Ứng dụng smartphone giúp người mù nhận thức thế giới xung quanh

Thứ Tư, 30/03/2016, 12:30
Lần đầu tiên sử dụng ứng dụng smartphone mang tên Aipoly Vision, Mark Edwards đã bật khóc. Edwards, năm nay 56 tuổi, bị mù mắt từ lúc chào đời, ký hợp đồng một năm thử nghiệm ứng dụng Aipoly Vision được cho là giúp người khiếm thị “nhìn thấy” thế giới xung quanh họ.


Edwards trình bày: “Khi ứng dụng thông báo cho tôi biết về những gì hiện diện xung quanh tôi, tôi đã bật khóc vì quá đỗi vui mừng”. Ngoài ra, ứng dụng này cũng hữu ích cho cả những người mù màu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới có 285 triệu người có vấn đề về thị giác, trong đó 39 triệu người mù và 246 người khác có thị giác kém. Do đó người ta rất cần đến giải pháp công nghệ để giúp những người bất hạnh này.

Aipoly Vision mô tả nhãn hiệu hàng hóa cho người khiếm thị.

Những người đầu tiên sử dụng Aipoly Vision mô tả ứng dụng này cùng với những chiếc ô tô tự hành - hứa hẹn thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người khiếm thị trong tương lai. Aipoly Inc. là công ty ra đời từ tổ chức Singularity University (Đại học Kỳ dị) ở California (Mỹ) – một viện được thành lập năm 2008 tại Công viên Nghiên cứu NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ) với mục đích sáng tạo ra “những công nghệ tiềm năng nhằm giải quyết những thách thức to lớn của nhân loại” - giới thiệu ứng dụng Aipoly Vision kết hợp những tiến bộ mới nhất về công nghệ trí thông minh nhân tạo cùng với công nghệ tiêu chuẩn có trong chiếc điện thoại thông minh iPhone.

Có thể dễ dàng tải về Aipoly Vision ở bất cứ smartphone nào có đăng ký trên trang web của Công ty Aipoly. Sử dụng Aipoly Vision cũng rất đơn giản - người dùng chỉ cần hướng camera chiếc điện thoại về phía bất cứ đồ vật thường ngày nào là ứng dụng sẽ lập tức thông tin về nó. Nói cách khác, ứng dụng giúp cho người dùng khiếm thị cảm nhận được mọi chi tiết (hình dạng, màu sắc, kích thước v.v…) về món đồ.

Ứng dụng phân biệt được hàng trăm màu sắc và khoảng một ngàn vật thể khác nhau.

Marita Cheng, một trong những người sáng tạo ứng dụng, cho biết: “Ban đầu khi mới nảy ra ý tưởng, chúng tôi nói chuyện với 88 người mù và hỏi họ muốn điều gì nhất. Chúng tôi phát hiện họ muốn biết về những thứ xung quanh họ”. Trước khi Aipoly Vision ra đời, người khiếm thị sử dụng cuộc gọi video để nhờ người khác giúp nhận diện vật thể, song điều đó làm tốn khá nhiều thời gian.

Cheng giải thích: “Hệ thống của chúng tôi có thể nhận diện 3 vật thể trong 1 giây”. Hơn nữa, Aipoly Vision không xâm phạm quyền riêng tư người dùng bởi vì – theo Cheng – “không ai biết bạn đang nhìn vào cái gì”. Phiên bản ứng dụng mà Edwards đang thử nghiệm có thể xác định khoảng 1.000 vật thể và bất cứ màu sắc nào. Bản cập nhật dự kiến phát hành vào cuối tháng 3-2016 sẽ nhận diện được khoảng 5.000 vật thể. Một điều thú vị là người dùng có thể giúp Aipoly Vision “học hỏi” thêm về những vật thể khác mà ứng dụng chưa nhận biết được để từ đó mở rộng bộ sưu tập vốn có sẵn.

Ứng dụng Aipoly Vision không chỉ mô tả vật thể mà còn về mối tương quan. Ví dụ, một người đang đạp xe đạp sẽ được ứng dụng mô tả là “người”, “đang đạp xe” và “chiếc xe đạp”; chứ không chỉ là “người” và”xe đạp”. Nhờ đó mà người dùng hiểu rõ hơn về tình huống. Dự kiến trong tương lai, Công ty Aipoly Inc. sẽ phát triển phiên bản ứng dụng mô tả được những cảm xúc cũng như tình huống phức tạp hơn nữa.

Tuy nhiên, ứng dụng vẫn có một số hạn chế nhất định. Ví dụ đối với phim hoạt hình về siêu nhân, ứng dụng hiểu được đó là siêu anh hùng đến Trái đất từ hành tinh Krypton song không thể mô tả cho người dùng biết chính xác siêu nhân đang làm gì. Ứng dụng cũng hiểu được logo của các nhãn hiệu hàng hóa khác nhau song cũng dễ nhầm lẫn lon CocaCola và lon bia Coors - một nhầm lẫn có thể gây nguy hiểm! Bất chấp những hạn chế, Aipoly Vision vẫn có được 35.000 lượt tải về smartphone từ kho App Store của Apple.

Một điều gây ngạc nhiên không ít cho đội ngũ chuyên gia sáng tạo Aipoly Vision là ứng dụng này hết sức phổ biến ở Nhật Bản, với trên 8.000 lượt tải về kể từ đầu năm 2016. Hóa ra là, những người Nhật Bản (không hề bị khiếm thị) sử dụng ứng dụng để… học tiếng Anh! Simon Edwardsson, đồng sáng lập công ty Aipoly Inc., nhận xét: “Ứng dụng phát âm tiếng Anh với dấu giọng chuẩn đển mức nó được sử dụng để học ngôn ngữ này. Có lẽ, đó là yếu tố mà chúng tôi sẽ nghiên cứu khai thác thêm trong tương lai”.

Đối với Mark Edwards, Aipoly Vision hiện nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông. Ứng dụng cho phép Edwards tìm hiểu thế giới xung quanh theo cách mà trước đó không bao giờ có được. Edwards tâm sự: “Khi bước đi trong thành phố, ứng dụng mô tả cho tôi biết phía trước là những vật thể gì; đó là đèn tín hiệu giao thông hay một hộp thư. Aipoly Vision đã thay đổi hẳn cuộc sống của tôi”.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.