Trung Quốc thử "sức mạnh mềm" của đồng Nhân dân tệ
Thế vận hội mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh không chỉ là cơ hội để Trung Quốc thể hiện tiềm lực trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng tiên tiến và những nhạy bén, linh hoạt trong quá trình tổ chức.
Đây còn là dịp để thế giới thấy được nhiều thành tựu công nghệ khác nhau của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Trong đó phải kể đến những màn trình diễn âm thanh, ánh sáng đầy ấn tượng trong lễ khai mạc và bế mạc của Thế vận hội; những trải nghiệm của du khách qua các dự án giao thông quy mô, mua sắm và giao hàng bằng robot hay thậm chí là cả công nghệ tạo tuyết tiên tiến.
Sự choáng ngợp của thế giới bên ngoài chắc chắn không thể bỏ qua việc họ lần đầu tiên được thực hiện các giao dịch bằng đồng tiền kỹ thuật số được ngân hàng trung ương phát hành, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (NDT số), với tên tiếng Anh là e-CNY.
Giai đoạn khởi động
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) được truyền thông nhà nước dẫn lời cho biết đồng tiền kỹ thuật số mới e-CNY, được sử dụng để thanh toán các giao dịch có trị giá khoảng 2 triệu NDT (315.761 USD) trở lên mỗi ngày trong giai đoạn khởi động này.
Những thông tin về đồng tiền kỹ thuật số của nước này không phải là mới, song điều đáng chú ý là thời điểm Trung Quốc lựa chọn phát hành đồng tiền khi số lượng khổng lồ các vận động viên và người nước ngoài quy tụ về đây để tham dự Thế vận hội, và điều này đồng nghĩa với việc các vận động viên, huấn luyện viên và truyền thông trên toàn thế giới có thể dùng đồng NDT số thông qua các ứng dụng thông minh trên điện thoại, thẻ thanh toán hoặc các thiết bị khác.
Giám đốc Viện Nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số của PBoc Mạc Trường Xuân (Mu Changchun) chia sẻ trong một hội thảo trực tuyến của Hội đồng Đại Tây Dương hồi trung tuần tháng 2 rằng tuy chưa có số liệu thống kê chính xác, song ước tính có khoảng vài triệu e-CNY được giao dịch mỗi ngày.
Hiện cũng chưa có các số liệu cụ thể và phân tích về tỷ lệ giao dịch của công dân Trung Quốc và khách nước ngoài song có một số xu hướng nhất định. Theo ông Mạc Trường Xuân, dễ thấy nhất là việc người dùng nước ngoài ưu tiên dùng các thẻ thanh toán NDT số, trong khi người tiêu dùng trong nước lại chuộng các ứng dụng hơn.
Nhiều máy rút tiền tự động đặc biệt (ATM) được đặt tại một số địa điểm trong bong bóng Olympic, nơi chỉ có các vận động viên, giới chức và ban tổ chức. Nhờ các máy ATM này, người dùng có thể đẩy tiền ngoại tệ vào và chuyển đổi thành NDT số hoặc NDT thông thường. Tất nhiên, những tiện ích luôn đi kèm với hoài nghi.
Hãng tin Reuters cũng nhanh chóng đặt dấu hỏi về vấn đề an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu, dẫn lời một số nghị sỹ Mỹ cảnh báo chính quyền về việc đảm bảo an toàn và an ninh thông tin cho các vận động viên tham dự sự kiện thể thao quốc tế. Trong bối cảnh Mỹ tẩy chay Thế vận hội, các nhà lập pháp Mỹ thậm chí còn cảnh báo đồng NDT số là “mối đe dọa an ninh khủng khiếp đối với người dùng cá nhân”. Một số nước châu Âu như Anh cũng đặt ra câu hỏi tương tự về vấn đề an ninh.
Sự chuẩn bị dày công
Trước những hoài nghi không thể tránh khỏi, PBoC nhiều lần nhấn mạnh cơ quan này đặc biệt coi trọng việc đảm bảo thông tin cá nhân người dùng. Tháng 11-2021, Thống đốc PBoC Dịch Cương (Yi Gang) tuyên bố ngân hàng này chỉ thu thập thông tin trên cơ sở “tối thiểu và cần thiết” trong các ứng dụng NDT số, đồng thời có các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ việc lưu trữ và sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng.
Thực tế việc e-CNY “âm thầm” ra mắt, hòa cùng bối cảnh dư luận quốc tế dồn sự chú ý cho sự kiện thể thao quan trọng, và thực tế là truyền thông đưa tin không hề đậm nét về sự kiện này cũng như việc các vận động viên và những người tham gia có trải nghiệm gì, không đồng nghĩa với việc đây không phải là điều đáng chú ý. Giới chức phụ trách phát triển e-CNY tại PboC nhiều lần nói rằng đồng tiền này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa sẵn sàng để triển khai toàn bộ.
Tuy nhiên, trong vài tháng trở lại đây, việc phát triển e-CNY đã dần vượt qua một số rào cản lớn và PboC đã từng bước giải tỏa các hoài nghi quanh đồng tiền này. Do đó, có thể hiểu việc e-CNY ra mắt đúng vào Thế vận hội mùa Đông là một phần trong quá trình triển khai “chậm mà chắc” đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên của một ngân hàng trung ương trên thế giới.
PBoC đã theo đuổi cách tiếp cận thận trọng suốt 2 năm qua, với đợt thử nghiệm ở một số thành phố lớn trong suốt năm 2021. Quá trình phát triển e-CNY có vẻ như đã được đẩy nhanh ngay từ đầu năm 2022 khi PBoC cung cấp ví tiền kỹ thuật trên các cửa hàng ứng dụng iOS và Android tại Trung Quốc.
Ước tính hiện có khoảng 470 triệu NDT (tương đương gần 74 triệu USD) hiện đang được giữ trong các ví điện tử. Tuy nhiên, đây chỉ là một tỷ lệ nhỏ trong tổng nguồn cung tiền tệ của Trung Quốc. Nói cách khác, quá trình mở rộng quy mô sử dụng e-CNY chỉ mới bắt đầu, và sẽ có thêm nhiều cuộc thử nghiệm mở rộng tại các không gian địa lý khác nhau trong năm 2022.
Trong nhiều báo cáo và tuyên bố truyền thông, PBoC đã làm rõ hơn các mục tiêu trong việc tung ra đồng tiền kỹ thuật số này. Theo đó, e-CNY được xem là phiên bản kỹ thuật số được pháp luật thừa nhận của đồng NDT, loại tiền mặt do ngân hàng Trung ương phát hành đang lưu thông, hay còn gọi là M0. Ví điện tử mà khách hàng mở do đó không bị coi là tài khoản ngân hàng và sẽ không sinh lãi. Được coi có giá trị ngang tiền mặt, e-CNY được PBoC hậu thuẫn và hoàn toàn không có rủi ro. Tuy nhiên, đồng tiền này sẽ được đưa vào hoạt động bởi nhiều nhà cung cấp dịch vụ thanh toán khác nhau.
Theo hệ thống này, chỉ các ngân hàng mới có thể chuyển đổi e-CNY thành tiền gửi ngân hàng và ngược lại, tính cả các ngân hàng chỉ hỗ trợ dịch vụ kỹ thuật số như WeBank của Tencent và MyBank của tập đoàn Ant. Về bản chất, điều này cho thấy vai trò trung tâm của các ngân hàng trong hệ thống tài chính Trung Quốc và có khả năng ngăn chặn tình trạng gián đoạn, một trong những mối lo ngại chính Trung Quốc ra mắt tiền điện tử của ngân hàng trung ương (được gọi là CBDC).
E-CNY có nhiều thuộc tính giống tiền mặt của đồng NDT thông thường, chẳng hạn như việc tiến hành các khoản thanh toán hay giao dịch nhỏ dù thiết bị không kết nối Internet hay các ứng dụng ví điện tử có thể sử dụng công nghệ NFC (công nghệ kết nối không dây tầm ngắn, sử dụng cảm ứng từ trường để thực hiện kết nối). Do đó, điều này sẽ thúc đẩy cả việc sử dụng rộng rãi hơn, cũng như giảm bớt những lo ngại về quyền riêng tư, và có thể hiểu đơn giản là e-CNY khác với các ứng dụng thanh toán điện tử đang thống trị Trung Quốc như Alipay và WeChat Pay.
Tất nhiên, khía cạnh này lại cũng dẫn đến không ít tranh luận và lo ngại. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, trong 2 năm phát triển và triển khai, PBoC đã từng bước giải quyết những rào cản và băn khoăn liên quan tới đồng tiền này. Theo giới chức PBoC, e-CNY được cho là “bổ sung” hơn là thay thế các ứng dụng thanh toán điện tử. Về cơ bản, thiết kế hai cấp (two-tier) của e-CNY có nghĩa là cơ sở hạ tầng hỗ trợ do PBoC cung cấp, trong khi giao diện người dùng lại là do các ngân hàng và nhà cung cấp thanh toán tư nhân quản lý.
Tiềm năng lớn
e-CNY hoạt động ngoại tuyến và vì vậy nó có thể được sử dụng dễ dàng trong các giao dịch có giá trị nhỏ giống như tiền vật lý với cùng một mức độ ẩn danh. Trong các trường hợp khác, số lượng lớn tiền được giao dịch bằng e-CNY sẽ nằm trong nhóm có thể giám sát, nhằm ngăn chặn các hành vi rửa tiền, trốn thuế và tham nhũng. So với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán lớn, e-CNY cho phép người dùng có mức độ ẩn danh nhiều hơn trong các giao dịch nhỏ, với yếu tố quan trọng là bảo vệ thông tin cá nhân tốt hơn, nhưng vẫn có thể tạo hồ sơ để giới chức có thể truy tìm các hoạt động bất hợp pháp khi cần thiết.
Hệ thống e-CNY cũng có thể trở thành giải pháp đề phòng cho Alipay và WeChat Pay. Nếu các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán đang thống lĩnh thị trường thanh toán điện tử này của Trung Quốc gặp phải sự cố trong các vấn đề tài chính, cơ sở hạ tầng hoặc kỹ thuật, đồng NDT số sẽ vẫn hoạt động trên các ứng dụng và ví điện tử.
Cơ sở hạ tầng của e-CNY thậm chí còn có thể là động lực khuyến khích hơn sự cạnh tranh và đổi mới trong không gian thanh toán, cung cấp các lựa chọn thanh toán kỹ thuật số phổ biến, giá rẻ và dễ truy cập. Những kỳ vọng này có thể là yếu tố thúc đẩy đáng kể những kế hoạch về tài chính và thúc đẩy tăng trưởng công bằng, phù hợp với mục tiêu thịnh vượng chung mà Trung Quốc hướng đến.
Đầu năm 2022, đồng NDT số đã được thiết kế và điều chỉnh tương thích với các ví điện tử của Alipay và WeChat Pay, và cả 2 nền tảng này hiện nay đều đã là một phần của hệ sinh thái e-CNY. Nhìn vào thực tế này, có thể thấy cơ sở hạ tầng thanh toán điện tử với những bước tiến đáng kể tại Trung Quốc đang được tận dụng triệt để. Thậm chí người dùng còn không nhận ra những thay đổi khi sử dụng Alipay và WeChat Pay. Những thay đổi chỉ có thể nhận ra dễ hơn khi người dùng chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang các ví điện tử Alipay và WeChat Pay.
Tuy nhiên, vẫn còn đó hàng loạt tranh cãi và băn khoăn. Một trong những cuộc tranh luận được quan tâm nhất là hệ sinh thái e-CNY sẽ sử dụng sổ cái kỹ thuật số hay công nghệ “blockchain” ở mức độ nào trong khi các báo cáo của PBoC, đặc biệt liên quan đến nghiên cứu và phát triển NDT số, với nội dung được công bố hồi tháng 7-2021, bị nhiều người xem là khá mơ hồ khi xét đến vấn đề nền tảng kỹ thuật.
PBoC khẳng định họ sử dụng các thuật toán đáng tin cậy và mã hóa đặc biệt được tích hợp phần cứng và phần mềm. Về cơ sở hạ tầng, thiết kế đồng NDT số là sự kết hợp giữa mô hình phân tán và nền tảng, hay còn được hiểu là thiết kế phi tập trung và tập trung (Các hệ thống như Paypal, Webmoney, Payoneer, tài khoản Apple Pay, hay Google Wallet là các đơn vị quản lý tiền kỹ thuật số tập trung.
Trong khi đó tiền kỹ thuật số phi tập trung có thể ví dụ như Bitcoin, Ethereum, Bitcoin Cash, Ripple và những loại tiền ảo khác…). Thiết kế nền tảng là giống những gì Alipay và WeChat Pay sử dụng, đồng thời phù hợp cho việc mở rộng hệ sinh thái này phù hợp hơn với khả năng mở rộng. Nói một cách đơn giản hơn, các bộ phận của hệ thống sẽ sử dụng một số dạng công nghệ sổ cái phân tán, song hầu hết vẫn dựa trên một nền tảng tập trung do PBoC vận hành.
Điều này thể hiện lợi thế lớn trong tương lai của e-CNY. Khả năng truy xuất nguồn gốc của đồng tiền này sẽ cung cấp cho PBoC thông tin chi tiết theo thời gian thực ở mức độ và quy mô chưa từng có về việc tạo, ghi nhớ giao dịch và lưu thông tiền trong nền kinh tế Trung Quốc. Tùy thuộc vào cách PBoC sử dụng, xử lý và phân tích các dữ liệu này, đây có thể là tiền đề cho một cuộc cách mạng hóa chính sách tiền tệ, cho phép các nhà hoạch định chính sách và hữu trách tinh chỉnh các biện pháp can thiệp tiền tệ nhanh chóng và sát sườn hơn.
Về mặt lý thuyết, những căng thẳng và rủi ro tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính có thể được phát hiện sớm và giải quyết trọng điểm hơn. Thậm chí, những công nghệ này còn có thể giúp chính phủ Trung Quốc huy động và tập trung hiệu quả nguồn lực cho các mục tiêu xã hội và sinh thái khác, như các hoạt động cộng đồng và các dự án xanh.
Nhìn từ những góc độ đó, việc “âm thầm” ra mắt trong Thế vận hội mùa Đông 2022 mới chỉ là một sự khởi đầu đầy táo bạo của đồng NDT số.