Tranh cãi việc cảnh sát trích xuất ADN của trẻ em để phá án
Những vệt máu nhỏ dùng để sàng lọc những tình trạng sức khỏe nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh - và dữ liệu di truyền học cũng dùng trong pháp luật. Gần đây, cảnh sát Mỹ đã trích xuất ADN từ máu trẻ em để giúp xác định hung thủ gây án từ cha của chúng. Tuy nhiên, việc này đã vấp phải sự phản đối từ một số tổ chức.
Thập niên 1970, các tiểu bang trên đất Mỹ đã thành lập những chương trình sàng lọc trẻ sơ sinh, trong đó y tá sẽ lấy vài giọt máu ở gót chân của trẻ, rồi gửi mẫu tới phòng thí nghiệm để xét nghiệm những loại bệnh mà trẻ gặp phải. Thời gian trôi qua, danh sách ngày càng đầy lên từ lúc chỉ có vài tình trạng bệnh thì nay đã lên đến hàng chục. Máu đã được dùng cho nhiều mục đích y tế, những sàng lọc như vậy sẽ giúp xác định trẻ em mắc phải những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như thế nào, và chúng đã thành công đáng kể trong việc giảm tỷ lệ tử vong và khuyết tật ở trẻ.
Tuy nhiên, một vụ kiện có hồ sơ công khai được nộp vào tháng 7-2022 tại tiểu bang New Jersey đã cho thấy những mẫu máu cũng có thể được cảnh sát sử dụng trong các cuộc điều tra hình sự.
Vụ kiện ở New Jersey cáo buộc rằng cảnh sát đã lấy máu của một trẻ sơ sinh (đứa trẻ giờ đang học tiểu học) để thực hiện phân tích ADN dính dáng đến cha đứa bé trong một vụ án khác. Cảnh sát dùng một kỹ thuật được gọi là điều tra gia phả di truyền (hoặc gia phả pháp y). Nó thường cô lập ADN còn sót lại tại hiện trường và dùng nó để tạo ra hồ sơ di truyền kỹ thuật số của đối tượng tình nghi.
Các điều tra viên có thể tải hồ sơ này lên những trang web về phả hệ, ở đó những người khác có thể tự do chia sẻ thông tin về ADN của họ với hy vọng sẽ kết nối với các thành viên gia đình, hoặc chỉ để biết về tổ tiên của mình. Vì ADN được chia sẻ ngay trong các gia đình nên các điều tra viên có thể dùng các kết quả tương đối để vạch ra cây phả hệ gia đình của đối tượng, đồng thời thu hẹp danh tính của họ.
Theo đơn kiện ở New Jersey, cảnh sát đã mở lại cuộc điều tra về một vụ án đã “thối” nhiều năm bằng cách dùng di truyền để đặt nghi phạm trong một gia đình cá thể: một hoặc vài người trưởng thành hoặc các con của họ. Song cảnh sát vẫn chưa có lý do chính đáng nhằm có được lệnh khám xét mẫu ADN từ bất kỳ ai trong gia đình đó. Thay vào đó, họ liên hệ với phòng thí nghiệm sàng lọc trẻ sơ sinh của tiểu bang New Jersey để lấy mẫu máu của một trong số những đứa trẻ.
Qua phân tích thông tin di truyền này đã cho thấy mối liên hệ khăng khít giữa ADN đứa trẻ và mẫu ADN được lấy tại hiện trường vụ án, từ đó chỉ đích danh cha đứa bé là người mà cảnh sát đang tìm kiếm. Điều đó là đủ để xác định nguyên nhân trong cuộc điều tra vụ hành hung, vì vậy cảnh sát đã tìm kiếm một cái trát tòa án để lấy được mẫu máu của người cha. Sau khi phân tích ADN của đối tượng này từ chiếc áo mà cảnh sát đã nhìn thấy sự khớp nhau với ADN của hiện trường vụ án.
Bà Jennifer Sellitti (một luật sư của Văn phòng bảo vệ công khai New Jersey, làm đại diện cho người cha) cho biết sự kết hợp các mẫu sàng lọc trẻ sơ sinh với gia phả di truyền đã mở ra cánh cửa cho ADN của bất kỳ ai được dùng trong điều tra hình sự. Vụ kiện nhắm vào Sở Y tế New Jersey và phòng thí nghiệm do tiểu bang này vận hành, nơi chuyên thực hiện sàng lọc trẻ sơ sinh. Trong một email gửi cho giới truyền thông, bà Nancy Kearney (phát ngôn viên của Sở Y tế New Jersey) không bình luận về vụ kiện tụng đang chờ xử lý. Phát ngôn viên của Sở Cảnh sát New Jersey cũng từ chối bình luận về vụ kiện.
Phả hệ di truyền đã lập nên tiếng vang khi lôi ra ánh sáng hung thủ Joseph James DeAngelo, kẻ có biệt danh “Sát thủ bang vàng” từ năm 2018. Kể từ đó nó đã được nhiều cơ quan pháp luật Mỹ sử dụng để phá hàng trăm vụ trọng án, kể cả nhiều vụ án đã bế tắc trong nhiều năm.
Kỹ thuật này rất hiệu quả khi mà nó giúp cảnh sát tiếp cận được kho dữ liệu ADN ngoài phương thức truyền thống của họ. Cho đến gần đây cơ sở dữ liệu chính mà cơ quan thực thi pháp luật xử lý là Hệ thống chỉ số ADN kết hợp (CODIS) được duy trì bởi FBI. Codis chứa khoảng 14 triệu hồ sơ ADN, song lại có những quy tắc hết sức nghiêm ngặt về loại hồ sơ nào được nộp: những người bị bắt hoặc bị kết trọng tội, hoặc hài cốt không xác định được danh tính.
Bà Natalie Ram, giáo sư luật tại Đại học Maryland, phát biểu: “Trong thời hậu vụ án James DeAngelo, các cơ quan pháp luật đang tìm kiếm để nhận dạng nghi phạm bằng cách dùng các mẫu di truyền, hoặc dữ liệu di truyền bên ngoài kho dữ liệu của cơ quan pháp luật”. Mặt khác vì không có luật liên bang nào quy định các chương trình sàng lọc trẻ sơ sinh nên các tiểu bang tự ra chính sách riêng của họ với từng căn bệnh mà họ xét nghiệm, hoặc các mẫu lưu trữ bao lâu, và sử dụng thế nào.
Tiểu bang Virginia chỉ giữ mẫu của trẻ sơ sinh trong vòng 6 tháng, trong khi Michigan giữ tới 100 năm. New Jersey lưu trữ mẫu máu khoảng 23 năm trước khi tiêu hủy chúng. Tại Mỹ, sàng lọc trẻ sơ sinh là bắt buộc, cha mẹ không cần phải đồng ý dù rằng họ có thể từ chối vì lý do tôn giáo. Máu trẻ sơ sinh cũng dùng cho nghiên cứu y sinh, dù một số tiểu bang yêu cầu phải có sự đồng ý của các bậc phụ huynh.
Tuy nhiên, việc lấy mẫu này vẫn đang vấp phải sự phản đối khi bà Crystal Grant (một chuyên gia công nghệ tại Liên đoàn tự do dân sự Mỹ - ACLU) tuyên bố: “Đó là một bước nhảy vọt trong các sai lầm về ADN của cơ quan thực thi pháp luật, đồng nghĩa mọi đứa trẻ chào đời ở Mỹ đều có thể bị cảnh sát giám sát”.