Tương lai của các đội quân “siêu chiến binh”

Thứ Ba, 27/08/2024, 08:07

Một cuộc chạy đua vũ trang mới đang diễn ra trong thế giới quốc phòng: sử dụng công nghệ sinh học để tạo ra những người lính mạnh mẽ hơn.

Quân đội Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu đều đã phát tín hiệu họ đang tích cực tìm hiểu những cách để nâng cao cơ thể binh lính cho chiến trường, xem xét mọi thứ từ cấy ghép và bộ xương ngoài chắc chắn cho đến chỉnh sửa gen. Để làm được điều này, họ đang nhờ đến sự hỗ trợ của các công ty công nghệ tư nhân có sản phẩm sáng tạo mới - trong đó có nhiều công ty khởi nghiệp như Cylensee, LimpidArmor Synchron và Nia Therapeutics.

Trong khi một số nghiên cứu và thử nghiệm đang được thực hiện bởi các cơ quan chính phủ, nhiều công ty tiên phong trong lĩnh vực nâng cao khả năng của con người là những công ty công nghệ trẻ, phát triển nhanh (thường tìm kiếm những ứng dụng phi quân sự). Điều này khuyến khích ngành quốc phòng tham gia vào nền kinh tế mới nhằm duy trì sự phù hợp khi chiến tranh thay đổi trên toàn thế giới.

Một báo cáo năm 2019 của Bộ Quốc phòng Mỹ có tựa đề “Người máy chiến binh 2050: Sự hợp nhất giữa con người và máy móc và ý nghĩa đối với tương lai của Bộ Quốc phòng” nêu ra bốn lĩnh vực nâng cao khả năng của con người có thể thực hiện được vào năm 2050.

Tương lai của các đội quân “siêu chiến binh” -0
Trong các cuộc tập trận ở Đức, chỉ huy Trung đội của Lữ đoàn Không quân 173 sử dụng thiết bị người dùng cuối (máy tính bảng) để truyền thông tin đến chỉ huy Đại đội thông qua mạng chiến thuật.

Tầm nhìn ban đêm siêu phàm?

Phần đầu tiên của báo cáo Cyborg Soldier 2050 nói về công nghệ thị giác tăng cường như bước đầu tiên trong quá trình tạo ra siêu chiến binh. Báo cáo đề cập đến “sự cải thiện của mắt đối với khả năng hình ảnh, thị giác và nhận thức tình huống” trong khi cũng đề cập đến khả năng thay thế nhãn cầu của binh lính - truyền dữ liệu “trực tiếp vào bó dây thần kinh thị giác phía sau mắt”.

Cho đến nay, thứ gần nhất với đề xuất mang tính tương lai về nhãn cầu sinh học này đến từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nơi phát triển con mắt nhân tạo sử dụng cảm biến ánh sáng nano mô phỏng các thụ thể ánh sáng trên võng mạc của con người. Con mắt nhân tạo này thậm chí còn chưa được thử nghiệm trên động vật. Nhưng trong thế giới của công ty công nghệ mới Pixium Vision có trụ sở tại Paris, được thành lập năm 2011, đã phát triển một loại cấy ghép dưới võng mạc phục hồi thị lực cho một bệnh nhân mù như một phần của thử nghiệm lâm sàng.

Báo cáo của quân đội Mỹ cho rằng công nghệ này có thể được sử dụng để cung cấp cho binh lính khả năng tiếp cận quang phổ mà con người không thể nhìn thấy - chẳng hạn như tia hồng ngoại hiện đang được sử dụng trong kính nhìn ban đêm. Tác động võng mạc của Pixium Vision sử dụng tia hồng ngoại làm nguồn thông tin thị giác cung cấp cho bệnh nhân và nhà sáng lập kiêm chủ tịch Bernard Gilly cho biết khả năng tăng cường thị lực bằng tia hồng ngoại là có thể, ngay cả khi điều đó không hẳn là một ý tưởng hay.

Bernard Gilly nói: “Đó là một ứng dụng đặc biệt thú vị của những miếng ghép võng mạc này, nhưng tôi nghĩ ở một mức độ nào đó, hiện tại nó vẫn còn là một chút khoa học viễn tưởng. Một điều khá đáng sợ về miếng ghép võng mạc cho mục đích sử dụng đó là nó là một chuyến đi một chiều. Khi bạn có được một miếng ghép võng mạc, mọi thứ đã xong. Bạn có thể tháo miếng ghép ra nhưng võng mạc sẽ bị phá hủy”. Báo cáo Cyborg Soldier 2050 thừa nhận những người lính có đôi mắt khỏe mạnh sẽ không muốn mạo hiểm như vậy, nhưng nói rằng đây có thể là một lựa chọn khả thi cho những người bị thương ở mắt.

Tương lai của các đội quân “siêu chiến binh” -0
Công nghệ hoàn hảo cho người lính hoàn hảo.

Tia nhắm laze

Cơ quan các dự án nghiên cứu tiên tiến quốc phòng Mỹ (DARPA) vẫn chưa liên hệ với Pixium Vision về mô cấy dưới võng mạc, nhưng có những dự án tăng cường thị giác khác ở châu Âu đang thu hút sự chú ý của họ. Năm 2015, École Polytechnique Fédérale de Lausanne của Thụy Sĩ thông báo Lầu Năm Góc đã tài trợ cho nghiên cứu phát triển kính áp tròng viễn vọng cho tầm nhìn xa. Chỉ cần chớp mắt, kính áp tròng có thể phóng đại tầm nhìn của người đeo lên 2,8 lần, mặc dù sau đó nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo công nghệ này sẽ hữu ích đối với những người mắc bệnh tăng nhãn áp hơn là những siêu chiến binh sinh học. Tuy nhiên, điều đó không làm DARPA nản lòng.

DARPA hiện đang quan tâm đến Cylensee - một công ty khởi nghiệp mới của trường đại học công nghệ Pháp IMT Atlantique, nơi phát triển kính áp tròng có tích hợp đèn laser. Jean-Louis de Bougrenet de la Tocnaye, nhà nghiên cứu chính của dự án, chia sẻ ông đang liên lạc chặt chẽ với Microsoft, công ty đang hợp tác với Lầu Năm Góc phát triển phiên bản kính thực tế tăng cường Hololens dành cho chiến trường.

Theo de Bougrenet de la Tocnaye, thấu kính chỉ laser của Cylensee có thể hữu ích với Microsoft trong việc cải thiện hệ thống theo dõi mắt và giao diện menu trong tai nghe. Tocnaye giải thích: “Nếu bạn so sánh với máy theo dõi mắt tiêu chuẩn sử dụng xử lý hình ảnh để phát hiện hướng nhìn, thì việc sử dụng con trỏ laser có rất nhiều lợi thế. Đầu tiên là độ chính xác vì nó không phụ thuộc vào xử lý hình ảnh. Bạn chỉ cần phát hiện một chùm tia liên quan đến chuyển động của mắt, vì vậy đây là cách rất trực tiếp và chính xác để đo hướng nhìn”.

Độ chính xác trở thành vấn đề sống còn thực sự nếu những chiếc tai nghe này được đưa vào chiến trường, vì công nghệ theo dõi mắt được sử dụng để chỉ định mục tiêu cho những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. De Bougrenet de la Tocnaye cho biết kính áp tròng laser cũng giúp giảm độ cồng kềnh của tai nghe vì chúng không cần thêm phần cứng theo dõi mắt trên kính bảo hộ.

Tương lai của các đội quân “siêu chiến binh” -0
Tai nghe Hololens dành cho quân đội Mỹ của Microsoft đang được thử nghiệm.

Cấy ghép cảm biến dưới da

Báo cáo Cyborg Soldier 2050 của DARPA đề cập đến một lĩnh vực nghiên cứu khác có thể đưa việc tăng cường cơ thể tiến xa hơn vào lĩnh vực khoa học viễn tưởng. Nghiên cứu này cho rằng binh lính được cấy ghép cảm biến dưới da để tạo thành “mạng lưới cảm biến bộ đồ quang di truyền”, cho phép điều khiển tứ chi của binh lính từ xa, giúp binh lính mới hoàn thành những nhiệm vụ phức tạp vượt quá khả năng của họ. Optogenetics là một kỹ thuật sinh học chỉ mới được thử nghiệm trên người gần đây, sử dụng ánh sáng kích thích tế bào thần kinh, điều chỉnh chức năng của chúng. Một nhóm nhà khoa học tại MIT sử dụng phương pháp kiểm soát tế bào thần kinh này tác động đến chuyển động của các chi và giảm tình trạng mệt mỏi cơ ở chuột; nhưng nghiên cứu này vẫn đang trong giai đoạn đầu.

GenSight Biologics có trụ sở tại Paris là một công ty công nghệ sinh học khác do Bernard Gilly của Pixium Vision thành lập, sử dụng công nghệ quang di truyền phát triển phương pháp điều trị các bệnh đe dọa thị lực, đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được sử dụng trên người. Gilly tin rằng việc sử dụng quang di truyền trên tế bào thần kinh trong mắt người dễ hơn nhiều so với trên cơ, vì chúng đã thích nghi để tiếp nhận tín hiệu ánh sáng, nhưng về mặt lý thuyết, tầm nhìn của quân đội Mỹ có thể khả thi vào năm 2050. Gilly tuyên bố: “Khi bạn nói về việc quân đội sử dụng quang di truyền để bổ sung thêm các chức năng cho cơ, tôi nghĩ điều đó có thể xảy ra trong 20 hoặc 30 năm nữa, nhưng hiện tại thì điều đó là không thể”.

Tương lai của các đội quân “siêu chiến binh” -0
Nhãn cầu nhân tạo đầu tiên trên thế giới.

Giao tiếp với não người

Một lĩnh vực nghiên cứu khác được đề cập trong báo cáo Cyborg 2050 là giao diện não-máy tính, cho biết một ngày nào đó, binh lính sẽ có thể điều khiển máy móc chiến trường bằng suy nghĩ và trực tiếp nhận thông tin từ máy bay không người lái và nhiều nguồn khác. DARPA đã tài trợ cho một số công ty khởi nghiệp về giao diện não-máy tính có trụ sở tại Mỹ, chẳng hạn như Synchron và Nia Therapeutics, nhưng một số công ty châu Âu trong lĩnh vực này hiện có vẻ tập trung nhiều vào ứng dụng y tế hơn là điều khiển vũ khí đọc suy nghĩ. Ví dụ, công ty khởi nghiệp BIOS có trụ sở tại Cambridge (Anh) đang phát triển phương pháp để hiểu và thiết lập lại mối liên hệ giữa não và các cơ quan khác nhau của cơ thể, với mục đích điều trị một số bệnh như bệnh Crohn theo những cách mới.

Trong khi đó, InBrain có trụ sở tại Barcelona đang phát triển các cấy ghép thần kinh dựa trên graphene để điều trị bệnh Alzheimer các chứng mất trí nhớ khác. Một nhà sáng lập giao diện não-máy tính người châu Âu, người không muốn nêu tên trong bài viết này, cho biết hầu hết các công ty có trụ sở tại Mỹ nhận tiền từ DARPA đều tuyên bố làm như vậy để nghiên cứu phục hồi trí nhớ và phương pháp điều trị PTSD.

Báo cáo Cyborg 2050 cho biết mặc dù tính xâm lấn và khả năng không thể đảo ngược của cấy ghép thần kinh có thể không được một số binh lính chấp nhận, nhưng quân đội trong lực lượng đặc biệt, chẳng hạn như đặc nhiệm Navy Seals của Mỹ, có thể “có xu hướng chấp nhận những công nghệ này hơn”.

Tương lai của các đội quân “siêu chiến binh” -0
Kính áp tròng của Cylensee.

Ba lô phản lực và sức mạnh siêu phàm

Đây không hẳn là sự tăng cường của con người vì công nghệ này chỉ có thể đeo được, bao gồm một động cơ đeo như ba lô và bộ đẩy gắn vào cánh tay. Nhưng ba lô phản lực của Gravity Industries đang mang đến khả năng bay thực sự giống Iron Man (Người Sắt) cho quân đội. Hải quân Hoàng gia Anh đã thử nghiệm ba lô phản lực cho phép binh lính lên tàu trên biển bằng chuyến bay theo phong cách Người Sắt. Công ty cũng đã hợp tác với Lực lượng tác chiến đặc biệt hàng hải Hà Lan để thử nghiệm bộ đồ.

Tổng giám đốc điều hành Gravity Industries là Richard Browning cho biết công ty khởi nghiệp này đang làm việc với 6 đơn vị lực lượng đặc biệt khác nhau, tại Anh và nước ngoài. Ngoài ra, công nghệ này còn có nhiều ứng dụng dân sự, bao gồm công tác cứu hộ trên núi cũng như hiệu ứng đặc biệt của phim, nhưng công nghệ cho phép bay trong vài phút này rõ ràng thu hút sự quan tâm của những người lính lực lượng đặc nhiệm.

Browning nói: “Không có cách nào khác có thể di chuyển con người theo cách này, vượt qua chướng ngại vật, vượt qua mặt nước”. Hệ thống chạy bằng nhiên liệu phản lực và đẩy ra nhiệt độ và tiếng ồn dữ dội khi động cơ khởi động. Cũng cần phải mất một số công sức để học cách có được góc và lực đẩy phù hợp để cất cánh. Trên thực tế, một trong những hoạt động mà Gravity Industries kiếm được tiền là điều hành một trường đào tạo bay tại căn cứ của mình ở Goodwood tại Chichester.

Ngoài ra còn có hàng chục công ty khởi nghiệp đang sản xuất bộ xương ngoài giúp cơ thể con người khỏe hơn và nhanh hơn. Tại Mỹ, một chương trình phát triển bộ đồ liền thân TALOS tăng cường thị lực và chống đạn một phần đã bị ngừng gần đây. Nhưng khái niệm bộ xương ngoài khiêm tốn hơn, giúp giảm bớt áp lực cho các bộ phận khác nhau của cơ thể - như lưng, chân hoặc tay - vẫn đang tiếp tục.

Nhiều nhà sản xuất bộ xương ngoài của châu Âu đang tập trung vào liệu pháp y tế, nhưng một số ít đang thiết kế bộ xương ngoài để sử dụng rộng rãi hơn trong sản xuất và có khả năng sử dụng trong quân sự. Bộ xương ngoài do công ty khởi nghiệp Laevo của Hà Lan sản xuất đang được thử nghiệm trong các kho của Hải quân Hà Lan. Việc tăng cường sức mạnh cho binh lính là chủ đề gây tranh cãi ở châu Âu, với các quốc gia như Pháp rõ ràng không làm bất cứ điều gì không thể đảo ngược.

Vẫn còn rất nhiều công nghệ giúp tăng cường thị lực, sức mạnh và sự nhanh nhẹn. Nhiều công ty khởi nghiệp tập trung nhiều hơn vào mục đích y tế - và không muốn thảo luận về các ứng dụng quân sự tiềm năng. Nhưng đây là những công nghệ mà các Bộ Quốc phòng châu Âu sẽ cần khai thác để phát triển các chương trình siêu chiến binh của họ.

Diên San (Tổng hợp)
.
.