Trong cơn bão bùng nổ thị trường xe điện toàn cầu

Thứ Hai, 22/05/2023, 19:44

Thị phần xe điện toàn cầu đã có  bước tiến vượt bậc trong thập kỷ qua, và giới chuyên gia cho rằng xu hướng này sẽ còn tăng tốc trong những năm tới. Vài năm trở lại đây, trào lưu xe điện còn trở nên rõ rệt hơn trước nhu cầu chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu, cũng như nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt sau khi cuộc chiến Ukraine đã tạo nên một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.

Xe điện sẽ đóng vai trò trung tâm trong mục tiêu không phát thải đầy tham vọng được đặt ra cho năm 2050 và toàn ngành xe điện đang sẵn sàng chuẩn bị cho mục tiêu đó.

Xu hướng và triển vọng

Năm 2020, thị trường toàn cầu của tất cả các loại ôtô đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 và tình trạng suy thoái kinh tế sau đó, khiến số lượng đăng ký ôtô mới nhìn chung giảm mạnh. Vào thời điểm này, bối cảnh đại dịch cũng khiến triển vọng về doanh số bán xe ôtô toàn cầu trở nên khá khó đoán.

Trong cơn bão bùng nổ thị trường xe điện toàn cầu -0
Theo các số liệu trong báo cáo “Tầm nhìn Xe điện Toàn cầu 2023”, việc sử dụng xe điện có thể giúp tránh được 700 triệu tấn CO2 vào năm 2030.

Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là năm 2020 lại là một năm tích cực đối với ngành xe điện, với doanh số bán xe điện toàn cầu tăng 43% so với năm 2019 và thị phần ngành ôtô điện toàn cầu tăng lên mức kỷ lục - 4,6% vào năm 2020.

Năm 2021 là một bước tiến nhảy vọt đối với doanh số bán xe điện - tăng gấp đôi so với năm 2020, lên 6,75 triệu chiếc. Số lượng xe điện bán ra trong một tuần vào năm 2021 cao hơn số lượng bán ra trong cả năm 2012.

Xu hướng này trong năm 2022 vẫn tỏ ra mạnh mẽ, thậm chí phá vỡ các kỷ lục. Doanh số bán xe điện đã vượt 10 triệu chiếc, với 14% tổng số ôtô mới bán ra là ôtô điện, tăng khá cao từ mức 9% vào năm 2021 và dưới 5% vào năm 2020. Theo ước tính, có hơn 26 triệu ôtô điện lưu thông trên các đường phố toàn cầu vào năm 2022.

Với nỗ lực phi carbon hóa mà hầu hết các quốc gia hàng đầu hiện nay đang thực hiện nghiêm túc và được hỗ trợ bởi nhiều chính sách và ưu đãi khác nhau, doanh số bán xe điện toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm 2023.

Tại châu Á, tính đến nay, Trung Quốc đang thống trị thị trường xe điện, nhưng có một số thị trường phát triển nhanh khác hiện đang nổi lên trong khu vực. Một số quốc gia châu Á đang bắt đầu phát triển thị trường tiêu thụ xe điện và đẩy mạnh năng lực sản xuất phù hợp với quá trình chuyển đổi xanh.

Được dự báo là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai của G20 trong năm tài chính 2022- 2023, Ấn Độ đang trở thành điểm đến được các ông lớn trong ngành sản xuất ôtô săn đón để phát triển thị trường xe điện của họ, đặc biệt sau sự tăng trưởng kinh tế đáng kể trong những năm gần đây của nước này và sự sẵn sàng của chính phủ để bước vào quá trình chuyển đổi xanh. Không có gì lạ khi các hãng xe đang hy vọng tiếp cận thị trường tiêu dùng Ấn Độ với dân số hơn 1,4 tỷ người.

Mặc dù Trung Quốc vẫn thống trị thị trường sản xuất và bán xe điện ở châu Á và thế giới, nhiều ý kiến tỏ ra lạc quan về sự tăng trưởng nhanh chóng của các thị trường xe điện khác trong khu vực. Thật vậy, trong khi Indonesia và Ấn Độ cho thấy tiềm năng đáng kể để sản xuất xe điện, thì Thái Lan và Ấn Độ có thể phát triển các thị trường tiêu dùng khổng lồ. Với quy mô đầu tư nước ngoài ngày càng lớn hơn và sự hỗ trợ từ các chính sách của chính phủ, một số quốc gia ở châu Á có thể nhanh chóng vươn lên để cạnh tranh với thị trường xe điện ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Trong tương lai, theo báo cáo “Tầm nhìn Xe điện toàn cầu 2023”, có 3 kịch bản có thể xảy ra:

- Thứ nhất, đến năm 2030, lượng xe ôtô điện toàn cầu (không bao gồm xe điện 2 và 3 bánh) sẽ đạt gần 240 triệu xe và chiếm hơn 10% tổng số xe toàn cầu.

- Kịch bản thứ 2 tham vọng hơn là gần 250 triệu xe điện sẽ lưu thông trên các đường phố toàn cầu vào năm 2030 và doanh số bán xe điện sẽ chiếm hơn 35% tổng doanh số bán xe.

- Kịch bản 3 - “Không phát thải ròng vào năm 2050” - dự đoán rằng nguồn cung cấp xe điện toàn cầu sẽ đạt 380 triệu xe điện, với doanh số bán xe điện tăng lên tới 60% tổng doanh số bán xe vào năm 2030.

Trước những triển vọng tươi sáng này, một số nhà máy sản xuất xe điện đang lên kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất ôtô điện của họ nhờ sự tăng cường của các  chính sách hỗ trợ. Đây là một tin tốt cho thị trường nói chung vì điều đó có nghĩa là nguồn cung xe điện sẽ có thể bắt kịp nhu cầu.

Vai trò của các chính sách

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các chính sách của chính phủ và địa phương đóng một vai trò to lớn trong việc thúc đẩy xu hướng sử dụng xe điện trên toàn thế giới.

Trong cơn bão bùng nổ thị trường xe điện toàn cầu -0
Xe điện được chính phủ Indonesia ấn định là tương lai của ngành vận tải nước này.

Các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu vốn đang chứng kiến ​​doanh số bán xe điện tăng nhanh đã bắt đầu hành trình điện khí hóa của họ bằng cách đưa ra các chính sách khuyến khích mua xe điện. Các thị trường này còn đang chuyển từ khuyến khích bán ôtô điện sang hỗ trợ vận tải hạng nặng và sạc xe điện.

Chẳng hạn, Vương quốc Anh đã ngừng trợ cấp cho việc bán ôtô điện và dành 1,6 tỷ bảng để phát triển cơ sở hạ tầng sạc công cộng. Dự kiến, ​​300.000 bộ sạc công cộng sẽ được lắp đặt tại quốc gia này vào năm 2030.

Các chính sách liên quan đến xe điện rất quan trọng trong việc thúc đẩy các quốc gia hướng tới các mục tiêu điện khí hóa của họ. Trong khi một số quốc gia cố gắng bán 100% xe điện, những quốc gia khác có kế hoạch cấm hoàn toàn việc bán xe chạy bằng động cơ đốt trong (ICE), trong đó phải kể đến Argentina, Chile và Đan Mạch, các nước đặt mục tiêu cấm ICE lần lượt vào năm 2040, 2035 và 2030. Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Anh, Slovenia, Iceland, Mexico thì đặt mục tiêu sẽ bán ôtô 100% chạy bằng điện với các mốc thời gian đặt ra dao động từ 2030 đến 2050.

Tai Đông Nam Á, khu vực có mật độ dân số cao, các chính phủ cũng đưa ra nhiều chính sách ưu tiên cho ngành công nghiệp xe điện.

Indonesia là nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á và nước này đang dần phát triển năng lực sản xuất xe điện phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng của mình. Chính phủ hy vọng sẽ sản xuất được 13 triệu xe máy điện và 2,2 triệu ôtô điện vào cuối thập kỷ này. Điều này được hỗ trợ bởi ngành công nghiệp khoáng sản và kim loại lâu đời của đất nước, với trữ lượng niken khổng lồ - khoảng 52% tổng số toàn cầu. Niken, cùng với các kim loại và khoáng chất khác, là một thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất pin xe điện và việc tìm nguồn cung ứng tại địa phương có thể giúp cắt giảm chi phí sản xuất.

Indonesia đặt mục tiêu đạt được lượng khí thải carbon bằng 0 vào năm 2060, được hỗ trợ bởi điện khí hóa ngành giao thông vận tải. Giao thông vận tải chiếm khoảng 40% tổng mức tiêu thụ năng lượng của đất nước, cũng như đóng góp 13% vào ô nhiễm không khí của Indonesia. Chính phủ đã đưa việc chuyển sang xe điện vào Kế hoạch tổng thể quốc gia về công nghiệp (RIPIN) 2015-2035 và sản xuất xe điện đã tăng đều đặn kể từ đó. Theo Kế hoạch trung hạn quốc gia 2020-2024, tiểu bang cũng có kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ cần thiết cho việc triển khai xe điện trên toàn quốc.

Trong khi đó, tại Thái Lan, một nền kinh tế khổng lồ khác của Đông Nam Á, các chính sách trợ cấp của chính phủ đang giúp thị trường xe điện của nước này phát triển nhanh chóng. Ngoài ra, một số công ty Trung Quốc đang tìm cách triển khai các hoạt động sản xuất tại Thái Lan, bao gồm Great Wall Motor (GWM), SAIC Motor và BYD. Chính phủ Thái Lan cung cấp các khoản trợ cấp từ 2.000 USD đến 4.350 USD cho các xe điện đủ điều kiện, cũng như giảm thuế quan và thuế bán hàng, để khuyến khích sử dụng xe điện. Trong hai tháng đầu năm, một nghiên cứu cho thấy xe điện chạy bằng pin chiếm 6,2% tổng doanh số bán ôtô mới. Hiện tại, các mẫu xe điện bán chạy nhất đến từ các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc, mang đến cho người tiêu dùng những lựa chọn thay thế rẻ hơn so với các đối thủ châu Âu và Bắc Mỹ.

Tại Việt Nam, nhận thấy tầm quan trọng và xu hướng phát triển xe điện, chính phủ cũng đã ban hành một số chính sách nhằm khuyến khích người dân sử dụng loại phương tiện này, chẳng hạn như miễn toàn bộ phí trước bạ cho ôtô điện trong 3 năm, tính từ 1/2/2022. Từ 1/3/2025 đến 28/2/2027, mức phí trước bạ đối với xe ôtô thuần điện sẽ chỉ bằng một nửa so với xe chạy bằng động cơ đốt trong với cùng số lượng chỗ ngồi.

Về phần mình, khu vực tư nhân và đặc biệt là các nhà sản xuất ôtô đã phản ứng tích cực với những thay đổi đang diễn ra trên thị trường. Nhiều nhà sản xuất ôtô đã tuyên bố mục tiêu điện khí hóa một phần hoặc toàn bộ các loại xe hơi mà họ sản xuất. Chẳng hạn, hãng Volkswagen của Đức đặt mục tiêu từ nay đến 2033, 100% số xe hơi bán ra thị trường châu Âu đều hoàn toàn chạy bằng điện, trong khi Mitshubishi của Nhật Bản đặt mục tiêu 100% số xe bán ra thị trường toàn cầu của họ vào năm 2035 sẽ là xe điện.

Đòi hỏi về công nghệ

Sự gia tăng số lượng đăng ký ôtô điện dẫn đến nhu cầu gia tăng sản xuất pin lithium-ion cho ô tô. Vào năm 2022, nhu cầu về pin xe điện tăng 65% so với năm trước khi doanh số bán xe điện tiếp tục tăng ở tất cả các thị trường, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Sự gia tăng nhu cầu về pin có thể là do doanh số bán xe điện thuần pin (BEV) và xe chạy pin/cắm điện/đổ xăng (PHEV) ngày càng tăng, đòi hỏi pin có kích thước lớn hơn so với xe lai điện - xe có thể vừa chạy bằng điện vừa chạy bằng xăng (HEV).

Trung Quốc vẫn là quốc gia hàng đầu về sản xuất pin, đặc biệt là sản xuất pin hạng nặng. Tuy nhiên, châu Âu không ở lại phía sau. Theo “Bloomberg”, thị phần sản xuất pin toàn cầu của châu Âu có thể tăng lên 31% vào năm 2030.

Rõ ràng là để hỗ trợ nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện, các yếu tố khác nhau của chuỗi cung ứng pin xe điện sẽ phải tăng lên, từ việc khai thác các nguyên liệu thô như lithium hoặc niken cho đến quá trình sản xuất xe điện.

Khi nhu cầu điện để sạc xe điện tăng lên, nhu cầu bảo vệ lưới điện cũng tăng theo. Việc lập kế hoạch cẩn thận về cơ sở hạ tầng điện, sử dụng rộng rãi sạc thông minh và triển khai các giải pháp quản lý năng lượng thông minh để quản lý phụ tải đều rất quan trọng để đảm bảo hệ thống điện khỏe mạnh và cân bằng.

Ngoài ra, hiện hầu hết quá trình sạc điện vẫn diễn ra ở nhà hoặc nơi làm việc, nhưng khi càng có nhiều xe điện di chuyển trên đường thì càng cần nhiều điểm sạc công cộng để hỗ trợ việc sử dụng rộng rãi xe điện.

Năm 2022, có 2,7 triệu điểm sạc công cộng trên toàn cầu, và 900.000 trong số này đã được lắp đặt trong năm, tương đương mức tăng trưởng 55% so với năm 2021. Đối với cả sạc AC chậm và sạc DC nhanh, Trung Quốc đã thống trị thị trường vào năm 2022. Trong năm, 360.000 điểm sạc chậm và gần 297.000 điểm sạc nhanh đã được lắp đặt tại Trung Quốc.

Xe điện có thực sự “xanh” hơn?

Trước sự bùng nổ của thị trường xe điện, bắt đầu có nhiều nghi vấn đặt ra xung quanh nó, đặc biệt là câu hỏi có vẻ như đi ngược số đông: “Liệu xe điện có thực sự thân thiện hơn với môi trường so với xe chạy bằng động cơ đốt trong?”.

Các chuyên gia đều đồng ý rằng xe điện tạo ra lượng khí thải carbon thấp hơn trong suốt vòng đời của chúng so với xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống.

Tuy nhiên, lưới điện ở hầu hết các nơi trên thế giới vẫn được cung cấp năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như than đá hoặc dầu mỏ và xe điện phụ thuộc vào năng lượng đó để được sạc. Ngoài ra, sản xuất pin cho xe điện vẫn là một quy trình sử dụng nhiều năng lượng, và sản xuất xe điện dẫn đến lượng khí thải nhiều hơn đáng kể so với sản xuất xe chạy xăng... mà chủ yếu là từ sản xuất pin.

Một nghiên cứu từ Sáng kiến Năng lượng của Viện Công nghệ Massachusetts đã phát hiện ra rằng việc sản xuất pin và nhiên liệu cho xe điện tạo ra lượng khí thải cao hơn so với việc sản xuất ô tô truyền thống. Tuy nhiên, những tác động đến môi trường cao hơn đó lại được bù đắp bằng hiệu suất năng lượng vượt trội của xe điện theo thời gian.

Nói tóm lại, tổng lượng khí thải trên mỗi dặm đối với ôtô chạy bằng pin thấp hơn so với ôtô tương đương sử dụng động cơ đốt trong.

Sergey Paltsev, nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại MIT Energy Initiative, và là một trong những tác giả của nghiên cứu trên, nói với CNBC: “Nếu chúng ta xem xét tình hình hiện tại, ở một số quốc gia, xe điện vẫn tốt hơn ngay cả với lưới điện hiện tại”. Paltsev giải thích rằng toàn bộ lợi ích của xe điện sẽ chỉ được nhận ra sau khi các nguồn điện có thể tái tạo và có thể mất vài thập kỷ để thấy rõ được điều này.

Ngọc Bích
.
.