Trung Quốc với “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”
Tại diễn đàn BRI lần thứ 3 diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 10/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc đã ký bản ghi nhớ liên quan đến BRI với hơn 150 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế, đồng thời thiết lập hơn 20 nền tảng đa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các dự án BRI trên toàn thế giới.
Và nói về sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), thì “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” (DSR) đã trở thành trụ cột với sự tham gia rộng rãi của các công ty công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung ngày càng tăng.
DSR được ra mắt lần đầu dưới dạng khía cạnh kỹ thuật số của BRI vào năm 2015 và được Chủ tịch Tập Cận Bình công bố chính thức tại Diễn đàn BRI năm 2017. Sau đó, tại Hội nghị Internet thế giới lần thứ 4 năm 2017, Trung Quốc, Lào, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã cùng nhau ký thỏa thuận tham gia Sáng kiến Hợp tác quốc tế và kinh tế kỹ thuật số BRI, đánh dấu một chương mới trong sự phát triển của DSR. DSR được quảng bá như một sáng kiến độc lập tại Diễn đàn BRI lần thứ 2 vào năm 2019 và sau đó trở thành một phần quan trọng trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Thời điểm đại dịch COVID-19 toàn cầu, vai trò quan trọng của DSR càng được nâng cao vì nó cho phép vượt qua rào cản vật lý biên giới quốc gia và duy trì sự tăng trưởng ổn định của các dự án BRI ở nước ngoài mà không bị tổn thất đáng kể về đầu tư. Theo Sách trắng về BRI mới được công bố, tính đến cuối năm 2022, Trung Quốc đã ký 17 thỏa thuận hợp tác cụ thể về DSR và 30 bản ghi nhớ thương mại điện tử trên toàn cầu, đồng thời ký Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đầu tư kinh tế kỹ thuật số với 18 quốc gia và khu vực.
Nhìn chung, vị thế của DSR trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc được nâng cao chủ yếu nhờ 2 yếu tố. Yếu tố thúc đẩy là sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc trong những năm gần đây, thúc đẩy các công ty công nghệ nước này khám phá thị trường nước ngoài. Theo Báo cáo chỉ số phát triển thương mại kỹ thuật số BRI năm 2022 do Viện Huaxin, một tổ chức tư vấn trực thuộc nhà nước công bố, quy mô nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc năm 2022 đạt 45.500 tỷ nhân dân tệ (6.370 tỷ USD), chiếm 49,8% GDP của Trung Quốc, với mức tăng hàng năm là 16,2%.
Yếu tố kìm hãm là nhận thức của Trung Quốc về “khoảng cách kỹ thuật số” ở các nước đang phát triển cản trở sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số ở những nước này. Trung Quốc nhận thấy cơ sở hạ tầng kỹ thuật số kém phát triển cản trở nhiều nước đang phát triển tham gia làn sóng chuyển đổi kỹ thuật số toàn cầu. Do đó, DSR là nỗ lực có hệ thống của Trung Quốc nhằm lấp đầy “khoảng trống kỹ thuật số” bằng cách xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các quốc gia tham gia sáng kiến này.
Tuy nhiên, khái niệm DSR có phần mơ hồ do thiếu định nghĩa chính thức. Hầu hết các học giả Trung Quốc đều coi DSR là “nỗ lực xây dựng thương hiệu bao trùm và là câu chuyện để Bắc Kinh thúc đẩy tầm nhìn toàn cầu về một loạt lĩnh vực và dự án công nghệ”. Do đó, DSR bao gồm các thành phần quy chuẩn ngoài việc xuất khẩu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Một trong những ví dụ là “Giải pháp Trung Quốc” cho quản trị mạng toàn cầu được Bắc Kinh tích cực thúc đẩy trong thời gian gần đây. Thành phần cốt lõi của giải pháp này là “chủ quyền mạng” - nghĩa là “tất cả các quốc gia đều có quyền lựa chọn con đường phát triển mạng và mô hình quản trị của riêng mình, cũng như có quyền tham gia một cách bình đẳng vào hệ thống quản trị quốc tế trong không gian mạng”.
“Giải pháp Trung Quốc” khiến phương Tây lo ngại về sự bành trướng của “chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số” thông qua bộ dữ liệu lớn và công nghệ giám sát. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy “nhu cầu về những công nghệ này và cách sử dụng chúng phụ thuộc nhiều vào tình hình chính trị địa phương hơn là đại chiến lược của Trung Quốc”. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có những bước tiến vượt bậc trong việc thiết lập tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu thông qua các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, cũng như các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở nước ngoài nhờ lợi thế về công nghệ tiên tiến như 5G và trí tuệ nhân tạo (AI).
Điều đáng chú ý là tuy DSR nổi lên như một phần của BRI, nhưng nó khác với BRI ở chỗ các công ty nhà nước là các bên liên quan chính của BRI trong khi các bên liên quan chính của DSR lại là các công ty công nghệ tư nhân như Huawei, Tencent, Alibaba và ZTE, vốn thường xuyên nhận được sự hỗ trợ về chính sách để mở rộng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Hơn nữa, các công ty công nghệ Trung Quốc đã thâm nhập thị trường nước ngoài từ lâu trước khi DSR xuất hiện. Do đó, không nên phóng đại động cơ địa chính trị đằng sau DSR vì đó chỉ là sự tiếp nối và mở rộng chiến lược hiện tại của đất nước tỷ dân nhằm mở rộng thị trường cho các công ty công nghệ và củng cố vị thế lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ. Quan điểm này trái ngược với quan điểm thường thấy ở các nhà quan sát phương Tây, vốn cho rằng DSR là nỗ lực của Trung Quốc nhằm định hình lại trật tự kỹ thuật số toàn cầu.