Triển vọng của năng lượng nhiệt tái tạo trong cuộc cách tân về khí hậu và công nghiệp
Các nhà hoạch định chính sách của cả hai đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Mỹ từ lâu đã ủng hộ các chính sách sản xuất điện bằng năng lượng sạch và cung cấp năng lượng cho ô tô và xe tải bằng các loại nhiên liệu thay thế, bao gồm cả điện.
Các nhà lập pháp đã ưu tiên những lĩnh vực này bởi chúng là những nguồn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất và việc đầu tư vào chúng sẽ kích thích nền kinh tế và tạo ra việc làm trong tương lai. Tuy nhiên, hiện cũng đã đến lúc Quốc hội Mỹ phải xử lý nguồn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ ba mà lâu nay vẫn bị xem nhẹ, đó là nhiệt lượng cần thiết để vận hành các quy trình công nghiệp.
Triển vọng của ngành công nghiệp non trẻ
Quy trình sản xuất của hầu hết mọi loại sản phẩm đều phụ thuộc vào sự nung nóng, chẳng hạn như để vận hành lò rèn thép và lò nung gốm sứ, để tạo ra các hóa chất đưa vào các sản phẩm mà chúng ta sử dụng hàng ngày, để chế biến thực phẩm và đồ uống, và để làm khô các sản phẩm làm từ giấy, sơn và các sản phẩm khác.
Đây chỉ là một vài trong số hàng nghìn cách các ngành công nghiệp Mỹ sử dụng việc đốt nóng như một phần thiết yếu trong hoạt động của họ. Sự đốt nóng này, còn được gọi là nhiệt năng, chiếm hơn 12% lượng khí thải của Mỹ, thậm chí còn phát thải nhiều hơn toàn bộ ngành nông nghiệp của Mỹ.
Nhiều công ty lớn của Mỹ đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu và năng lượng sạch và đã bắt đầu giải quyết lượng khí phát thải từ việc đốt nóng của họ, nhưng để đạt được những mục tiêu này, họ cần Quốc hội thông qua các chính sách liên bang mạnh mẽ nhằm thúc đẩy sự đổi mới, khuyến khích việc áp dụng sớm và tạo điều kiện mở rộng các giải pháp năng lượng sạch trong thương trường.
Việc giải quyết ô nhiễm khí carbon từ nhiệt năng sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh tế và môi trường. Nó sẽ giúp Mỹ tăng cường độc lập về năng lượng, chống lại lạm phát do giá năng lượng tăng và giảm sự phụ thuộc vào những kẻ chuyên quyền đang kiểm soát nguồn cung năng lượng lớn trên toàn cầu. Và cuối cùng, nó sẽ giúp các công ty trên toàn cầu của Mỹ vừa có thể cạnh tranh kinh tế mà vẫn giảm được lượng khí thải carbon của họ.
Ngược lại, nếu thất bại trong nỗ lực xử lý lượng khí thải này, Mỹ sẽ không có con đường khả thi nào để đảm bảo sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C - ngưỡng quan trọng mà các nhà khoa học nói rằng chúng ta không thể vượt qua nếu muốn tránh khỏi những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.
Khi Quốc hội cân nhắc cách thức tốt nhất để hỗ trợ ngành công nghiệp Mỹ, có một số lựa chọn thay thế đầy hứa hẹn cho nhiên liệu hóa thạch đang chờ đợi. Một là hấp thụ năng lượng mặt trời để làm nóng chất lỏng công nghiệp hoặc tạo ra hơi nước ở quy mô công nghiệp.
Một phương pháp khác là sử dụng khí sinh học - thu được từ các bãi chôn rác thải hoặc chuyển đổi từ chất thải động vật và thực phẩm - để thay thế khí đốt tự nhiên thông thường. Khí Hydro xanh, loại khí giúp loại bỏ khí thải bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo để tạo ra hydro đốt sạch, cũng có thể thay thế cho khí đốt tự nhiên thông thường và các nhiên liệu giao thông vận tải khác...
Những rào cản
Một trong các rào cản chính là công nghệ. Nghiên cứu và phát triển nhiều công nghệ năng lượng nhiệt tái tạo hứa hẹn này vẫn mới chỉ ở giai đoạn sơ khai. Và ngay cả những công nghệ đã có tên tuổi như là hydrogen thì cũng thường không có giá trị thương mại hoặc quá đắt nếu so với những lựa chọn nhiên liệu hóa thạch sẵn có như khí đốt tự nhiên.
Tiếp theo, việc thiếu các giải pháp phù hợp với tất cả khiến khả năng mở rộng các công nghệ như vậy trở thành một thách thức. Các quy trình công nghiệp và các lĩnh vực đều có những đòi hỏi khác nhau, bao gồm các yêu cầu về nhiệt độ và các ứng dụng công nghiệp. Nguồn cung cấp nhiên liệu sạch hơn và sẵn có cũng thường bị hạn chế, do mặt trời chiếu sáng mạnh hơn ở một số nơi, các giải pháp địa nhiệt không thể thực hiện được ở mọi nơi, trong khi chất thải động vật và thực phẩm ở xa nơi chúng có thể cần đến để làm nhiên liệu và khiến việc vận chuyển gây nhiều tốn kém.
Các rào cản về thị trường và chính sách cũng gây khó khăn trong việc thu hẹp khoảng cách giá giữa nhiên liệu nhiệt tái tạo và nhiên liệu hóa thạch, do đó làm chậm tiến trình áp dụng các công nghệ nhiệt tái tạo.
Việc giải quyết những rào cản này đang tỏ ra quá chậm chạp. Tuy nhiên, không một tổ chức nào có thể giải quyết chúng một mình. Đây là động lực thúc đẩy sự ra đời của nhóm Hợp tác Nhiệt tái tạo (RTC), một liên minh duy nhất do các bên mua dẫn đầu và bao gồm những người sử dụng năng lượng nhiệt thương mại và công nghiệp lớn cùng các nhà cung cấp giải pháp, những bên đã cùng nhau thành lập nhóm vào năm 2017 để đối đầu với thách thức này.
Tuy nhiên, ngay lúc này, thị trường năng lượng nhiệt tái tạo đang thiếu các chính sách khuyến khích từng được chứng minh là đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh việc triển khai điện tái tạo.
Vai trò của chính phủ
Dựa trên sự thành công này, Quốc hội nên hỗ trợ để các công nghệ nhiệt tái tạo đủ điều kiện được hưởng ưu đãi tín dụng thuế đầu tư 30%. Những công nghệ này sẽ bao gồm hydro xanh, điện khí có lợi, khí sinh học (bao gồm cả khí bãi chôn), khí tự nhiên tái tạo, lưu trữ năng lượng nhiệt mặt trời và năng lượng nhiệt.
Chỉ với các chính sách quốc gia mạnh mẽ, Mỹ mới có thể tạo ra một sự thay đổi lâu dài, có ý nghĩa, cần thiết để xử lý thách thức về năng lượng nhiệt và tái đầu tư vào ngành sản xuất của Mỹ ở quy mô xứng đáng. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này. Giờ đây, đã đến lúc Quốc hội thực hiện vai trò của mình trong việc đảm bảo Mỹ sẽ đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và duy trì tính cạnh tranh trên toàn cầu.