iran tuyên bố đây là cuộc tấn công của kẻ thù không xác định). Giờ đây sau gần một năm giao tranh với Hezbollah với việc bắn hỏa tiễn gần như hàng ngày vào miền Bắc Israel, chính quyền Do Thái lo ngại Hezbollah có thể gây ra một cuộc đột kích xuyên biên giới khác như vụ ngày 7/10/2023 từ ngả Lebanon vào Israel, và tổ chức này có thể dùng các tác nhân PBAs để bắt cóc binh sĩ Israel triển khai dọc biên giới, tạo điều kiện cho các tay súng xâm nhập sâu hơn. Sau vụ 7/10, giới chức Mỹ đã ưu tiên vấn đề vũ khí hóa PBAs của Iran trong hoạt động ngoại giao của họ tại các diễn đàn đa quốc gia như OPCW và trong những cam kết song phương với các đồng minh trên thế giới.

Hiểm họa vũ khí hóa PBAs
Theo Văn phòng Trách nhiệm chính phủ Mỹ (GAO) thì PBAs được định nghĩa là “những chất hóa học dựa trên hợp chất dược phẩm, có thể hoặc không có mục đích sử dụng y tế hợp pháp, và có thể gây bệnh hoặc chết người nếu dùng sai mục đích”. PBAs không chỉ gây lo lắng về an ninh quốc gia mà còn có thể gây bệnh hoặc tử vong. Việc sử dụng hóa chất theo mục đích lưỡng dụng thường dùng cho y tế và thú y, song cũng có thể được vũ khí hóa để tấn công. Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu bật một trường hợp điển hình, đó là khoa hóa của Đại học Imam Hossein (Iran) đã tìm một lượng lớn Medetomidine (một loại thuốc gây mê thú y có tác dụng an thần) và thậm chí khoa này có rất ít các chương trình về nghiên cứu y học hoặc thú y. Đại học Imam Hossein đã nghiên cứu Medetomidine dưới dạng chất làm mất tác dụng khí dung, và số lượng được tìm kiếm (hơn 10.000 liều tác dụng) không phù hợp với mục đích nghiên cứu được báo cáo.
Trong một báo cáo vào tháng 4/2023 gửi cho Quốc hội Mỹ, Bộ Ngoại giao nước này xác định rằng tuyên bố về chất kiểm soát bạo loạn của Iran (RCA) (được yêu cầu theo CWC) là chưa đầy đủ. Báo cáo thường niên của Tổng thống Mỹ cho thấy rằng Iran đã chế ra nhiều hơn một chất kiểm soát bạo loạn được dán nhãn xuất khẩu nhưng chưa bao giờ tuyên bố nó là chất hóa học, và chỉ đơn thuần giữ lại dùng để kiểm soát bạo loạn.

Từ khí mù tạc đến các chất vô hiệu hóa dựa trên fentanyl
Việc sử dụng vũ khí hóa học (CW) là một vấn đề nhạy cảm. Trong khi Iran đăng ký hơn 50.000 nạn nhân của các vụ tấn công hóa học của Iraq cần chăm sóc y tế, thì một số báo cáo cho thấy rằng khoảng 1 triệu người Iran đã tiếp xúc với các tác nhân thần kinh (khí mù tạt) trong cuộc chiến Iran-Iraq. Theo tài liệu giải mật của CIA thì Iran cũng dùng vũ khí hóa học và các chất kiểm soát bạo loạn trong cuộc chiến Iran-Iraq, bao gồm việc dùng súng cối và đạn pháo để phát tán các chất hóa học này.
Theo CIA, Tehran bắt đầu sử dụng một lượng nhỏ CW kể từ năm 1984. Báo cáo năm 1988 của CIA cho thấy: “Iran đã dùng một lượng nhỏ vũ khí hóa học bắt đầu từ năm 1985, có lẽ là để huấn luyện hoặc thử nghiệm”. CIA quả quyết rằng Iran đã sản xuất khoảng 100 tấn tác nhân CW (phần lớn là mù tạt) vào năm 1987, và dự đoán thêm rằng nước này có thể sản xuất gấp đôi vào năm sau.
Trong báo cáo năm 2001 từ Giám đốc Tình báo Trung ương Mỹ (DCI) gửi cho Quốc hội nước này thì DCI tuyên bố rằng Trung tâm Kiểm soát vũ khí, không phổ biến vũ khí hạt nhân và tình báo vũ khí (WINPAC) của CIA quyết định rằng Iran đang theo đuổi chương trình sản xuất vũ khí ở quy mô nội địa, bao gồm vũ khí hóa học. Mặc dù là thành viên của CWC, Iran đang không ngừng tìm kiếm hóa chất, công nghệ sản xuất, đào tạo và chuyên môn từ các thực thể ở Nga và Trung Quốc để đạt được khả năng sản xuất nội địa”.
Trong làn sóng vụ tấn công nhà hát ở Moscow vào năm 2022, giới chức Mỹ và Israel cùng nói rằng Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và Bộ Quốc phòng Iran đã sát cánh để phát triển các loại vũ khí hóa học để trang bị cho lựu đạn và súng cối dùng cho tác chiến chiến thuật trên chiến trường. Các chuyên gia Mỹ và Israel cho rằng chính quyền Syria cùng các nhóm ủy nhiệm của Iran như dân quân người Shia (Iraq) và Hezbollah (Lebanon) sẽ được cung cấp PBAs được vũ khí hóa nhằm vô hiệu hóa đối thủ. Một khi hít phải, nạn nhân sẽ bị mất ý thức hoàn toàn khiến họ dễ dàng bị bắt làm tù binh. Ngoài ra việc cung cấp vũ khí hóa học cho các nhóm ủy nhiệm đã tạo ra nhiều lớp vỏ bọc khiến họ dễ dàng phủ nhận trách nhiệm.

Các lực lượng ủy nhiệm
Ngay từ năm 1988, các nhà phân tích tình báo Mỹ lưu ý rằng “Những phương pháp phân phối chiến thuật vũ khí hóa học (CW) nhờ có kinh nghiệm mà được cải thiện. CW có thể làm nên thành công chiến thuật như là một phần của kế hoạch hỏa lực tích hợp”. Vào ngày 5/6/2014, các nạn nhân của một vụ tấn công hóa học ở Irbin (Syria) đã biểu lộ những triệu chứng khó thở, nôn mửa và đỏ mắt, mất ý thức hoặc vô thức hoàn toàn. Tới ngày 12/8/2014, các nạn nhân ở Jobar (Syria) báo cáo lại là họ giảm nhận thức cùng với những triệu chứng khác. Giới chức Israel chỉ ra những trường hợp này là căn nguyên gây lo lắng rằng Iran có thể (hoặc có lẽ) đã cung cấp PBAs được vũ khí hóa cho các đối tác như chế độ Syria hoặc những lực lượng ủy nhiệm như dân quân Shia ở Iraq, hay Hezbollah ở Lebanon.
Một quan chức của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) giải thích: “Điều lo ngại nhất cho IDF là Hezbollah có được loại vật liệu này”. Hezbollah đã có những hệ thống phân tán hơi cay trên chiến trường như lựu đạn và súng cối, và có thể dùng chúng như những hệ thống phân phối lựu đạn chứa đầy PBAs. Quả vậy, IDF đặt ra giả thuyết rằng rất có thể Hezbollah đã có những hệ thống như thế và chúng sẽ được triển khai đến chiến trường để bắt cóc lính Israel đang chiến đấu dọc biên giới, hoặc là một phần của kế hoạch chui sâu vào đất Israel để tấn công các cộng đồng dân cư mà cuộc tấn công 7/10/2023 là một ví dụ.
Chương trình nghiên cứu của Iran
Năm 2018, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đánh giá trong một báo cáo thường niên rằng Iran đã không tuân thủ CWC vì đã không khai báo cơ sở sản xuất vũ khí hóa học (CW), việc chuyển giao CW, cùng việc giấu nhẹm thông tin một kho lưu trữ CW. Tới năm 2019, trong báo cáo thường niên đó, Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý rằng Iran đã không tuyên bố sở hữu hoàn toàn Chất kiểm soát bạo động (RCAs), và lo lắng “Iran đang theo đuổi PBAs vì các mục đích tấn công”. G7 bày tỏ lo lắng rằng Iran đã không tuân thủ CWC trong báo cáo tháng 4/2019 về giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tháng 12/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã chỉ đích danh tập đoàn Shahid Meisami (Iran) vì đã “thử nghiệm và sản xuất các tác nhân hóa học và tối ưu hóa chúng để đạt được hiệu quả và độc tính, nhằm trở thành các tác nhân vô hiệu hóa”.
Tập đoàn Shahid Meisami là một “tổ chức trực thuộc Tổ chức nghiên cứu và đổi mới phòng thủ Iran (tức SPND), đơn vị chịu trách nhiệm cho các dự án SPND (thử nghiệm và sản xuất tác nhân hóa học và biến chúng thành chất vô hiệu hóa). SPND được thành lập năm 2011 bởi nhà phát triển vũ khí hạt nhân người Iran, Mohsen Fakhrizadeh, người đã bị thiệt mạng bởi một vũ khí điều khiển từ xa (do điệp viên Israel triển khai) vào tháng 11/2020.
Sau này một cố vấn của Bộ Ngoại giao Iran đã giải thích với tờ New York Times: “Trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân, nano và chiến tranh sinh hóa, Ngài Fakhrizadeh là người ngang hàng với Tướng Qassim Soleimani nhưng theo cách hoàn toàn bí mật”. Tháng 12/2020, một người đứng đầu khác của tập đoàn Shahid Meisami cũng bị Mỹ bêu tên đó là Mehran Babri (người từng làm việc cho Phòng thí nghiệm nghiên cứu hóa học quốc phòng của Iran).
Sau đó Bộ Ngoại giao Mỹ báo cáo rằng tập đoàn Shahid Meisami cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các thực thể quân sự Iran. Chẳng hạn tập đoàn này đã tham gia các hội chợ triển lãm quốc phòng Iran, phát những tập gấp giới thiệu sản phẩm bao gồm loại lựu đạn cầm tay “Ashkan” tạo ra khói chứa chất kiểm soát bạo động Dibenzoxazepine (CR); hay hệ thống “máy phun mù” tạo ra khói và sương mù khá lớn trong thời gian ngắn.
Tháng 12/2021, Hội nghị Các quốc gia thành viên của Công ước CWC đã ra quyết định (chỉ có Iran, Syria, Nga phản đối) tái khẳng định về những quy tắc căn bản đối với việc dùng các hóa chất tác động lên hệ thần kinh trung ương (CNS) vì các mục đích thực thi pháp luật. Iran không ký vào quyết định này. Tháng 9/2023, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phân loại Iran là “mối họa dai dẳng” khi đề cập đến những thách thức của vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), lưu ý không chỉ chương trình hạt nhân của Iran mà còn cả việc nước này không tuân thủ CWC.
Báo cáo năm 2024 của Bộ Ngoại giao Mỹ có nhắc đến cái tên Lab Dookhtegan - một tổ chức tin tặc chuyên chống lại các nhân tố mạng do nhà nước tài trợ. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đề ngày 23/12/2023, Lab Dookhtegan đã đăng tải các tài liệu “liệt kê chi tiết một trường đại học quân sự Iran đang chế tạo lựu đạn nhằm phân tán Medetomidine - chất gây mê tác động lên hệ thần kinh trung ương”. Tháng 7/2024, Bộ Ngoại giao Mỹ đã áp lệnh trừng phạt chống lại Công ty nghiên cứu Hakiman Shargh vì đã phát triển và chuyển giao PBAs được vũ khí hóa cho Iran.
Kế hoạch chinh phục Galilee của Hezbollah
Suốt nhiều năm, tình báo Israel đã biết về một kế hoạch giả định của Hamas là xông thẳng qua biên giới vào Israel, song lại bác bỏ khả năng đó của Hamas và một mực đặt niềm tin cao độ vào các hệ thống phòng thủ tối tân của mình. Nhiều năm trước, các quan chức Israel đã khám phá ra việc Hezbollah đào nhiều đường hầm từ Lebanon đi vào địa giới Israel như là một phần của âm mưu đột kích thần tốc. Quả vậy, chiến dịch tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas chính là xuất phát từ kế hoạch của Hezbollah.
Trung tâm Giáo dục và Nghiên cứu Alma ở miền Bắc Israel đã đánh giá rằng đặc nhiệm Radwan của Hezbollah đã đạt được năng lực đủ để xâm lược Galilee từ năm 2022. Đó là một trong những lý do khiến hơn 6 vạn dân Israel từng rời bỏ nhà cửa ở miền Bắc Israel đã có tâm lý lo lắng khi quay trở lại. Và giới chức Israel đã nhanh tay hạ thủ chỉ huy Ibrahim Aqil cùng vài lãnh đạo khác của Đặc nhiệm Radwan trong cuộc không kích vào ngày 20/9/2024 chính là nhằm ngăn chặn cuộc xâm lược trên bộ này.