Trí tuệ nhân tạo và cuộc chạy đua an ninh mạng

Thứ Ba, 22/03/2022, 11:26

Doanh nghiệp trung bình nhận được 10.000 cảnh báo mỗi ngày từ nhiều công cụ phần mềm khác nhau được sử dụng để theo dõi những kẻ xâm nhập, phần mềm độc hại và những mối đe dọa khác. Chuyên gia an ninh mạng thường ngập đầu trong núi dữ liệu cần phải sắp xếp để quản lý các biện pháp phòng thủ không gian mạng.

Các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến hàng nghìn tổ chức và hàng triệu người chỉ riêng ở Mỹ. Những thách thức này nhấn mạnh sự cần thiết phải có những cách tốt hơn nhằm ngăn chặn hiệu quả làn sóng tấn công mạng. Trí tuệ nhân tạo (AI) đặc biệt thích hợp để tìm kiếm các mẫu trong lượng dữ liệu khổng lồ. Thực tế cho thấy AI đang nổi lên như một công cụ rất cần thiết trong bộ công cụ an ninh mạng.

Giúp đỡ con người

Cụ thể, có 2 cách chính sử dụng AI để tăng cường an ninh mạng. Đầu tiên, AI có thể giúp tự động hóa nhiều tác vụ mà chuyên gia phân tích con người thường xử lý thủ công. Chúng bao gồm tự động phát hiện các máy trạm, máy chủ, kho lưu trữ mã không xác định, cũng như phần cứng và phần mềm khác trên mạng. AI cũng có thể xác định cách tốt nhất để phân bổ các biện pháp bảo vệ an ninh. Đây là những tác vụ đòi hỏi nhiều dữ liệu và AI có tiềm năng sàng lọc hàng terabyte dữ liệu hiệu quả hơn nhiều so với những gì con người có thể làm. Thứ hai, AI có thể giúp phát hiện các mẫu trong số lượng lớn dữ liệu mà các nhà phân tích con người không thể nhìn thấy trên web đen và từ đó phát cảnh báo.

Cụ thể hơn, phân tích hỗ trợ AI có thể giúp phân biệt các biệt ngữ và từ mã mà tin tặc phát triển để bóc trần các công cụ, kỹ thuật và quy trình mới của chúng. Một ví dụ là sử dụng tên Mirai có nghĩa là mạng botnet. Tin tặc phát triển thuật ngữ này để che giấu chủ đề botnet khỏi các chuyên gia tình báo về mối đe dọa mạng. Hiện tại, AI đã có được một số thành công ban đầu trong lĩnh vực an ninh mạng. Càng ngày, những công ty khổng lồ như FireEye, Microsoft và Google nỗ lực phát triển nhiều phương pháp tiếp cận AI một cách sáng tạo nhằm phát hiện nhanh phần mềm độc hại, các chiến dịch lừa đảo trực tuyến và giám sát hoạt động phát tán thông tin sai lệch. 

Một thành công đáng chú ý là chương trình Tín hiệu mạng của Microsoft sử dụng AI phân tích 24 nghìn tỷ tín hiệu bảo mật, 40 nhóm quốc gia và 140 nhóm hacker để tạo ra thông tin tình báo về mối đe dọa mạng cho các giám đốc điều hành cấp C. Một số cơ quan tài trợ liên bang Mỹ như Bộ Quốc phòng và Quỹ Khoa học Quốc gia nhận ra tiềm năng của AI đối với an ninh mạng và đã đầu tư hàng chục triệu USD để phát triển nhiều công cụ AI tiên tiến trích xuất thông tin chi tiết từ dữ liệu được tạo ra từ dark web và các nền tảng phần mềm nguồn mở. Ví dụ như GitHub, một kho lưu trữ mã phát triển phần mềm toàn cầu, nơi tin tặc cũng có thể chia sẻ mã.

Trí tuệ nhân tạo và cuộc chạy đua an ninh mạng -0
Mặt người 3D trừu tượng với các hạt thập lục phân tan rã.

Nhược điểm của AI

Bất chấp những lợi ích đáng kể của AI đối với an ninh mạng, cộng đồng chuyên gia an ninh mạng vẫn đặt ra nhiều câu hỏi cũng như mối lo ngại về vai trò của AI. Các công ty có thể đang suy nghĩ về việc thay thế đội ngũ chuyên gia phân tích con người của họ bằng các hệ thống AI. Tuy nhiên, điều đáng lo vẫn là có thể tin tưởng vào các hệ thống tự động đến mức nào. Người ta cũng không rõ liệu những vấn đề về thiên vị, công bằng, minh bạch và đạo đức của AI sẽ xuất hiện như thế nào trong các hệ thống an ninh mạng dựa trên AI.

Ngoài ra, AI không chỉ hữu ích cho chuyên gia an ninh mạng đang cố gắng lật ngược tình thế chống lại hàng loạt cuộc tấn công mạng mà còn cho mạng lưới tin tặc nguy hiểm. Những kẻ tấn công đang sử dụng các phương pháp như học tập củng cố, tạo ra nội dung hoặc phần mềm mới để tạo ra các kiểu tấn công mạng mới có thể né tránh những biện pháp phòng thủ mạng. Cộng đồng nhà nghiên cứu và chuyên gia an ninh mạng hiện vẫn đang cố gắng tìm hiểu tất cả mọi cách mà hacker đang sử dụng AI.

Trí tuệ nhân tạo và cuộc chạy đua an ninh mạng -0
Tương lai AI trên lĩnh vực an ninh mạng.

Con đường phía trước

Về phía trước, có nhiều chỗ cho sự phát triển AI trong lĩnh vực an ninh mạng. Đặc biệt, các dự đoán mà hệ thống AI đưa ra dựa trên các mẫu mà chúng xác định được sẽ giúp chuyên gia phân tích phản ứng với mối đe dọa mới xuất hiện. AI là một công cụ hấp dẫn có thể giúp ngăn chặn làn sóng tấn công mạng và với sự trau dồi cẩn thận, có thể trở thành một công cụ cần thiết cho thế hệ tiếp theo của chuyên gia an ninh mạng. Tuy nhiên, tốc độ đổi mới hiện tại trong lĩnh vực AI cho thấy rằng cuộc chiến không gian mạng hoàn toàn tự động giữa những kẻ tấn công sử dụng AI và những người bảo vệ sử dụng AI có thể còn mất nhiều năm nữa mới xảy ra.

Duy Minh (Tổng hợp)
.
.